John Lasseter – Từ kẻ bị sa thải đến người hùng của Disney

John Lasseter – Từ kẻ bị sa thải đến người hùng của Disney

12/10/2015

john-lasseter

John Lasseter – nhà đồng sáng lập hãng Pixar (Ảnh: Internet)

[spacer]

Thời đại hoàng kim của hoạt hình 3D

Giữa tháng 4/2013, Công ty Disney quyết định giải thể hoàn toàn bộ phận hoạt hình 2D. Xem như nghệ thuật hoạt hình 2D đỉnh cao đã đến điểm dừng. Hoạt hình 3D đang từng bước thay thế hoạt hình 2D trở thành “hoạt hình truyền thống”.

Trong những cố gắng cuối cùng nhằm thăm dò thị trường hoạt hình 2D, bộ phận hoạt hình 2D tại Disney thực hiện phim ngắn Paperman (2013). Phim Paperman là sự phối hợp nhuần nhuyễn của hình vẽ tay với vật thể và cảnh nền tạo bởi mô hình 3D trên máy tính. Những họa sĩ 2D làm phim Paperman hòa nhập vào thế giới 3D bằng cách… vẽ nét cho mô hình nhân vật 3D thô, làm cho hoạt hình 3D trở thành hoạt hình 2D! Paperman đoạt giải Oscar 2013 cho phim hoạt hình ngắn hay nhất, thu hút nhiều triệu lượt xem trên YouTube.

Tuy nhiên, các dự án phim truyện của bộ phận hoạt hình 2D tại xưởng hoạt hình Disney (Disney Animation Studios) vẫn không thuyết phục được nhóm lãnh đạo Disney. Dường như mọi kịch bản đề xuất đều có thể thực hiện tốt hơn hẳn bằng hoạt hình 3D! Sau thời gian dài cân nhắc, Disney đã quyết định cho nghỉ việc những họa sĩ 2D tài năng cuối cùng, những người từng tạo ra thời phục hưng rực rỡ của Disney trong thập niên 1990, những người đã tạo ra Beauty and the Beast (1991), Aladdin (1992), Lion King (1994), Pocahontas (1995), Tarzan (1999),…

Như để khẳng định sức sống mạnh mẽ của hoạt hình 3D, giải Oscar 2015 dành cho phim hoạt hình hay nhất thuộc về phim Big Hero 6 của xưởng hoạt hình Disney Animation Studios có công rất lớn của John Lasseter – nhà đồng sáng lập hãng Pixar.

Big-Hero-6

Big Hero 6 – thành tựu mới nhất của Disney có sự góp công không nhỏ của
“đứa con lưu lạc” John Lasseter.

[spacer]

“Đứa con lưu lạc”

Nhắc đến Walt Disney Animation Studios thì phải nói đến John Lasseter, giám đốc sáng tạo của hãng. Nhưng câu chuyện được ít người biết đến chính là hãng phim được thành lập từ 1923, nơi Lasseter bắt đầu công việc sau khi tốt nghiệp, đã sa thải ông.

Câu chuyện như sau:

Từ thuở bé, John Lasseter (sinh ngày 12 tháng 1 năm 1957) luôn mơ ước trở thành họa sĩ hoạt hình. Năm 1975, khi biết Viện Nghệ thuật California mở khóa đào tạo họa sĩ hoạt hình đầu tiên, do các họa sĩ bậc thầy của Disney (Eric Larson, Frank ThomasOllie Johnston) trực tiếp giảng dạy, Lasseter lập tức ghi danh. Khi tốt nghiệp, Lasseter được nhận vào Disney, tham gia làm phim The Fox and the Hound (1981) với vai trò họa sĩ động tác.

Tại Disney, Lasseter nhận thấy từ sau phim 101 Dalmatians (1961), các phim hoạt hình bắt đầu lặp đi lặp lại một phong cách. Anh muốn tìm kiếm những yếu tố mới. Cùng với họa sĩ kỳ cựu Glen Keane, Lasseter thực hiện vài phim ngắn, thử nghiệm phối hợp nhân vật vẽ tay với cảnh nền có chiều sâu tạo bởi phần mềm 3D. Từ những thử nghiệm cùng Lasseter, Keane sử dụng cảnh nền 3D một cách hoàn hảo trong phim The Great Mouse Detective (1986). Tuy nhiên, việc làm “tự tiện” của Lasseter ở xưởng phim không theo kế hoạch nào, khiến những người quản lý khó chịu và Lasseter phải rời Disney.

Sau khi nghỉ việc ở Disney, John Lasseter vui mừng được biết nhóm PixarLucasfilm dự định làm một phim hoạt hình 3D ngắn, chỉ hai phút. Phim sẽ có nhân vật và cảnh nền được tạo lập hoàn toàn trong không gian 3D của máy tính. Lasseter trở thành họa sĩ diễn xuất duy nhất trong dự án thử nghiệm của Pixar. Khâu tạo ảnh (render) cho phim được thực hiện bởi phần mềm của Pixar, chạy trên các máy tính mạnh nhất vào thời đó (một máy Cray và mười máy VAX). Kết quả là phim hoạt hình 3D hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới, mang tên The Adventures of André and Wally B (1984), gây ấn tượng mạnh trong giới sản xuất phim về khả năng của công nghệ hoạt hình 3D.

andre-va-wally

The Adventures of André and Wally B
phim hoạt hình 3D hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới 

Năm 1986, khi Lucasfilm gặp khó khăn về tài chính, không thể duy trì hoạt động của nhóm Pixar, “thần hộ mệnh” lại xuất hiện: Steve Jobs – người sáng lập Công ty Apple. Lúc đó, Jobs không còn làm việc cho Apple và đang điều hành công ty mới của mình, mang tên NeXT. Hiểu rõ giá trị của máy tính Pixar và phần mềm Pixar, Jobs đồng ý mua lại nhóm Pixar với giá 5 triệu USD, thành lập công ty Pixar, hướng đến thị trường máy tính cao cấp, phục vụ cho những nhu cầu chuyên biệt. Jobs cấp cho Pixar vốn ban đầu 5 triệu USD, giao cho Edwin Catmull điều hành mọi việc ở Pixar.

pixar

Bộ ba Edwin Catmull  – Steve Jobs – John Lasseter

[spacer]

Thành công của Toy Story đánh dấu một kỷ nguyên mới

Trong thời gian đầu, ngoài Disney và vài viện nghiên cứu, Pixar không tìm được khách hàng để bán máy tính Pixar và phần mềm Pixar. Phim hoạt hình 3D ngắn dùng cho quảng cáo dần dần không còn là ưu thế riêng của Pixar. Lợi nhuận từ Pixar không tỏ ra có triển vọng, Steve Jobs đã dự định “rao bán” Pixar cho những công ty lớn, có thể là Microsoft hoặc Sun Microsystems.

Trước tình trạng như vậy, Catmull băn khoăn tìm hướng đi cho Pixar, dù ông biết tiến bộ phần cứng đã cho phép nghĩ đến phim truyện hoạt hình 3D thực sự. “Cầu được ước thấy”, John Lasseter bỗng nhiên đem đến một tin vui: Disney đồng ý hợp tác với Pixar để làm phim truyện hoạt hình 3D! Lasseter thuyết phục Disney đầu tư cho Pixar để làm một phim truyện “ra tấm, ra miếng” với tên gọi Toy Story. Kịch bản Toy Story dựa trên ý tưởng của Lasseter, kể về giấc mơ thuở bé của chính ông: “cuộc sống” của những món đồ chơi mà con người không hề hay biết. Catmull và Lasseter tiếp tục thuyết phục Steve Jobs cho Pixar thêm thời gian. Steve Jobs đồng ý nhưng Catmull và Lasseter hiểu rõ rằng nếu Toy Story thất bại, Jobs sẽ không thể kiên nhẫn.

Với khoản đầu tư “e dè” 15 triệu USD của Disney (chưa bằng nửa kinh phí của Disney cho phim Beauty and the Beast – 1991), John Lasseter hăng hái kêu gọi bạn bè của mình thuở còn học ở Viện Nghệ thuật California đến góp sức ở Pixar, thực hiện một việc “chưa ai dám làm”. Từng cảnh phim được hình thành khó nhọc. Sau khâu tạo dựng và diễn xuất những mô hình nhân vật tinh tế, mỗi khung hình được kết xuất trên máy tính mất từ vài giờ đến vài ba ngày. Catmull tập hợp 117 máy tính mạnh của Sun Microsystems trong một gian nhà lớn, cho hoạt động suốt ngày đêm. Cuối cùng, Pixar hoàn tất Toy Story với 110.000 khung hình có độ nét cao. Pixar giao Toy Story cho Disney dưới dạng 1000 đĩa CD-ROM để chuyển thành phim nhựa.

Toy-Story

Đánh giá cao tác phẩm của Pixar, Disney quyết định chi 100 triệu USD để tiến hành chiến dịch quảng cáo rầm rộ cho Toy Story. Pixar chỉ biết hồi hộp chờ đợi phản ứng của công chúng. Kết quả vượt xa mong đợi: Toy Story thu được 200 triệu USD tiền bán vé, hơn hẳn phim hoạt hình 2D Pocahontas của Disney được phát hành trong cùng năm 1995. John Lasseter trong vai trò đạo diễn cũng nhận giải Cống hiến đặc biệt của Viện hàn lâm nhằm vinh danh người thủ lĩnh đã “truyền cảm hứng cho đội ngũ làm phim Toy Story làm nên phim truyện hoạt hình đầu tiên thực hiện trên máy tính”.

Thành công đột phá của Toy Story mở đường cho một loạt “siêu phẩm” của Pixar trong những năm tiếp theo, tất cả đều mang dấu ấn của John Lasseter (họa sĩ, đạo diễn, biên kịch, chủ nhiệm): A Bug’s Life (1998), Toy Story 2 (1999), Monsters, Inc (2001). Phim Finding Nemo (2003) của Pixar đạt kỷ lục về doanh thu phim hoạt hình: trên 860 triệu USD.

pixar-2

11 năm sau ngày ra mắt phần 1 của Toy Story, 23 năm sau khi ruồng bỏ nhân tài lớn nhất của mình, Disney đã “nhận ra lầm lỗi” của mình và quyết tâm mang Lasseter trở về. Steve Jobs chuyển nhượng Pixar cho Disney với cái giá 7,4 tỉ USD. Robert Iger – giám đốc điều hành Disney – nhấn mạnh rằng việc mua Pixar là điều cực kỳ cần thiết cho Disney để có được thành công trong lĩnh vực hoạt hình 3D. Catmull và Lasseter không chỉ tiếp tục lãnh đạo xưởng hoạt hình Pixar mà còn được giao trách nhiệm quản lý luôn xưởng hoạt hình Disney. Lasseter được trao toàn quyền quyết định mọi dự án làm phim.

Không áp đặt văn hóa của xưởng hoạt hình Pixar lên xưởng hoạt hình Disney, John Lasseter vẫn tạo điều kiện cho các dự án phim hoạt hình 2D (The Princess and the Frog – 2009, Winnie the Pooh – 2011) được tiến hành bình thường, song song với các dự án phim hoạt hình 3D tại Disney (Meet the Robinsons – 2007, Bolt – 2008, Tangled – 2010). Tuy nhiên, lợi nhuận từ phim hoạt hình 2D đã không làm hài lòng những cổ đông của Disney. Lasseter cuối cùng phải chấp nhận từ bỏ hoàn toàn phim truyện hoạt hình 2D tại Disney.

[spacer]

Đối thủ lớn

Sự cạnh tranh luôn tạo tính ganh đua, đặc biệt trên thương trường và Pixar/Disney cũng có một đối thủ đáng gờm, đó chính là hãng Dreamworks SKG, chữ cái đầu trong họ ba người sáng lập, đó là Steven Spielberg, Jeffrey Katzenberg và David Geffen.

pixar_vs_dreamworks

Ra đời vào tháng 10-1994 nhưng mãi đến năm 1998, Dreamworks mới ra mắt bộ phim hoạt hình đầu tiên: Antz – ngay lập tức trở thành đối thủ cạnh tranh của A Bug’s life một bộ phim do hãng Pixar trình chiếu vào năm đó. Đến năm 2001, Dreamworks công chiếu bộ phim Sherk dù có nội dung châm biếm các nhân vật của Disney từ trước đến nay nhưng với cách thể hiện mới lạ, làm bất ngờ người xem, nên tạo được tiếng vang lớn. Monsters Inc của Disney ra đời sau đó, dù ý tưởng sáng tạo và cuốn hút nhưng vẫn bị đánh giá thấp hơn một bậc. Chẳng những thế, ngay ngày công chiếu Monsters Inc. Dreamworks cho phát hành DVD của bộ phim Sherk hòng hạ thấp doanh thu của Pixar/Disney, tuy vậy điều đó cũng không thể ngăn cản Monsters Inc. trở thành phim thu được lợi nhuận đứng thứ nhì tính đến thời điểm đó, chỉ sau The Lion King. Sự ganh đua giữa hai bộ phim còn tiếp tục ở lễ trao giải Oscar khi cả hai đều được đề cử giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất. Sherk là kẻ chiến thắng, nhưng Monsters Inc. cũng không chịu thua kém khi mang về giải Bài hát hay nhất trong phim.

[spacer]

>>> Tìm hiểu thêm: Khóa học làm phim hoạt hình 3D

dreamworks-pixar

Năm 2003, Pixar/ Disney nhanh chóng ra đòn trước với Finding Nemo vào tháng 5, chỉ hai tháng sau, Dreamworks đáp trả bằng Sinbad: Legend of the seven seas. Thật sự, phong cách làm phim hoạt hình của Dreamworks và Pixar/Disney có khá nhiều điểm khác biệt, chẳng hạn A Bug’s lifeAntz đều nói về kiến nhưng tác phẩm của Pixar/Disney mang những tố chất hướng về gia đình nhiều hơn, trong khi đó bộ phim của Dreamworks hướng về những khán giả trưởng thành hơn. Sự đối đầu giữa Pixar/Disney và Dreamworks không những thú vị mà nó còn làm ngành hoạt hình ngày càng hoàn thiện. Và hơn ai hết, những người hâm mộ hoạt hình khắp thế giới cần phải cám ơn những người như John Lasseter – nhà tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ và dám hiện thực hóa ước mơ đó bất chấp mọi khó khăn.

>>> Tìm hiểu thêm: Madeline Sharafian – làn gió mới trong ngành hoạt hình

Như Hoàng dịch và tổng hợp