phim hoạt hình Takahata Isao

Đạo diễn phim hoạt hình Takahata Isao và Ngôi Mộ của Những Con Đom Đóm

07/04/2018

Takahta Isao – cây đại thụ phim hoạt hình Nhật Bản

Giới mộ điệu của phim hoạt hình Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung đã gần như cạn khô nước mắt dành cho sự qua đời của Takahata Isao, một trong hai người “cha đẻ” của studio Ghibli lừng danh. Tiếc thương cho sự mất mát ấy, xin chia sẻ bài viết của Lạc An, giảng viên tại Viện Truyện tranh và Hoạt hình Việt Nam.

 Cùng với Miyazaki, Takahata là người đồng sáng lập ra hãng phim hoạt hình huyền thoại Ghibli – nơi cho ra đời những bộ phim hoạt hình đầy tính nhân văn trong lịch sử phim hoạt hình thế giới. Những tác phẩm của Takahata, nếu chỉ dùng từ “phim hoạt hình” để mô tả thì không đủ, vì nó đẹp đến từng khoảnh khắc, chân thực đến từng chi tiết và sâu sắc đến đau lòng. Đó chính là điểm tận cùng của nghệ thuật, vì suy cho cùng, nghệ thuật chính là viết lại cuộc sống có niềm vui, hạnh phúc, hoan lạc, dằn vặt, đớn đau,… bằng thứ ngôn ngữ trần trụi hơn cả sự thật, chẳng sắc, mà cứa vào tận sâu vào những trắc ẩn của lòng người.

đạo diễn takahata isao

Những cây đại thụ của phim hoạt hình Nhật Bản ( Takahata bìa phải)

1.Từ người đạo diễn tài hoa với trái tim nhạy cảm…

Phim của Takahata dường như đều không có xung đột, tất cả chỉ là câu chuyện tuyến tính với những góc camera đẹp trên nền nhạc du dương tưởng như kéo dài đến vô tận. Tính nhịp điệu trong câu chuyện gần gũi đến mức đôi lúc mình tưởng rằng mình đang lạc đến một thế giới trần trụi đến kinh ngạc, lạc đến một nơi khác cũng đầy rẫy những khổ đau nhưng cũng chính cái nhịp đều đặn nhẹ nhàng ấy khiến mình lắm lúc cảm thấy bất lực trước những bi kịch của nhân vật và đau lòng trước những vấn đề xã hội vốn dĩ chẳng thể chối từ.

 takahata isao qua đời

Takahata gần như đem toàn bộ chất liệu của cuộc sống vào với một góc nhìn lãng mạn mà sắc đến độ xuyên thấu đến tận cùng những bi kịch của người dân Nhật Bản nói riêng và nhân loại nói chung. Mặc dù phong cách làm phim của Takahata là tập trung vào việc miêu tả chi tiết hiện thực xã hội, nhưng cách nhìn của ông không hề khiến cho người đọc có cảm giác như đang xem một bài học về đạo đức, triết lý và nhân cách; ngược lại, thông điệp của ông được cảm thụ trên cái nền bình dị nhất, nhẹ nhàng nhất, chẳng có bài học cụ thể nào được viết ra trong những thước phim của Takahata, tất cả chỉ là những cảm xúc chen lấn, về sự thật trái ngang, về hạnh phúc trên những thứ khổ đau và khổ đau vẫn hiển hiện trên những điều hạnh phúc.

2. Đến Ngôi một của những con đom đóm làm nức lòng người xem

Một trong những bộ phim của Takahata ám ảnh mình nhất đó chính là “Grave of the Fireflies”, tạm dịch là “Ngôi mộ của những con đom đóm”. Bộ phim kể cuộc sống chật vật hai anh em Seita và Setsuko trong bối cảnh Nhật Bản vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Bằng ngôn ngữ tự sự từ góc nhìn của linh hồn người anh và cách kể chuyện chậm rãi xen lẫn những khoảng lặng bi kịch của chiến tranh và bi kịch của lòng người, bộ phim được Roger Ebert đánh giá là : “ bộ phim hoạt hình nhân văn nhất mà tôi từng xem”.

Bộ phim mở đầu bằng cái chết của người anh, và kết thúc bằng cái chết của người em. Cấu trúc hồi tưởng dự báo cho người xem biết trước một khung cảnh tăm tối về số phận của Seita và Setsuke, điều ấy khiến mình chần chừ khi quyết định xem phim, nhưng rồi, tấm poster về hình ảnh hai đứa trẻ rách rưới giương đôi mắt tròn trĩnh ngây thơ xen lẫn sợ hãi và đôi chút trách móc khiến mình không thể cầm lòng. Mình đã xem phim, đã đắm chìm trong từng thước phim không thừa không thiếu, và đã hoang mang. Vì cái chết đau lòng quá nên mình cứ mải miết đi tìm lý do để đổ lỗi. Do người cô ư? Nhưng giữa cảnh chiến tranh, khi mà chồng và con gái mình còn không đủ ăn, khi mà mỗi tối phải cạo đáy nồi để làm thỏa mãn cái dạ dày đang cồn cào gào thét bằng chút cơm cháy còn sót lại, thì liệu có còn đủ sức để bồng bế thêm hai đứa trẻ chỉ toàn mang lại những điều rắc rối? Trách chính phủ Mỹ ư? Khi mà chính bản thân người Nhật cũng tham chiến và và gieo rắc khổ đau cho cả các dân tộc khác? Trách chính phủ Nhật Bản ư? Khi mà Seito vẫn tự hào vì người ba trên tàu hải quân, khi mà toàn dân tộc Nhật Bản vẫn tự hào vì Nhật Hoàng vĩ đại. Không bao giờ có lời hồi đáp cho cái chết trong chiến tranh.

 Phim hoạt hình mộ đom đóm

Giữa những khổ đau, tấn bi kịch của hai anh em cũng trở nên nhỏ nhoi và chìm nghỉm giữa muôn vàn nỗi đau đớn khác của con người. Nhưng người xem vẫn day dứt, để rồi đau đớn chấp nhận rằng, chẳng ai có lỗi trong nỗi đau này cả. Có chăng chỉ là những nghịch lý trong chính thế giới quan của người Nhật, nơi mà lòng tự trọng được đặt nặng quá đỗi, đến mức chính nó đã dẫn đến cái chết của những số phận nhỏ bé như Seita và Setsuko, và cũng chính nó đã khiến cả đất nước Nhật Bản thiệt hại nặng nề. Đứng trước những xác chết vì đói, người Nhật với lòng kiêu hãnh chẳng chút xót xa, mà chỉ điềm nhiên lo một nỗi: “Người Mỹ mà thấy cảnh này thì sẽ xấu hổ lắm!”. Xót xa làm sao… Kiêu hãnh với thế giới làm gì, khi mà chính người dân Nhật Bản vẫn phải gánh chịu những khổ đau? Bi kịch hơn, ngay cả những con người trực tiếp gánh chịu những khổ đau vẫn gồng mình lên vì lòng kiêu hãnh! Hiện thực ấy, nghịch lý ấy đã được Takahata vạch trần một cách trọn vẹn và đầy ám ảnh.

3. Takahta Isao – cây đại thụ của phim hoạt hình – tình yêu và nghệ thuật

Phim của Takahata luôn đau lòng như vậy, nhưng mình vẫn xem, vì những thước hình đẹp quá, vì cách kể chuyện truyền cảm quá! Mỗi lúc xem phim của ông, mình lại thấy yêu người nghệ sĩ hơn bao giờ hết, vì cái chiều sâu của cuộc sống ông nó đến như nào mới có thể làm được những bộ phim ám ảnh đến tận cùng tâm cảm như vậy? Và mình muốn nói rằng, những người chưa từng xem phim của Takahata thì nên xem lắm, nhất là những người chưa từng hoang mang trong cuộc đời này, vì đôi lúc, cảm giác bị hàng ngàn cảm xúc xâm lấn cũng thú vị theo một cách riêng.

Điều mình buồn nhất, đó chính là sự biến mất của hãng phim Ghibli. Giữa thời đại mà con người làm phim vì doanh thu, lợi nhuận, thì Ghibli dưới sự dẫn dắt của Miyazaki và Takahata vẫn làm phim vì nghệ thuật. Mình yêu điều này, vì đâu đó trên thế giới này vẫn còn những con người đáng quý và những thước phim đầy giá trị. Takahata đã làm phim bằng tình yêu và niềm đam mê của cả cuộc đời. Nhưng, mình buồn vì cũng như bao người Nhật khác, Takahata cũng mắc phải những căn bệnh trầm kha, mà một trong số đó là lòng tự tôn quá mức về dân tộc. Người Nhật không như người Hàn hay người Mỹ, người ta chẳng bao giờ đem giá trị văn hóa của mình ra quảng bá, để nâng tầm ảnh hưởng, họ tin rằng những điểu hay sẽ được thế giới tự tìm đến. Takahata và Ghibli đã tin như vậy, chẳng có bộ phim nào được quảng cáo rầm rộ như Kungfu Panda hay Frozen,… Những bộ phim có doanh thu lỗ khủng khiếp cho dù tính nghệ thuật được đánh giá rất cao đã đẩy Ghibli vào bước đường cùng, và theo dòng chảy thời đại, hãng phim hoạt hình hàng đầu châu Á đã trút hơi thở cuối cùng vào năm 2014.

Nhưng mình không trách Takahata, mình chỉ buồn một chút xíu thôi. Ai lại đi trách người nghệ sĩ khi người ta làm phim vì nghệ thuật bao giờ? Với những ai nuối tiếc cho Takahata thì mình nghĩ, Takahata đã có một cuộc đời hoàn mỹ ấy chứ! Vì làm được những thứ khiến hàng tỷ người day dứt, âu cũng là đáng sống lắm! Nếu mình làm được thứ như Takahata thì có chết cũng cam lòng. Thật đấy!

#LạcAn