Hergé - Georges Remi – cha đẻ của chàng phóng viên Tintin - Comic Media Academy

Hergé – Georges Remi – cha đẻ của chàng phóng viên Tintin

08/10/2015

tin-tin-4

Ngày 22/5/1907, Georges Prosper Remi chào đời tại Etterbeek, Bruxelles, Bỉ trong một gia đình trung lưu. Ngay từ nhỏ, cậu bé đã tỏ rõ thiên hướng hội họa. Tất cả các lề vở của cậu đều chi chít những hình vẽ. Càng lớn, thiên hướng đó càng phát triển. 16 tuổi, Georges trở thành họa sĩ chính cho tờ báo của hội hướng đạo sinh ở trường.

Năm 1920, Georges học trung học tại Institute Saint-Boniface-Parnasse ở Ixelles, và tham gia đội hướng đạo sinh ở trường. Những kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm như: cắm lều trại, làm bếp giữa trời, nhìn sao trời đoán hướng, sơ cấp cứu, giải và truyền tín hiệu Morse, Semaphore… sau này đã trở thành “nguyên vật liệu” quý giá trong sự nghiệp viết và vẽ của Georges. Cũng vào thời gian này, cậu bắt đầu sử dụng bút danh Hergé bên dưới các bức vẽ.

Năm 1925, Georges Remi vào làm việc cho báo Thế kỷ 20. Một năm sau đó, Georges hoàn thành bộ truyện tranh đầu tiên, Những cuộc phiêu lưu của Totor. Nhận thấy tài năng của chàng họa sĩ trẻ, tổng biên tập đã trao cho anh nhiệm vụ vẽ minh họa cho các series truyện tranh trên phụ san dành cho thiếu nhi của báo. Georges chịu trách nhiệm phần hình ảnh, còn phần nội dung do một người khác phụ trách. Nhưng chẳng bao lâu, anh này cạn vốn. Những câu chuyện cứ nhạt dần đi khiến độc giả nhí la ó tơi bời. Để cứu vãn tình thế, Georges được đặt hàng tạo ra một nhân vật hoàn toàn mới. Theo yêu cầu của toà soạn, đó phải là một phóng viên dũng cảm, sẵn sàng đi khắp thế giới để đấu tranh cho cái tốt. Đầu năm 1929, Tintin au pays des Soviets – kể về chuyến đi của chàng phóng viên Tintin và chú cún Snowy (Milou) đến Liên bang Xô Viết – được ra mắt độc giả.

tin-tin-1

Thành công ngoài sức tưởng tượng của Tintin au pays des Soviets đã khiến cuộc phiêu lưu của chàn phóng viên Tintin được kéo dài trên mặt báo đến tận tháng 5/1930, đồng thời giúp Georges, lúc này đã nổi tiếng với bút danh Hergé quyết định sẽ gắn bó lâu dài với nhân vật chàng phóng viên can đảm và chú cún trung thành. Những cuộc phiêu lưu của Tintin đến Congo, Mĩ, Ai Cập, Trung Quốc…đã thu hút hàng chục triệu độc giả trên toàn thế giới. Không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng say mê Tintin.

bao-tang-herge

Trong thời gian đầu, Hergé thường mất tới 1 năm để hoàn thành một tập truyện. Độc giả đọc xong một tập phải chờ dài cổ mới được đọc tập tiếp theo. Thế nhưng không ai bỏ cuộc, ngược lại, sự chờ đợi dường như càng làm tăng thêm niềm háo hức mỗi khi một tập truyện mới ra đời.

[spacer]

Cùng Tintin phiêu lưu khắp thế giới

tin-tin-3

Những chuyến phiêu lưu của chàng phóng viên Tintin cũng đưa tên tuổi Georges Remi bay khắp địa cầu. Les Aventures de Tintin chính là tác phẩm để đời của Hergé, không chỉ đồ sộ mà còn có tầm ảnh hưởng cực kì sâu rộng. Thời đại hoàng kim của comic châu Âu – với tâm điểm là Hergé – cũng được bắt đầu từ đây.

Điểm nhấn lớn nhất của Tintin là quan điểm nhân văn hiện đại, cùng bút pháp châm biếm về các vấn đề lịch sử − chính trị lớn của thế kỉ 20. Đó là những cảm nhận rất thật được viết lại từ vốn sống của chính tác giả và sự nghiên cứu công phu, kĩ lưỡng nhiều vấn đề trong phạm vi rộng của thế giới xung quanh. Trong số đó, Le Lotus Bleu – Bông sen xanh là tác phẩm đánh dấu bước đột phá lớn trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Hergé khi ông ý thức được tính toàn cầu của nhân vật, nâng cao giá trị nhân đạo của lòng can đảm và tình hữu nghị. Vừa qua, một bức vẽ gốc trong tác phẩm Bông sen xanh lập kỷ lục thế giới khi được một nhà sưu tập người châu Á mua lại với giá gần 30 tỷ đồng tại Hong Kong, Trung Quốc.

bức tranh gốc Tin Tin được mua lại với giá hơn 30 tỷ

Hergé và bức tranh gốc được mua lại vơi giá gần 30 tỷ đồng. Bức tranh thể hiện nhân vật chính Tintin đang ngồi xe kéo trên một con đường của Thượng Hải (Trung Quốc) dưới sự theo dõi của cảnh sát. Người mua – một nhà sưu tập châu Á – trả 9,6 triệu đôla Hong Kong để sở hữu bức vẽ đen trắng này. Nguồn: Tuổi Trẻ

tin-tin-2 Bông sen xanh – tập thứ 5 của bộ truyện (Ảnh: Internet)

Tintin cho tới nay vẫn là một thành công lớn, một tượng đài comic được cả thế giới công nhận. Nét thanh tao quyến rũ trong phong cách ligne claire của Hergé đã tạo nên sức ảnh hưởng lớn lao với nhiều thế hệ họa sĩ vẽ truyện tranh sau này. Để vinh danh những đóng góp của Hergé, tên ông đã được đưa vào Comic Book Hall of Fame năm 2003.

Sau những thành công ngoài mong đợi của Tintin, sáng tác truyện tranh đã không còn là thú vui để giết thời gian nữa mà nó đã thực sự trở thành một công việc hết sức nghiêm túc của Hergé. Ông còn có hai bộ truyện tranh khác là Quick et Flupke và Jo, Zette et Jocko, nhưng Tintin vẫn là ánh hào quang rực rỡ nhất, và cũng là… “tai nạn” lớn nhất trong đời Hergé.

[spacer]

Nốt trầm sau Thế chiến thứ II

Thế chiến thứ II nổ ra, Le Vingtième Siècle bị đóng cửa. Để đáp lại lòng hâm mộ và để Tintin có thể tiếp tục phiêu lưu cùng độc giả, Hergé chuyển “nhà” sang tờ Le Soir – một tờ báo có ảnh hưởng tư tưởng của chính quyền Quốc Xã nắm quyền. Bởi thế, phong cách sáng tác của ông cũng phần nào thay đổi:

– Cốt truyện căng thẳng hơn, hành động nhanh hơn (theo yêu cầu của Le Soir);

– Tập trung vào các vấn đề bay bổng, có phần phi thực tế (sao băng, lời nguyền, kho báu…) nhằm “giảm nhiệt” của cuộc chiến.

Thời gian này, về mặt tư tưởng, Hergé không được thoải mái lắm vì ông vốn không ưa gì chủ nghĩa phát xít. Nhưng cuộc sống của ông vẫn khá yên ổn và dư dật nhờ khoản nhuận bút rủng rỉnh. Những khó khăn thật sự chỉ bắt đầu khi chiến tranh kết thúc. Chính phủ đồng minh tiếp quản nước Bỉ đã ra lệnh đình bản Le Soir vì cho rằng tờ báo theo đường lối thân Hitler. Hergé bị bắt và bị thẩm vấn cũng vì nguyên nhân này. Không tìm được chứng cớ xác thực, người ta phải trả lại tự do cho ông. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau ông lại bị bắt lần nữa. Cứ như vậy, trong hai năm sau chiến tranh, Hergé bị bắt đi bắt lại đến 4 lần.

Hergé bị quẳng ra đường với một lệnh cấm vĩnh viễn không được quay lại viết báo. Không một xu dính túi, không việc làm, không tương lai, những năm hậu chiến là quãng thời gian vô cùng khủng khiếp đối với một người chỉ sống bằng ngòi bút như Hergé.

[spacer]

Cái kết buồn của danh họa tài hoa

Ngày 26/9/1946, sau khi Hergé nhận lời đề nghị hợp tác của Raymond Leblanc (một trong những người bạn của ông), số đầu tiên của nhật báo Tintin được xuất bản. Thừa thắng, Hergé không ngừng làm việc trong cả hai vai trò: vừa viết kịch bản vừa vẽ hình. Năm 1948, phong cách hoạt hình của ông đạt đến đỉnh cao của sự thành công, và những kịch bản truyện đã thể hiện rõ chủ nghĩa nhân đạo cùng sự toàn năng. Bốn năm sau, Studio Hergé ra đời cùng với sự cộng tác của hơn 10 nhà văn, nghệ sĩ tài ba và cũng “yêu” Tintin bằng cả bầu nhiệt huyết.

studio-herge

Tuy nhiên, công việc của Tintin Magazine đè nặng đã khiến Hergé phải vắt kiệt cả thể lực lẫn tinh thần, và ông bắt đầu có những dấu hiệu bất ổn về sức khỏe. Không phải chỉ một lần những cơn suy nhược thần kinh liên miên đã buộc ông phải nghỉ ngơi dài hạn. Tệ hại hơn, vết rạn nứt trong “gia đình không tiếng trẻ thơ” của ông ngày càng sâu sắc dẫn đến sự tan vỡ vào năm 1975. Những cơn ác mộng liên tục đó đã bao trùm lên tác phẩm Tintin au Tibet một gam màu tối tăm và dữ dội chưa từng thấy!

Ngày 20/5/1977, Hergé tái hôn với Fanny Vlaminck (một họa sĩ của Studio Hergé) và tiếp tục đưa danh tiếng của Tintin lên tầm cỡ thế giới, mặc cho bệnh tật hành hạ.

Thành công của bộ truyện Tintin biến Hergé thành một người giàu có. Nhờ vậy, ông có thể thực hiện những chuyến du lịch đến nhiều nơi trên thế giới. Trong khoảng 10 năm cuối đời, Hergé đã đến hầu hết những địa điểm mà nhân vật Tintin của ông đã từng qua, từ nước Mỹ đến Đài Loan. Tại đây, ông gặp lại một người bạn cũ người Hoa, nguồn cảm hứng để ông sáng tác Tintin au Tibet – Tintin ở Tây Tạng, tập truyện được cho là thành công nhất trong toàn bộ những tác phẩm về Tintin.

tintin 3

Tại bệnh viện Saint−Luc ở Bruxelles, ngày 3/3/1983, sau một tuần hôn mê, quãng đời đầy khổ sở của Hergé đã chấm dứt bằng cái chết đầy uẩn khúc. Khi đó, ông đang viết dở tập truyện mới. Tác phẩm dang dở này đã được xuất bản năm 1986 dưới dạng tập hợp các bản phác họa và ghi chép chưa hoàn chỉnh. Với di nguyện không muốn ai viết tiếp Tintin, chuyến đi cuối cùng (thứ 24) của chàng phóng viên trẻ Tintin đành dang dở trong sự tiếc nuối khôn nguôi của bao thế hệ độc giả…

[spacer]

“Nghệ sĩ của thế kỉ 20”

Herge-2

Vào ngày 20/12/2006, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Hergé, trung tâm văn hóa Pompidou tại Paris đã khai mạc cuộc triển lãm đặc biệt về các bản tranh của ông. Và trong suốt năm 2007, rất nhiều hoạt động đã diễn ra từ châu Âu cho đến Bắc Mỹ.

Ngày 22/5/2009, Bảo tàng Hergé được khánh thành nhằm vinh danh “người cha đẻ của Tintin”. Trong khuôn viên 2.000m2 của bảo tàng, khách tham quan có thể tìm thấy nhiều tài liệu như: bản phác họa gốc, phác họa chi tiết, ảnh, phim về cuộc đời và các tác phẩm… của Hergé.

tintin-adventure

Tháng 6/2010, buổi bán đấu giá gồm 200 vật phẩm của Hergé tại Pháp đã thu về 1,3 triệu USD. Trong đó, hai vật cao giá nhất là bản gốc của tập King Ottokar’s Sceptre có từ năm 1938 (243,750 Euro) và bức tượng đồng Tintin đứng cạnh Milou (125,000 Euro).

Cùng với “vị đại sứ xuất sắc” Tintin (theo lời vua Albert Đệ nhị) của vương quốc Bỉ, Hergé − Georges Rémi xứng đáng được gọi là “Nghệ sĩ của thế kỉ 20” của nghệ thuật thứ chín: truyện tranh!

>>> Bạn đã từng đọc Slam Dunk? Tìm hiểu ngay về tác giả Inoue Takehiko

Như Hoàng dịch và tổng hợp