Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định năm 1973 về ngành sơn dầu.
Sau 30/4/1975, ông vẽ truyện tranh cho các báo trong nước với bút danh TU MI.
>>> ViVi Võ Hùng Kiệt – Họa sĩ của tuổi thơ
Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi (Ảnh: Internet)
Năm 1988, ông đến Mỹ theo chương trình đoàn tụ. Ông hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ và là một trong số rất ít họa sĩ người Việt sống được bằng công việc vẽ tranh ở xứ người.
Ông là thành viên Gallery & Studio Cây Cọ Nghệ Thuật Lowell, MA; Hội viên hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ Weston, Massachusetts; Hội viên hiệp hội nghệ thuật Newton.
TTV: Thưa họa sĩ, chú có thể giới thiệu về bản thân và cơ duyên đến với vẽ truyện tranh của chú?
HS TU MI: Tôi sinh năm 1947 tại Vĩnh Phú, miền Bắc, Việt Nam. Tôi theo gia đình vào miền Nam sinh sống vào năm 1954. Bút hiệu Tu Mi nghĩa là “kẻ mày râu”, khởi đầu vẽ trên báo Phụ Nữ.
Tôi xin nói qua về bản thân trong mối liên hệ với truyện tranh. Tôi tự đánh giá mình không phải là một họa sĩ chuyên vẽ truyện tranh và cũng không chú tâm quá về công việc này (có nghĩa là không có tìm tòi mới lạ hay tạo một phong cách cho riêng mình). Tôi vẽ truyện tranh theo yêu cầu của những tờ báo, cũng không thể gọi là nhiều, và kịch bản thường là do một người khác viết. Tôi không nhớ rõ mình đã vẽ bao nhiêu. Nhưng chắc chắn là vẽ sau ngày 30/4/1975.
Tôi là một họa sĩ sáng tác tranh sơn dầu, vì làm việc chung với báo giới nên lại gần gũi với đồ họa. Khoảng năm 1971-1972, tôi làm cho nhà xuất bản Vàng Son có ra một tờ báo thiếu nhi lấy tên là Mây Hồng nhưng tôi chỉ có minh họa mà thôi và khi ấy ký tên Mai Khôi. Khi vẽ liên tục bìa sách cho các nhà xuất bản thì tôi ký tên thật: Nguyễn Trọng Khôi.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi vẽ tặng tranh Chân dung bác Hoa Văn (Ảnh: Internet)
TTV: Chú có thể giúp cho cháu được hiểu thêm về bối cảnh truyện tranh Việt Nam trước và trong những ngày chú còn vẽ truyện tranh, những truyện tranh từ những năm 60, chú còn nhớ những bộ truyện, cuốn truyện hay những truyện tranh đăng trên các báo ạ? Và những họa sĩ vẽ truyện tranh thời kỳ này, chú còn nhớ là những ai ạ?
Họa sĩ TU MI: Tôi là người rất mê truyện tranh. Tôi thích tìm hiểu về cách thể hiện nó, về cách trình bày trang truyện cũng như biểu hiện hành động của mỗi nhân vật trong truyện thế nào cho hấp dẫn. Ngay từ những năm 60, nổi bật lên là những truyện tranh được dịch từ những truyện tranh nước ngoài như Superman, Người Dơi, David Crockett, những truyện tranh thuộc miền viễn tây Hoa Kỳ, một số truyện tranh loại kiếm hiệp Trung Hoa… Đáng kể nhất vẫn là Lucky Lucke và anh em nhà Dalton do Morris vẽ và Goscinny viết kịch bản. Sự hấp dẫn của Lucky Lucke ở những nét thông minh, dí dỏm và duyên dáng của câu chuyện. Cách cấu tạo nhân vật người và ngựa của Morris thật tuyệt vời. Nó đã không chỉ thu hút giới thiếu niên mà còn quyến rũ được cả người lớn tuổi. Cũng trong khoảng thời gian này một tờ báo Việt xuất hiện với những truyện tranh cũng được sự chú tâm và say mê của nhiều giới. Đó là tờ Phụ Trang của nhật báo Ngôn Luận. Người ta tìm mua phụ trang báo Ngôn Luận chỉ để xem một truyện tranh Mai Sơn Chúa Đảo do họa sĩ Văn Hiếu vẽ (sau 1975 tôi còn gặp họa sĩ Văn Hiếu cộng tác ngắn hạn với báo Khăn Quàng Đỏ, do anh Cửu Thọ làm chủ bút). Mai Sơn Chúa Đảo là một loại Tarzan Việt Nam. Nét vẽ của hoạ sĩ Văn Hiếu có phần đơn sơ nhưng lại hấp dẫn về nội dung. Truyện thứ hai trong tờ phụ trang Ngôn Luận là truyện Giặc Cờ Đen có lẽ phóng tác từ truyện Nhật Bản do họa sĩ Huy Tường vẽ…
Cũng nên biết rằng kỹ thuật in ấn lúc ấy còn rất nghèo nàn giống như mới từ kỹ thuật in thạch bản bước qua Typo (kỹ thuật Typo là kỹ thuật in dập từ bản khắc kẽm bằng acid). Sài Gòn lúc này chỉ có hai nhà làm bản kẽm đó là Cliché Dầu và Cliché Trung. Những cuốn truyện tranh hầu hết phát hành như loại sách vỉa hè (in mỏng, khổ nhỏ như sách thường khoảng 16 trang giấy báo, bìa 2 màu giá rẻ và bày bán đại trà ngay cả trên hè phố). Sang đến giai đoạn in Offset, những sách truyện tranh chuyển thể từ nước ngoài như Superman, Batman, Cowboy… đều được vẽ đồ lại từ bản chính trên giấy calque (giấy can, tracing paper) hay giấy bóng mờ để thay cho phim chụp… Tôi cũng có thường xuyên nhận những mối làm việc này từ một người bạn để kiếm thêm thu nhập.
Song song những ví dụ về truyện tranh kể trên còn một thể loại khác đó là truyện tranh minh họa. Đó là những câu truyện cổ tích như Công Chúa Lọ Lem, Nghi Xuân – Tấn Lực, Phạm Công – Cúc Hoa, Thạch Sanh – Lý Thông, Nhị Thập Tứ Hiếu… được vẽ minh họa bằng cọ vờn nét đậm nhạt và in một màu (không như truyện bằng tranh được vẽ chỉ bằng nét bút mực và tất cả đối thoại được phun lên một khung riêng, còn phần dẫn truyện rất đơn giản, mọi diễn biến đều nằm ở phần vẽ diễn xuất). Sách truyện minh họa bằng tranh thời này thường trình bày 2 tới 4 hình nằm trong khung trong một trang và được in khổ to hơn sách thường. Cách trình bày thường là những khuôn đều đặn. Sau này có nhiều họa sĩ phá cách cho hình ảnh tràn khung hoặc không có khung.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, Họa sĩ Đinh Cường, Nguyễn Ngọc Phong, Phạm Cao Hoàng (Ảnh: Internet)
TTV: Truyện tranh trong nước sau này, bị ảnh hưởng và chi phối rất nhiều bởi truyện tranh nước ngoài, trước là comic của Tây Âu, rồi sau đến Manga của Nhật Bản, ManHwa của Hàn Quốc, Manhua của Trung Quốc, thực sự truyện tranh Việt bị chèn ép thị trường và chưa có được tiếng nói, đường đi… Chú có thể đóng góp những ý kiến riêng để phát triển truyện tranh Việt?
Họa sĩ TU MI: Tôi không rõ lắm chi tiết về các nhà xuất bản truyện tranh. Nhưng theo nhận xét của tôi, có nhiều nguyên do mà truyện tranh của Việt Nam chưa khởi sắc được:
Nguyên do chính vẫn là việc đầu tư cho loại sách này chưa thoả đáng. Chưa có một nhà xuất bản nào đề xuất một thù lao thích đáng để họa sĩ vận dụng khả năng sáng tạo để bật ra những đặc thù kiệt xuất. Và, xem như công việc chính trong sáng tác. Cần có một hội đồng chuyên môn về bộ môn này. Chính những dễ dãi khiến cho chúng ta bị lôi cuốn vào những ảnh hưởng không thể tránh được từ những hình tượng hấp dẫn khắp nơi trên thế giới.
TTV: Vâng, cảm ơn chú rất nhiều vì những chia sẻ ạ!
Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM