AI Làm Thay Đổi Ngành Thiết Kế Đồ Họa Như Thế Nào?

AI Làm Thay Đổi Ngành Thiết Kế Đồ Họa Như Thế Nào?

05/01/2024

Trải lòng của những nhà thiết kế đồ họa hàng đầu về lý do, cách thức sử dụng AI.

Nguồn ảnh: Magpie Studio

Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence – viết tắt là AI) ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực thiết kế và sáng tạo. Một số người cảm nhận rõ sự thay đổi hơn những người khác. Để tìm hiểu xem AI làm thay đổi ngành thiết kế đồ họa như thế nào, chúng tôi đã trò chuyện với các nhà sáng tạo tại bốn công ty thiết kế khác nhau.

Chúng tôi đã đặt một số câu hỏi với họ và họ chia sẻ cảm nghĩ về tác động của AI đối với họ, studio và toàn ngành.

AI làm thay đổi ngành thiết kế như thế nào?

Jack Renwick của Jack Renwick Studio cho biết: “Dự án gần đây của chúng tôi – Veg NI là một nỗ lực hết mình để cắt rau theo cách thủ công, chụp ảnh chúng và photoshop mọi thứ lại với nhau để có thể tạo hoạt ảnh”. – Nguồn ảnh: Jack Renwick Studio

Các nhà thiết kế nhất trí về sự tác động to lớn của AI. “Bối cảnh ngành thiết kế thay đổi chóng mặt kể từ khi công cụ AI ra đời,” Jessica Tan, giám đốc sáng tạo kỹ thuật số tại Design Bridge and Partners Singapore, cho biết.

Trong khi một số người quan ngại về sự thay đổi này, thì số khác lại tỏ ra thích thú. Ben Christie, nhà sáng lập kiêm đối tác tại Magpie Studio, giải thích, “Nhóm chúng tôi rất vui khi thử nghiệm AI, cụ thể là Photoshop Beta, ChatGPT và Midjourney. Chúng tôi áp dụng nó cho mọi thứ, từ việc hàng ngày như viết e-mail đến chuyên sâu như tạo ảnh và viết code. Nó giúp nhà thiết kế tiết kiệm thời gian viết kịch bản và biểu thức.” Và không chỉ nhóm Magpie Studio mới thấy nó hữu ích. “Chúng tôi sử dụng Midjourney để tạo ảnh nhận diện quán bar Lyaness. Nó thực sự gây ấn tượng tốt với khách hàng.” Christie cho biết.

Nguồn ảnh: Rose Design

Simon Elliott, đối tác tại Rose, cũng nhìn vào mặt tích cực của AI. “Tôi thấy nó giúp cắt giảm thời gian phát triển và thử nghiệm. Ngoài ra, tôi thấy nó cũng hữu ích đối với thiết kế đồ họa. Vì vậy, tôi nghĩ những thay đổi này chứng tỏ sự hữu ích của AI trong ngành thiết kế.”

Connor Edwards, nhà thiết kế tại Jack Renwick Studio, coi AI là công cụ mới thú vị, tương tự như Photoshop hay Cinema 4D. Nhưng như bao công cụ khác, nó có những mặt hạn chế. “AI vẫn chưa đủ sức sáng tạo như bộ não con người. Nó chưa đủ sức tạo ra những điều mới lạ, tuyệt vời, không phải lúc nào cũng logic, hoặc đôi khi dựa trên sự may rủi. Cho đến khi AI tạo ra bước tiến nhảy vọt, thật khó để coi nó là công cụ giúp con người thực hiện ý tưởng của mình.”

Những rủi ro khi sử dụng AI

Magpie Studio đã sử dụng Midjourney để tạo hình ảnh nhận diện cho quán bar phục vụ cocktail cho Lyaness – Nguồn ảnh: Magpie Studio

Bên cạnh sự phấn khích xoay quanh công nghệ mới là cảm giác bất an. Tan thổ lộ, “Những công cụ này ngày càng trở nên hữu ích. Dẫu vậy, chúng ta vẫn cần suy nghĩ sâu hơn về việc để nó định hình ngành thiết kế. Nó không chỉ tác động lâu dài đến cách chúng ta làm việc, mà còn cả giá trị sáng tạo cốt lõi trong ngành.”

Có một số điều khiến Tan băn khoăn. Cô nói, “Thật khó để không cảm thẩy giá trị của nghệ thuật, của người nghệ sĩ, đã giảm sút. Giờ đây có thể tạo ảnh dễ dàng từ con số 0 bằng dòng văn bản đơn giản.”

Design Bridge and Partners đã sử dụng AI để ánh xạ lên các mô hình nhằm cài đặt tương tác mà họ xây dựng cho Tencent – Nguồn ảnh: Design Bridge and Partners

Cô cũng lo lắng việc AI góp phần tạo nên sự “nhạt nhẽo” trong thiết kế web hay xây dựng thương hiệu. “Vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn khi AI tiếp tục tạo ra khối lượng dữ liệu khổng lồ. Nó dẫn đến nhồi nhét dữ liệu trùng lặp để huấn luyện AI. Là người yêu thích thiết kế, chúng tôi cần làm mọi cách để tránh điều đó.”

Edwards có mối quan tâm tương tự. “Chúng tôi lo rằng AI có thể đồng nhất hóa hơn nữa thành quả sáng tạo trong ngành. AI học hỏi từ dữ liệu chúng tôi cung cấp. Vì vậy, nếu chúng tôi gợi ý AI làm điều gì đó, nó sẽ lặp lại điều đó cho người khác, ở một nơi nào đó. Nó giống như người ta lấy cảm hứng từ hình ảnh thịnh hành trên Pinterest.”

Dự án này của Jack Renwick Studio là cấp chứng chỉ thiết kế cho D&AD: “Nó đòi hỏi nhiều ngày làm việc và chế tạo tỉ mỉ để có được các góc, ký tự và chữ cái phù hợp mà tôi tưởng tượng là có thể được tạo trong AI trong vài phút”, Jack Renwich nói. – Nguồn ảnh: D&AD

Quyền sở hữu và bản quyền cũng là vấn đề đáng quan tâm. “AI thu thập dữ liệu từ hình ảnh trên mạng. Việc này đặt ra câu hỏi ai sở hữu tác phẩm mới,” Edwards cho biết. “Chúng được phép sử dụng hay không? Tác giả ảnh gốc có được ghi tên hay không? Những tài năng sáng tạo có đứng trước nguy cơ bị lừa không?”

Một thiết kế khác cho thương hiệu Lyaness của Magpie Studio, được tạo ra với sự hỗ trợ của AI – Nguồn ảnh: Magpie Studio

“Đã có vấn đề với IP (Intellectual Property) và AI,” Christie đồng tình. “Và điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu không có quy định phù hợp. AI phát triển quá nhanh. Do đó, thật khó phân biệt hình ảnh do con người tạo ra với sản phẩm của AI. Chúng tôi hy vọng những bộ óc pháp lý sẽ nhanh chóng tìm ra cách kiểm soát quyền tác giả sao cho công bằng, dễ quản lý. Trong thời gian chờ đợi, tốt nhất nên gắn cờ để quyền tác giả được rõ ràng. Và tác giả vẫn được ghi tên cho đứa con tinh thần của mình.”

Tốc độ tạo ảnh của AI được coi là thế mạnh, song cũng là điểm yếu của nó. Elliott lưu ý rằng nó dẫn đến sự lười biếng, lệ thuộc ở một số nhà thiết kế. Và nó cũng có thể ảnh hưởng đến khách hàng. “[AI có thể] thúc đẩy kỳ vọng của khách hàng về việc giao hàng nhanh hơn, trong một thế giới mà mọi người đều mong đợi có ngay mọi thứ.”

Tác động của AI đến khả năng sáng tạo cũng là một vấn đề. “Theo một nghiên cứu gần đây, tuy rằng AI giúp cải thiện thành quả sáng tạo của một người, song nó lại cản trở người đó tư duy sáng tạo,” Tan cho biết. “Kết luận gì ư? Hãy sử dụng AI để trở nên sáng tạo hơn – nhưng đừng sử dụng nó nếu bạn muốn độc đáo hơn.”

AI và ngành thiết kế hiện nay

Nguồn ảnh: Rose Design

Bất chấp những rủi ro tiềm tàng, các nhà thiết kế đều sử dụng AI dưới hình thức này hay hình thức khác cho công việc. Sau lần đầu sử dụng vì ‘yếu tố mới lạ,’ Connor trải nghiệm cách AI giúp nhà thiết kế tiết kiệm thời gian. “Chúng tôi sử dụng nó để thực hiện công việc lặp đi lặp lại một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn. Những công việc như cắt ảnh, điều chỉnh kích thước và màu sắc,… Nó ‘giải phóng’ thời gian cho chúng tôi tập trung vào công việc sáng tạo. Tôi thấy nó thật thú vị và đáng để thử. Thử nghiệm nhanh những thứ phải mất nhiều ngày mới xong khi chưa có AI.”

Tại Design Bridge and Partners, nhóm cũng thấy AI có khả năng tăng tốc mọi thứ. “Những công cụ AI như Midjourney và Stable Diffusion rất thích hợp cho xây dựng concept, hình ảnh hóa và viết storyboard,” Tan nói. “Kết quả thật ấn tượng. Nó truyền đạt ý tưởng đến khách hàng nhờ cho phép chúng tôi tạo khung hình trong chớp mắt – nhưng khó kiểm soát. Chúng tôi vẫn phải mất thời gian, công sức để đưa thiết kế đi đúng hướng.”

“Tuy nhiên, trong công việc thường ngày, tôi thấy tích hợp AI là thú vị hơn cả. Nó giúp giảm đáng kể thời gian thực hiện công việc thiết kế đơn giản – ‘giải phóng’ thời gian cho sáng tạo và tưởng tượng.”

Tại Rose, Elliott sử dụng AI ít hơn. “Chúng tôi sử dụng thuật toán cơ bản cho công việc trong suốt thời gian dài. Và nhóm chúng tôi tận dụng tính năng AI tích hợp trong Photoshop để tạo nhanh hình ảnh. Tuy nhiên, ngoài việc này ra, chúng tôi chưa thấy nhiều bằng chứng về tính hữu dụng của AI trong ngành thiết kế.”

AI và tương lai của ngành thiết kế

Nguồn ảnh: Jack Renwick Studio

AI sẽ đưa chúng ta đến đâu trong thế giới thiết kế đồ họa? “Ai mà biết được?” Edwards nói. “Các khả năng là vô tận.” Nhưng nhìn chung, anh tỏ ra khá lạc quan. “Bất cứ điều gì đưa công cụ sáng tạo đến tay nhiều người hơn đều là điều tốt đối với chúng tôi. Với phần mềm AI dễ tiếp cận, miễn phí sử dụng và trực quan hơn phần mềm thiết kế truyền thống, chúng tôi hy vọng những người trước đây bị đào thải khỏi ngành công nghiệp sáng tạo có thể mở ra một thế giới mới – mang đến sự đa dạng cần thiết cho ngành thiết kế.”

Elliott thận trọng hơn một chút. “Nếu bạn cho rằng Geoffrey Hinton (được biết đến là “cha đẻ” của AI) đã công khai bày tỏ sự hối tiếc và lo ngại về những gì ông coi là mối nguy hiểm từ AI dựa trên kinh nghiệm đi tiên phong, tôi đề nghị chúng ta nên đối xử với nó bằng sự tôn trọng và thận trọng. Nó có thể là tài sản quý trong kho đồ nghề của nhà thiết kế. Thế còn thay thế cho khả năng tư duy sáng tạo trong ngành thiết kế ư? Tôi nghĩ là không.”

Nguồn ảnh: Design Bridge and Partners

Theo Tan, AI có thể được ứng dụng theo nhiều hướng khác nhau. “Tôi tin rằng tác phẩm sáng tạo hàng ngày sẽ trở nên khái quát và đơn giản hóa, nhưng tác phẩm gốc sẽ trở nên ‘hiếm có khó tìm.’ Do đó, tạo ra chúng sẽ tốn kém hơn. Những tài năng hàng đầu sẽ khó tìm hơn. Và sự phụ thuộc vào AI sẽ buộc họa sĩ rời bỏ ngành thiết kế, để lại lượng lớn dữ liệu trùng lặp tiếp tục nạp vào cỗ máy AI, tiếp tục cho ra đời những mẫu thiết kế trùng lặp.”

“Ngược lại sẽ chẳng có gì thay đổi. Trong hành trình theo đuổi sự xuất sắc trong sáng tạo, chúng ta thu hút thêm nhiều tài năng triển vọng vào ngành thiết kế. Nguyên nhân là vì không còn công việc thiết kế đơn giản. Mọi người đều có cơ hội tỏa sáng và khám phá từ đầu tiềm năng sáng tạo của mình. Cũng như sự ra đời của máy ảnh không ‘xóa sổ’ được nghề vẽ chân dung, chúng ta sẽ nuôi dưỡng hoài niệm về thiết kế do chính bàn tay con người tạo ra và đánh giá cao sản phẩm của bộ óc con người.”

AI có thể không được đón nhận? Edwards không nghĩ vậy. Ông cho biết, “Tôi nghĩ đây rõ ràng là một cuộc cách mạng vĩ đại, diễn ra trên tất cả các ngành công nghiệp. Nếu bạn không biến nó thành một phần của quá trình thiết kế, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau.”

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta nên bắt đầu lo bị mất việc làm. “Nó có thể thực hiện công việc lặp đi lặp lại một cách xuất sắc. Tuy nhiên, nó thiếu khả năng sáng tạo hay phán đoán của con người. Nó chỉ có khả năng sao chép những gì đã có từ trước,” Christie cho biết. “Vì vậy, tôi tin khả năng sáng tạo của con người vẫn an toàn trong một thời gian nữa!”

Nguồn: Creative Bloq

Dịch: Toàn Vũ