Bóng nhựa - Ngày ấy bây giờ - Comic Media Academy

Bóng nhựa – Ngày ấy bây giờ

14/05/2015

Nhà văn NGUYỄN CỬU THỌ Ông sinh năm 1932, có các bút danh Trần Hùng, Bóng Nhựa. Quê ở thành phố Huế, ông tham gia kháng chiến từ năm 1946, sau làm trong ngành báo chí, xuất bản. Ông từng là phóng viên báo Thiếu Niên Tiền Phong, nguyên giám đốc nhà xuất bản Măng Non, nguyên phó giám đốc nhà xuất bản Trẻ.

>>> Họa sĩ Quang Toàn – “Giữ lửa” là điều quan trọng nhất

Tác phẩm chính: Tập truyện: Bác Hồ kính yêu (1961); Chú bé biệt động (1981); Em bé sông Hương (1986); Chuyện nhỏ trong nhà (1987); Đạm Phương nữ sĩ (kí, 1995); Những cuộc phiêu lưu của Bóng Nhựa và Bút Thép (truyện tranh, 2000); …

Trong gần 20 năm, từ 1959 đến 1977, báo Thiếu Niên Tiền Phong có chuyên mục phóng sự, ghi chép dài kỳ được rất nhiều bạn nhỏ yêu mến với hai nhân vật minh họa chính là Bóng Nhựa và Bút Thép. Bóng Nhựa có cái đầu tròn như quả bóng bàn và Bút Thép có cái đầu nhọn hoắt của chiếc ngòi bút sắt chấm mực trước đây học sinh hay dùng. Đó là hai người bạn thân thiết với thiếu nhi Việt Nam một thời.

Các bài viết trong chuyên mục ấy do nhiều phóng viên viết nên, nhưng hai ngòi viết chính gắn liền với chuyên mục là nhà văn Cửu Thọ – Bóng Nhựa và nhà báo Mạnh Chuẩn – Bút Thép.

Đến năm 2000, bộ truyện tranh “Những cuộc phiêu lưu của Bóng Nhựa và Bút Thép” do nhà văn Cửu Thọ viết kịch bản và họa sĩ Thiên Chương vẽ truyện tranh được ra mắt những độc giả nhỏ. Tiếc rằng, bộ truyện tranh này chỉ kéo dài được hơn 10 tập thì dừng lại, vì nhà văn Cửu Thọ bị tai biến. Nhân vật của nhà văn Cửu Thọ hài hước, dí dỏm và nội dung gần gũi đời sống với các em.

Lần tìm lại những người đã sinh ra và là nhân chứng sống của dòng lịch sử truyện tranh Việt, chúng tôi tìm gặp nhà văn Cửu Thọ. Sau khi ông bị tai biến, đã quên đi hầu hết ký ức, nhưng vẫn cười tươi nhớ tới nhân vật Bóng Nhựa.

Nhà báo Lê Luynh, phó trưởng cơ quan đại diện phía nam báo Thiếu Niên Tiền Phong chia sẻ trong một bài viết:

“Có lần tôi đã gặp nhà văn Cửu Thọ, khi anh đã nghỉ hưu. Anh vui vẻ: “Thực ra Bóng Nhựa không phải là bút danh riêng của anh, mà là của chung Toà soạn. Cuối năm 1959 một Nhà máy nhựa có tên Thiếu niên Tiền phong ra đời do các em góp tiền xây dựng và chuyên sản xuất đồ nhựa trong đó có những trái bóng. Báo TNTP viết bài về sự kiện này và cho phóng viên “Bóng Nhựa” nhanh nhẹn lăn đi thông báo với thiếu nhi cả nước biết rằng nhà máy của các em đã ra đời.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Các tác phẩm do ông sáng tác (Ảnh: Internet)

Rồi Bóng Nhựa thành một chuyên mục mà anh phụ trách. Cũng từ đó đồng nghiệp, độc giả gọi anh là Bóng Nhựa. Và Bóng Nhựa – Cửu Thọ cứ thế nhảy tưng tưng đi khắp mọi miền đất nước để gặp gỡ những cô cậu bé.”

Có thể nói rằng, “Những cuộc phiêu lưu của Bóng Nhựa và Bút Thép” là bộ truyện tranh cuối cùng, với sự tâm huyết dành cho nhân vật xuyên suốt đời văn sáng tác cho thiếu nhi của nhà văn Cửu Thọ.

97 (1)

Bóng Nhựa bây giờ (Ảnh: Internet)

Đối với lứa tuổi nhi đồng, các loại sách được các em yêu thích hơn cả là những truyện đồng thoại, cổ tích và nhất là khi những truyện ấy lại được diễn đạt bằng tranh. Để tạo ra được những truyện tranh hấp dẫn, người viết kịch bản phải là người rất am hiểu tâm sinh lý trẻ nhỏ, phải dành nhiều thời gian, công sức để thâm nhập vào thế giới của trẻ để hiểu được trẻ muốn gì, có suy nghĩ như thế nào, có ước mơ ra sao, từ đó tìm ra cách thể hiện, cách diễn đạt phù hợp. Có lẽ nhờ những năm tháng làm việc gắn bó với thiếu nhi, từ lòng yêu mến các em, hiểu các em mà khi đã về hưu, nhà văn Cửu Thọ viết loạt truyện tranh dài kỳ “Những cuộc phiêu lưu của Bóng Nhựa và Bút Thép” có lối dẫn dắt, lời thoại nhân vật rất dí dỏm, hài hước và thu hút các em như thế.

Dù nhà văn Cửu Thọ – Bóng Nhựa ngày ấy, bây giờ đã không còn viết được nữa, nhưng những độc giả một thời vẫn nhớ đến ông và trẻ em nhiều thời vẫn yêu mến hình ảnh chú bé đầu tròn ngộ nghĩnh Bóng Nhựa cùng người bạn đầu nhọn Bút Thép.

 Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh chất lượng tại TPHCM