Họa sĩ Hùng Lân tên thật là Nguyễn Hùng Lân, sinh năm 1956. Anh là một trong số rất ít họa sĩ vẽ truyện tranh Việt trụ lại với nghề và vẫn liên tục cầm bút vẽ kể từ ngày đất nước đổi mới đến nay. Những đứa con tinh thần của anh đã và luôn đứng vững trong lòng yêu mến của bạn đọc. Nhất là vào những năm 1993-1995, các bạn trẻ như lên cơn sốt với Dũng Sĩ Hesman. Cho đến những năm sau này, hình ảnh của anh chàng Robot mang tính năng, tình cảm như con người vẫn mãi là hình tượng anh hùng lý tưởng trong trái tim của những bạn trẻ ngày ấy – bây giờ.
>>> ViVi Võ Hùng Kiệt – Họa sĩ của tuổi thơ
Ngoài bộ truyện Dũng Sĩ Hesman làm mưa làm gió thị trường truyện tranh Việt ngày ấy, độc giả còn quen thuộc với những bộ truyện khác do họa sĩ vẽ truyện tranh Hùng Lân vẽ như Siêu nhân Việt Nam, Xmen – Những người bạn bí ẩn, Võ sĩ đạo Samourai, TKKG Tứ quái Sài Gòn, Tề Thiên Đại Thánh, Hãy đợi đấy, Tiểu Long Nhân, Nghìn lẻ một đêm, Gương sáng tuổi xanh, Truyện cổ Nước Nam, Cô Tiên Xanh, Tâm hồn cao thượng… Số đầu truyện tranh của anh đã xuất bản tính từ năm 1987 đến nay đã gần 700 tập đủ mọi thể loại.
Họa sĩ Hoàng Lân (Ảnh: Internet)
Chào họa sĩ Hùng Lân, rất vinh dự được anh dành cho buổi trò chuyện hôm nay. Hiện anh vẫn đang tiếp tục sáng tác?
HS.Hùng Lân: Hơn hai mươi năm nay tôi sáng tác truyện tranh và vẫn đang là họa sĩ vẽ truyện tranh. Hiện tại, tôi phụ trách mỹ thuật tại công ty Thiên Vương.
Điều gì khiến anh đến với nghề vẽ truyện tranh và theo đuổi bền bỉ đến tận bây giờ? Với những họa sĩ trẻ vẽ truyện tranh Việt Nam, anh muốn chia sẻ điều gì để họ có thể theo nghề đến cùng?
HS.Hùng Lân: Vẽ truyện tranh đã là mơ ước từ bé của tôi. Tôi đam mê truyện tranh từ năm học lớp 9, ngoài đam mê còn có cả hoài bão và điều may mắn là tôi cũng không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền lắm. Tôi rất vui khi gặp các bạn trẻ yêu nghề vẽ truyện tranh. Dù các bạn trẻ bây giờ có nét vẽ lai manga, nhưng tôi cũng đã thấy được những thay đổi rất đáng quý, như nhóm B.R.O với Truyện tranh danh tác. Tôi mong các bạn trẻ giữ được đam mê, sáng tạo ra được cái mới để nó mang đúng nghĩa là truyện tranh Việt. Và phải tìm ra được hướng đi cho mình!
Họa sĩ vẽ truyện tranh Việt khó theo đuổi nghề phần vì truyện tranh Việt chưa được người dân coi trọng. Thị hiếu của độc giả truyện tranh hiện nay lại quen với manga, chúng ta tạo ra được cái mới đã khó, để độc giả yêu thích được cái mới đó lại còn khó hơn. Nếu chúng ta có vốn đầu tư và dám chấp nhận thua lỗ ở những tập đầu thì mới làm được. Bởi thế rất cần những người đứng ra đỡ đầu cho truyện tranh Việt và họa sĩ vẽ truyện tranh Việt.
Đối với những họa sĩ cho rằng vì các nhà xuất bản, các nhà làm sách tư nhân trả thấp nên họ vẽ không đẹp. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng “chất lượng kém do giá rẻ”. Anh có thấy mâu thuẫn không ạ?
HS.Hùng Lân: Ý kiến đó cũng có một phần đúng đấy. Giữa kinh doanh và sáng tạo phải đồng hành với nhau để đi vào thế cân bằng. Với nhuận bút thấp, thì người họa sĩ không thể vẽ kỹ lưỡng được, phải vẽ nhanh để có thu nhập đủ sống. Người làm sách muốn đòi hỏi tác phẩm giá trị thì phải có nhuận bút tương xứng. Còn người vẽ truyện tranh thì lại đòi hỏi phải trả cho cao thì mới làm đẹp. Đây thực sự là bài toán hóc búa với những nhà kinh doanh và các đơn vị làm sách phải “gồng mình” dám trả cao và dành thời gian để họa sĩ vẽ kỹ và đẹp, dám chấp nhận chịu lỗ thời gian đầu mới có thể làm tốt được. Việc thu lợi nhuận có thể vào những lần tái bản sau.
Nhận định về cái đẹp trong truyện tranh thì rất khó. Như người làm sách, người vẽ thấy đẹp mà độc giả thấy không đẹp. Vậy thì dựa vào đâu để đánh giá truyện tranh? Và nói về nét vẽ, những họa sĩ vẽ truyện tranh thế hệ trước có xu hướng vẽ ảnh hưởng comic còn các họa sĩ trẻ bây giờ lại bị bình phẩm là lai manga, trong khi xu hướng của người đọc hiện nay là thích manga. Theo anh, phải giải quyết sao khi hai lối tư tưởng này không gặp nhau?
