Nguyễn Thành Phong - Vẽ Truyện Tranh Cho Người Lớn - Comic Media Academy

Nguyễn Thành Phong – Vẽ Truyện Tranh Cho Người Lớn

08/05/2015

Hẳn trong 2 năm trở lại đây, cái tên Nguyễn Thành Phong không còn xa lạ với cộng đồng người hâm mộ truyện tranh Việt Nam. Nam họa sĩ trẻ sinh năm 1986 này đã in dấu vân tay của mình vào ngành công nghiệp truyện tranh còn khá mới mẻ ở nước ta bằng thành công với rất nhiều bộ truyện cũng như nhiều giải thưởng lớn. Tôi không phải là người am hiểu nhiều về nghệ thuật truyện tranh, nhưng khi sách tranh “Sát thủ đầu mưng mủ” (hay “Phê như con tê tê”) được phát hành, tôi đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu và cảm phục chàng họa sĩ trẻ đầy tài năng này.

>>> Người phụ nữ truyền lửa của tôi 

hoa-si-nguyen-thanh-phongHọa sĩ Nguyễn Thành Phong (Ảnh: Internet)

 Với nghề vẽ, “nếu không theo thì tôi sẽ chết”

Nguyễn Thành Phong tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2009, hơn mười năm làm họa sĩ vẽ truyện tranh nhưng “hoạt động nghệ thuật” của anh bắt đầu khi anh còn là một đứa trẻ. Cậu bé Phong ngày đó tham gia và đạt giải A cuộc thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi Hà Nội lúc mới ba tuổi.

Lúc bấy giờ, anh chưa hề có bất kỳ một khái niệm gì về việc sẽ theo đuổi con đường vẽ truyện tranh chuyên nghiệp, mà đơn giản chỉ là kể lại những câu chuyện của mình bằng tranh vẽ. Nhưng càng vẽ, Thành Phong càng khám phá ra được nhiều điều thú vị, hấp dẫn của loại hình nghệ thuật này. Anh đam mê vẽ truyện tranh đến mức nếu không vẽ anh cũng chẳng biết mình sẽ làm gì khác nữa, như một cái duyên cố hữu.

Khác với hiện tượng nhiều họa sĩ truyện tranh trẻ bị ảnh hưởng sâu đậm bởi phong cách Manga, Nguyễn Thành Phong thích tác giả Takehiko Inoue, Vagabond, Slam Dunk của Nhật, thích Ashley Wood ở phương Tây nhưng không hoàn toàn bị chi phối bởi một người cụ thể nào cả. Anh xây dựng cho mình một phong cách khá độc đáo, được hình thành từ sự tổng hợp nhiều tác giả mà anh yêu thích và những yếu tố riêng của bản thân. Tôi thực sự thích điều đó, thích việc con người ta học hỏi, tiếp thu một cách chọn lọc những kinh nghiệm của người khác nhưng vẫn giữ được cá tính, nét sáng tạo của mình.

nguyen-thanh-phong-ky-tangKý tặng độc giả (Ảnh: Internet)

Nguyễn Thành Phong miệt mài làm việc theo dự án. Anh từng chia sẻ rằng mình làm việc kiểu cuốn chiếu, làm cùng lúc vài dự án, nên công việc gối đầu nhau, không bao giờ rảnh rang. Điều đó khiến Phong luôn có nhiều áp lực, nhưng mỗi dự án đều có sự mới mẻ và thú vị riêng nên anh luôn cố gắng hoàn thành. Ở mỗi dự án, mỗi tác phẩm, Thành Phong luôn tìm kiếm cho mình một cách tiếp cận mới lạ hơn, để tránh sự nhàm chán cho chính mình và cho độc giả.

Truyện tranh cho người lớn

Nếu ai đó hỏi tôi, vì sao tôi quan tâm đến họa sĩ Thành Phong, thì câu trả lời chính là: anh vẽ truyện tranh hiện đại dành cho đối tượng “người lớn”. Ở Việt Nam, hầu như truyện tranh được mặc định cho độc giả thiếu nhi và một bộ phận nhỏ thanh thiếu niên. Truyện tranh cho người lớn hầu như không có. Và họa sĩ trẻ Nguyễn Thành Phong đã chọn con đường mới mẻ ấy.

“Chia tay” với dòng truyện tranh dành cho thiếu niên với lý do tự cảm thấy mình không còn đủ trải nghiệm thực tế và hứng thú để vẽ tranh cho độc giả nhí, Thành Phong bắt đầu hướng đến dòng truyện tranh, sách tranh dành cho đối tượng lớn tuổi hơn. Anh kể những câu chuyện về cuộc sống, về nhiều điều đang hiện hữu xung quanh, những hiện tượng mà bất cứ ai cũng có thể bắt gặp hàng ngày, qua đó truyền tải thông điệp và phản ánh sự thật một cách rõ ràng và chân thực nhất. Đề tài sáng tác của Thành Phong thể hiện sự quan tâm của anh đến nhiều đối tượng, nhiều vấn đề hiện thực xã hội như xe chính chủ, chứng minh thư ghi tên bố mẹ, rùa Hồ Gươm, đời sống phố cổ, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội…

bo-truyen-tranh-long-than-tuongBộ truyện tranh Long Thần Tướng của Phong Dương Comic (Ảnh: Internet)

“Thần thái” của những tác phẩm ấy có thể là hài hước hay nghiêm túc nhưng dù bằng cách tiếp cận nào, khi đọc truyện của Thành Phong, tôi đều phải dừng lại để liên tưởng và suy ngẫm khá lâu. Tôi nghĩ, đó là thành công ban đầu của người họa sĩ truyện tranh hiện đại – vẽ những hình ảnh giúp cho người xem suy nghĩ về cuộc sống, từ đó có thể thay đổi nhận thức và hành động.

Giới trẻ (hay “người lớn”) hiện nay thường lướt qua nhiều vấn đề mang tính thời sự do tính chất cả thèm chóng chán, cũng như vì cuộc sống có quá nhiều điều cần phải quan tâm. Việc chọn đường đi như Nguyễn Thành Phong có thể nói là táo bạo và không ít rủi ro. “Tôi muốn dùng hình thức thể hiện là truyện tranh để thu hút sự quan tâm của giới trẻ đối với các mảng đề tài có vẻ khô khan như thời sự, chính trị, xã hội… Tôi nghĩ truyện tranh là một cách tiếp cận thông minh” – Thành Phong đã trả lời như thế trong một bài báo để khẳng định chọn lựa của mình.

Đã có những bông hoa nở trên đường

Qua mười năm hoạt động trong lĩnh vực vẽ truyện tranh, Thành Phong đã có được bảng thành tích đáng nể, là niềm khao khát của nhiều họa sĩ truyện tranh trẻ ở Việt Nam.

Đánh dấu tên tuổi với người bạn của mình là Khánh Dương, Thành Phong được độc giả trong nước biết đến với “Truyền thuyết Long thần tướng” ra mắt trên tạp chí Truyện tranh Việt năm 2004, “Nhi và Tũn” trên tạp chí Thần Đồng Đất Việt FC năm 2004…, và “Orange” trên tạp chí Truyện tranh Việt năm 2005, tác phẩm này đã xuất hiện qua hai tập truyện do Phan Thị phát hành năm 2011… Anh cũng đã ghi được tên tuổi mình trên sân chơi quốc tế khi tác phẩm “Người hóa hổ” đạt Giải thưởng đặc biệt của hội đồng Nghệ thuật cho comic xuất sắc nhất hạng mục truyện tranh trong cuộc thi truyện tranh và hoạt họa trẻ châu Á – Asian Youth Animation & Comics Contest- AYACC 2011; “Cậu bé và máy bay giấy” in trên Tạp chí Liquid City – Tuyển tập truyện tranh của các họa sĩ Đông Nam Á; “Bicof Story” in trên Tuyển tập truyện tranh của các Hoạ sỹ trẻ Châu Á…

nguyen-thanh-phong-tra-loi-phong-vanTrả lời phỏng vấn nhân dịp ra mắt bộ truyện Long Thần Tướng (Ảnh: Internet)

Tác phẩm của Thành Phong cũng được gửi đi tham gia những buổi triển lãm lớn như The Other Side ở Việt Nam năm 2009, Espai Cromatic Exhibition ở Tây Ban Nha năm 2009, Festival Truyện tranh Quốc tế Bucheon tại Hàn Quốc năm 2009, Transmission: experience tại Singapore năm 2010…

Con đường mới mẻ và nhiều chông gai của Thành Phong đã có những bông hoa tươi thắm nở rộ, khẳng định được tài năng của anh, cũng như hứa hẹn sự thành công hơn nữa trong tương lai. Còn tôi, tôi luôn tin rằng đến với nghề bằng cái duyên tự nhiên như hơi thở, với lòng đam mê và không ngừng sáng tạo để thể hiện phong cách của riêng mình, chắc chắn rằng Thành Phong sẽ còn vươn xa hơn nữa trong ngành công nghiệp truyện tranh mà anh đang theo đuổi.

Và tôi vẫn sẽ tiếp tục quan tâm, dõi theo hành trình sự nghiệp của Thành Phong, chờ đón những tác phẩm truyện tranh ý nghĩa của anh, xem và đọc để rút ra nhiều bài học cho chính bản thân mình!

Nguyễn Thị Thanh Hoa

Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM