Họa sĩ Tạ Huy Long
Sinh năm 1974, tốt nghiệp khoa Nội thất, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Hiện tại, anh đang công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng.
>>> Họa sĩ Lê Phương – Thích sống nhẹ nhàng, ít bon chen
Các triển lãm:
Tôi vẽ tôi (với nhóm họa sĩ)
Ngày xưa tôi là… (cá nhân)
Từng triển lãm tại Angaulême – miền nam nước Pháp, kinh đô truyện tranh thế giới
Các giải thưởng:
Năm 2000, Giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng với các tập truyện tranh lịch sử Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Lý Công Uẩn.
Năm 2002, Giải B đợt vận động sáng tác với các tập truyện Lê Đại Hành, Ngô Quyền, Bà Triệu.
Năm 2005, anh đoạt giải vàng Sách đẹp do Hội Xuất bản-In và Phát hành Việt Nam trao cho bộ tranh truyện lịch sử màu, giải bìa đẹp cho bộ sách Văn học Nga.
Năm 2006, anh đoạt giải A khu vực, giải C toàn quốc giải thưởng Hội Mỹ thuật thường niên trao cho tác phẩm tranh truyện lịch sử Yết Kiêu – Dã Tượng.
Khi xem tranh Tạ Huy Long vẽ, tôi nghĩ ngay đến những bức tranh của ViVi Võ Hùng Kiệt giai đoạn trước 1975. Dù hai người khác biệt nhau nhiều điều. Tranh ViVi đi vào vẽ con người và đời sống thực tại. Còn Tạ Huy Long thì sâu lắng với không gian tranh cổ đậm chất dân tộc Việt xưa.
Họa sĩ Tạ Huy Long say mê vẽ cho tác phẩm mới nhất. (Ảnh: internet)
Nhưng ở nét vẽ tài hoa của cả hai người, tôi đều thấy toát lên cái nhân cách rất cao trong lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ chân chính. Mỗi bức minh họa hay chỉ một khung tranh, cũng được cẩn trọng từng đường nét, hoàn chỉnh như một bức tranh.
Mong sao vài mươi năm sáng tác nữa, biết đâu Tạ Huy Long cũng thực sự là một tượng đài “họa sĩ của trẻ thơ” như ViVi đã từng làm được.
“Bạn đến đón tôi phải không?”. (Ảnh: internet)
Tuệ An: Những thành tựu, tác phẩm cũng như tiểu sử của anh, báo chí đã nhắc đến rất nhiều rồi, có lẽ chúng ta không cần nhắc lại. Anh có thể chia sẻ về sự thay đổi của anh trong phong cách vẽ từ khi khởi nghiệp đến nay?
Họa sĩ Tạ Huy Long: Ban đầu tôi vẽ cuốn Tôn Ngộ Không. Chỉ là vẽ chơi giết thời giờ sau khi thi rớt đại học. Sự tình cờ là một người bạn đã đưa cuốn này cho anh Vinh xem (họa sĩ Phạm Quang Vinh, giám đốc NXB Kim Đồng). Anh Vinh thấy được bộ này và bắt đầu từ đó tôi được giao vẽ những bộ truyện tranh về các nhân vật lịch sử…
Lúc mới bắt đầu vẽ thì người vẽ thường thích phô diễn, lúc đó tôi thích vẽ những cảnh đánh nhau, trận mạc này kia với những đường nét tinh xảo của binh đao. Nhưng sau này thì hướng mình vào vẽ chi tiết hơn, cố gắng đặc tả được nhân dạng của người Việt giản dị. Nhưng về góc nhìn thì phong phú và mới hơn.
Họa sĩ họ Tạ cùng nhóm vẽ B.R.O tại công ty Phan Thị. (Ảnh: internet)
Tuệ An: Chuyển từ vẽ tranh minh họa (là lĩnh vực mà anh đã đánh dấu được tên tuổi không chỉ trong mà còn vang cả ngoài nước) sang một lĩnh vực mới là vẽ truyện tranh liên hoàn. Những khó khăn của anh là gì ạ?
Họa sĩ Tạ Huy Long: Thật ra đầu tiên tôi đã vẽ truyện tranh liên hoàn, đó là những bộ truyện lịch sử Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt,… Sau này tôi mới chuyển qua vẽ tranh minh họa, và giờ trở lại với truyện tranh liên hoàn. Khi vẽ tranh liên hoàn thì mình phải cho lời thoại vào tranh. Và cái khó khăn lớn nhất là vận hành câu chuyện. Họa sĩ của chúng ta hầu như chưa biết cách kể chuyện bằng tranh.
Tuệ An: Xem các tác phẩm truyện tranh liên hoàn của anh, thấy rằng mỗi khung tranh được đầu tư rất kỹ. Nhưng nếu đầu tư kỹ như thế cho mỗi khung tranh thì khó lòng mà sáng tác được bộ truyện nhiều tập?
Họa sĩ Tạ Huy Long: Về đầu tư vẽ cho mỗi khung tranh thì phải xem dung lượng truyện. Với những truyện tranh ngắn, mình có thể vẽ kỹ thế này, nhưng với những bộ dài kỳ, nếu mình vẽ kỹ cho thực đẹp, chưa hẳn độc giả đã thích.
Hình ảnh mang màu sắc huyền ảo, thần tiên. (Ảnh: internet)
Tuệ An: Về nội dung cho truyện tranh Việt Nam, anh thấy chúng ta cần thêm đề tài gì?
Họa sĩ Tạ Huy Long: Chúng ta có rất nhiều đề tài để khai thác. Lịch sử, đương đại, và tôi thấy rõ nhất là truyện tranh thiếu hụt hẳn thời kỳ 1930-1945. Đây là giai đoạn có nhiều điều rất hay, và cả những tác phẩm văn học thời kỳ này cũng có nhiều điều để chúng ta khai thác. Để ý về trang phục, cảnh sinh hoạt,… của con người và cuộc sống thời này, nếu mà vẽ comic thì có rất nhiều chi tiết đẹp.
Một cảnh trong tác phẩm “Châu chấu trên mái nhà” của họa sĩ Tạ Huy Long (Ảnh: internet)
Tuệ An: Trong khả năng của mình, anh có thể làm gì khơi dậy truyện tranh Việt?
Họa sĩ Tạ Huy Long: Về truyện tranh Việt, tôi chỉ cảm nhận thôi, chứ đi vào nghiên cứu sâu thì không có. Nên tôi mà làm thủ lĩnh thì không được, điều đó cần tới người có khả năng hơn. Người có thể thủ lĩnh khơi dậy được truyện tranh Việt thì cần phải biết tổ chức, viết, vẽ,…
Tuệ An: Anh có thể chia sẻ và định hướng cho những lớp họa sĩ sau đang vẽ truyện tranh?
Họa sĩ Tạ Huy Long: Giờ mình phải “thả lỏng”, chứ mình đã có gì nhiều đâu mà định hướng. Họa sĩ Việt Nam có khả năng minh họa tốt, vẽ đẹp, nhưng kể chuyện bằng tranh thì chưa. Cũng bởi chúng ta chưa được đào tạo về khả năng kể chuyện. Chúng ta thiếu vốn sống và tính xác thực, bởi chưa cố tìm tòi, lọc chi tiết để biết cái nào nên phỏng theo – kể cả từ những nền văn hóa có tính tương quan. Tư liệu để vẽ nhiều khi cũng thiếu, như tôi thấy mù mịt tư liệu về trang phục trong khoảng thời gian từ đời Vua Hùng đến đời nhà Lý.
Tuệ An: Để chất lượng truyện tranh Việt tốt hơn, chúng ta cần lưu tâm đến điều gì?
Họa sĩ Tạ Huy Long: Đầu tiên vẫn là chất lượng của đội ngũ viết kịch bản và vẽ tranh. Và cần nói thêm về chất lượng của đội ngũ biên tập viên truyện tranh nữa, điều này rất quan trọng. Người biên tập tốt sẽ giữ được những tác phẩm chất lượng và đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng của người đọc. Sự khắt khe về ngôn ngữ và hình ảnh khi biên tập là đúng, nhưng đừng cực đoan quá. Nếu giữ được ngôn ngữ đời thường, thực tế,… thì mới đúng chất truyện tranh.
Và trong mắt phụ huynh và những người đánh giá, xét nét truyện tranh nữa, có những truyện liên hệ một chuỗi, tổng thể cả bộ truyện thì trẻ em rất mê, thế nhưng người lớn chỉ xét riêng một vài khung tranh thì cho rằng không được. Như thế thì đánh giá về chất lượng không khách quan, cũng là làm “oan” cho chất lượng truyện.
Bìa cuốn sách của tác phẩm mới nhất họa sĩ Tạ Huy Long thể hiện. (Ảnh: internet)
Tuệ An: Và dự định sáng tác gần của anh?
Họa sĩ Tạ Huy Long: Tôi đang suy nghĩ về kết cấu của truyện “Con châu chấu trên mái nhà”, dù tác phẩm đã được đem đi dự triển lãm nhưng nội dung vẫn chưa thực sự trọn vẹn và tôi mong có một cái kết hay. Đó là dự định sáng tác gần nhất của tôi.
Tuệ An: Vâng, cảm ơn anh và mong chúc sự nghiệp sáng tác của anh luôn bền. Truyện tranh Việt luôn mong chờ những tác phẩm hay và đẹp của anh!
Tuệ An.
Theo TruyentranhViet.vn
Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM