Giải đáp thắc mắc về nghệ thuật số (Digital Art)

Giải đáp thắc mắc về nghệ thuật số

23/06/2023

Công nghệ kỹ thuật số ngày càng đổi mới và tiến bộ, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều họa sĩ dấn thân vào lĩnh vực nghệ thuật số (Digital Art). Bất kể bạn là họa sĩ đầy tham vọng muốn chuyển sang phương tiện kỹ thuật số hay là người đam mê công nghệ khao khát sáng tạo, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những điều cần thiết để giúp bạn khởi nghiệp đúng hướng.

Nghệ thuật số là gì?

Nghệ thuật số (digital art) là thuật ngữ được sử dụng lần đầu tiên vào những năm 1980 khi các kỹ sư máy tính phát triển phần mềm “vẽ” dành riêng cho họa sĩ tiên phong trong vẽ kỹ thuật số, Harold Cohen.

Vào những năm 1990, nghệ thuật số chen chân vào lĩnh vực máy tính, hay cụ thể hơn là video game. Ngoài ra, họa sĩ có thể xử lý phim bằng cách tải video về máy tính – bước nhảy vọt chưa từng thấy trong công nghệ.

Trong thời hiện đại, nghệ thuật số muôn màu muôn vẻ thậm chí có thể mang tính tương tác.

Nghệ thuật số đã đi qua một chặng đường dài, nó quy tụ nhiều công nghệ khác nhau và đang phát triển không ngừng.

Định nghĩa nghệ thuật số

Do nghệ thuật số bao trùm nhiều hướng đi khác nhau, nên khó đúc kết định nghĩa một cách đơn giản, tuy vậy có thể định nghĩa nghệ thuật số như sau:

Nghệ thuật được tạo ra bằng cách sử dụng phần mềm, máy tính, hoặc thiết bị điện tử khác

Nghệ thuật số không giới hạn trong thiết kế đồ họa như bạn nghĩ khi nhắc đến thuật ngữ này. Thay vào đó, nghệ thuật số bao gồm hoạt hình, minh họa, video, tranh kỹ thuật số, thực tế ảo, trải nghiệm kỹ thuật số,… Nó có thể tĩnh hoặc động, trừu tượng hoặc hiện thực, được sử dụng làm hiệu ứng đặc biệt trong phim hoặc được tạo ra vì mục đích nghệ thuật (ví dụ các triển lãm về nghệ thuật số ). Ngoài ra, khi thực tế ảo ngày càng trở nên phổ biến, các họa sĩ kỹ thuật số (Digital Artist) cũng có thể làm việc trong lĩnh vực này.

Bất chấp nhiều tranh cãi về việc điều gì tạo nên nghệ thuật số, và nó có phải là nghệ thuật hay không, thì không thể phủ nhận rằng nghệ thuật số đã góp phần mở ra cơ hội sáng tạo cho các cá nhân, cũng như mở rộng thế giới nghệ thuật và biểu hiện sáng tạo.

Họa sĩ kỹ thuật số làm gì?

Muốn trở thành họa sĩ kỹ thuật số cần trang bị những gì? Bạn cần nắm vững kỹ năng và đáp ứng yêu cầu nào nếu muốn thành công trong ngành này? Để trả lời những câu hỏi trên, chúng ta sẽ xem ý nghĩa của việc trở thành họa sĩ kỹ thuật số.

Họa sĩ kỹ thuật số có con mắt thiết kế

Về cơ bản, không có sự khác biệt lớn giữa họa sĩ truyền thống và họa sĩ kỹ thuật số. Phương tiện sử dụng tuy khác nhau, nhưng cả họa sĩ truyền thống lẫn họa sĩ kỹ thuật số đều cần có khả năng sáng tạo cái đẹp từ con số 0.

Nếu bạn không quan tâm đến màu sắc, hoa văn, hình dạng, kết cấu, không biết cách kết hợp những thành phần này với nhau, bạn sẽ gặp khó khăn trên con đường trở thành họa sĩ kỹ thuật số.

Họa sĩ kỹ thuật số cần biết vẽ

Mặc dù không phải tất cả họa sĩ kỹ thuật số đều cần kỹ năng này, nhưng đa phần, bạn sẽ thấy hầu hết họa sĩ kỹ thuật số đều sở hữu kỹ năng vẽ truyền thống với bút chì và giấy.

Đừng quên khi bạn là họa sĩ kỹ thuật số, mô tả công việc sẽ không thay đổi nhiều chỉ vì từ “kỹ thuật số” được thêm vào từ “họa sĩ.” Nhiều họa sĩ kỹ thuật số vẽ máy giỏi chẳng kém gì – thậm chí giỏi hơn – so với vẽ tay.

Họa sĩ kỹ thuật số chú trọng vào chi tiết

Giả sử bạn từng có thời gian sử dụng phần mềm kỹ thuật số như Photoshop, bạn hẳn nhận thức rõ rằng những phần mềm như thế này đòi hỏi sự chú ý đến từng chi tiết. Mặc dù mỗi loại phần mềm kỹ thuật số đều có điểm khác biệt, nhưng nhìn chung, bạn cần làm theo các bước, sử dụng lôgic, nắm vững cách thức hoạt động của các công cụ, và cách làm việc với những công cụ này.

Họa sĩ kỹ thuật số cần thông thạo công nghệ

Sử dụng thành thạo máy tính sẽ là lợi thế cho những ai muốn trở thành họa sĩ kỹ thuật số. Bạn không chỉ sử dụng chuột, bàn phím, hay bảng vẽ để sáng tạo nghệ thuật, mà còn phải có kinh nghiệm về việc khắc phục sự cố khi đang vẽ. Khi công nghệ phát triển và những cách thức sáng tạo mới lần lượt ra đời, điều quan trọng là phải có khả năng thích nghi và luôn cập nhật các đổi mới.

Công nghệ số không phải lúc nào cũng hợp tác theo cách bạn muốn. Hãy kiên nhẫn làm quen với chúng.

Có bao nhiêu loại nghệ thuật số?

Nhiều hình thức sáng tạo khác nhau được thể hiện dưới dạng kỹ thuật số, nên chắc bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy có nhiều loại nghệ thuật số khác nhau.

Các phương tiện nghệ thuật thường khá giống nhau nếu chúng nằm dưới cùng chiếc ô nghệ thuật. Ví dụ, mô tả công việc của nhiếp ảnh gia đời sống hoang dã và nhiếp ảnh gia chân dung có một số điểm khác biệt, nhưng kỹ năng nhiếp ảnh của họ là tương tự nhau. Mặt khác, là họa sĩ kỹ thuật số, bạn sẽ thấy có sự trùng lặp trong kỹ năng, nhưng đồng thời cũng thấy một số loại nghệ thuật số khác hẳn nhau. Sau đây là một số loại nghệ thuật số được nhiều người biết đến:

1. Vẽ kỹ thuật số (digital painting)

Vẽ kỹ thuật số kết hợp vẽ 2D truyền thống với công nghệ số hóa.

Ví dụ, khi họa sĩ vẽ tranh theo cách truyền thống, họ sử dụng màu nước, sơn dầu, hoặc chất liệu khác để tạo hình, kết cấu, và màu sắc trên khung vẽ. Với vẽ kỹ thuật số, họa sĩ vẫn áp dụng mọi kỹ thuật vẽ truyền thống, nhưng thực hiện bằng kỹ thuật số, thường là trên bảng vẽ.

Nói cách khác, bạn không scan hình, rồi xử lý nó bằng kỹ thuật số. Thay vào đó, bạn sáng tác trực tiếp bằng phần mềm và công cụ kỹ thuật số.

2. Thiết kế đồ họa (graphic design)

Đừng nhầm lẫn vẽ kỹ thuật số với thiết kế đồ họa. Trong khi vẽ kỹ thuật số yêu cầu họa sĩ sáng tác trực tiếp trên khung vẽ “kỹ thuật số”, thì thiết kế đồ họa đòi hỏi sử dụng kỹ thuật diễn họa (rendering) để tạo mẫu thiết kế.

Để dễ hình dung, thử nghĩ như sau: nhà thiết kế đồ họa sử dụng chuột và bàn phím để tạo hình/đồ họa kỹ thuật số, còn họa sĩ kỹ thuật số thường dùng  thiết bị giống như cây bút để vẽ trực tiếp trên khung vẽ kỹ thuật số.

Thiết kế đồ họa thường phục vụ cho mục đích thiết kế trang web, bao bì, hoặc tài liệu quảng cáo. Nghệ thuật số thường thiên về nghệ thuật và tạo ra cái gì đó mang tính sáng tạo/hấp dẫn để bán lại hoặc phục vụ cho mục đích thiết kế thương mại khác.

3. Hoạt hình (animation)

Hoạt hình kỹ thuật số là một loại hình nghệ thuật số tương đối phức tạp, nhưng về cơ bản, chúng ta có thể tóm tắt nó như một loại nghệ thuật số, nơi hình ảnh được xử lý sao cho chúng trông như đang chuyển động. Hãy nghĩ đến bộ phim hoạt hình bạn đã xem, bạn sẽ hiểu những gì được đề cập ở đây.

Phải nói rằng cách làm phim hoạt hình ngày nay khác xa với ngày xưa.

Thời xưa, phim hoạt hình được vẽ bằng tay, sau đó được chụp ảnh và dựng thành phim. Trong thời đại ngày nay, hầu hết phim hoạt hình được thực hiện bằng công nghệ CGI.

CGI cũng được ứng dụng trong sản xuất video game và tạo hiệu ứng đặc biệt – bạn có thể rẽ sang hướng đi này nếu quan tâm đến nghệ thuật số.

4. Những loại nghệ thuật số khác

Những nghệ thuật số kể trên là loại được biết đến nhiều nhất, và sau đây là khái quát về những loại nghệ thuật số khác tuy ít phổ biến nhưng vẫn quan trọng:

  • Nghệ thuật số tích hợp (integrated digital art): Tích hợp nhiều phong cách nghệ thuật để tạo ra tác phẩm độc nhất vô nhị (ví dụ, xử lý kỹ thuật số bức ảnh truyền thống để thổi làn gió mới vào tác phẩm.)
  • Biến ảnh chụp thành tranh vẽ (photo-painting): Họa sĩ sử dụng bức ảnh truyền thống làm nguồn cảm hứng, rồi biến nó thành kiệt tác kỹ thuật số thông qua phần mềm.
  • Vẽ vector (vector drawing): Đồ họa vector sử dụng hình, đường, và điểm để tạo hình ảnh co giãn. Hình ảnh vector không dựa trên pixel vuông (square pixel) như nhiếp ảnh kỹ thuật số. Vẽ vector thường được áp dụng trong thiết kế logo và thiết kế đồ họa.
  • Nhiếp ảnh kỹ thuật số (digital photography): Nhiếp ảnh ngày nay đa phần là kỹ thuật số, nhiếp ảnh gia chụp ảnh kỹ thuật số, rồi chỉnh sửa ảnh bằng phần mềm.
  • Nghệ thuật sắp đặt kỹ thuật số (digital installation art): Tác phẩm cỡ lớn liên quan đến trình chiếu và quay video trực tiếp.

Làm thế nào để chứng tỏ bản thân là họa sĩ kỹ thuật số?

Tuy có vẻ như máy tính giúp quá trình sáng tạo diễn ra suôn sẻ hơn, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Máy tính có thể trang bị những ứng dụng kỹ thuật số với tính năng hữu ích như lưới phối cảnh và tùy chọn Ctrl+Z, song điều đó không có nghĩa là các ứng dụng không sở hữu bộ công cụ riêng cần lĩnh hội như phương tiện truyền thống.

Cũng giống như nghệ thuật truyền thống, trở thành họa sĩ kỹ thuật số lành nghề đồng nghĩa với việc phải có kiến thức cơ bản về nghệ thuật – bao gồm phối cảnh, giải phẫu học, lý thuyết màu sắc, kỹ thuật đổ bóng,… Những cái này không thể lập cấu hình với giá trị định sẵn (preset) – chúng đòi hỏi con mắt tinh tường và sự hiểu biết thấu đáo về cách sắp đặt bố cục phù hợp.

Ngoài ra, để nắm vững ứng dụng kỹ thuật số, họa sĩ kỹ thuật số cần có kiến thức chuyên môn phù hợp với từng chương trình. Họa sĩ cần tìm hiểu những kỹ thuật cụ thể trong từng ứng dụng và áp dụng chúng. Với nhiều chương trình hiện có hiện nay, việc trở thành họa sĩ kỹ thuật số lành nghề gắn liền với quá trình học tập gian khổ.

Để theo kịp nhu cầu trong các ngành công nghiệp hiện nay, nhiều họa sĩ kỹ thuật số rèn luyện nâng cao kỹ năng bằng cách học cách sử dụng nhiều ứng dụng và công cụ kỹ thuật số trên nhiều nền tảng khác nhau. Để đạt được điều này, họa sĩ cần dành thời gian cho việc lấy bằng cấp chuyên môn hoặc trau dồi thêm kiến thức.

Làm thế nào để trở thành họa sĩ kỹ thuật số?

Như đã đề cập ở trên, có nhiều loại nghệ thuật số khác nhau với mỗi hướng đi khác nhau, đòi hỏi kỹ năng khác nhau. Do đó, không có con đường thẳng nào để trở thành họa sĩ kỹ thuật số. Bất kể bạn muốn trở thành họa sĩ kỹ thuật số hay họa sĩ hoạt hình, sẽ có sự trùng lặp nhất định trong các bước tìm kiếm thành công.

 Nhưng nhìn chung, dưới đây là các bước cần thực hiện:

Bước 1: Tìm kiếm và khám phá niềm đam mê của mình

Nghệ thuật số đòi hỏi kỹ năng chuyên môn và sự khổ luyện. Quá trình trau dồi kỹ năng mất rất nhiều thời gian. Không chỉ vậy, nếu bạn thực sự muốn gặt hái thành công trong nghề họa sĩ kỹ thuật số, bạn sẽ cần đầu tư một số công cụ và trang thiết bị đắt tiền, chẳng hạn như máy tính, bảng vẽ cao cấp, phần mềm Photoshop,… Ngoài ra, họa sĩ kỹ thuật số còn cần đầu tư cho việc theo học chuyên ngành mình quan tâm.

Đừng để bản thân mất thời gian, công sức, và tiền bạc cho việc theo đuổi nghề này nếu bạn không chắc chắn nó có phù hợp với mình hay không. Hãy dành thời gian để đi sâu tìm hiểu các loại nghệ thuật số khác nhau, rồi thử nghiệm xem bạn thích loại nào nhất/loại nào phù hợp nhất đối với bạn.

Thử nghĩ như sau: Nếu một người trước đây chưa từng chơi video game, liệu anh ta có khả năng dấn thân vào nghề thiết kế video game hay không? Khả năng tuy có nhưng không chắc chắn lắm. Bạn cần làm quen với nghệ thuật số trước khi quyết định có theo đuổi hay không.

Mặc dù có sự trùng lặp nhất định giữa các loại nghệ thuật số, nhưng chúng đều có con đường khác nhau đi tới thành công; vì vậy, ngay từ đầu, bạn không nên quá tập trung vào loại nghệ thuật số mà mình muốn theo đuổi, mà hãy có kế hoạch trong đầu.

Bước 2: Học tập

Đối với hầu hết các loại nghệ thuật số, bạn không nhất thiết trải qua trường lớp đào tạo bài bản để theo đuổi niềm đam mê. Nghệ thuật có thể được tạo ra bởi bất kỳ ai, cho dù họ có học hay không.

