Phim hoạt hình hay The Dam Keeper 13

Poster của phim The Dam Keeper. Nguồn: imdb.com The Dam Keeper là bộ phim hoạt hình ngắn với thời lượng 18 phút được sản xuất bởi hai đạo diễn Robert Kondo và Dice Tsutsumi, đồng thời cũng là biên kịch của phim. The Dam Keeper được thực hiện tại Tonko House LLC, được ra mắt chính thức lần đầu tiên tại Liên hoan phim quốc tế Berlin vào ngày 11/2/2014 và công chiếu tại Mỹ vào ngày 14/3 cùng năm tại Liên hoan phim trẻ em quốc tế New York. Bộ phim với cốt truyện dễ thương và cảm động đã nhanh chóng làm tan chảy trái tim mỗi người xem và nghiễm nhiên được lọt vào danh sách đề cử Phim hoạt hình ngắn hay nhất của giải thưởng Oscar lần thứ 87, năm 2015. Nội dung của The Dam Keeper kể về chú lợn con sống cô đơn một mình trong một cối xay gió lớn và có nhiệm vụ bảo vệ thị trân nơi cậu sinh sống khỏi đám sương mù đen nguy hiểm. Ngày qua ngày, cậu luôn phải thức dậy sớm và đúng theo giờ quy định để điều khiển cối xay rồi mới được đi học vì thế người chú heo bé nhỏ lúc nào cũng lấm lem bụi đất. Bạn bè trong trường không ai chơi với cậu, tất cả bọn họ đều tìm cách bắt nạt chú heo nhỏ tội nghiệp cho tới khi cậu gặp bạn cáo – học sinh mới chuyển vào lớp và lúc nào cũng cắm cúi vẽ hí hoáy trong cuốn sổ bí mật. Chú heo con hạnh phúc vì cuối cùng đã có người bạn thân nhưng không may xảy ra sự hiểu nhầm giữa hai người khiến cậu đau đớn vì bị người bạn mới lừa dối. Nỗi đau khổ khiến nhân vật heo con chán nản và bỏ bê luôn công việc quan trọng của mình, làm cho đám sương mù tấn công cả dân làng, khắp nơi đều là tiếng khóc và tiếng la hét sợ hãi. Thật may mắn, heo con nhận ra được mình đã hiểu lầm bạn cáo vì thế cậu đã quyết định dùng hết sức của mình, dũng cảm đi cứu lấy bạn bè cùng thị trấn bằng cách đi đến cối xay gió và thổi đám sương độc ác bay đi. Một câu chuyện nhân văn tươi đẹp, giàu ý nghĩa cùng với hình ảnh nhân vật dễ thương và được tô điểm bằng những màu sắc rực rỡ. Một điều đáng kinh ngạc là bộ phim được làm từ hơn 8.000 bức tranh của các họa sĩ tài năng hợp tác với hai đạo diễn Robert Kondo và Dice Tsutsumi. The Dam Keeper là sự kết hợp với lối vẽ tay truyền thống với những nét cọ màu sắc tươi sáng mang đến cho người xem phong cách hoạt họa đặc trưng điển hình như những tác phẩm trước đây của bộ đôi Kondo và Tsutsumi. (Cả hai người từng là họa sĩ cho các bộ phim hoạt hình nổi tiếng được rất nhiều người biết đến như Ice Age, Ratatouille, Monsters University và Toy Story 3). Ngoài ra bộ phim được thực hiện qua việc dựng những bức tượng nhân vật bằng đất sét để cho ra những thước phim thêm sống động. Dưới đây là một vài hình ảnh về quá trình làm phim hoạt hình The Dam Keeper được Comic Media Academy sưu tầm từ trang website chính thức của bộ phim: thedamkeeper.com. Những ảnh phác thảo ban đầu của nhân vật chính – Chú heo con dũng cảm Mọi nhân vật đều được nặn bằng đất sét tỉ mỉ Cối xay gió – nơi chú heo con sinh sống và bảo vệ thị trấn Chiếc xe buýt mà chú heo bé nhỏ dùng để đi học Hình ảnh đoàn làm phim The Damn Keeper Trailer chính thức của The Dam Keeper được đăng trên kênh The Dam Keeper tại website Youtube The Dam Keeper: Official Trailer #1 The Dam Keeper: Official Trailer #2 Ngoài ra, trong kênh của Tonko House trên trang Youtube có chia sẻ rất nhiều những đoạn video ngắn về quá trình thực hiện từng khâu trong phim có thể giúp ích rất nhiều cho các bạn học viên tại Comic Media Academy và những bạn có đam mê mãnh liệt trong giới làm phim hoạt hình. Making of The Dam Keeper Short Making Of “PIG: The Dam Keeper Poems” #1– Tonko House’s New Series by Erick Oh Making Of “PIG: The Dam Keeper Poems” #2 — Tonko House’s New Series by Erick Oh >>> Tìm hiểu thêm: Khóa học làm phim hoạt hình 3D chuyên nghiệp Phạm Hoàng Ngọc dịch và tổng hợp

Phim hoạt hình hay The Bigger Picture film poster

Nguồn: filmschoolradio.com Ngoài những bộ phim được thực hiện công phu bằng kỹ thuật làm phim hoạt hình 3D tiên tiến được sản xuất với số lượng nhiều như ngày nay. Chắc hẳn người xem sẽ nhớ nhung về những thước phim hoạt hình được vẽ tay 2D tỉ mỉ ngày xưa đã từng một thời thịnh hành trong giới làm phim hoạt hình. Bộ phim hoạt hình The Bigger Picture chính là một kết hợp táo bạo, hoàn hảo giữa việc vẽ tranh 2D trên tường cùng mô hình giấy để tạo ra những đoạn phim 3D thú vị, ngoài ra điểm đặc biệt của bộ phim là được làm theo dạng hoạt hình tĩnh vật (stop-motion) – một cách làm phim đang khá ưa chuộng hiện nay. The Bigger Picture được sản xuất bởi National Film and Television School (NFTS), dưới sự thực hiện của nữ đạo diễn Daisy Jacobs, cô cũng là biên kịch của bộ phim này cùng với Jennifer Majka. The Bigger Picture được phát hành vào ngày 21/5/2014 tại Pháp và phát hành tại Mỹ vào ngày 11/10/2014 tại sự kiện Hamptons International Film Festival. Bộ phim đã chiến thắng giải thưởng Best British Short Animation tại lễ trao giải lần thứ 68 của British Academy Film Awards và lập tức lọt vào vị trí đề cử cho hạng mục Phim hoạt hình ngắn hay nhất (Best Animated Short Film) của giải thưởng Oscar lần thứ 87, năm 2015. Phim hoạt hình The Bigger Picture có độ dài tám phút được đạo diễn Daisy Jacobs sử dụng hình ảnh nhân vật cao hai mét để diễn tả câu chuyện mang hơi hướng hài kịch đen (Dark humor) trào phúng kể về mâu thuẫn gay gắt cùng sự ghen tỵ giữa hai anh em Richard và Nick trong việc chăm sóc người mẹ già yếu sắp mất của họ. Người anh tên Nick thì may mắn và thành đạt, anh ta và luôn được mẹ dành nhiều yêu thương hơn người em dù Nick ít quan tâm đến bà và lâu lâu mới quay về gia đình thăm người thân. Ngược lại hoàn toàn với Nick là người em trai tên Richard – cũng là nhân vật chính của The Bigger Picture. Chính vì sự thương yêu không công bằng của người mẹ dành cho anh mình đã làm dấy lên sự khó chịu trong lòng của Richard. Khi bản thân anh đã dành hết thời gian để chăm sóc cho người mẹ ốm yếu của mình nhưng lại không được bà quan tâm bằng anh trai. Nữ đạo diễn trẻ Daisy Jacobs đã chia sẻ về lý do tại sao cô chọn đề tài nhạy cảm này để thực hiện bộ phim như sau: “Tôi nghĩ The Bigger Picture đã gợi lên điều quan trọng về cách chúng ta chăm sóc cha mẹ của mình khi bản thân chúng ta lớn lên. Theo tôi, mọi người có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng tôi nghĩ đây là điều cần phải nói lên thông qua bộ phim.” Nữ đạo diễn Daisy Jacobs và đồng nghiệp Chris Wilder. Nguồn: art-vibes.com Bộ phim gây sự thích thú cho người xem qua phương pháp làm phim hoạt hình độc đáo với sự kết hợp tuyệt vời giữa nghệ thuật vẽ tranh 2D ghép với mô hình giấy và 3D (tên tiếng anh gọi là 3D Stop Motion Animation). Dưới đây là một vài hình ảnh được Comic Media Academy sưu tầm sẽ cho chúng ta thấy sự kỳ công của đoàn làm phim khi thực hiện The Bigger Picture. Quang cảnh khi cả đoàn đang thực hiện bộ phim. Nguồn: art-vibes.com & animamundi.com.br Những nhân vật đều được vẽ tay và gắn những mô hình giấy. Nguồn: thisiscolossal.com Với việc kết hợp như vậy sẽ cho ra những thước phim sống động nghệ thuật Comic Media Academy chia sẻ đến bạn đọc đoạn phim đầy đủ được đoàn làm phim đăng công khai trên kênh Vimeo của đạo diễn Daisy Jacobs cùng với đoạn phim The Bigger Picture. The Bigger Picture TRIK SHOW: Making Of Daisy Jacobs The Bigger Picture >>> Tìm hiểu thêm: Khóa học làm phim hoạt hình 2D – 2D Animation Artist Phạm Hoàng Ngọc dịch và tổng hợp