HS.Hùng Lân: Cái đẹp của truyện tranh, tôi cho rằng nên xét vào thị hiếu của người xem. Đẹp xấu trong mỹ thuật mang ý kiến chủ quan lắm, ví dụ như có những cuốn tôi vẽ ưng ý thì bán lại không chạy, còn có những cuốn vẽ bình thường thì lại bán chạy. Có thể nghĩ, ngoài những cuốn tác phẩm kinh điển, thì cũng nên có những cuốn làm theo kiểu nhanh, gọn và giá rẻ. Vấn đề quan trọng là phải nắm được thị hiếu mà độc giả mong muốn.
Còn về nét vẽ manga hay comic cho truyện tranh hiện nay thì không thể phủ nhận được manga Nhật đang chiếm lĩnh thị trường, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều đất nước khác nữa. Cũng bởi vì manga đẹp và Nhật Bản có hẳn công nghệ làm truyện tranh chuyên nghiệp.
Giới trẻ đam mê manga, đó là quyền của giới trẻ. Hiện tại thị trường đang thích manga thì cứ làm manga, nhưng không nên làm theo kiểu Nhật (vì cái bắt chước không thể nào đẹp được bằng cái gốc) mà hãy làm theo kiểu ta. Vẽ mắt to, nhưng vẽ chân tay theo lối comic, trang phục, khung cảnh Việt Nam.
Chúng ta vẫn có thể dung hòa được manga và comic để tìm ra hướng đi riêng của mình. Vấn đề là chúng ta có đủ lực, có đủ sức mà làm hay không?
Bộ truyện tranh “Dũng sĩ Hesman” (Ảnh: Internet)
Anh có thể chia sẻ một số điều về Dũng Sĩ Hesman không ạ? Tại sao lại dừng ở tập 159? Và lúc Dũng Sĩ Hesman ra đời thì thị trường truyện tranh đã có Đô Rê Mon, một tác phẩm chinh phục tất cả trẻ em, nhờ đâu mà Dũng Sĩ Hesman vẫn có chỗ đứng?
HS.Hùng Lân: Cái gì cũng đến thời điểm sẽ bão hòa. Mình phải nhận ra thời điểm đó để dừng lại và chuyển sang truyện khác. Đó là lý do tôi dừng lại truyện Dũng Sĩ Hesman. Còn về tại sao Dũng Sĩ Hesman vẫn có chỗ đứng khi độc giả tại Việt Nam đã có Đô Rê Mon, thì vào thời điểm đó ngoài Đô Rê Mon, đâu còn có bộ truyện tranh nào dài tập như Dũng Sĩ Hesman nữa đâu. Sức vẽ của tôi lúc đó một năm vẽ trung bình 30 tập, điều đó đáp ứng được nhu cầu đọc liên tiếp của độc giả Việt. Hơn nữa cái hình thức của Dũng Sĩ Hesman khác với Đô Rê Mon.
Bộ truyện tranh Cô Tiên Xanh và Tâm Hồn Cao Thượng đã định hướng được lối sống đẹp cho rất nhiều thế hệ trẻ em. Anh có thể chia sẻ đôi điều về bộ truyện tranh này?
HS.Hùng Lân: Cô Tiên Xanh là nhân vật do họa sĩ Kim Khánh nghĩ ra đầu tiên. Và được anh Thiên Vương gợi ý vẽ dựa trên hình ảnh Hằng Nga. Bộ truyện này không chỉ riêng tôi vẽ, mà còn có các họa sĩ khác như Kim Khánh, Lê Minh, Quang Toàn, Phan My,… Đối với truyện tranh Việt Nam, có thể coi họa sĩ Kim Khánh là kỷ lục gia về việc vẽ rất nhiều và bền bỉ.
Theo anh, vấn đề khó khăn đối với một họa sĩ truyện tranh hiện nay là gì?
HS.Hùng Lân: Là cái đề tài và kịch bản. Và cái khó nữa là nhuận bút thấp. Như tôi đã nói, quan trọng là đơn vị làm sách có đủ lực hay không. Một cuốn truyện tranh để vẽ đẹp có khi vẽ cả năm trời, trong khi xu hướng đọc của độc giả Việt Nam thì không đợi chờ được, chỉ muốn đọc liền tù tì.
Và anh có ý định sẽ cho Dũng Sĩ Hesman “tái xuất giang hồ” không ạ? Ý định sáng tác của anh sắp tới là gì?
HS.Hùng Lân: Nhiều bạn trẻ yêu quý Dũng Sĩ Hesman và mong bộ truyện này “tái xuất giang hồ”. Nhưng nếu tiếp tục làm thì có thể, nhưng cần cốt truyện và kịch bản hay. Còn tái bản Dũng Sĩ Hesman thì tôi nghĩ không nên, vì bộ truyện chinh phục được độc giả thời đó, chưa chắc chinh phục độc giả bây giờ. Hơn nữa, thời đó tôi vẽ hoàn toàn bằng tay, không có máy tính, nên khó mà đẹp như những bộ truyện bây giờ. Tuy nhiên có một bạn trẻ quá yêu quý Dũng Sĩ Hesman nên đang vẽ lại bộ truyện này bằng 3D trên máy tính.
Về ý định sáng tác, thì tôi ấp ủ nhiều điều nhưng không biết mình còn sức làm không. Tôi có ý định vẽ về “Thằng bờm” và “Lục Vân Tiên”,… Những tác phẩm truyện tranh không chỉ dành cho trẻ em mà còn dành cho người lớn.
Vâng, xin cảm ơn anh đã chia sẻ và chúc những dự định của anh sớm thành công!
Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM