Tác giả Việt được Huân chương Carnegie chia sẻ cách níu chân độc giả

Tác giả Việt được Huân chương Carnegie chia sẻ cách níu chân độc giả

28/06/2023

Jeet Zdũng vừa trở thành họa sĩ minh họa người Việt Nam đầu tiên giành Huân chương Carnegie với cuốn sách “Chang hoang dã – Gấu”.

Tác giả Trang Nguyễn và họa sĩ Jeet Zdũng.

Huân chương Carnegie là một giải thưởng thường niên uy tín, lâu đời được Hiệp hội Thư viện Anh trao cho các tác phẩm sách thiếu nhi. Trước giải thưởng danh giá này, bộ sách Chang hoang dã (tác giả Trang Nguyễn) do Jeet Zdũng minh họa đã trở thành bộ tiểu thuyết đồ họa hiếm hoi của Việt Nam tạo tiếng vang và ghi dấu ấn trong thị trường sách thiếu nhi trên thế giới.

Cuốn Chang hoang dã – Gấu (Saving Sorya: Chang and the sun bear) đã được xuất bản tại hơn 10 nước trên thế giới, đặc biệt được chào đón tại Hàn Quốc, đồng thời nhận được nhiều giải thưởng uy tín tại Anh và Mỹ.

Cùng câu chuyện đầy cảm hứng được kể bởi nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn, dấu ấn mà Jeet Zdũng tạo ra cho bộ sách này chính là những rung động tuyệt đẹp mà độc giả ở bất cứ độ tuổi nào cũng cảm nhận được khi bước vào thế giới của những bức tranh minh họa được vẽ nên từ trái tim đầy nhiệt huyết của anh.

Thị trường minh họa thiếu nhi giàu sức sống và nhiều cơ hội

– Chào Jeet! Anh đã trở thành một họa sĩ minh họa thiếu nhi như thế nào?

– Ban đầu tôi không phải là một người thích vẽ minh họa sách. Từ khi còn học cấp hai, tôi đã luôn mong muốn trở thành một tác giả truyện tranh (comic creater). Tạo ra những bộ phim hấp dẫn trên giấy là những gì tôi thực sự muốn làm. Tác phẩm thiếu nhi tôi thích nhất là Doraemon.

Có điều cơ hội để xuất bản truyện tranh và sống được bằng nghề này ở Việt Nam là không cao. Truyện tranh không đòi hỏi tác giả phải vẽ những bức tranh tuyệt đẹp hay viết những dòng văn tuyệt hay, nhưng yêu cầu cao về cốt truyện và khả năng diễn câu chuyện một cách hiệu quả bằng hình ảnh.

Như một bộ phim, truyện tranh phải cuốn người đọc vào hành trình của các nhân vật bằng những hình ảnh chuyển động liên hoàn kết nối với nhau qua những khung hình được bố cục có tính toán qua mỗi lần lật sách.

Nếu diễn truyện kém, dù cốt truyện hấp dẫn và tranh vẽ đẹp đến đâu cũng không thể níu chân độc giả. Nhưng với minh họa sách lại có phần dễ thở hơn rất nhiều, ta có thể chỉ cần làm tốt phần việc của nhà văn hoặc công việc của họa sĩ minh họa. Thị trường minh họa thiếu nhi giàu sức sống và nhiều cơ hội cho tác giả trong nước hơn là truyện tranh.

– Anh có theo đuổi một phong cách minh họa cụ thể nào không?

– Tôi tạo ra nhiều phong cách khác nhau phụ thuộc vào nội dung cuốn sách mà tôi muốn thể hiện. Trong hai tập sách đầu tiên của bộ sách Chang hoang dã, tôi lựa chọn lối vẽ kết hợp giữa manga Nhật, comic phương Tây, minh họa khoa học và tả thực.

Tôi cũng thích kết hợp phong cách vẽ trong tranh dân gian Việt Nam và Nhật Bản. Đôi khi chỉ vì thấy một họa sĩ khác có lối vẽ rất tuyệt, tôi liền muốn học hỏi và nghĩ ra một kịch bản để vẽ, luyện tập.

Tôi thoải mái nhất khi vẽ bằng các chất liệu truyền thống trên giấy. Tôi thích bút chì, bút sắt, cọ vẽ, mực, màu nước, gouache, giấy màu nước, giấy dó, washi. Đây là những chất liệu tiện lợi để đem theo vẽ bất kỳ đâu và thuận tiện khi đưa tranh vào máy scan.

Trước kia tôi từng vẽ digital rất nhiều, nhưng về sau tôi cảm thấy căng thẳng mỗi khi động đến máy móc. Giấy và bút hợp với tôi hơn.

Bộ tranh truyện Chang Hoang Dã.

Hy vọng vào nhiều tác phẩm hay về chủ đề thiên nhiên hoang dã Việt Nam

– Thử thách lớn nhất của anh khi vẽ bộ sách “Chang hoang dã”?

– Tôi chỉ có khoảng hơn 120 trang cho mỗi cuốn sách, trong khi đó, có rất nhiều kiến thức và tình tiết hay mà tôi muốn đưa vào sách. Nếu tôi quá tham lam, câu chuyện sẽ diễn ra dồn dập và độc giả sẽ bị ngập trong một núi thông tin. Nhiều cảnh quan trọng đến nỗi kịch bản và cấu trúc cuốn sách phải thay đổi để giữ chỗ cho chúng.

Nhưng rất khó để lựa chọn từ đầu, trong việc sáng tác, bất kể là sáng tác thứ gì, tôi phải làm thử rất nhiều rồi mới biết mình cần ưu tiên gì và loại bỏ gì.

Tiết tấu của câu chuyện ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm của người đọc. Nhiệm vụ của tôi là dẫn dắt nhịp cảm xúc của họ lên xuống đủ nhịp nhàng trong suốt quá trình đọc.

Nếu tôi cảm thấy tiết tấu không ổn, tôi sẽ cần thay đổi cấu trúc câu chuyện. Mong rằng tôi đã làm đủ tốt.

– Bộ sách “Chang hoang dã” là một dự án lớn về cả số lượng tranh minh họa lẫn thời gian và không gian làm việc, anh hài lòng với những thành công mà cuốn sách đã giành được chứ?

– Nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn là người đã đi tìm những câu chuyện có thật trong ngành bảo tồn động vật hoang dã. Cô ấy khai thác những câu chuyện đó, viết thành kịch bản và gửi cho tôi.

Tôi dựa vào kịch bản đó để viết kịch bản truyện tranh ở dạng sơ lược. Sau đó, tôi đi thực địa tại các vườn quốc gia và trung tâm cứu hộ, làm việc cùng những chuyên gia về động vật, gặp những loài động vật sẽ là nhân vật chính của mình.

Để tái hiện lại sống động nhất có thể môi trường và sinh cảnh của những cánh rừng mà tôi đã đi qua, những loài thực vật trong sách đều được chọn lọc cẩn thận, tôi muốn biết chúng tên gì và nên nằm ở đâu trong khu rừng.

Tôi cố gắng thu thập càng nhiều tư liệu và trải nghiệm thực tế càng tốt trước khi bắt tay vào làm kịch bản chi tiết.

Các họa sĩ Phương An, Nguyệt Hằng, Nguyễn Ngọc Hoan, Nguyễn Hoàng Long là những phụ tá tình nguyện hỗ trợ dự án này. Tôi rất biết ơn họ.

Khi cuốn sách ra mắt và được đón nhận, tôi chỉ đơn giản là cảm thấy mình đã hoàn thành công việc của mình. Tôi hài lòng vì mình đã hoàn thành hai cuốn sách này.

Tôi và tác giả Trang Nguyễn đều muốn làm hết mình để cuốn sách của chúng tôi có thể góp một phần tích cực cho việc bảo tồn động vật hoang dã, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã nói chung và bảo tồn gấu nói riêng.

Ở Việt Nam có rất nhiều tác giả truyện tranh và minh họa tài năng, tôi hy vọng thành công của Chang hoang dã là một khởi đầu tốt cho thật nhiều tác phẩm hay về chủ đề thiên nhiên hoang dã Việt Nam được ra đời và vươn ra thế giới. Tôi chờ đợi để được đọc chúng.

– Điều quan trọng nhất anh đặt vào các minh họa sách thiếu nhi của mình là gì và anh đang dự định gì cho công việc sáng tác trong tương lai của mình?

– Tôi không chắc điều gì là quan trọng nhất khi sáng tác minh họa cho thiếu nhi. Đối với riêng tôi, có lẽ là khả năng hồi tưởng về cách tôi nhìn thế giới xung quanh khi còn bé.

Một đứa trẻ như tôi khi ấy đã chú ý đến cái gì, thích cái gì, cảm nhận thế nào, sau đó thì tôi cứ vẽ thôi. Thực tế thì tôi chẳng nghĩ gì nhiều lắm!

Về dự định thì, tôi và tác giả Trang Nguyễn sẽ tiếp tục thực hiện các tập tiếp theo của bộ sách Chang hoang dã. Ngoài ra tôi cũng có nhiều dự án mới đã và đang được thực hiện với nhiều phong cách và chất liệu khác nhau.

Cuốn sách mới nhất của tôi là Ba tớ là Runner (My Daddy is a Runner) và tác giả Bùi Phương Tâm cũng vừa ra mắt. Tôi hy vọng độc giả sẽ thích chúng.

Thông tin về hoạ sĩ Nguyễn Tiến Dũng

Họa sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Jeet Zdũng) sinh năm 1988 tại Đà Nẵng và lớn lên ở Hà Nội. Anh là tác giả truyện tranh (Comic Creator, Graphic novelist) và họa sĩ minh họa hoạt động chủ yếu trong mảng sáng tác, viết, vẽ sách cho độc giả từ 4 tuổi trở lên.

Các tác phẩm của Jeet Zdũng thuộc nhiều thể loại như manga/comic (không lời và có lời), tiểu thuyết đồ họa, sách tranh xoay quanh các chủ đề có nội dung phiêu lưu, quan sát thiên nhiên, văn hóa nghệ thuật dân gian, thể thao, trẻ em, động vật hoang dã.

Phong cách sáng tác của Jeet Zdũng đa dạng và linh hoạt phụ thuộc vào nội dung muốn thể hiện như tả thực, cartoon, manga, phong cách mang hơi hướm dân gian Việt Nam – Nhật Bản, với các chất liệu thường sử dụng là giấy màu nước, giấy washi, giấy Dó, toan, bút sắt, cọ vẽ, mực, màu nước, gouache, acrylic, acryl gouache.

Tác phẩm thành công nhất hiện tại là hai tiểu thuyết đồ họa: Chang hoang dã – Gấu (Saving Sorya: Chang and the sunbear), Chang hoang dã – Voi (Saving H’non: Chang and the elephant). Đây là series truyện tranh về chủ đề bảo tồn động vật hoang dã, tập trung vào những loài động vật hoang dã đang có nguy cơ bị tuyệt chủng ở Việt Nam. Sách Chang hoang dã – Gấu từng giành được Giải A – Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021.