Phim hoạt hình hay Me and My Moulton 2

Poster của bộ phim. Nguồn: filmaffinity.com Me and My Moulton là phim hoạt hình ngắn dí dỏm và hài hước nhưng đầy sự xúc động của Torill Kove nữ đạo diễn, biên kịch người Canada và Na Uy. Me and My Moulton được sản xuất bởi Mikrofilm hợp tác cùng National Film Board of Canada. Bộ phim ra mắt lần đầu tiên tại sự kiện Toronto International Film Festival vào tháng 9/2014 và tại Na Uy vào ngày 3/12/2014. Với độ dài 14 phút, Me and My Moulton kể về mùa hè những năm giữa thập niên 60 tại Na Uy. Một bé gái bảy tuổi hỏi cha mẹ rằng liệu cô và hai chị em của mình có thể có một chiếc xe đạp như bao bạn cùng lứa hay không. Me and My Moulton dưới cách nhìn của nhân vật cô bé sẽ cung cấp cho người xem cái nhìn thoáng qua về những suy nghĩ của nhân vật chính khi cô bé hoc phải vật lộn với suy nghĩ bản thân của mình rằng gia đình của cô không giống như những gia đình bình thường khác. Khi quan sát gia đình người bạn thân rồi so sánh với gia đình khác thường của mình, cô nhận ra rằng cha mẹ của mình vẫn yêu thương các con nhưng đôi lúc họ lại quá vô tâm làm cho cô gái nhỏ với tâm tính nhạy cảm lúc nào cũng lo lắng và bối rối về gia đình. Bộ phim như một cuốn tự truyện hài hước được dựa theo những kí ức của nữ đạo diễn Torill Kove về gia đình của mình khi cô còn nhỏ. Me and My Moulton chia sẻ cảm xúc của nữ đạo diễn Kove khi bé chỉ mong muốn được giống như những người bạn gái khác trong khu phố. Nhưng cha mẹ cô vốn là những kiến trúc sư theo phong cách hiện đại nên họ luôn làm những điều rất khác biệt với mọi người, như việc tổ chức lễ mừng sinh nhật cho cô theo phong cách không giống ai. Khi các chị em Kove cầu xin một chiếc xe đạp, cha mẹ của họ đã làm cả ba người ngạc nhiên với một chiếc xe Moulton xuất xứ từ Anh quốc (loại xe đạp với thiết kế khung hình độc đáo và bánh xe nhỏ xíu). >>> Tìm hiểu thêm: Khóa học làm phim hoạt hình 3D chuyên nghiệp Nữ đạo diễn Torill Kove. Nguồn: epkurl.com “Tôi đã có cảm xúc vừa yêu, vừa ghét với chiếc xe đạp đó”, nữ đạo diễn Torill Kove chia sẻ thêm “Tôi nhớ ba chị em tôi đã có những bài tập đi xe tại trường với chiếc xe này nhưng hoàn toàn bất lực! Cả gia đình của tôi đã chia sẻ trong việc sử dụng nó cho đến khi chiếc xe bị mất cắp, điều đó từng khiến tôi cảm thấy rất kỳ lạ, bởi vì ai mà đi ăn cắp một chiếc xe bất thường như vậy chứ?” Bộ phim với màu sắc tươi sáng cùng những kỷ niệm gia đình được diễn tả một cách ấm áp đã vinh dự nhận được vị trí đề cử cho giải thưởng Phim hoạt hình ngắn hay nhất tại lễ trao giải Oscar năm 2015. Trước đó, nữ đạo diễn Torill Kove đã có tác phẩm My Grandmother Ironed the King’s Shirts cũng được đề cử tại hạng mục này tại Oscar năm 2000 và một tác phẩm chiến thắng tại Oscar năm 2007 có tựa là The Danish Poet. Hãy cùng Comic Media Academy ngắm nhìn những tấm hình về các bản vẽ của Me and My Moulton và văn phòng làm việc của đạo diễn Torill Kove tại Mikrofilm. Nơi làm việc của đạo diễn Torill Kove tại Mikrofilm Gia đình của nhân vật chính Me and My Moulton Chiếc xe đạp Moulton của ba chị em. Nguồn: mikrofilm.no & filmaffinity.com Đoạn video của FERNTV phỏng vấn nữ đạo diễn Torill Kove về quá trình làm phim hoạt hình Me and My Moulton tại sự kiện Toronto International Film Festival (TIFF) năm 2014. Ngoài ra, các bạn có thể xem trailer giới thiệu của Me and My Moulton cùng những đoạn phim hoạt hình ngắn khác của nữ đạo diễn tại website chính thức của bộ phim: http://meandmymoulton.com Phạm Hoàng Ngọc dịch & tổng hợp

Poster Feast 2

Nguồn: disneyanimation.com Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 87, phim hoạt hình Big Hero 6 của đạo diễn Don Hall, Chris Williams và Roy Conli đã đoạt giải thưởng Phim hoạt hình hay nhất (Best Animated Feature Film). Cũng ngay tại buổi lễ này, Feast – bộ phim hoạt hình ngắn được sản xuất cùng hãng – Walt Disney Animation Studios – đã vinh dự đoạt vị trí cho hạng mục Phim hoạt hình ngắn hay nhất (Best Animated Short Film). Hãy cùng Comic Media Academy tìm hiểu về bộ phim hoạt hình ngắn về chú chó đáng yêu của chúng ta. Feast được thực hiện bởi đạo diễn Patrick Osborne cùng biên kịch Raymond S. Persi và Nicole Mitchell. Bộ phim được sản xuất bởi Walt Disney Animation Studios, ra mắt lần đầu tiên vào ngày 10/6/2014 tại Annecy International Animated Film Festival và phát hành tại rạp chiếu phim cùng với phim hoạt hình Big Hero 6 vào ngày 7/11/2014 tại Mỹ. Phim hoạt hình ngắn này đã chiến thắng tại hạng mục Phim hoạt hình ngắn hay nhất (Best Animated Short Film) tại lễ trao giải Oscar lần thứ 87 trước bốn đối thủ nặng kí. Sau đó Feast tiếp tục ẵm trọn giải thưởng tại 42nd Annie Awards cho vị trí Annie Award for Best Animated Short Subject. Nội dung phim kể về một chú chó con giống Boston (tên tiếng anh là Boston Terrier) lang thang giữa đường phố kiếm ăn tại các bãi rác. Thật may mắn, chú chó con ấy được một chàng trai James tốt bụng cưu mang và được đặt tên là Winston. Sau đó, bộ phim xuyên suốt là những bữa ăn mà người chủ chia sẻ cho chú chó con bé bỏng của mình và cuộc sống đơn giản và hạnh phúc của James và Winston. Nhưng ngày qua ngày, anh chàng đã động lòng trước một cô gái tên Kirby đang làm việc tại một nhà hàng địa phương. Cô thuyết phục James ăn kiêng và khuyên anh cần có lối sống lành mạnh hơn, điều đó khiến cho Winston buồn rầu vì bị bắt ăn những loại rau chú không thích thay cho trứng và thịt ba chỉ như trước đây. Không lâu sau đó, James và Kirby chia tay và anh chàng rơi vào trầm cảm, sống buông thả bản thân và không còn chú trọng ăn uống như trước đây nữa. Nhận ra tinh thần khác thường của chủ, chú chó Winston quyết định tìm Kirby bằng việc dựa theo mùi ngò tây mà ngày trước được cô cho ăn và dắt James tới gặp cô gái. Nhờ chú chó bé nhỏ tinh khôn, cả hai đã làm hòa và kết hôn ngay sau đó. Ý tưởng hình thành bộ phim Feast đáng yêu này từ đâu ? Patrick Osborne chia sẻ về ý tưởng cho bộ phim hoạt hình ngắn Feast bắt đầu từ một ứng dụng có tên là 1secondeveryday, ứng dụng này cho phép người dùng ghi lại đoạn phim dài một giây cho mỗi ngày và chế tác những đoạn phim nhỏ đó thành một bộ phim. Osborne đã sử dụng chúng để tạo ra một đoạn phim ăn tối vào năm 2012, nhờ đó ông bật ra suy nghĩ có thể dựa vào ý tưởng này để thực hiện một bộ phim hoạt hình ngắn thú vị. Đạo diễn Patrick Osborne. Nguồn: wikimedia.org Feast được thực hiện qua hệ thống Meander, từng phát triển cho phim hoạt hình ngắn Paperman. Ngoài ra, phim còn được sử dụng Hyperion, hệ thống dựng hình được xây dựng cho bộ phim hoạt hình Big Hero 6. Nhân vật và bối cảnh trong phim được vẽ bằng những đường nét tự do, kết hợp với những khối màu sắc rực rỡ. Bộ phim bao gồm những phân cảnh ngắn được ghép lại với nhau và máy quay chủ yếu tập trung vào nhân vật chú chó Winston cùng đồ ăn của chú làm điểm trọng tâm cho câu chuyện. Dưới đây là những hình ảnh mà Comic Media Academy sưu tầm được về quá trinh tạo dựng bộ phim Feast trong đoạn clip Making of Disney Feast Ảnh phác thảo về chú chó Winston và hai vị chủ nhân. Nguồn: cgmeetup.net Ngoài ra, người xem có thể tham khảo thêm hai đoạn phim dưới đây do đoàn làm phim Feast cung cấp, sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về quá trình làm phim hoạt hình của ekip cũng như nghe lời chia sẻ cảm nghĩ của đạo diễn Patrick Osborne. Design Night: Art in motion, talk by Patrick Osborne Making of Disney Feast Trailer của phim Feast Phạm Hoàng Ngọc Dịch và Tổng hợp

Phim hoạt hình Adam and Dog 11

Nguồn: imdb.com Adam and Dog là phim hoạt hình ngắn của đạo diễn Minkyu Lee hợp tác cùng nhóm bạn thân của anh – những người có kinh nghiệm làm phim hoạt hình trong các studio khác nhau, kể cả các hãng lớn như Disney Feature, Dreamworks và Pixar. Trailer Adam and Dog Tác phẩm có độ dài 16 phút ra mắt vào ngày 6/11/2012 tại Mỹ, đã vượt qua hàng trăm bộ phim hoạt hình ngắn khác để trở thành đề cử cho hạng mục Phim hoạt hình ngắn hay nhất (Best Animated Short Film) tại Lễ trao giải danh giá Oscar năm 2013. Không những vậy, Adam and Dog còn nhận được giải thưởng Best Animated Short Subject tại Annie Awards lần thứ 39. Adam and Dog kể về một chú chó đang lang thang đến Eden thì gặp một sinh vật kỳ lạ tên Adam. Họ đi cùng nhau và dành cả ngày vui chơi ở khu vườn, nhanh chóng trở thành đôi bạn thân không thể tách rời cho đến khi có sinh vật mới xuất hiện, đó chính là Eve. Sau khi Eve tới thì Adam đã bỏ rơi chú chó thân thiết. Nhưng khi cả hai người Adam và Eve vì phạm phải điều cấm và buộc rời khỏi khu vườn Eden, chú chó trung thành vẫn đi theo họ vào cảnh khổ cực. Đạo diễn Minkyu Lee chia sẻ về đứa con của mình: “Bộ phim hoạt hình này do tôi cùng nhóm bạn của mình là Jennifer Hager, James Baxter, Mario Furmanczyk, Austin Madison và Matt Williames thực hiện. Glen Keane cũng giúp chúng tôi khi đã góp ý cũng như tư vấn và làm một số visual development. Đây là một tác phẩm hoàn toàn độc lập mà không có sự tham gia của studio. Chúng tôi rất vui mừng khi mọi người thích nó và chia sẻ với nhau.” Adam and Dog là bộ phim hoạt hình 2D truyền thống và được tô điểm bằng màu sắc trang nhã. Từ đó khiến khán giả phải rung động, ngỡ ngàng trước tài hoa của các họa sĩ tham gia. Đặc biệt, bối cảnh phim hùng vĩ và mang cảm giác bình yên là điểm nổi bật nhất của Adam and Dog. Minkyu Lee cùng ekip đã mất khoảng 3 năm để hoàn thành bộ phim. Trong quãng thời gian đó, anh cũng làm việc cho Disney với các dự án như Winnie the Pooh và Wreck-It Ralph. Minkyu Lee gần như đã vắt kiệt sức cho bộ phim trong nhiều đêm liền và cả những ngày cuối tuần. Cuối cùng, để có thể dành hết tâm trí vào Adam and Dog và tạo ra một tác phẩm hoàn thiện nhất, anh quyết định xin nghỉ phép 4 tháng ở Disney. Ngoài vai trò đạo diễn, Minkyu Lee còn là nhà sản xuất, họa sĩ, biên kịch, nhà thiết kế, lead animator và họa sĩ nền. Hầu hết các bối cảnh trong phim đều được anh thực hiện qua Photoshop. Theo GoldDerby, ý tưởng bộ phim được Minkyu Lee lấy cảm hứng từ một bài viết về nguồn gốc của loài chó trên National Geographic.  Cùng Comic Media Academy ngắm nhìn những mẫu phác thảo từ Adam and Dog do Minkyu Lee thực hiện dưới đây: Phác thảo nhân vật Adam và chú chó. Nguồn: blackwingdiaries.blogspot.com Các bối cảnh trong phim. Nguồn: cartoonbrew.com Ngoài ra Comic Media Academy gửi đến bạn đọc và các bạn học viên hai clip hậu trường từ  bộ phim Adam and Dog. Adam and Dog (2011) Pencil Test by James Baxter Adam and Dog (2011) Pencil Test 2 by Jennifer Hager Phạm Hoàng Ngọc dịch và tổng hợp

Phim hoạt hình ngắn Feral 9

Feral là phim hoạt hình ngắn của Mỹ với thời lượng 13 phút do Daniel Sousa làm đạo diễn, sản xuất và biên kịch. Bộ phim được ra mắt vào 19/01/2013 tại Sundance Film Festival và có tên trong danh sách ứng cử viên sáng giá cho hạng mục Phim hoạt hình ngắn hay nhất (Best Animated Short Film) tại Oscar 2014. Nguồn: i.vimeocdn.com Feral có nội dung nhẹ nhàng nhưng đầy sự ám ảnh về một cậu bé sống chung với bầy sói từ bé. Một hôm, cậu được tìm thấy bởi một người thợ săn vô tình đi ngang qua và được dắt về nhà học về cách hành xử bình thưởng như con người. Tuy nhiên câu chuyện không chỉ đến thế. Bộ phim khai thác chủ đề phức tạp về bản thân con người vì thế Feral không chỉ dành cho khán giả thiếu nhi mà còn dành cho khán giả lớn tuổi. Daniel Sousa đã tâm sự đôi điều về việc tại sao anh lại chọn chủ đề này để làm bộ phim hoạt hình của mình “Feral dựa theo những gì thực tế. Mặc dù bộ phim vẫn là một câu chuyện hư cấu nhưng Feral chứa những điều tổng hợp lại từ quá trình nghiên cứu của tôi. Về chủ đề của bộ phim, đó là những ý tưởng mà tôi đã phát triển trong các bộ phim khác của tôi. Tất cả đều liên quan đến các vấn đề giống nhau, cơ bản là về việc nghiên cứu sự khác biệt giữa động vật và con người. Điều tách biệt chúng ta ra khỏi thế giới động vật, tính hai mặt giữa lý trí và ham muốn bản năng của con người chúng ta. Tôi bắt đầu muốn khám phá về ý tưởng con người không có bối cảnh văn minh, ngôn ngữ và trí nhớ. Nếu bạn bị tước đoạt mọi thứ, liệu bạn vẫn là con người? Vì vậy, tôi bắt đầu nghiên cứu ý tưởng này và tìm thấy chiếc chìa khóa cho bản thân… đó chính là cho nhận vật chính là một đứa trẻ sống hoang dã. Bạn đặt một đứa trẻ trong một hoàn cảnh hoàn toàn xa lạ. Điều gì xảy ra với đứa trẻ đó? ” Anh vui vẻ nói thêm “Làm phim hoạt hình mất rất nhiều thời gian để bạn hoàn tất việc suy nghĩ về rất nhiều ý tưởng khác nhau trong quá trình sản xuất. Tôi đã cố gắng đưa ra càng nhiều ý tưởng càng tốt vào bộ phim này. Feral phải mất 5 năm để thực hiện, đó là một thời gian dài khó khăn đối với tôi”. Không chỉ có cốt truyện đầy bí ẩn và phức tạp, lôi cuốn. Feral còn thu hút người xem bằng những màu sắc trang nhã cùng với nhân vật được vẽ hoàn toàn bằng tay. Nhân vật của Feral không có mặt mũi cụ thể bởi vì theo đạo diễn Daniel Sousa chia sẻ tất cả các nhân vật đều giống như hình bóng, không có thông tin cụ thể rõ ràng. Tuyến nhân vật của anh chia làm cơ bản gồm có đen – tượng trưng cho bóng tối – và trắng – tượng trưng cho hình bóng. Daniel Sousa kể rằng đã thiết kế những nhân vật bằng Flash rồi in ra và vẽ đè lại ra giấy bằng tay. Sau đó anh làm ra bản phác thảo nhân vật chính đang cố gắng vượt qua người thợ săn rồi quét từng hình ảnh vào lại máy tính. Cuối cùng sử dụng After Effects trang trí khuôn mặt nhân vật với các hoạt tiết mà anh đã thiết kế riêng. Để thêm thắt cảnh phim, Daniel Sousa sử dụng phần mềm Adobe Premiere lắp ráp bộ phim Farel. Comic Media Academy xin chia sẻ các bạn đọc một vài tư liệu hình ảnh về từng bước chi tiết và rõ ràng trong việc thiết kế và tạo dựng bộ phim ngắn Feral của đạo diễn Daniel Sousa. Hy vọng, những tư liệu hình ảnh dưới đây sẽ phần nào giúp bạn có thêm bí quyết cho việc học làm phim hoạt hình.    Phạm Hoàng Ngọc Dịch và Tổng hợp 

Piper câu chuyện đằng sau bộ phim chú chim nhỏ dũng cảm

Cái tên Pixar đã không còn xa lạ với người yêu phim hoạt hình. Những tác phẩm nổi tiếng từ studio này như Toy Story, Finding Nemo, The Incredibles,…. đều được khán giả từ khắp mọi nơi và mọi lứa tuổi đón nhận. Không chỉ dừng lại ở mảng phim hoạt hình dài, Pixar còn hướng đến sản xuất các bộ phim hoạt hình ngắn với nội dung, hình ảnh đặc sắc và luôn xuất hiện trong danh sách đề cử hạng mục Phim hoạt hình ngắn hay nhất của Oscar. Nguồn: p1.pstatp.com Năm nay, với bộ phim hoạt hình có tên Piper, Pixar đã vượt qua bốn đối thủ đáng gờm khác và rinh được giải thưởng Phim hoạt hình ngắn hay nhất (Best Animated Short) tại Oscar 2017. Điều gì đã khiến bộ phim này nổi bật đến vậy? Hãy cùng Comic Media Academy tìm hiểu về nội dung và quá trình đoàn làm phim tạo nên bộ phim Piper đáng yêu. Từ đó hy vọng các bạn có thể có thêm bài học cho quá trình học làm phim hoạt hình của mình.  Piper với thời lượng 6 phút do đạo diễn Alan Barillaro thực hiện đã được công chiếu vào ngày 17/06/2016 tại Mỹ. Cũng trong thời gian đó, Pixar đã tung Finding Dory giới thiệu trước công chúng.  Theo đạo diễn Allan Barillaro, bộ phim được lấy cảm hứng từ một chuyến đi rất tình cờ tại vùng Emeryville, California cách Pixar Animation Studios khoảng một dặm. Anh chạy dọc theo bờ biển để quan sát cách hoạt động và kiếm ăn của loài chim Dẽ cổ xám và sau đó quyết định thực hiện bộ phim này. “Nhìn cách phản ứng của các chú chim khi gặp sóng nước tôi biết rằng mình phải làm ngay một bộ phim về chúng. Con người chúng ta thường rất dễ dàng sống trong một môi trường an toàn với mình, tuy nhiên khi ở tại một nơi không còn thân thuộc nữa chúng ta rất giống những chú chim bé nhỏ trên bờ biển. Ai ai cũng đã đến bãi biển nhưng không phải ai cũng ngắm nhìn biển cả từ môt vị trí nhỏ bé nhất. Đó chính xác là góc nhìn đầy sợ hãi của những chú chim nhỏ”, Allan Barillaro chia sẻ trên trang audubon.org. Những chú chim nhỏ nhắn này là nguồn tư liệu cho bộ phim Piper của Allan Barillaro. Nguồn: Patul Rich/Audubon Photography Piper mở đầu nhẹ nhàng với hình ảnh sóng biển rì rào đánh vào vùng biển Emeryville, California, xa xa có đàn chim Dẽ cổ xám đang hí hoáy kiếm ăn. Nội dung chính của bộ phim nói về chú chim Dẽ bé nhỏ đang run rẩy không dám thoát ra khỏi sự bảo vệ của mẹ mình để kiếm ăn. Tuy nhiên nhờ sự động viên nhiệt tình từ mẹ, em quyết định liều mình xuống chung với bầy đàn thì không may bị cơn sóng vô tình vỗ liền tiếp đó. Chú chim nhỏ tội nghiệp từ đó bị ám ảnh và sợ hãi những cơn sóng biển dập dềnh và nhất quyết không chịu rời khỏi tổ. Nhưng thật may mắn, em chợt thấy những chú cua thân hình tuy nhỏ nhắn nhưng ý chí dũng mãnh, đang đào cát kiếm thức ăn mặc cho những cơn sóng hung dữ ập tới không ngừng. Chú chim bé nhỏ bắt đầu tò mò, bắt chước những chú cua và sau đó chứng kiến được vẻ đẹp của thể giới dưới lòng nước bao la. Điều đó đã làm trỗi dậy tâm hồn thích thú của em và ngày qua ngày, chú chim Dẽ nhỏ bé dần dần trở nên khéo léo trong việc săn mồi cho cả đàn chim. Dưới đây là một vài hình ảnh và đoạn video về quá trình làm phim hoạt hình Piper của đạo diễn Allan Barillaro: Đạo diễn Allan Barillaro – Người được xem là Good In A Room của bộ phim. Nguồn:  Deborah Coleman / Disney•Pixar Một nhân viên đang lấy tư liệu về chim Dẽ tại bờ biển. Nguồn: Disney•Pixar Thiết kế nhân vật. Nguồn: Disney•Pixar Các bước thực hiện 3d/visual effects cho một cảnh phim Piper. Nguồn: cgmeetup.net Và đây là thành quả!. Nguồn: cgmeetup.net Hình ảnh các nhân viên trong đoàn làm phim đang thảo luận và thực hiện Piper. Nguồn: ohmy.disney.com   Đoạn video ngắn Making of Pixar Short Movie – Piper: Piper là một sản phẩm mà Pixar rất tâm đắc và tự hào về thành tựu công nghệ, khả năng sáng tạo phong phú và sức làm việc dồi dào không ngừng nghỉ từ đội ngũ nhân viên ưu tú của studio. Không chỉ gây ấn tượng cho người xem về mặt kỹ thuật, Piper còn là một bộ phim tràn đầy ý nghĩa về cách dạy con của bậc cha mẹ – đây chính là một bài học quý giá cho những gia đình có con nhỏ. Ngoài ra, thông qua bộ phim Pixar còn muốn nhắn nhủ với khán giả rằng mỗi chúng ta cần phải biết tự lột bỏ cái kén của bản thân và tự tin đón nhận mọi thử thách, gian khó mà cuộc đời mang đến. Chỉ như thế, con người mới ngày càng mạnh mẽ và trưởng thành hơn, gặt hái được nhiều thành công từ sự phấn đấu không ngừng. Không nhạc nhiên khi Piper đã dành được tượng vàng danh giá Oscar cho hạng mục Phim hoạt hình ngắn hay nhất năm 2017. FULL MOVIE: Phạm Hoàng Ngọc tổng hợp

Bear Story – Bộ phim hoạt hình ngắn đoạt giải Oscar lần thứ 88 năm 2016 là một sự kết hợp tuyệt vời giữa những ký ức buồn miên man và phong cách steampunk cũ kỹ mang đậm sự hoài niệm. Bộ phim đến từ Punkrobot Studio ra mắt vào 05/2014 tại Chile, do Pato Escala Pierart sản xuất và Gabriel Osorio làm đạo diễn. Bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện lưu vong của ông nội Osoriso trong chính phủ quân sự ở Chile. Nguồn: i.vimeocdn.com “Ông tôi, Leopoldo Osorio, đã bị bắt giữ vào năm 1973 trong chế độ độc tài Pinochet ở Chile. Ông bị giam giữ trong hai năm, sau đó ông đã trốn sang Anh và buộc phải sống lưu vong, phải cách xa gia đình của mình. Trong suốt thời thơ ấu, tôi luôn cảm thấy sự hiện diện vô hình của ông – một người thân dù còn sống nhưng không có mặt trong cuộc sống của tôi. Bear Story không phải là câu chuyện về cuộc đời ông nội tôi, nhưng nó được lấy cảm hứng từ sự mất mát và niềm thương nhớ ông để lại trong lòng tôi.” – Osorio chia sẻ. Bằng sự tài tình, khéo léo, đoàn làm phim đã khắc họa nên câu chuyện đầy tính nhân văn Bear Story nói về chú gấu u sầu mang chiếc hộp kịch do chính chú ta sáng chế đến góc đường chào mời. Chỉ với một đồng xu, những vị khách có thể nhìn vào trong hộp và chứng kiến lại câu chuyện vô cùng cảm động. Lúc này bộ phim chuyển sang B-story (câu chuyện phụ) kể về một chú gấu bị bắt vào đoàn xiếc khiến chú phải rời xa gia đình nhỏ của mình và cuộc hành trình tẩu thoát đầy gian khó để quay về mái ấm. Tuy phim chỉ vỏn vẹn 11 phút nhưng khiến người xem lắng đọng nỗi buồn man mác, hòa nhập cảm xúc vào mạch phim để rồi xót thương thay cho nhân vật chú gấu tội nghiệp. Bạn có tự hỏi quá trình làm nên một bộ phim tuyệt vời giàu nhân văn như Bear Story như thế nào? Dưới đây chính là những bức hình được chụp lại từ đoạn clip Making of của Bear Story sẽ mang đến những kiến thức hữu ích cho các bạn học làm phim hoạt hình. Đồng thời giúp người xem thấy rõ sự cố gắng cùng niềm đam mê của đoàn làm phim dành cho bộ phim này. Nguồn: Making of của Bear Story Nhân viên đoàn làm phim đang phác thảo nhân vật chú gấu trong Bear Story Từng khung hình được vẽ trau chuốt và viết rõ cặn kẽ Hình vẽ hai cảnh trong bộ phim Hình ảnh một nhân viên trong đoàn phim đang đắp tượng nhân vật Bức hình gia đình hạnh phúc được chú gấu nâng niu trong phim Nguồn: cgmeetup.net Khâu tạo hình nhân vật 3D Nguồn: cgmeetup.net Các bước hoàn thiện một cảnh trong phim Một cảnh phim đang được chỉnh sáng tối phù hợp Hình ảnh so sánh sau khi đã lên màu Bộ phim với nội dung về quá khứ buồn của nhân vật cùng nỗi cô đơn lẻ loi đã giúp bộ phim trở thành một viên ngọc sáng cho hàng loạt phim hoạt hình ngắn trong năm 2016. Cuối cùng những giá trị mà Bear Story mang đến đã được công nhận với giải thưởng danh giá “Phim hoạt hình ngắn hay nhất” trong lễ trao giải Oscar 2016.  Phạm Hoàng Ngọc dịch & tổng hợp >>> Tiếp theo: Những bộ phim hoạt hình ngắn lỡ hẹn cùng Oscar 2016

phim hoạt hình Presto

Những bộ phim hoạt hình ngắn luôn chứa đựng những câu chuyện có nội dung và ý nghĩa đặc biệt. Cùng điểm qua 20 phim hoạt hình ngắn mà bạn không nên bỏ lỡ nhé! >>> Có thể bạn muốn tìm hiểu: Khóa học làm phim hoạt hình 3D  1. Logorama (2009) Nguồn: cargocollective.com Logorama là một bộ phim hoạt hình ngắn được biên tập và đạo diễn bởi H5/François Alaux, Hervé de Crécy và Ludovic Houplain, sản xuất bởi Autour de Minuit. Tác phẩm dài 16 phút này của Nicolas Schmerkin đã được vinh danh tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 82 cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất. Trước đó, Logorama cũng đã dành được giải Prix Kodak tại Liên hoan phim Cannes năm 2009. 2. Presto (2008) Nguồn: webneel.com Presto là một bộ phim hoạt hình máy tính ngắn của hãng phim Pixar (Mỹ). Phim được trình chiếu tại rạp vào năm 2008, trước khi bộ phim WALL-E ra đời. Bộ phim là câu chuyện về cuộc đấu trí quyết liệt giữa nhà ảo thuật cố gắng thực hiện show diễn và chú thỏ bất hợp tác quyết tâm giở đủ mọi chiêu trò phá tan show diễn của ông. Presto là bộ phim đầu tay của đạo diễn Doug Sweetland – cựu đạo diễn của Pixar. 3. Oktapodi (2007) animationshowofshows.com Oktapodi là một bộ phim hoạt hình máy tính ngắn của Pháp, được tạo ra như một dự án tốt nghiệp của Gobelins L’Ecole de L’Image. Bộ phim là câu chuyện tình yêu sống chết có nhau của đôi bạch tuộc hồng và cam. Trải qua một loạt các sự kiện, họ bị tách ra và rồi lại tìm thấy nhau. Oktapodi được dàn dựng bởi Julien Bocabeille, François-Xavier Chanioux, Olivier Delabarre, Thierry Marchand, Quentin Marmier, và Emud Mokhberi. Sản xuất âm nhạc bởi Kenny Wood. Với nội dung đơn giản, vui vẻ và hài hước, bộ phim Oktapodi được nhiều người đón đón nhận và được vinh danh trong một số hạng mục giải thưởng lớn, như là được đề cử giải Oscar cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất ở Lễ trao giải Oscar lần thứ 81. 4. Invasions (2009) Invasions là một bộ phim hoạt hình ngắn của đạo diễn Clement Morin. Bộ phim cho người xem thấy rằng người ngoài hành tinh cũng sẽ làm những việc mà con người làm với cùng lý do. 5. The Lady and The Reaper (2009) Nguồn: sanriel.wordpress.com The Lady and The Reaper là một bộ phim hoạt hình 3D ngắn của Javier Recio Gracia, do Kandor Graphics sản xuất. Bộ phim được đề cử giải Oscar cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất và đã đoạt được giải Goya dành cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất năm 2009. 6. Replay (2009) Nguồn: iamag.co Replay là một bộ phim hoạt hình ngắn tuyệt vời của Pháp, được tạo ra bởi Zakaria Boumediane, Anthony Voisin, cùng Fabien Felicite-Zulma và được phát hành bởi Talantis Films vào năm 2009. Phim xoay quanh cuộc sống của hai chị em Lana và Theo trong một cabin dưới lòng đất. Thế giới diệt vong và bị tàn phá khắp mọi nơi, họ phải đeo mặt nạ oxy nếu muốn đi ra ngoài bởi vì không khí luôn ô nhiễm. Một ngày, Lana nhặt được một thứ và thứ đó đã làm thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi. 7.French Roast (2008) Nguồn: youtube.com French Roast là bộ phim ngắn đầu tiên của Fabrice O.Joubert, được đề cử giải Oscar cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất ở Lễ trao giải Oscar năm 2009. French Roast lấy bối cảnh là một tiệm cà phê dành cho người Pháp (Parisian Café) vào những năm 1960, kể về một doanh nhân quên mang theo ví tiền khi đi uống cà phê. Không còn cách nào khác, ông ta liền kêu thêm nhiều tách cà phê nữa và tiếp tục ngồi uống. Khi một người vô gia cư đến gần và giơ cốc xin tiền, đang trong cơn quẫn bách, ông ta liền vội vàng xua đuổi người kia. Sau sự xuất hiện của một bà sơ và một hồi diễn biến, câu chuyện đến cuối cùng kết thúc với việc người vô gia cư kia thay người doanh nhân thanh toán hóa đơn, cứu ông ta thoát khỏi tình huống đáng xấu hổ vì quên mang ví tiền. 8. Cathedral (2002) Nguồn: youtube.com Cathedral là một bộ phim khoa học viễn tưởng ngắn của đạo diễn Jacek Dukaj, người chiến thắng giải Janusz A. Zajdel năm 2000. Cathedral cũng là tên một bộ phim hoạt hình ngắn xây dựng trên cùng cốt truyện và được đạo diễn năm 2002 bởi Tomasz Bagiński. Bộ phim được đề cử giải Oscar cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất ở Lễ trao giải Oscar lần thứ 75, và đã giành được danh hiệu Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất tại Siggraph năm 2002 tại San Antonio cũng như nhiều giải thưởng khác. 9. Granny O’Grimm’s Sleeping Beauty (2008) Nguồn: pinterest.com Granny O’Grimm’s Sleeping Beauty là một bộ phim hoạt hình ngắn được đạo diễn bởi Nicky Phelan, do Darragh O’Connell của Brown Bag Films sản xuất và được phát hành vào năm 2008. Bộ phim dài 6 phút, được viết bằng lối văn châm biếm hài hước của Kathleen O’Rourke. Nội dung phim chủ yếu xoay quanh nhân vật Bà O’Grimm, một người bà ngọt ngào luôn dùng cách của riêng mình kể chuyện Người Đẹp Ngủ (Sleeping Beauty) ru ngủ cô cháu gái nhút nhát. 10. This Way Up (2009) Nguồn: pelfind.net This Way Up là một bộ phim hoạt hình ngắn được đạo diễn bởi Smith & Foulkes. Phim được sản xuất tại Nexus bởi Charlotte Bavasso và Christopher O’Reilly. Bộ phim là câu chuyện về quá trình chuyên chở một chiếc quan tài đến nghĩa trang của hai phu khiêng hòm. Trong chuyến đi, họ gặp phải vô