TTV – Mai Rừng tên thật Lê Mộng Lâm, một tài năng, một tên tuổi của lĩnh vực truyện tranh Việt Nam, một trong số rất ít họa sĩ không thông qua trường lớp đào tạo mà chủ yếu tự học. Anh sinh năm 1961, quê quán Thừa Thiên – Huế, hiện là họa sĩ trình bày, minh họa của báo Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, Nhi Đồng, Rùa Vàng, và hợp tác vẽ bìa cho các NXB Kim Đồng, Trẻ…
>>> Họa sĩ Ngọc Linh – Điều quan trong đối với người cầm bút là vốn sống
Anh có thể cho biết đâu là xuất phát điểm của họa sĩ Mai Rừng không? Anh có chọn lĩnh vực truyện tranh ngay từ đầu?
Mai Rừng: Tôi đam mê truyện tranh từ bé. Thế hệ của chúng tôi cũng là thời kỳ hoàng kim của truyện tranh Pháp với Tintin, Lucky Luke… Trước 1975 tại miền Nam có họa sĩ Vi Vi chuyên vẽ bìa cho tủ sách Tuổi Hoa (hoa đỏ, hoa xanh, hoa tím), thu hút nhiều thế hệ thanh thiếu niên, và có thể nói – tôi là một trong số “tín đồ” của các dòng truyện tranh, truyện minh họa thời kỳ này. Tuy nhiên tôi đã không chọn truyện tranh ngay từ đầu, mà phải đi mất một vòng khá xa. Khi còn là Ủy viên Báo chí Đoàn trường Bùi Thị Xuân (Q.1), tôi chỉ đi học vẽ có 3 tháng, về sau tôi chủ yếu tự học, tự nghiên cứu là chính. Tốt nghiệp Đại học sư phạm khoa Lý, mất một thời gian khoảng 10 năm (1975-1989) tôi mới được làm công việc mình thực sự yêu thích: họa sĩ truyện tranh. Khi đó lĩnh vực này khá hiếm, chỉ một vài người nên hầu như không có cạnh tranh nhiều.
Cho đến nay, anh có thể nhớ mình đã vẽ bao nhiêu truyện không? Những bộ truyện hay nhân vật nào được anh yêu thích nhất?
Mai Rừng: Thật tình không nhớ hết! Nhưng tôi không thể nào quên bộ Bim và những chuyện thần kỳ (NXB Trẻ) do ông bạn Nguyễn Nhật Ánh viết kịch bản và tôi vẽ. Bộ truyện dài tới 30 tập, 60 trang/tập, in trắng đen, mỗi 2 tuần ra 1 tập, in mất 3 ngày, chỉ còn lại 12 ngày cho họa sĩ vừa phác thảo chì, vừa viết chữ, vừa xử lý vi tính. Lúc đó mỗi ngày tôi chỉ được ngủ được có 1, 2 tiếng; và tôi nghĩ họa sĩ truyện tranh VN phải rất đam mê mới trụ nổi với nghề, trước đây hay bây giờ cũng vậy. Thứ hai là bộ Ba đứa trẻ và những chuyện rắc rối (NXB Kim Đồng), kịch bản cũng của ông Ánh, hai bộ này được trẻ em rất thích, được tái bản đến hàng chục lần.
Được biết, anh là một trong số họa sĩ trụ cột của báo Khăn Quàng Đỏ từ những ngày đầu, nếu không làm báo mà chỉ vẽ truyện tranh thôi, liệu họa sĩ có sống được?
Mai Rừng: Nếu ta làm thật tốt, làm hết khả năng, thì theo tôi, nghề nào cũng sống được cả! Khăn Quàng Đỏ là một trong số ít tờ báo có cả một đội ngũ họa sĩ hùng mạnh (Đức Lâm, Đức Hạnh, Hoàng Tường, Quang Toàn, Hướng Dương…) mỗi người một nét vẽ riêng. Tờ Khăn Quàng Đỏ có rất nhiều đất dụng võ, sau này thêm tờ Nhi Đồng rồi Rùa Vàng, đều là báo dành cho trẻ em, nên thể loại truyện tranh ngắn chỉ khoảng 1, 2, 3 hoặc 4 trang báo rất phổ biến. Chính nơi này tôi đã vẽ rất rất nhiều, không thể nhớ hết. Ngoài vẽ truyện tranh, tôi còn làm cả lĩnh vực trình bày báo và vẽ bìa sách cho NXB Trẻ và NXB Kim Đồng.
Với không ít họa sĩ Việt Nam, vẽ truyện tranh hay minh họa chỉ là nghề tay trái, lấy ngắn nuôi dài. Theo anh, đó có phải là một trong những nguyên nhân khiến truyện tranh Việt Nam chưa phát triển đúng mức?
Mai Rừng: Theo tôi được biết, Nhật Bản và các nước có nền công nghiệp truyện tranh phát triển có thể cho ra đời mỗi ngày 1 tập truyện tranh, như một tờ báo hay tạp chí. Họ làm việc theo nhóm (group) và mỗi người đảm nhiệm một công đoạn, còn Việt Nam thì họa sĩ thường làm việc độc lập. Trước đây, với mỗi tập truyện tôi phải tự mình làm từ A tới Z! Theo tôi, truyện tranh Việt Nam muốn phát triển vẫn phải đi theo con đường của người ta: đào tạo họa sĩ truyện tranh (kể cả đào tạo đội ngũ làm kịch bản) và phải chuẩn bị cho cả một hệ thống, một nền công nghệ truyện tranh.
Được biết phương Tây có Comic, Nhật có Manga, Hàn Quốc có Manhwa… theo anh, truyện tranh Việt Nam có gì? Mình giống và khác họ ở những điểm nào?
Mai Rừng: Trước đây truyện tranh Việt có ảnh hưởng lối vẽ Comic của phương Tây, nhất là truyện tranh Pháp. Nhưng theo tôi, dù vẽ theo lối nào đó cũng chỉ là phương tiện, cái chính là câu chuyện, là vấn đề mình muốn thể hiện, chuyển tải. Tôi thấy truyện tranh Việt Nam trước đây phát triển hồn nhiên, trong trẻo, ít nhiều vẫn có bản sắc. Nó chỉ chững lại sau cuộc “đổ bộ” của truyện tranh Nhật, sau đó là thời kỳ ảnh hưởng Manga… Còn bây giờ, theo tôi chính là thời điểm của truyện tranh Việt với sức trẻ 8X, 9X… Làm việc ở báo Khăn Quàng Đỏ nhiều năm, tôi vui khi thấy ngày càng có nhiều họa sĩ truyện tranh – chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư – họ vẽ với tất cả lòng say mê, và tôi đánh giá cao điều đó.
Theo anh, để một ấn phẩm truyện tranh thành công cần những yếu tố nào? Vai trò của khâu kịch bản ra sao?
Mai Rừng: Theo tôi, khâu kịch bản rất quan trọng. Kịch bản truyện tranh rất gần với kịch bản điện ảnh. Cụ thể: kịch bản truyện tranh đòi hỏi phải có hình ảnh và hành động, tức phải có chất điện ảnh. Một bộ phim thành công nhờ vào kịch bản văn học bao nhiêu, thì một bộ truyện tranh thành công cũng nhờ vào kịch bản bấy nhiêu. Trong đó, họa sĩ chính là đạo diễn và nhân vật là diễn viên. Ngoài ra, nếu họa sĩ thuận tay kiêm luôn viết kịch bản thì quá tốt, đây chính là điểm mạnh, là lợi thế, do chính họ hiểu rành rẽ tính chất của truyện tranh khi viết và vẽ. Còn nếu họa sĩ may mắn có được “cặp bài trùng” thì không gì bằng – như trường hợp hai ông Morris – Goscinny của bộ Lucky Luke.
Được biết, có những bộ truyện tranh Việt được các nhà xuất bản tâm huyết, đầu tư cao, thế nhưng độ dài lẫn sức sống cũng không “thọ”, theo anh đâu là nguyên nhân?
Mai Rừng: Có rất nhiều nguyên nhân, một trong số nguyên nhân đó là không thấy được tầm quan trọng của kênh PR, quảng cáo. Ngay ở Nhật với nền công nghiệp truyện tranh và với lượng độc giả khổng lồ có sẵn như thế, trước khi tung ra bộ truyện nào họ đều PR rất dữ, và điều này tôi cho là cần thiết.
Tác phẩm họa sĩ Mai Rừng sáng tác (Ảnh: Internet)
Theo anh, kịch bản của một cây bút tên tuổi kết hợp với một họa sĩ lừng lẫy có tạo ra được bộ truyện tranh để đời?
Mai Rừng: Cũng chưa chắc. Như tôi đã nói ở trên, để một bộ truyện tranh thành công cần rất nhiều yếu tố, cũng như một bộ phim thành công là cả một công trình của tập thể bao gồm kịch bản văn học, nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc… sau cùng là cả một chiến dịch truyền thông PR, quảng cáo. “Một cây bút tên tuổi kết hợp với một họa sĩ lừng lẫy”, theo tôi đó cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố để bộ truyện thành công. Vì bởi cây bút tên tuổi đó chưa chắc tâm huyết, “tên tuổi” ở bộ truyện này, và họa sĩ lừng lẫy ấy chưa chắc… lẫy lừng ở bộ truyện nọ.
Anh có cho rằng các “đơn đặt hàng” (từ báo chí, các NXB…) có là nguyên nhân kích thích sự sáng tạo của họa sĩ? Anh thường vẽ theo đơn đặt hàng hay theo ý thích của mình?
Mai Rừng: “Đơn đặt hàng” hiểu đơn giản theo tôi chính là cơm-áo-gạo-tiền, điều mà ai cũng cần nhưng không phải ai cũng dễ nói ra! Đơn đặt hàng đưa đến công việc, và công việc nảy sinh sáng tạo. Tuy nhiên, gì thì gì cũng phải có, phải cần đam mê. Không đam mê thì không có sáng tạo mà chỉ có thói quen, máy móc.
Truyện tranh với rất nhiều yếu tố bất ngờ, hài hước và biếm họa cũng thế. Theo anh, đâu là sự khác biệt giữa hai lĩnh vực này?
Mai Rừng: Khác nhiều chứ. Biếm họa là sự cô đọng, là cái cười gói gọn trong một tranh (hay một chuỗi tranh), còn truyện tranh cần dài hơi, hay đúng ra truyện tranh là chuỗi hài hước kéo dài. Giống nhau chăng ở chỗ người lớn hay trẻ con cũng đều thích biếm họa và cả truyện tranh. Ở Nhật và các nước, không chỉ trẻ con mà người lớn cũng rất thích đọc truyện tranh. Và họ cũng phân loại rất rõ “truyện tranh cho trẻ con” và “truyện tranh cho người lớn”. Ở truyện dành cho trẻ cũng ít nhất 2 loại: dành cho thiếu nhi và thiếu niên.
Nếu người viết kịch bản, họa sĩ và các nhà sản xuất cùng ngồi lại, cùng hợp lực với nhau thì truyện tranh Việt Nam sẽ phát triển, anh có nghĩ vậy không?
Mai Rừng: Cũng chưa chắc! Theo tôi, để truyện tranh Việt Nam phát triển, trước hết họa sĩ cần làm việc theo nhóm, không tự phát, riêng lẻ, manh mún nữa. Bởi như đã nói, truyện tranh là sự tổng hợp của một dây chuyền công nghệ. Do vậy ngoài việc “gây dựng dây chuyền”, trong đó có đào tạo chuyên nghiệp, cần ý thức đây là một ngành công nghệ thuần giải trí. Cần chuẩn bị tiền đề, nền móng cho nó như một ngành sản xuất kinh doanh. Cụ thể như Hàn Quốc, dù khởi đầu khá muộn nhưng gần đây họ đã đạt được những thành tựu vượt bậc, Manhwa của họ đã trở thành phương tiện truyền thông, sánh vai cùng âm nhạc (K-pop) và phim truyền hình trong công cuộc quảng bá văn hóa Hàn Quốc do chính phủ nước này khởi xướng. Họ đã cử rất nhiều người sang các “cường quốc truyện tranh” như Nhật, Mỹ… du học, coi truyện tranh là ngành thương mại giải trí, chứ không phải là sản phẩm văn hóa giáo dục!
Kế đến, Hội Mỹ thuật nên có sự tiếp cận và cái nhìn mở, thoáng hơn đối với truyện tranh và họa sĩ truyện tranh. Theo tôi được biết, họa sĩ truyện tranh không được kết nạp vào Hội! Gần đây, trường đại học Mỹ thuật TPHCM và một số trường dân lập (ĐH Dân lập Hồng Bàng) cũng đã có khoa đào tạo họa sĩ minh họa – truyện tranh, nhưng cũng chỉ là những bước khởi đầu. Riêng tôi quý trọng nhiều bạn trẻ hiện đang đam mê, nung nấu, theo đuổi ngành truyện tranh dù gặp nhiều khó khăn. Sự phát triển, dù vậy, theo tôi không phải chỉ ngày một ngày hai, mà cần cả một hoặc nhiều thế hệ sau nữa…
Và lời khuyên của anh cho các bạn trẻ đang theo đuổi lĩnh vực “khó nuốt” này?
Mai Rừng: Các bạn cứ theo đuổi, cứ đam mê, cứ sống chết vì nó! Ban đầu khi chưa có gì (chưa có nét riêng, chưa định hình phong cách), ta cứ… bắt chước, rồi tự mình học hỏi, sàng lọc; đến một lúc nào đó ta sẽ tìm được chính mình thôi. Vì mỗi người có bản sắc, có đặc trưng, có suy nghĩ, có trái tim riêng, không ai giống ai cả nên cũng đừng quá sợ mình giống người khác.
Thần đồng đất Việt – một bộ truyện tranh dài hơi mang bản sắc Việt, theo anh đó có phải là một sự thành công?
Mai Rừng: Một trong những thành công của Thần đồng đất Việt chính là nhân vật Trạng Tí. Phan Thị là một trong số ít đơn vị đam mê, đeo đuổi ngành truyện tranh Việt, họ đã làm theo cách riêng của họ và bước đầu có thể nói là họ đã thành công.
Cảm ơn anh!
Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh uy tín tại TPHCM