Inoue Takehiko – chơi bóng rổ bằng truyện tranh | cmavn.org

Inoue Takehiko – chơi bóng rổ bằng truyện tranh

09/10/2015

họa sĩ Inoue Takehiko
Họa sĩ Takehiko Inoue được coi là một cây đại thụ trong làng manga Nhật Bản với siêu phẩm truyện tranh bóng rổ Slam Dunk.

Inoue Takehiko, hay Inoue-sensei – cái tên trìu mến mà các fan thường gọi ông, là tác giả của Slam Dunk, bộ truyện tranh về bóng rổ rất nổi tiếng mà “giới otaku” Việt Nam chắc không có ai chưa từng nghe đến. Nét vẽ truyện tranh độc đáo, chắc khỏe làm các nhân vật nam của ông đều cuốn hút và đầy nam tính. Cũng trong bộ truyện này, Takehiko đã hóa thân thành Dr. T, người diễn giải các thuật ngữ hay chiến thuật khác nhau qua lời các cầu thủ, huấn luyện viên và cổ động viên. Hình ảnh ông như một anh chàng ngộ nghĩnh đội mũ lưỡi trai ngược cũng thường xuất hiện trong các trận đấu của Shohoku.

Inoue Takehiko sinh ngày 12/1/1967 ở quận Kagoshima. Bộ truyện lừng danh Slam Dunk do ông sáng tác đã dần trở thành tác phẩm mang tính đại chúng và đã bán được trên 100 triệu đầu sách trên toàn thế giới. Cùng bộ truyện này Takehiko đã giành giải thưởng Japan’s Agency for Cultural Affairs – Manga Media Festival Prize (Manga có tính giáo dục nhất)

Hồi nhỏ Inoue-sensei đã rất mê bóng rổ, điều này ảnh hưởng đến những bộ manga sau này của sensei. Lên cấp 3, Inoue Takehiko cố gắng để tham gia đội bóng rổ của trường nhưng kết quả luyện tập ko khả quan, vì vậy Takehiko ko chơi bóng rổ bằng cơ bắp nữa, ông tiếp tục niềm đam mê của mình bằng bút, cọ và giấy

Cuốn manga đầu tiên của Inoue Takehiko được XB là Chameleon Jail năm 1988, lúc đó ông mới 22 tuổi. Vinh quang đầu tiên trong nghề đến với ông là giải thưởng danh dự Tezuka (Giải thưởng được lấy theo tên của họa sĩ Tezuka Osamu, người được xem là ông tổ của Manga Nhật Bản) dành cho bộ manga Kaede Purple, đăng trên Shonen Jump năm 1989, cũng nói về… bóng rổ. Từ đó, năm nào ông cũng có tác phẩm được nhắc tới và liên tục gom giải thưởng về mình.

Festival Media cũng đã trao tặng Inoue Takehiko thêm một giải thưởng cho nét vẽ xuất sắc của ông với nhân vật kiếm sĩ Miyamoto Musashi trong Vagabond – Kẻ phiêu bạt. Cùng năm đó Takehiko trong giải Manga Kodansha lần thứ 24.

vangabond
Sau khi kết thúc Slam Dunk vào năm 1996, Inoue Takehiko đã thử nghiệm vẽ một manga trực tuyến “Buzzer Beater”, cũng về đề tài bóng rổ, được đăng trên tạp chí Shounen Jump cho tớI năm 1998. Manga này được đăng trên trang web chính của ông và có tới 2 bản dịch, một tiếng Anh và một tiếng Nhật. Là một fan cuồng nhiệt của trái bóng cam, sự nghiệp của Takehiko tuy có nhiều những đề tài đã được ông khai thác, nhưng thực sự “Không một điều gì kích thích tôi hơn là được vẽ những trang về bóng rổ” – Inoue Takehiko tâm sự. Có thể nói ông chính là người đã tạo nên cơn sốt bóng rổ trong nhiều thế hệ thanh thiếu niên ở Nhật – đất nước mà môn bóng chày mới là môn thể thao Vua. Không những thế, niềm đam mê bóng rổ đó còn lan truyền đến các fan trên toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam

Inoue

Nói một chút về phong cách của Inoue Takehiko. Nét vẽ truyện tranh của ông là một sự pha trộn hài hoà giữa nét vẽ manga và tả thực. Các nhân vật được vẽ tỉ mỉ, sắc sảo và có một nét riêng biệt. Vì yêu thích bóng rổ, đề tài của ông cũng phần lớn nói về bóng rổ. Do đó, ông đã rất thành công khi thể hiện những pha bóng rổ qua nét vẽ độc đáo của chính mình. Xen lẫn đó là một phong cách hài hước, rất dễ thương, luôn cuốn hút. Truyện của Takehiko dĩ nhiên là không thể khó hiểu, thiên nhiều về tình cảm hay có những kết cục bất ngờ như CLAMP, nhưng đó là những cái kết cục tất yếu phải có và đôi khi còn dẫn ra một kết thúc mở.

[spacer]

Slam Dunk – siêu phẩm truyện tranh thể thao

Mỗi lần nhắc đến truyện tranh thể thao nói chung hay truyện tranh bóng rổ nói riêng, trong đầu bạn sẽ nghĩ đến những cái tên nào? Chắc chắn dù thế nào đi nữa cũng không thể thiếu được siêu phẩm được hàng triệu người trên thế giới hâm mộ, Slam Dunk.
slam-dunk-2

Slam Dunk được sáng tác và minh họa bởi Takehiko Inoue và ra mắt trên tạp chí Shonen Jump hàng tuần của Kondansha. Chỉ tính riêng tại Nhật Bản, Slam Dunk đã tiêu thụ được tới con số 100 triệu bản – một con số đáng ngưỡng mộ với bất cứ bộ manga nào. Ngoài ra, đây còn là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc phổ biến bộ môn bóng rổ vào đất nước này. Sau khi Slam Dunk được phát hành, ngày càng nhiều thanh niên Nhật Bản chuyển dần từ bóng chày sang chơi bóng rổ.

Như đã nói ở trên, Slam Dunk thực sự là một siêu phẩm, đồng thời cũng là biểu tượng cho bộ môn bóng rổ ở Nhật Bản. Tuy nhiên không riêng gì Nhật Bản, tại Việt Nam, ngay từ khi mới xuất bản lần đầu năm 2002, Slam Dunk đã tạo nên một cơn sốt truyện tranh và tiếp lửa cho việc phổ biến bộ môn bóng rổ vào đến nước ta. Chắc hẳn có rất nhiều độc giả sau khi theo dõi Slam Dunk đã có những hiểu biết cũng như đam mê nhất định cho môn thể thao này.

Về nội dung, Slam Dunk vẫn đi theo hướng kinh điển, vốn là tiêu chuẩn của manga Nhật Bản chứ không ẩn chứa quá nhiều sự đột phá. Bạn có thể thấy mô típ này trong rất nhiều bộ truyện tranh đã từng theo dõi: xảy ra trong 1 trường trung học, ở 1 câu lạc bộ thể thao, 1 nhân vật chính không có hứng thú rồi dần bị lôi kéo, sau đó phát hiện ra đam mê và cống hiến hết mình. Tuy nhiên nếu chỉ có thế thì Slam Dunk đã không thể đạt được đến thành công như vậy.

slam-dunk

Mặc dù đi theo mô típ chung của rất nhiều bộ manga nhưng cách dẫn truyện cũng như các tình tiết được Inoue Takehiko thêm vào là vô cùng xuất sắc. Các chi tiết vừa có thể gây cười cho độc giả, lại vừa mang lại nhiều cung bậc cảm xúc thăng trầm. Ngoài ra cách xây dựng nhân vật trong Slam Dunk chỉ gói gọn trong 2 chữ “tuyệt vời”. Các cá tính, dù là của nhân vật phụ cũng cực kỳ rõ nét, chứ không riêng gì nhân vật chính.

>>> Tìm hiểu thêm: John Lasseter – người hùng của Disney sau 23 năm bị “ruồng bỏ”

Như Hoàng dịch và tổng hợp