Hầu hết họa sĩ kỹ thuật số được đào tạo bài bản trong lĩnh vực đã chọn trong trường hợp lĩnh vực này đòi hỏi nhiều kỹ năng chuyên môn.

Đây là lý do tại sao cần dành thời gian cho Bước 1. Bạn không muốn theo học chuyên ngành hoạt hình để rồi phát hiện ra mình vốn đam mê thiết kế đồ họa – con đường học tập cho hai chuyên ngành này khác hẳn nhau.

Bước 3: Thực hành

Trong thời gian theo học, bất kể bạn đang thực hành nghệ thuật với giấy bút truyền thống hay đang thử nghiệm Photoshop, thì điều quan trọng là luôn thực hành không ngừng các kỹ năng của một họa sĩ kỹ thuật số.

Ban đầu, đây có thể là thử thách khi bạn chưa tiếp cận được công cụ và trang thiết bị cần thiết để thực hành nghệ thuật, song đừng coi đó là cái cớ. Ví dụ, nếu muốn trở thành họa sĩ kỹ thuật số, bạn cần có kỹ năng của họa sĩ truyền thống cho phép thực hành trên khung vẽ truyền thống (việc này có thể không giúp ích cho kỹ năng kỹ thuật số, nhưng nó sẽ giúp bạn tìm hiểu cách phối hợp màu sắc, kết cấu, và hình thể trong một cảnh.)

Ngoài ra, nếu bạn nghiêm túc với nghệ thuật số, bạn có thể tìm mua chương trình và phần mềm giảm giá cho phép thực hành trong giai đoạn đầu này.

Bước 4: Xây dựng portfolio

Không bao giờ là quá sớm để bắt tay vào xây dựng portfolio. Trên thực tế, nếu nghiêm túc theo đuổi mục tiêu này, bạn cần bắt đầu càng sớm càng tốt.

Để thực hiện việc này, trước tiên bạn cần tạo trang web đăng tải portfolio. Là họa sĩ kỹ thuật số, bạn cần đi theo hướng kỹ thuật số cho portfolio và đăng tải tác phẩm một cách trực quan.

Ngay cả khi bạn nghĩ tác phẩm chưa đủ đặc sắc để đăng tải, bạn vẫn nên tạo portfolio càng sớm càng tốt. Việc này cho bạn thời gian để làm việc với trang web, xác định những gì bạn muốn chia sẻ, và tiếp tục chỉnh sửa nó.

Cho dù bạn lành nghề đến đâu đi chăng nữa, portfolio sẽ không thể hoàn hảo ngay lập tức. Trên thực tế, portfolio sẽ liên tục được cải thiện khi kỹ năng ngày càng được nâng cao. Nói cách khác, nếu portfolio không cải thiện, thì có nghĩa bạn đang giậm chân tại chỗ – điều mà mọi họa sĩ đều muốn tránh.

Bước 5: Xác định công việc phù hợp

Có vẻ như đây là bước tiến lớn từ porfolio sang làm việc chuyên nghiệp, nếu nghiêm túc theo đuổi mục tiêu trở thành họa sĩ kỹ thuật số, bạn cần bắt tay vào làm việc phù hợp với năng lực chuyên môn.

Đây là bước quyết định bạn phù hợp với công việc nào trong ngành.

Bạn muốn là họa sĩ kỹ thuật số làm việc tự do?

Bạn muốn sáng tạo nghệ thuật số và bán nó trên Etsy? Bạn muốn bước chân vào thế giới nghệ thuật và chia sẻ tác phẩm trong phòng trưng bày nghệ thuật?

Bạn muốn làm việc cho công ty? Chẳng hạn như họa sĩ hoạt hình cho Disney.

Bạn chưa chắc sẽ kiếm được ngay công việc đáng mơ ước, nhưng biết mình muốn đạt được gì sẽ cho bạn hướng đi trực tiếp hơn, giúp hoàn thành mọi mục tiêu.

  • Nguồn: Format
  • Dịch: Toàn Vũ