Họa sĩ Lê Minh - Nổi tiếng là nhờ vẽ minh họa - Comic Media Academy

Họa sĩ Lê Minh – Nổi tiếng là nhờ vẽ minh họa

14/05/2015

Theo dòng tìm hiểu con người và lịch sử truyện tranh từ xưa đến nay, TTV tìm đến họa sĩ Lê Minh – Người đã vẽ nhiều truyện tranh vào giai đoạn trước năm 1960 với những bộ truyện tranh có cốt truyện từ lịch sử, truyện xưa và sau năm 1990 với những bộ truyện như Cô Tiên Xanh, Truyện cổ tích Việt Nam, Truyện cổ tích Thế giới,…

>>> Nhà văn Thượng Hồng – Người viết truyện ma nhiều nhất Việt Nam

Trong khoảng 1960 – 1990, họa sĩ hầu như không vẽ truyện tranh mà nổi tiếng nhờ vẽ minh họa, nhất là thời điểm tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung bắt đầu được dịch và thậm chí mua được xe hơi nhờ vẽ minh họa. Mãi sau 1990, nhờ cuộc triển lãm tranh lụa, một số người làm truyện tranh mới liên lạc lại được với ông để nhờ vẽ truyện tranh, công việc bận rộn, nên cũng có những cuốn truyện tranh ông chỉ đảm nhận việc vẽ bìa, còn nội dung truyện là do người khác vẽ… 

Nhìn vào những bước đi của họa sĩ Lê Minh và nhiều họa sĩ truyện tranh đã chuyển sang vẽ minh họa hay sáng tác hội họa, ngẫm ra cũng thấy ngậm ngùi cho nghề họa sĩ truyện tranh ở Việt Nam.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Họa sĩ Lê Minh (phải) cùng vợ tại tư gia (Ảnh: Internet)

TTV: Thưa họa sĩ Lê Minh, chú có thể chia sẻ với bạn đọc về cơ duyên đến với vẽ truyện tranh và những bước đường gắn bó với truyện tranh của chú được không ạ?

Lê Minh: Tôi có năng khiếu vẽ từ bé rồi đầu tư vào học vẽ, hồi đó cái gì cũng vẽ, kể cả vẽ cho thầy cô giảng bài. Thời còn là sinh viên năm nhất trường Mỹ thuật Gia Định, tôi bắt đầu vẽ cho các báo. Lúc đó vẽ tranh minh họa cho loạt truyện “Hoa Lư động chúa” đăng trên nhật báo Dân Ta (dạng truyện feuilleton, mỗi ngày ra một kỳ kèm tranh minh họa). Rồi sau đó bắt đầu vẽ truyện tranh, lấy cốt truyện là những truyện lịch sử hay truyện xưa (như “Người con gái Nam Xương” trong Truyền Kỳ Mạn Lục hay Hòn Vọng Phu,…) Và cả những truyện tranh nhiều kỳ (mỗi kỳ vẽ 5 cột báo) dựa trên cốt truyện của Bồ Tùng Linh.

Làm truyện tranh ngày xưa cực lắm, vẽ bằng mực tàu và bút sắt Lá tre, bản kẽm lúc đó còn làm trên gỗ, khắc từng chi tiết, rất kỳ công. Đầu thập niên 1960, truyện chưởng Kim Dung bắt đầu tràn vào Sài Gòn, lúc đó tôi được mời vẽ minh họa cho những tờ báo trích đăng truyện và nhất là được các nhà xuất bản mời vẽ bìa sách của những truyện này. Việc vẽ minh họa giúp tôi có thu nhập, thậm chí là nhờ thu nhập này mà thành lập được tờ báo Em và nhờ đó mua được xe hơi. Nhưng cũng bởi thế mà khoảng thời gian này vẽ truyện tranh không nhiều.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Các tác phẩm họa sĩ đã thực hiện (Ảnh: Internet)

Năm 1990, tôi có triển lãm tranh lụa, một số người làm truyện tranh mới liên lạc lại được. Trước đó họ cứ tưởng Lê Minh đã vượt biên sau giải phóng và không còn ở Sài Gòn, nào ngờ gặp lại. Và những năm sau 1990 này tôi tham gia vẽ một số truyện tranh. Chừng những năm này cũng bắt đầu có in màu. Tôi có vẽ tranh tứ bình, là truyện dạng được chia 4 cột có tranh minh họa, dùng treo dán trong nhà, rất được dân Sài Gòn thời ấy ưa chuộng.

TTV: Còn những gì mà chú biết về con đường truyện tranh Việt Nam từ trước tới nay? Tại sao số lượng phát hành truyện tranh bây giờ không cao như trước?

Lê Minh: Giai đoạn sau 1960, tôi không nhớ hết, chỉ nhớ một số truyện tranh đã vẽ dựa trên tích lịch sử.

Chỉ thấy truyện tranh Việt trước 1975 thì nét vẽ không lai như sau này, nét vẽ và nội dung rất thuần Việt. Trước 1975, truyện tranh Việt chủ yếu là xuất hiện ở trên báo hoặc có một số rất ít bản in khổ nhỏ. Số lượng truyện tranh bây giờ phát hành số lượng ít hơn là vì trẻ em bây giờ có nhiều thứ để giải trí hơn chứ không như trẻ em ngày trước.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Một trang minh họa do Lê Minh thực hiện (Ảnh: Internet)

TTV: Giữa người viết kịch bản và người vẽ truyện tranh, chú thấy mối liên hệ như thế nào?

Lê Minh: Người viết kịch bản phải phân cảnh được và nghĩ đến người họa sĩ.

TTV: Nhìn vào con đường đi của chú và lựa chọn của đa số họa sĩ, thì sáng tác hội họa hay vẽ minh họa vẫn được ưu tiên hơn truyện tranh?

Lê Minh: Vẽ tranh thích hơn chứ, vì có tính nghệ thuật hơn.

TTV: Vậy theo chú, vị trí của truyện tranh như thế nào?

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Lê Minh: Truyện tranh thì phục vụ được nhiều đối tượng hơn. Nên quá trình sáng tác truyện tranh rất đáng được coi trọng.

TTV: Vâng, cảm ơn chú rất nhiều vì đã dành thời gian trò chuyện và chia sẻ.

Theo Truyentranhviet.vn

Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM