Cụ bà Lê Thi - "Tôi mất hai ngày để làm quen với bàn tính"

Cụ bà Lê Thi – “Tôi mất hai ngày để làm quen với bàn tính”

19/12/2015

Cụ bà Lê Thi hiện trú ở Xa La – Hà Đông (Hà Nội) thường được biết đến với biệt danh là “bà còng Xa La” hay “cụ bà xì tin”. 94 tuổi nhưng cụ bà Lê Thi vẫn có thể đọc vanh vách tin tức hằng ngày trên các tờ báo mạng. Khi được hỏi về bí quyết học công nghệ, cụ chỉ cười nói rằng không có gì là cao siêu.

Cụ bà Lê Thi sử dụng máy tính

Câu trả lời về mục đích sử dụng máy tính của cụ, khiến người khác không khỏi ngạc nhiên, bà nói: “Tôi học máy tính từ năm 2000, ban đầu dự định chỉ để hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Ngược dòng” nhưng sau đó được các cháu dạy cho cách vào “gu-lờ” (google), rồi facebook và yahoo. Ban đầu, cũng ngượng nghịu, lóng ngóng nhưng sau dần thì cũng quen. Bây giờ sức khỏe yếu nên tôi không vào nhiều như trước nhưng hầu như ngày nào cũng phải dành ít thời gian vào mạng để đọc truyện hoặc tin tức”.

Cụ còn cho biết thêm, mỗi tuần hai lần bà sẽ dành thời gian để “chat” facebook với cháu nội ở bên Nga. Bà còn dí dỏm nói rằng trình độ gõ bàn phím “chỉ có thể gõ mổ cò” nên bà thường lắng nghe những gì cháu tâm sự nhiều hơn là trả lời.

Hỏi về bí quyết học công nghệ, cụ bảo rằng: Cái gì không biết thì phải học, mà học thì không giới hạn về độ tuổi. Tôi mất hai ngày để làm quen với bàn tính, sau đó thì ghi nhớ cách vào mạng, mở trang website hay đăng nhập vào các diễn đàn”.

Để chứng minh những gì mình nói, cụ Thi liền mở chiếc laptop ở đầu giường, khởi động và gõ mật khẩu một cách thuần thục. Cụ cho xem trang cá nhân facebook của mình với khá nhiều lượt theo dõi, kết bạn.

Hỏi về những người bạn “ảo”, cụ Thi bảo rằng, trước đây sử dụng yahoo để “giao lưu” nhưng giờ cụ chuyển sang facebook để bắt kịp xu thế. Hầu hết, những người bạn trên mạng của cụ đều là những người có chúng sở thích và đam mê viết truyện, hội họa.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của cụ – “Ngược dòng” dài gần 600 trang được NXB Lao Động phụ trách in ấn và phát hành năm 2010. Đây là cuốn truyện tự sự về chính cuộc đời mình. Để ước mơ văn học trở thành hiện thực cụ tự đánh máy trong hai năm. “Ấy là do tuổi cao sức yếu, vì tay đã quá run, nếu không gõ máy tính thì những viết ra sẽ không ai đọc được” – cụ lý giải.

Khi kể về những cuốn sách, về niềm đam mê văn chương, mắt cụ Lê Thi như sáng hơn, câu chuyện về những tháng ngày thơ dại, để được đọc sách cụ thường tranh thủ lúc bố đi vắng rồi lấy trộm sách đọc. Những tác phẩm của tác giả Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ rồi nhóm Tư Lực Văn Đoàn…cứ thế đi cùng cụ suốt năm tháng tuổi thơ, đến khi cụ trường thành nó vẫn cùng cụ bước qua những năm tháng khó khăn nghèo đói, tự học chữ , tự sưu tầm nâng niu gìn giữ từng cuốn sách hay, mẩu truyện đẹp. 

Sử dụng ngôn từ mộc mạc và gần gũi, cụ Lê Thi thể hiện quan niệm sống của bản thân qua từng trang sách, những suy nghĩ về quy luật cuộc sống, triết lí về nhân sinh ý nghĩa. Cảm hứng sáng tác thường chỉ đến một cách bất chợt với cụ, có ngày viết gần bốn mươi trang nhưng có ngày lại chẳng viết hết một câu. Sức khỏe ngày càng yếu cũng ảnh hưởng đến việc sáng tác. Thời gian trước, cụ khỏe đến nỗi thức thâu đêm để viết mà chẳng biết mệt, giờ thì ngồi hai ba tiếng đã thấy mỏi mắt, đau lưng. Hiện tại cụ Thi vẫn đang ấp ủ một tác phẩm khác, tiểu thuyết mang tên “Vòng xoáy cuộc đời”.

Cụ bà Lê Thi - ánh mắt sáng khi nói về nghệ thuật

Ngoài sở thích viết truyện, cụ còn làm thơ và vẽ tranh. Bộ sưu tập đã lên đến 2000 bức tranh, chủ đề thường thấy là về phong cảnh làng quê. Cụ Thi cho biết, cụ chưa từng được tham gia các khóa học vẽ nào, chỉ là từ nhỏ yêu thích rồi tự mình học vẽ, nuôi dưỡng tài năng cho đến tận bây giờ.

Tình yêu hội họa và tài năng hiếm có của cụ Lê Thi đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Năm 1997, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi đó là ông Nguyễn Khoa Điềm đã đích thân đến thăm, tặng bằng khen và tổ chức triễn lãm tranh cho riêng cụ. Câu chuyện về bà lão lưng còng biết vẽ tranh, viết truyện cứ ngày càng lan xa. Thậm chí, thời điểm đó rất nhiều người đã tìm đến nhà, mong muốn gặp bằng được cụ Thi.

Cụ bà Lê Thi và tranh vẽ

Khó có thể tin rằng, sinh hoạt của một người gần 100 tuổi vẫn đều đặn thường xuyên với những việc như sáng sớm dậy tập thể dục, tự mình xỏ kim may quần áo cho bản thân và gia đình, có thể làm bánh và những món ăn truyền thống.

Khi hỏi về bí quyết sống khỏe, sống đẹp, cụ nói rằng “Với tôi, còn sống ngày nào là còn lao động, phải cống hiến. Sống là phải sâu sắc chứ không nên để mỗi ngày trôi qua tẻ nhạt. Đặc biệt, tôi không bao giờ biết cáu giận hay sân si…“.

Như Nguyễn