Hiếm có bộ tranh truyện nào đủ sức làm say mê nhiều thế hệ độc giả đến hơn nửa thế kỷ như Lucky Luke của họa sĩ Morris.“Dù là truyện cao bồi nhưng Lucky Luke không hề bạo lực; dù là hài hước nhưng cũng không phải xem để cười rồi thôi, mà câu chuyện của anh chàng chăn bò còn cho độc giả khám phá cả lịch sử của miền Viễn Tây vào hồi thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Chính những giá trị đó mới làm cho bộ truyện có sức sống vượt thời gian và được công chúng khắp thế giới yêu thích”– Nguyễn Hữu Thiện, chủ nhiệm CLB những người hâm mộ Lucky Luke.
[spacer]
Morris – Maurice de Bevere, danh họa người Bỉ đem miền Viễn Tây nước Mỹ đến với thế giới
Họa sĩ người Bỉ Morris – tên thật là Maurice de Bévère (Ảnh: Internet)
Bộ truyện tranh Lucky Luke do họa sĩ người Bỉ Morris – tên thật là Maurice de Bévère, ông sinh ngày 1 tháng 12 năm 1923 tại Kortrijk, Bỉ.Từ năm 17 tới 19 tuổi, Maurice theo học vẽ qua thư từ do Jean Image hướng dẫn. Năm 20 tuổi, ông bắt đầu làm việc tại xưởng hoạt hình Compagnie Belge d’Actualités (CBA) của Bỉ. Tại đây, Morris quen biết với Peyo, André Franquin, Eddy Paape, những tác giả kịch bản truyện tranh. Từ năm 1945, Maurice trở thanh họa sĩ chính chuyên vẽ trang bìa và minh họa cho báo Le Moustique, tờ báo hài hước nổi tiếng của Bỉ khi đó.
Morris bắt đầu sáng tác từ năm 1964, với sự cộng tác của tác giả René Goscinny nổi tiếng trong làng truyện tranh Pháp từ những năm cuối thập niên 50. Bộ truyện đến nay đã đạt con số phát hành 270 triệu bản, được chuyển sang 32 ngôn ngữ trên thế giới – lập kỷ lục truyện tranh cao bồi của Âu Mỹ. Tác phẩm cũng từng được chuyển thành phim hoạt hình, phim điện ảnh làm cả thế giới say mê. Hình tượng các nhân vật Lucky Luke, chú ngựa hài hước Jolly Jumper và chú cún ngốc nghếch Ran Tan Plan được dựng tại nhiều công viên giải trí lớn ở khắp các nước châu Âu.
Với tập truyện Lucky Luke nổi tiếng, ông được xem là một trong những tác giả truyện tranh lớn nhất thế giới.
Giáng sinh năm 1946, nhân vật Lucky Luke lần đầu tiên được Maurice cho xuất hiện trong sách lịch Spirou 194 với Câu truyện Arizona 1880. Và cũng bắt đầu từ nhân vật này ông dùng nghệ danh Morris. Từ năm 1948, Morris chuyển sang sống tại Mỹ và vẽ truyện hài cho một số tạp chí ở đây. Tuy vậy, vẫn tiếp tục với nhân vật chàng cao bồi Lucky Luke, ông gửi các bản thảo của mình cho ban biên tập của Spirou. Năm 1949, nhà xuất bản Dupuis của Bỉ cho xuất bản tập truyện tranh Lucky Luke đầu tiên Mỏ vàng của Dig Digger. Và cũng trong thời gian ở Mỹ, Morris làm quen với René Goscinny, người sẽ là tác giả kịch bản của rất nhiều tập truyện Lucky Luke sau này.
Năm 1955, Morris trở về Bỉ tiếp tục sáng tác truyện tranh. Lucky Luke được nhà xuất bản Dupuis phát hành trong 19 năm rồi sau đó, năm 1968 được nhà xuất bản Dargaud của Pháp tiếp tục. Các tập truyện Lucky Luke dành được thành công liên tiếp. Sau khi René Goscinny mất vào năm 1977, Morris còn hợp tác cùng một số tác giả kịch bản khác.
Từ năm 1987, song song với Lucky Luke, Morris cùng sáng tác các tập truyện tranh về Rantanplan – chú chó ngốc nghếch trong Lucky Luke.
[spacer]
Gã cao bồi nghèo đơn độc, rong ruổi trên con đường dài mang nghệ thuật thứ 9 đến với công chúng
Khác với những nhân vật cao bồi trong phim ảnh và trong những truyện tranh cao bồi khác, Lucky Luke tuy sử dụng súng điêu luyện như một nghệ sĩ song không bạ gì cũng bắn, cũng không dùng súng để bắn hạ ai. Luôn bảo vệ kẻ yếu, luôn đứng về phía lẽ phải và phục vụ công lý, Lucky Luke giải quyết những mâu thuẫn với lòng can đảm, óc thông minh và cả sự… may mắn, thay vì ỷ lại vào khẩu sáu phát của mình.
Và đặc biệt, khác với những truyện tranh cao bồi khác chỉ quanh quẩn những chuyện bắn nhau, tầm thù và trả thù,… vặt vãnh, bộ truyện tranh Lucky Luke chính là một “cửa ngỏ” để bạn đọc tiếp cận lịch sử khai phá miền Viễn Tây Hoa Kỳ hồi cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.
Qua nhiều cuộc phiêu lưu nổi tiếng của Lucky Luke, với cốt truyện khéo hư cấu song bám sát các sự kiện tiêu biểu trong lịch sử Hoa Kỳ thời khai phá miền Viễn Tây, bạn đọc sẽ chứng kiến và dõi theo những sự kiện lịch sử quan trọng (như khám phá các mỏ dầu hoả, nối liền các tuyến đường sắt Đông-Tây của Hoa Kỳ, triển khai mạng bưu chính và mạng điện tín tới Viễn Tây,…), và gặp gỡ hầu hết các chân dung miền Viễn Tây, như Calamity Jane, ông quan toà Roy Bean, cảnh sát trưởng Wyatt Earp, Billy The Kid, Jese James, băng Dalton, “bà trùm” Belle Starr,…
Các sự kiện đậm chất miền Viễn Tây được thể hiện một cách hài hước theo kiểu truyện tranh. Ví dụ như kết thúc vụ đấu súng O.K Corral mà không có ai chết hay bị thương. Tên cướp Billy the Kid cũng chỉ bị Lucky Luke phạt đánh vào mông và tiếp tục xuất hiện trong những tập khác.
Các cuộc chiến với người da đỏ cũng thường xuyên được đề cập nhưng luôn kết thúc êm đẹp với sự kiện hai bên cùng ngồi hút “tẩu thuốc hòa bình”.
Hình ảnh không đổi cuối mỗi tập truyện là Lucky Luke cưỡi chú ngựa Jolly Jumper đi về phía cuối chân trời và hát bài “Tôi là gã cao bồi nghèo đơn độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương, mà đường về nhà còn xa…” bằng tiếng Anh:
« I’m a poor lonesome cow-boy. And a long far way from home »
Hai cái tên Morris – Goscinny ký trên từng bộ truyện Lucky Luke của giai đoạn vàng son ấy quả thật là sự bảo chứng cho giá trị hài hước và giàu tính nhân văn của bộ Lucky Luke.
[spacer]
Ngọn lửa thiêng và Nghệ thuật thứ 9
Để hiểu rõ hơn về tác giả Morris và niềm đam mê của ông với “nghệ thuật thứ 9”, chúng ta hãy xem lại một vài đoạn tâm sự được ghi nhận trong buổi trò chuyện thân tình giữa ông và chủ nhiệm câu lạc bộ Lucky Luke fan club Việt Nam, anh Nguyễn Hữu Thiện:
(Trích từ LuckyLukeFC.com)
[spacer]
Bí quyết sáng tác của ông là gì, thưa họa sĩ Morris?
Họa sĩ Morris: Các tác giả truyện tranh thuộc thế hệ tôi chẳng bao giờ “rơi” trở lại thành… trẻ em, đơn giản vì chúng tôi có bao giờ bước ra khỏi thế giới hồn nhiên của trẻ em đâu mà cần “quay trở lại”.
Tôi theo đuổi nghề vẽ truyện tranh (Lucky Luke) như lúc nào cũng ở trong một “cuộc chơi’ hồn nhiên, có khác là ở ”cuộc chơi” này người ta trả cho tôi… tiền nhuận bút.
Tất nhiên là tôi cộng tác với các tác giả kịch bản, nhưng chẳng bao giờ lại vẽ một cách ngốc nghếch đúng như những gì họ đưa ra trong kịch bản. Hoạ sĩ phải là người nói tiếng cuối cùng, là người đóng vai trò y như một đạo diễn điện ảnh, nghĩa là phải tái tạo lại kịch bản người ta trao cho mình bằng ngôn ngữ và thủ pháp, cảm hứng riêng của mình…
[spacer]
Nhiều bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam thường nêu lên thắc mắc này xen lẫn sự thú vị và ngưỡng mộ của các em: Làm sao mà một họa sĩ đã 75 tuổi như ông Morris lại có thể tiếp tục sáng tác Lucky Luke hay như vậy? Ông có thể kể với các em về một ngày làm việc bình thường của mình?
– Đúng là vào tuổi tôi, nhiều người nghĩ rằng tôi đã phải gác cọ. Nhưng tại sao mới được chứ, vì tôi đang theo đuổi một nghề hấp dẫn và tôi vẫn sống với các nhân vật của mình trong những ngày tuyệt diệu kia mà?
Buổi sáng, khoảng 9 giờ là tôi bắt đầu ngồi làm việc, kể cả vào ngày nghỉ cuối tuần. Với tôi, sáng tác mỗi bức tranh đều đòi hỏi phải suy nghĩ rất nhiều để tìm tòi và thể hiện tính mới trong sự đơn giản, nhằm tạo hiệu quả nơi người xem. Đó là những khoảng thời gian thật đẹp…
Nếu ý tưởng chưa chịu đến, tôi sẽ đi dạo hay làm điều gì khác. Tôi vẫn thích tự làm lấy các đồ chơi, vì sau khi đã vẽ chán chê trên mặt giấy, tốt hơn là nên giải trí với… không gian ba chiều.
Ban đêm, có khi những ý tưởng mới chợt nảy ra và tôi sẽ vội vàng ghi ngay chúng lên giấy. Khi làm việc, tôi thích sự yên tĩnh để tập trung (nếu có thì chỉ nghe một chút nhạc jazz hay nhạc Tino Rossi)…
[spacer]
Chúng tôi được biết ông là người đầu tiên đề xuất việc gọi truyện tranh là “Nghệ thuật thứ chín”, và “định nghĩa” này đã được đưa vào tự điển Robert. Ông có thể giải thích đề xuất của mình?
– Vâng. Trước hết, như chúng ta đã biết, điện ảnh được gọi là nghệ thuật thứ bảy. Chúng ta có thể nói rằng truyền hình là “nghệ thuật thứ tám” (điều đó hầu như đã được thừa nhận). Cho nên cần nhanh chóng chiếm ngay tên gọi “nghệ thuật thứ chín” cho truyện tranh, trước khi có một loại hình nghệ thuật khác xuất hiện và chiếm mất vị trí ấy.
Có một thời, chúng tôi – các tác giả truyện tranh – bị xem là những người làm bại hoại lớp trẻ; còn trẻ con sẽ bị phạt nếu bị bắt gặp xem truyện tranh trong trường học. Ngày nay, mọi sự đều thay đổi. Tuần nào, tôi cũng nhận được ít ra là một lời đề nghị của một thầy giáo về việc sử dụng các tranh của tôi trong những sách giáo khoa của họ để dùng trong trường học. Như vậy, truyện tranh đã tìm được vị trí xứng đáng của mình. Thậm chí có thể nói: Có hẳn một nền văn hóa truyện tranh…
M0rris bật mí: “Tôi vẫn thích tự làm lấy các đồ chơi, vì sau khi đã vẽ chán chê trên mặt giấy phẳng phiu, tốt hơn là nên giải trí với… không gian ba chiều…”
Ông hay nói đùa: “Mổi sáng, tôi mở tờ báo ngày ra xem ngay trang… cáo phó. Và, bởi vì chưa có tên mình trong đó, tôi bèn bắt tay vào làm việc…”.
Hơn hai năm sau ngày gặp gỡ đoàn khách Việt Nam đầu tiên đến thăm, hoạ sĩ Morris đã qua đời vào ngày 16/7/2001 tại thủ đô Bruxelles của nước Bỉ, thọ 77 tuổi. Khi còn sống, ông thường nói đùa muốn đem theo vào mồ những giấy và bút (để “tiếp tuc sáng tác”)…
“Nói thật, vẽ truyện tranh là một công việc nặng nhọc, song nếu người ta có được ngọn lửa thiêng hun đúc thì công việc ấy sẽ trở nên dễ chịu hơn.”
Xin cám ơn “ngọn lửa” ấy nơi tác giả Morris, vì nhờ nó mà thế giời này đã “vui cùng Lucky Luke” trong hơn nửa thế kỷ qua…
>>> Tìm hiểu thêm: Peyo – Xì trum cả thế giới xì trum
NGUYỄN HỮU THIỆN