Bài dự thi Cuộc thi viết “Những nhân vật thành danh trong ngành công nghiệp truyện tranh” của tác giả Đinh Thành Trung.
>>> Osamu Tezuka – Sinh ra để trở thành họa sĩ truyện tranh
Ông Nguyễn Thắng Vu – người đem đến tuổi thơ cho ‘thế hệ Doraemon’ (Ảnh: CMA)
Lúc này trong tôi, cảm xúc rất lẫn lộn. Lẫn lộn như mọi lần, khi nghĩ về bộ truyện tranh gắn bó với tuổi thơ, từng làm biết bao con tim say đắm, nghĩ đến người đã đem bộ truyện đó về Việt Nam với tâm trạng bồi hồi, bâng khuâng lẫn tiếc nuối. Bộ truyện tranh đem lại cả nụ cười và nước mắt ấy đã làm thay đổi cả một nền xuất bản nước nhà. Nhớ về ông, người đã làm công việc duy nhất và không có ai khác có thể làm được – đó là đem đến tuổi thơ cho bao thế hệ trẻ Việt.
Anh hùng xuất bản Việt Nam – Nguyễn Thắng Vu đã ra đi hơn bốn năm rồi, nhưng cứ đến ngày xuân, người ta lại nhớ những gì ông đã làm được cho thiếu nhi, cho ngành xuất bản Việt Nam. Sinh thời, ông đã làm thay đổi mạnh mẽ văn hóa đọc cả một thế hệ kéo theo sự thay đổi cả một ngành nghề. Ông làm điều đó chỉ bằng một tác phẩm truyện tranh tưởng chừng như mượn được món bảo bối nào trong chiếc túi thần kỳ của chú mèo máy Doraemon vậy. Cách gọi thân tình “cha nuôi” của Doraemon dành cho ông không phải không có lý do.
Ông Nguyễn Thắng Vu ký tặng cuốn Đô Rê Mon đầu tiên (Ảnh: Internet).
Nhưng ông chỉ là một người bình thường, một ông già gầy gò, giản dị, giọng nói cũng nhỏ nhẹ, chẳng có uy. Ông chỉ có niềm đam mê truyện tranh đến kỳ lạ. Với ông, lợi ích của độc giả là số một, nụ cười của trẻ thơ là bất khả xâm phạm. Ông có thể ngồi cả buổi để tỉ mẩn xếp từng cuốn truyện thành chồng cho ngay ngắn, có thể ung dung mặc Pyjama quết quết dán dán mấy quyển truyện lên chiếc bảng chuẩn bị giới thiệu cho ngày phát hành. Khi ấy ông đang là giám đốc một nhà xuất bản, nhưng việc đơn giản bằng chân tay đó ông vẫn quyết làm, không yên tâm giao hết cho nhân viên. Trong ông là một tâm hồn yêu truyện tranh đến mức dị thường, đến mức quên cả bản thân.
Công lao ông có thể kể cả ngày chưa hết, nhưng cũng có thể gói gọn trong mấy chữ “người hết lòng vì độc giả” và “người cứu ngành xuất bản Việt”. Nói một cách chân phương, nhờ ông đem chú mèo máy Doraemon vào Việt Nam mà ngành xuất bản thoát khỏi u ám. Nhớ thời đó, cuộc chiến giữa “ông giám đốc gàn dở” và “các vị phụ huynh khó tính” thật vô tiền khoáng hậu. Đến ngày nay, tức đã hơn 22 năm kể từ ngày ông Nguyễn Thắng Vu làm thay đổi bộ mặt xuất bản Việt Nam, lớp thiếu nhi say mê Doraemon ngày đó cũng đã trưởng thành, thì truyện tranh đã được nhìn nhận như bao tác phẩm nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp tính tốt dành cho thế hệ trẻ.
Ông Nguyễn Thắng Vu với độc giả thiếu nhi (Ảnh: Internet)
Ngày đó, tôi nhớ nụ cười của ông, chỉ cười khẽ, cười duyên như cái cách người Quảng Bình vẫn hay cười, nhưng chẳng hiểu sao lúc đó tôi thấy nụ cười đó là của một con người tột cùng hạnh phúc. Hạnh phúc lớn lao bởi ông nghĩ cho món ăn tinh thần của độc giả, ông luôn đứng trên quan điểm của độc giả để làm việc, chính vì thế ông luôn có được thành công, và thành công đó luôn bền vững vì nó xuất phát từ tình cảm và lòng yêu mến. Nghĩ nát óc mới quyết định được sẽ xuất bản truyện tranh gì, vậy mà ông lại sẵn sàng nhường bản thảo một bộ truyện dài kỳ cho NXB khác, để tất cả cùng phát triển sẽ có lợi hơn cho độc giả. Khó khăn, thách thức đến, ông mặc kệ, vẫn mỉm cười rồi tiếp tục hết mình vì công việc, tạo ra những sáng kiến mới, rồi lại tự hạnh phúc với thú vui gần như duy nhất: mân mê, vuốt ve, hít hà mùi truyện mới vừa in xong. Ông không phải là nhà văn hay họa sĩ vẽ truyện tranh, ông chỉ là một giám đốc nhà xuất bản, vậy mà lại yêu truyện như yêu đứa con mình mang nặng đẻ đau.
Thư viện Nguyễn Thắng Vu (Ảnh: Internet)
Ông là như vậy đó, sống – chết đều vì sách, vì truyện tranh. Càng tìm hiểu, càng nhìn sâu vào con người của ông Nguyễn Thắng Vu, càng thấy kính trọng, khâm phục, yêu mến. Đó là sự cần cù, miệt mài với công việc, với niềm đam mê vô tận vì nghệ thuật, vì thế hệ trẻ. Đó là điều độc giả nhớ tới ông nhất, chứ không phải vì tài năng hay sự nổi tiếng.
Thời gian có trôi qua thế nào chăng nữa, tôi vẫn chắc chắn một điều: ở Việt Nam khi nhắc đến Doraemon, mọi người sẽ nhớ đến vị cha đẻ lẫn “cha nuôi” của chú mèo máy huyền thoại ấy. Vị cha nuôi đó không có bảo bối nào, mà khi mất đi vẫn đem niềm vui cho trẻ nhỏ bằng quỹ khuyến học Doraemon và thư viện mang tên ông. Ông là người đem đến tuổi thơ, người tạo ra “thế hệ Doraemon” và còn nhiều hơn thế…
Đinh Thành Trung
Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM