Họa Sĩ Ngọc Linh - Điều Quan Trọng Đối Với Người Cầm Bút Là Vốn Sống - Comic Media Academy

Họa Sĩ Ngọc Linh – Điều Quan Trọng Đối Với Người Cầm Bút Là Vốn Sống

14/05/2015

Họa sĩ Ngọc Linh bắt đầu đến với truyện tranh năm 15 tuổi, cùng thời với anh ngày ấy có Đức Lâm, Long Ân, Nguyễn Tài… Khi truyện tranh Việt hiện nay vẫn còn loay hoay, “lép vế” trước sự du nhập ồ ạt của các thể loại truyện tranh nước ngoài, ít ai biết được rằng lùi lại quá khứ Việt Nam trước 1975, truyện tranh Việt đã có một thời “vang bóng” đủ sức đánh bật cả những comic phương Tây và truyện tranh Trung Quốc.

>>> Họa sĩ Tạ Huy Long: “Thiếu hẳn truyện tranh về thời kì 1930 – 1945”

Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng khi nói về thời kỳ vàng son của truyện tranh Việt, những họa sĩ truyện tranh ngày ấy vẫn không thôi kể về nó với một niềm say mê, tự hào như cái cách mà họa sĩ Ngọc Linh chia sẻ với độc giả trong một lần trò chuyện.

Theo tôi được biết thì truyện tranh Việt vào những năm trước 1975 có rất nhiều tác phẩm thu hút độc giả, dù thời ấy các truyện tranh nước ngoài nổi tiếng du nhập vào nước ta cũng không ít. Anh có thể nói rõ hơn về tình hình của thời điểm lúc đó ?

Hồi ấy bên cạnh comic phương Tây như: Astérix, Luky Luke của Pháp; Vịt Donald, Batman của Mỹ hay truyện tranh Trung Quốc – “Chú Thòong”; các họa sĩ vẽ truyện tranh Việt cũng cạnh tranh lại không kém bằng rất nhiều tác phẩm hấp dẫn như: “Bé Việt, bé Nam” – truyện do chú và Long Ân phối hợp làm; “Con quỷ một giò”, “Ma lai”, “Tây du ký”, “Thủy hử”… Những truyện ấy được độc giả đón nhận rất nồng nhiệt. Tôi còn nhớ, truyện “Con quỷ một giò”, số lượng bản phát hành ra còn nhiều hơn cả “Xì trum” của Pháp, mặc dù thời điểm ấy, ” Xì trum” đang làm mưa làm gió trên rất nhiều nước trên thế giới.

Theo anh, vì sao với một nền truyện tranh còn non trẻ như chúng ta thời ấy lại đủ sức cạnh tranh, “đánh bật” cả những truyện tranh nổi tiếng của phương Tây?

Có rất nhiều nguyên nhân. Thế hệ cầm bút theo nghiệp truyện tranh của thời chúng tôi khắt khe với “đứa con tinh thần” của mình lắm. Từng nét vẽ, lời truyện sao cho phải có hồn, nội dung, ngôn ngữ truyện phải mang hơi thở cuộc sống thường nhật nhưng vẫn mượt mà, trau chuốt để trẻ con đọc xong vẫn có thể vận dụng tốt vào môn văn của mình ở trường, không bị phụ huynh đổ thừa là do ghiền truyện tranh mà làm văn dở (cười). Tất cả phải được thực hiện một cách kĩ lưỡng và nghiêm túc. Chuyện miệt mài với tác phẩm của mình đến 5:00 sáng dường như là chuyện bình thường như cơm bữa. Nguyên nhân thứ hai là do mảng nội dung họa sĩ Việt mình làm không bị bất cứ truyện tranh ngoại nào lấn sân. Truyện ma, truyện cổ tích, truyện lịch sử, những truyện Tàu được chuyển thể lại đậm chất Việt… dù sao nó cũng gần gũi với độc giả nước mình hơn là các truyện tranh của Pháp, Mỹ.

hoa-si-ngoc-linhHọa sĩ Ngọc Linh (Ảnh: Internet)

Quy trình ra đời một bộ truyện tranh có khác nhiều với thời bây giờ không thưa anh?

Rất nhiều là đằng khác. Nó đơn giản và còn “thô sơ” hơn thời này nhiều. Hồi ấy họa sĩ kiêm luôn sáng tác và cũng không có nhà xuất bản nhà nước như bây giờ, chỉ có của tư nhân đơn lẻ thôi. Thường ở bìa sau mỗi cuốn truyện sẽ in tên và địa chỉ nhà riêng của người chịu trách nhiệm xuất bản. Ai muốn truyện của mình đến với tay công chúng sẽ phải tự tìm đến địa chỉ ấy đưa bản thảo cho họ xem. Người ta thử nghiệm mức độ cuốn hút của truyện bằng cách đưa cho người nhà đọc. Nếu thấy hay, kịch bản sẽ được mua và xuất bản. Nói chung, người có vai trò “chịu trách nhiệm xuất bản” ấy gần như nắm trọn quyền quyết định. Tôi khởi nghiệp sáng tác truyện tranh của mình cũng thế, 15 tuổi, đạp xe mấy chục cây số tìm đến từng nhà người chịu trách nhiệm xuất bản trình bày bản thảo của mình (cười).

Lúc ấy anh đã có nguyệt san “Tuổi hoa”, một tờ báo có hẳn chuyên mục dành riêng cho truyện tranh đúng không?

Bán Nguyệt San Tuổi Hoa là “món ăn tinh thần” gần như không thể thiếu của thế hệ thanh thiếu niên ngày ấy. Không chỉ học trò mà phụ huynh cũng là một bộ phận không nhỏ trong các lứa độc giả. Nội dung tờ “Tuổi Hoa” chủ yếu tập trung vào mảng văn học, thơ ca nhưng ban biên tập đã ưu ái giành hẳn 10 trên 92 trang cho truyện tranh phục vụ bạn đọc. Và đây cũng là nơi mà những người làm truyện tranh khảo sát, tìm hiểu thị trường. Các truyện đăng trên “Tuổi Hoa” nếu nhận được phản hồi tốt của độc giả sẽ được in, phát hành thành truyện ở ngoài. Các báo có chuyên mục truyện tranh, ngoài “Tuổi Hoa” ra, còn có “Phụ nữ mới”, một tờ báo rất ăn khách thời đó.

Còn vấn đề nhuận bút thì như thế nào ạ? Họa sĩ, tác giả sáng tác truyện tranh thời ấy có sống được với nghề?

Vô tư! Có thể sống khỏe với nghề, thậm chí có người còn làm giàu được nhờ truyện tranh. Số lượng truyện được phát hành nhiều thì nhuận bút của tác giả càng tăng. Không những thế, một cuốn truyện được phát hành, tác giả sẽ nhận được rất nhiều sách tặng. Số lượng sách tặng cũng sẽ tăng theo, tỷ lệ thuận với số lượng sách phát hành. Số sách đó, tác giả có thể tặng người thân, hàng xóm, bạn bè, và theo những người làm xuất bản thời ấy thì đó cũng là một cách quảng cáo truyện. Cũng bởi sống được với nghề, được người ta đánh giá đúng giá trị, công sức, trí óc của mình nên họa sĩ càng hăng say, chuyên tâm với nghề. Có lẽ đó cũng là lý do để truyện tranh Việt thời ấy đủ sức chiếm một vị trí quan trọng trong lòng độc giả.

Anh đánh giá như thế nào về thế hệ họa sĩ, tác giả truyện tranh ngày nay?

Không biết đã bao nhiêu bạn trẻ theo nghiệp truyện tranh hỏi tôi điều này. Tôi rất ngại khi phải trả lời những câu hỏi như vậy. Nhưng nhân đây, cũng xin được chia sẻ thẳng thắn về quan điểm của mình. Các bạn bây giờ vẽ đẹp hơn thời tôi nhiều lắm. Các bạn lại được tiếp xúc với nhiều thiết bị công nghệ hiện đại nên xét về kỹ mỹ nghệ thì tụi tôi thua xa. Nhưng cái nào cũng có hai mặt, các bạn được công nghệ hỗ trợ nhiều thì các bạn lại không có cơ hội rèn giũa bút pháp của mình, điều này đã làm mất đi cái hồn cũng như sự tinh túy trong tranh của các bạn. Một điều quan trọng đối với người cầm bút đó là vốn sống. Vốn sống được hình thành từ sự quan sát, trải nghiệm, ngẫm nghĩ những gì diễn ra xung quanh mình, từ trí nhớ của của mình về mỗi quãng đời: thời con nít mình đã như thế nào, thời mình đi học mình đã như thế nào… Nhưng những điều ấy các bạn lại chưa trang bị cho mình hoặc có phần xem nhẹ. Có lẽ vì vậy mà nội dung truyện của các bạn bây giờ chưa thật sâu sắc.

Anh có thể chia sẻ với độc giả về những dự định của mình trong thời gian tới?

Đừng nghĩ thời xưa, các họa sĩ hạn hẹp về ý tưởng. Những ý tưởng xuyên thời gian, trở về quá khứ, gặp lại những nhân vật lịch sử thật ra đã có từ thời ấy rồi. Dựa trên ý tưởng “xưa” đó, tôi đang ấp ủ làm một bộ truyện lịch sử dành cho thiếu nhi nhưng mang hơi hướng khoa học viễn tưởng. Có những người bạn của tôi một thời từng là những tay vẽ truyện tranh có tiếng trong nghề. Vậy mà bây giờ có người thì làm xe ôm, người mở quán cóc bán cà phê, bươn chải đủ nghề nuôi vợ con. Những tài năng ấy mà để cho thời gian thui mòn thì buồn lắm! Hy vọng bộ truyện của tôi trong tương lai sẽ có sự góp tay của những đồng nghiệp một thời ấy nữa. Tôi còn đang tính đến chuyện vài năm nữa có thể sẽ mở lớp dạy vẽ truyện tranh như là một cách để chia sẻ với các bạn trẻ về bút pháp, về cách hình thành ý tưởng, xây dựng nội dung, ngôn từ truyện tranh… Nhưng đó là chuyện của vài năm nữa, khi tôi đã về định cư hẳn ở Việt Nam, còn bây giờ vẫn phải từ Mĩ bay đi bay về, khó mà thực hiện được điều gì trọn vẹn.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này. Chúc anh luôn vui, khỏe và sớm hoàn thành những dự định của mình. Cảm ơn anh rất nhiều!

Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM

BẢO UYÊN (thực hiện)