Frank Miller là một người vô cùng đa tài, trang Wikipedia ghi nhận ông là nhà văn, tác giả kịch bản (kịch bản truyện tranh lẫn kịch bản điện ảnh), họa sĩ dựng hình, họa sĩ đi nét, đạo diễn phim… và cả diễn viên. Ở lĩnh vực nào Miller cũng thể hiện tài năng thiên bẩm và để lại nhiều dấu ấn. Thành công của ông bắt nguồn từ sự táo bạo, dám nghĩ dám làm, phá vỡ các định kiến rập khuôn. Frank Miller thuộc lớp họa sĩ tiên phong trong lĩnh vực truyện tranh dành cho người lớn, phá vỡ định kiến cho rằng “truyện tranh chỉ dành cho trẻ em”.
Các tác phẩm của Frank Miller gây ấn tượng bởi phong cách trực quan, gai góc và u tối, với những diện biến phức tạp và có chiều sâu trong cốt truyện cũng như nội tâm nhân vật, đặc biệt ông thường xoáy sâu vào những góc khuất, những suy nghĩ đen tối trong tâm lý con người (cả người hùng lẫn ác nhân) mà ít có tác giả truyện tranh nào dám đề cập trước đó. Việc không thiếu những yếu bạo lực và tình dục khiến cho truyện tranh của ông chắc chắn không dành cho các bạn dưới 18 tuổi. Tuy vậy với những người trưởng thành yêu truyện tranh khắp thế giới, Frank Miller được xem như một vị “Thần trong đền thờ Bách Thần” DC Comics. Để hiểu được tầm quan trọng của Miller trong thế giới truyện tranh, có lẽ cần phải biết qua lịch sử xuất bản của một trong những người hùng có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại: Người Dơi – Batman.
[spacer]
Từ “Na na na na Batman!” đến “The Dark Knight”
Batman được sáng tạo ra bởi họa sĩ vẽ truyện tranh Bob Kane và tác giả kịch bản Bill Finger, xuất hiện lần đầu trong cuốn Detective Comics số 27 (tháng 5 năm 1939). Không như các siêu anh hùng khác, Batman không có bất kỳ một siêu năng lực nào mà chỉ chiến đấu chống tội phạm dựa vào kỹ năng chiến đấu của bản thân cộng với nhiều loại vũ khí công nghệ cao và kỹ năng điều tra siêu việt. Ngay khi vừa ra đời, Người Dơi đã trở thành một trong những nhân vật được yêu thích nhất của DC Comics, có được tựa truyện của riêng mình.
Nhưng chỉ sau một thập kỷ, người ta bắt đầu nhàm chán Người Dơi do cốt truyện trở nên quá trong sáng, lố bịch và bị đánh giá tình tiết không có biến tấu gì quá đột biến.
Bài hát nhạc nền của phim Batman thường bị đem làm trò đùa do tiết tấu trẻ con và…khá ngớ ngẩn
Phải đến tân năm 1986, những nỗ lực đưa cốt truyện Batman trở lại không khí u tối ban đầu của DC Comics mới thành công, tiêu biểu bộ truyện Batman: The Dark Knight Returns do Frank Miller sáng tác.
Bìa tập 1 truyện Batman: The Dark Night Returns do Frank Miller vẽ, đây cũng là nguồn cảm hứng cho đạo diễn Christopher Nolan làm nên series phim ba phần The Dark Knight cực kỳ ăn khách.
Năm 1989, Tim Burton góp phần giúp công chúng yêu thích Người Dơi hơn với bộ phim điện ảnh Batman thứ hai trong lịch sử (phim đầu tiên là chuyển thể từ serie phim truyền hình năm 1966) với Micheal Keaton thủ vai Người Dơi và Jack Nicholson thủ vai Joker (đây cũng là 1 trong những hình tượng Joker ấn tượng nhất, nhiều fan gạo cội đến nay vẫn giữ nguyên quan điểm Joker của Nicholson xuất sắc hơn Health Ledger). Từ đây Batman chính thức trở thành một hình tượng huyền thoại, được đưa vào vô số ấn phẩm khác từ phim ảnh, tiểu thuyết, chương trình radio, game…v.v…
[spacer]
Truyện tranh không chỉ dành cho trẻ nhỏ
Có thể nói chính Frank Miller là người làm hồi sinh Batman khi người hùng này tưởng như sắp chìm vào quên lãng. Không những thế, ông còn cứu cả đế chế DC Comics khỏi cuộc khủng hoảng thiếu hụt ý tưởng và đi vào ngõ cụt bằng việc góp công lớn xây dựng dòng truyện tranh riêng dành cho người trưởng thành. Miller không phải là họa sĩ đầu tiên hay duy nhất hướng đến dòng truyện tranh này, nhưng ông là người để lại dấu ấn đậm nét nhất. Các bộ truyện được gắn mác “do Frank Miller vẽ” như Hiệp sĩ mù – Daredevil, Nữ sát thủ – Elektra, Thành phố tội lỗi – Sin City hay chính Người dơi – Batman đều gây ấn tượng mạnh và kích thích sự hứng thú của độc giả bởi nét vẽ sắc sảo, chiều sâu tâm lý nhân vật và lối dẫn truyện “trần trụi” độc đáo, dám đi vào những vấn đề mà phần lớn các tác giả khác tránh đề cập như sự tha hóa của con người (Daredevil, Batman), sự mục ruỗng của xã hội (Sin City), những mặt tối ngay trong chính suy nghĩ của những người hùng (Elektra, Batman).
Ngoài Hiệp sĩ bóng tối – The Dark Knight, hai tác phẩm khác do Frank Miller vẽ cũng được chuyển thể thành phim và thành công vang dội là Sin City và 300 (hợp tác với Lynn Varley). Trong đó Thành phố tội lỗi – Sin City được ca ngợi đặc biệt bởi phong cách neo-noir (dòng phim noir hiện đại – thể hiện dòng hồi tưởng nối tiếp với những diễn biến hiện tại phức tạp, phông nền u tối và đặc biệt nhấn mạnh những hành động có sự nhập nhằng giữa các chuẩn mực đạo đức, những đam mê tình dục mạnh mẽ – chắc chắn không dành cho trẻ em).
Dù cho có rất nhiều ý kiến trái chiều về các tác phẩm của ông, nhưng không thể phủ nhận rằng với tài năng và tính cách mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, Frank Miller chính là một họa sĩ thiên tài, người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nhì đến lịch sử ngành công nghiệp truyện tranh thế giới.
[spacer]
Hồ sơ
Frank Miller ( Sinh ngày 27 tháng 1 năm 1957) là nhà văn, họa sĩ, và đạo diễn điện ảnh người Mỹ nổi tiếng với các tác phẩm truyện tranh và tiểu thuyết bằng hình mang hơi hướng u tối như Ronin, Daredevil: Born again, The Dark Knight Returns, Sin City, và 300. Ông cũng là đạo diễn phiên bản điện ảnh của The Spirit, đồng đạo diễn với Robert Rodriguez các phim Sin City, Sin City: A dame to kill for và là nhà sản xuất của phim 300. Frank Miller cũng được ghi nhận là người sáng tạo ra nhân vật truyện tranh Elektra nổi tiếng. Năm 2015, Miller được vinh dự ghi nhận vào Comic Book Hall of Fame (danh sách những nhân vật thành danh nhất trong ngành truyện tranh) của giải thưởng Eisner Award dành cho dân trong nghề.
(trích Wikipedia)
>>> Tìm hiểu thêm: Hergé – Cha đẻ chàng phóng viên Tintin
Như Hoàng – dịch và tổng hợp