Những truyện tranh nhiều kỳ của họa sĩ Hướng Dương như “Rồi sẽ biết”, “Măng Non – Mỏ Lết”,… và nhất là truyện tranh “Mai Mơ và Chi Li”, kết hợp với kịch bản của Giao Chi đã được trẻ em yêu thích đến nỗi có em đã nói rằng “Mai Mơ và Chi Li là bộ truyện gắn liền với tuổi thơ của mình, gắn liền với những sáng tác đầu tay và giúp mình đến với ước mơ trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh.”
>>> Hoàng Tường – Sáng tác cho tôi tự do
Vẽ truyện tranh – Nghiệp một đời người
Đã có rất nhiều người đến với nghề vẽ truyện tranh để rồi giữa đường bỏ cuộc. Còn với họa sĩ Hướng Dương, khởi đầu, ông học trường Khoa Học – theo ý của người cha đã nếm đủ vị mặn mòi nghèo túng của một họa sĩ-công chức ngày trước nên không muốn cho con theo nghiệp vẽ nữa. Thế nhưng nghiệp chọn người và người gắn bó với nghiệp, công việc đầu tiên ông làm cho đến độ tuổi nghỉ hưu lại là một họa sĩ vẽ truyện tranh.
Bắt đầu vẽ truyện tranh từ 1968 trên báo Tuổi Hoa, đến nay đã hơn 40 năm, nét vẽ linh hoạt của họa sĩ Hướng Dương vẫn còn được trẻ em và cả những-người-lớn-đã-từng-là-trẻ-con nhớ đến và yêu mến. Năm 1972 – 1974, họa sĩ Hướng Dương vẽ truyện tranh cho nhà xuất bản tư nhân Trương Vĩnh Ký. Sau 1975, ông làm bảng tin cho ban thiếu nhi Thành Đoàn, sau này thành trang thiếu nhi trên báo Tuổi Trẻ, rồi sau này được tách ra và phát triển thành báo Khăn Quàng Đỏ. Ông gắn bó với báo Khăn Quàng Đỏ cho đến tuổi nghỉ hưu. Và dù đã gọi là “về vườn” nhưng ông vẫn còn ấp ủ những kịch bản truyện tranh và sẽ tiếp tục vẽ cho trẻ em. Một người có thể gắn bó được với nghề họa sĩ truyện tranh như thế, ngẫm ra cũng bởi ông có đam mê và có được môi trường để nuôi dưỡng đam mê.
Bộ truyện tranh “Mai Mơ & Chi Li” do họa sĩ Hướng Dương và đồng nghiệp sáng tác (Ảnh: Internet)
Trên quãng đường đi rất dài với nghiệp ấy, ông tìm đọc và rèn cách xây dựng các phân đoạn từ sách dạy viết kịch bản truyện tranh của Pháp. Đồng thời, ông luôn tự làm mới những hiểu biết của mình về tâm lý trẻ em để bắt kịp nhu cầu, thị hiếu của trẻ con ngày nay. Mỗi tác phẩm, mỗi nhân vật ra đời dành cho những độc giả nhỏ là niềm vui của họa sĩ Hướng Dương. Bởi vậy trên con đường đi miệt mài đó, ông luôn yêu công việc mình làm. Vì dành nhiều tình cảm cho tác phẩm truyện tranh nên cái hụt hẫng lớn nhất của ông cũng là khi mà tác phẩm “Mai Mơ và Chi Li” không được tiếp tục với lý do không đáng, dù trẻ em vẫn còn say mê và đón chờ từng kỳ.
Cần đánh giá đúng vai trò của truyện tranh đối với trẻ em
Cũng như rất nhiều họa sĩ sinh ra trước 1975, họa sĩ Hướng Dương yêu thích cách vẽ comic (truyện tranh phương Tây) hơn cách vẽ manga (truyện tranh Nhật Bản). Ông thích vẽ con người thực hơn những truyện tranh Nhật. Ông cho rằng vẽ theo lối comic thì chú trọng về hình khối, tỉ lệ cơ thể,… Truyện tranh comic thể hiện cảm xúc rất lớn, vẽ rất kỹ, diễn đạt hay, gần với ảnh chụp nên không chỉ trẻ em mà người lớn cũng yêu thích. Nhưng một số truyện tranh trên báo bây giờ lại đi theo hướng manga, điều đó làm lệch đi việc giáo dục mỹ thuật với trẻ.
Điều làm cho “Mai Mơ và Chi Li” được trẻ em yêu thích là vì nó gần gũi, thân thiện với trẻ. Một tác phẩm truyện tranh hay, phải vừa có nội dung vừa phát triển được trí tưởng tượng cho trẻ. Có một số người lớn cho rằng truyện tranh phá hỏng trẻ con? Thật ra không đúng, bởi trẻ chưa thực sự biết chọn lọc nên người lớn phải giúp trẻ chọn những bộ truyện chất lượng, được biên tập kỹ thì sẽ tốt cho trẻ.
Về truyện tranh dài kỳ “Măng Non – Mỏ Lết” một thời được đăng trên báo Khăn Quàng Đỏ, dù được sáng tác theo đề ra của Đội, nhưng đó cũng là những câu chuyện đi vào tâm lý, lối sống của trẻ con, họa sĩ Hướng Dương thông qua những câu chuyện vui nhộn giữa hai nhân vật Măng Non và Mỏ Lết để giáo dục các đức tính cho các em.
Báo chí dạo này có nói về truyện tranh kém chất lượng, và lại thêm cái lối đọc ngược nữa. Những cái lỗi đó là do người lớn đã chấp nhận cái không nên để rồi áp đặt lên trẻ con phải chịu lấy.
Truyện tranh không chỉ giáo dục nội dung cho trẻ em mà còn giáo dục thẩm mỹ cho các em, bởi thế đừng làm méo mó hình dạng trong suy nghĩ của trẻ.
Đi nhiều thì thành đường
Sách truyện tranh được phát hành trên thị trường thì có lúc thịnh lúc suy, còn trên báo thì vẫn giữ được về số lượng. Tuy nhiên không thể phủ nhận là chất lượng truyện tranh trên báo giờ cũng xuống dốc, có thể nghĩ tới do khâu biên tập chưa thực sự kỹ lưỡng.
Còn với việc phát hành sách truyện tranh trên thị trường, việc so sánh số lượng phát hành truyện tranh qua các thời kỳ thì có nhiều vấn đề, như số lượng ngày xưa phát hành nhiều hơn bây giờ rất nhiều, cũng vì trẻ em ngày đó thiếu thốn các loại hình giải trí hơn so với bây giờ.
Truyện tranh Việt muốn phát triển được, phải có sự đầu tư. Nhìn vào sự phát triển nền truyện tranh Nhật, thấy rằng chúng ta chưa có được sự đầu tư mạnh về tài chính, và không có một ê-kip chuyên nghiệp như thế. Nhật Bản có hẳn một công nghiệp truyện tranh và được chú trọng từng khâu từ kịch bản đến tranh vẽ.
Về chất lượng, phải có sự đồng bộ giữa kịch bản và tranh. Đứng ở góc nhìn của một họa sĩ thì họa sĩ Hướng Dương cho rằng vai trò của tranh vẽ đóng góp 2/3 làm nên tác phẩm. Tuy nhiên ông không phủ nhận vai trò đi đầu của kịch bản.
Ông cũng nhận định, truyện tranh Việt chưa có nét riêng. Truyện tranh Việt đang tìm đường đi cho mình nhưng chưa có được lực lượng được đào tạo bài bản từ các trường dạy vẽ chính quy, bài bản. Phải có những người thực sự tâm huyết thì mới làm được.
Nói về giải pháp phát triển cho truyện tranh Việt, họa sĩ nói vui, mà rất thật: “Cứ làm đi rồi sẽ ra sáng kiến, mình chưa có chiến lược thì sẽ thành manh mún thôi.”. Đi nhiều thì thành đường, điều tưởng như đơn giản mà lại chính là giải pháp cho những điều phức tạp. Hy vọng là con đường truyện tranh Việt sẽ dần tạo dựng được nét riêng và khẳng định được một nền truyện tranh Việt thực sự.
Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM