Hoàng Tường: " Sáng tác cho tôi tự do" - Comic Media Academy

Hoàng Tường: ” Sáng tác cho tôi tự do”

09/05/2015

Nhắc đến họa sĩ Đỗ Hoàng Tường, người ta nghĩ ngay đến một họa sĩ đa tài, đã tham gia nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Nhưng với thế hệ 9X, mấy ai biết được anh từng là một trong những lão làng của truyện tranh Việt Nam thập niên 80 của thế kỷ trước. Trong quá trình lật lại lịch sử truyện tranh Việt, tìm lại những truyện tranh khởi đầu cho dòng truyện tranh Việt sau giải phóng, phóng viên Phan Thị đã liên lạc với anh và dưới đây là những sẻ chia của anh dành cho phóng viên cũng như bạn đọc của Phan Thị.

>>> Masashi Kishimoto – Từ sao chép đến thành danh

1

Họa sĩ Hoàng Tường (Ành: Internet)

Những năm sau giải phóng, khi mà sách – truyện miền Nam cực kỳ khan hiếm, sự đầu tư của anh vào truyện tranh đã mang lại sự khởi sắc cho truyện tranh nước nhà. Bộ truyện tranh Người tìm thuốc trường sinh ra đời có phải từ đam mê và mong muốn khôi phục truyện tranh Việt?

Hoàng Tường: Tôi thích đọc truyện tranh từ khi còn rất nhỏ, và cũng thích học vẽ truyện tranh. Lớn lên, khi có điều kiện và được tạo điều kiện, tôi đã vẽ (truyện tranh) rất nhiều. Tôi cũng đã thử nhiều bút pháp, nhiều thể loại, chỉ để thỏa mãn đam mê của mình, và kiếm tiền một cách hồn nhiên, không mang nặng ý thức khuếch trương hay khôi phục truyện tranh Việt. Khoảng thời gian trước và sau đó, cũng có những người vẽ và cho in các ấn phẩm truyện tranh, nhưng không thể nói là đã tạo nên một nền truyện tranh Việt.

Tạp chí truyện tranh Bút Chì do anh và đồng nghiệp của anh hợp tác phát hành hai năm sau khi bộ truyện tranh Người tìm thuốc trường sinh được phát hành, tức vào năm 1989. Điều gì đã thôi thúc anh cho ra đời một tạp chí truyện tranh vào thời điểm đó? Sự đón nhận các tác phẩm truyện tranh của độc giả có phải là một trong những động lực để anh quyết định ra mắt tạp chí truyện tranh hay tạp chí ra đời từ một niềm đam mê?

Hoàng Tường: Thế hệ chúng tôi nhiều người rất thích truyện của các tác giả Pháp, Bỉ…, cũng như rất ghiền và khâm phục tạp chí Spirou (chẳng hạn). Sự ra đời của Bút Chì giống như một cách thức để truyền ngọn lửa say mê truyện tranh cho thế hệ sau (khi mà thị trường truyện tranh còn hết sức nghèo nàn), đồng thời cũng là cách mà chúng tôi tự tạo ra một miếng đất mà mình có thể gieo trồng theo ý mình.

2

Tạp chí truyện tranh Bút Chì do anh và đồng nghiệp hợp tác phát hành (Ành: Internet)

 

Là người đi đầu trong hàng ngũ sáng tác truyện tranh sau giải phóng và chứng kiến sự thăng trầm của truyện tranh Việt đến tận bây giờ, anh có thể chia sẻ cho độc giả biết vị thế của truyện tranh Việt giai đoạn những năm 80, đầu 90 không?

Hoàng Tường: Sài Gòn lúc đó đã có một lực lượng người vẽ khá hùng hậu như Văn Minh, Đức Lâm, Quốc Việt, Quốc Khanh, Nguyễn Tài, Phan Lê, Hướng Dương, Mộng Lâm, Quang Toàn, … có tay nghề và phong cách. Chúng tôi là những người vẽ chứ không thực sự là những tác giả theo đúng nghĩa của từ này. Chúng tôi vẽ theo đặt hàng, từ những truyện dịch, truyện viết của những người viết truyện tranh không chuyên nghiệp.

Truyện tranh trên sách, trên tạp chí, trên báo, đã góp phần làm phong phú hơn, thi vị hơn các món ăn tinh thần vốn rất nghèo nàn của các em nhỏ lúc đó. Thế thôi, chứ truyện tranh chưa đủ lực để tạo được một vị thế nào.

Từ bỏ việc sáng tác truyện tranh chuyển sang vẽ minh họa, phải chăng anh có lý do? Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ quay lại sáng tác truyện tranh?

Hoàng Tường: Vẽ truyện tranh mang lại rất nhiều niềm vui, nhưng đó là một công việc nhọc nhằn. Tôi còn có một niềm vui khác lớn hơn và cũng nhọc nhằn hơn: vẽ tranh. Tôi đã quyết định ngừng vẽ truyện tranh để toàn tâm toàn ý cho việc vẽ tranh. Cho đến lúc này, tôi không nghĩ mình sẽ quay lại với truyện tranh.

3

Tác phẩm tranh trừu tượng của anh (Ảnh: Internet)

 Việt Nam đã bước vào thiên niên kỷ mới, phát triển mọi mặt, tuy nhiên riêng lĩnh vực truyện tranh vẫn mãi ì ạch, theo anh đó là vì nguyên do gì? Với xu thế hiện nay, anh có tin truyện tranh Việt Nam sẽ ngày một được xem trọng trong cả cách nhìn nhận và sự đầu tư?

Hoàng Tường: Ngành xuất bản, in ấn đã được đầu tư lớn, cũng đã thầy xuất hiện các họa sĩ truyện tranh có nghề, có kĩ thuật và có phương tiện tiếp cận các phương pháp mới. Chúng ta có đủ căn cứ để hi vọng !

4

 Một trang truyện của Hoàng Tường (Ảnh: Internet)

Ngoài công việc minh họa cho các báo, gần đây anh tiếp tục minh họa cho tác phẩm mới nhất của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – Cho tôi một vé đi tuổi thơ. Có phải anh từng nói “minh họa giúp tôi sống tự do”?

Hoàng Tường: Tôi đã nói như thế ạ? Nếu được phép, tôi sẽ sửa lại như vầy: “Sáng tác cho tôi tự do!”

Nếu nhận được một kịch bản truyện tranh ưng ý, anh có ý định quay lại với việc sáng tác truyện tranh?

Hoàng Tường: Bây giờ thì tôi sẽ từ chối!

Cám ơn họa sĩ Hoàng Tường. Chúc anh luôn cảm thấy tự do trong quá trình sáng tác!

* THÔNG TIN HỌA SĨ HOÀNG TƯỜNG

Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường sinh năm 1960 tại Quảng Nam, tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật TPHCM năm 1984, hiện đang sinh sống tại TP.HCM. Từ năm 1989 anh đã tham gia nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm trong và ngoài nước như Mỹ, Ý, Pháp, Áo, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Hong Kong… Anh được nhận xét “là một trong những gương mặt tiêu biểu của hội họa đương đại Việt Nam với lối vẽ pha trộn phong cách biểu hiện với siêu thực, chuyên mô tả về sự cô đơn và nỗi đau dằn xé của phận người.”

Những tác phẩm truyện tranh anh tham gia với vai trò họa sĩ:

+ Tiếng hát người đá: Truyện tranh Authors (NXB Đồng Nai, 1987).

+ Người tìm thuốc trường sinh: Truyện khoa học viễn tưởng (NXB Trẻ, 1987)

+ Bố rồng mẹ tiên: Truyện cổ tích Việt Nam (NXB Kim Đồng, 1989)

+ Lỗ Ban, ông tổ nghề mộc: Truyện tranh dân gian Trung Quốc (NXB Trẻ, 1990)

+ Hai mặt trời của người da đỏ: Tranh truyện cổ tích Mêhicô (NXB Kim Đồng, 1990)

+ Những bà tiên: Tranh truyện cổ tích Pháp (NXB Kim Đồng, 1990)

+ Con chim thần: Truyện tranh dân gian Indonesia (NXB Kim Đồng, 1991)

+ Người hóa dế: Truyện cổ tích Việt Nam (NXB Kim Đồng, 1992)

+ Những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh do anh minh họa: Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Đảo mộng mơ, Lá nằm trong lá…

 Phóng viên Phan Thị

 Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM