Độc giả yêu thích truyện tranh vào những năm 90 của thế kỷ trước chắn hẵn đều biết đến bộ truyện tranh Bi Bo và thần Kim Quy, Quạt mo thần … của họa sĩ Quang Toàn, cây cọ một thời rất quen thuộc với lứa tuổi thiếu nhi.
>>> Họa sĩ Mai Rừng – Không đam mê, không có sáng tạo!
Thế nhưng những năm sau này, sự vắng mặt các tác phẩm truyện tranh của các họa sĩ đàn anh khiến độc giả nghĩ, không biết đến bao giờ, trên các quầy kệ truyện tranh lại xuất hiện những tác phẩm của họ? Trong một buổi trò chuyện với họa sĩ Quang Toàn, phóng viên Phan Thị đã đặt câu hỏi này và được anh sẻ chia về một ước mong cho truyện tranh Việt (TTV), về ngọn lửa đam mê cần được giữ trong lòng mỗi họa sĩ, đặc biệt là họa sĩ truyện tranh.
Họa sĩ Quang Toàn (Trương Quang Toàn) sinh năm 1961 tại Quảng Ngãi, hiện sinh sống là làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Khởi nghiệp bằng công việc vẽ tranh minh họa, đến năm 1988, anh bắt đầu vẽ truyện tranh. Những tác phẩm của anh quen thuộc với độc giả nhỏ tuổi một thời như Bi Bo Và Thần Kim Quy (hiện đang được Kim Đồng tái bản với bản in màu), Quạt Mo Thần, Cô Tiên Xanh, Ốc Bông Và Beo, Ba Người Bạn… Năm 2008, anh là một trong hai họa sĩ Việt Nam lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng truyện tranh quốc tế lần 2 (International Manga Award) do Nhật Bản tổ chức. Ngoài việc vẽ truyện tranh, anh còn là cộng tác viên cho nhiều tờ báo. Hiện nay anh làm việc tại báo Khăn Quàng Đỏ và cộng tác với một số NXB khác.
Anh nhìn nhận tình hình chung của truyện tranh Việt hiện nay như thế nào?
Quang Toàn: Đến thời điểm này, TTV vẫn là lĩnh vực thiếu người đầu tư, các nhóm vẽ truyện tranh ở nước ta hầu như là tự phát. Quan điểm cho rằng truyện tranh ảnh hưởng không tốt đến việc sử dụng ngôn từ của trẻ đến nay vẫn còn. Chính lối tư duy cũ đó phần nào đã ảnh hưởng không tốt đến thị trường truyện tranh trong nước. Bên cạnh việc thiếu đầu tư, không nhận được sự hỗ trợ và thiếu sự ủng hộ…, tất cả yếu tố đó đã khiến TTV đứng mãi một chỗ. Trong khi đó ở Nhật, vào những năm 60, 70, truyện tranh của họ đã nhận được sự đầu tư và ủng hộ của các cấp lãnh đạo, do đó truyện tranh Nhật phát triển rất tốt (dĩ nhiên đây chỉ là một trong những lý do).
Họa sĩ Quang Toàn chia sẻ với phóng viên (Ảnh: Internet)
Từ sau giải phóng đến nay, theo anh, truyện tranh ở giai đoạn nào được xem là thịnh nhất?
Quang Toàn: Giai đoạn truyện tranh Việt được xem thành công nhất là khi Phan Thị cho ra đời bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt. Trước đó, truyện tranh được làm đều theo kiểu tự phát, lẻ tẻ nên dễ thất bại. Những năm 1995 – 2000 là giai đoạn truyện tranh được độc giả đón nhận nhiều nhất, cũng là giai đoạn mà Doremon xuất hiện ồ ạt trên thị trường Việt Nam. Khoảng thời gian này được xem là thịnh nhất của truyện tranh nhưng cũng là thời gian đau thương nhất của TTV, vì đi đâu, nhìn quanh cũng chỉ thấy truyện tranh nước ngoài. Nhưng có thể nói truyện tranh Nhật hiện nay không còn được như trước nữa, có vẻ như đang bão hòa và chững lại.
Tính đến thời điểm này, anh thấy TTV đã có phong cách riêng chưa?
Quang Toàn: TTV của chúng ta chưa có phong cách gì gọi là riêng cả. Ngay Thần Đồng Đất Việt cũng chưa thể xem là truyện tranh điển hình của Việt Nam. Bộ truyện tranh này thành công ở một góc độ nào đó, nhưng nếu xét về yếu tố mỹ thuật thì chưa. Theo anh, Việt Nam chưa có truyện tranh nào được xem là điển hình cả.
Vậy theo anh, trong tương lai, TTV có thể định hình được một phong cách riêng không?
Quang Toàn: Chúng ta có thể làm được khi có sự đầu tư đúng mực. Để định hình một phong cách riêng không phải là điều dễ dàng và cần phải có thời gian. Như tôi biết, manga của Nhật phải mất 20 năm mới đứng vững được.
Cho phép nói đôi chút về con đường đến với truyện tranh của anh. Anh bắt đầu vẽ truyện tranh vào năm 1988, đó là sự khởi đầu cho một đam mê hay vì một nguyên nhân gì khác?
Quang Toàn: Thật chất là đam mê! Năm 1982- 83, tôi chuyên vẽ biếm họa, năm 1988 tôi bước sang lĩnh vực truyện tranh trong tâm thế thăm dò. Tôi chỉ chính thức bước vào nghề sáng tác truyện tranh năm 1995. Giai đoạn trước năm 1995, do vẫn còn chịu ảnh hưởng tư tưởng của người xưa, nên tôi không nghĩ mình sẽ chọn việc vẽ truyện tranh làm nghề. Đến năm 88, tôi bắt đầu bỏ bớt một số nghề khác để tập trung vào truyện tranh, và khi đấy thấy mình có khả năng ở lĩnh vực này nhất dù truyện tranh thời ấy còn rất èo uột, chỉ có người nào bền bĩ đam mê mới theo nổi nghề.
Anh có thể tiết lộ với độc giả về bộ truyện tranh anh ưng ý nhất không?
Quang Toàn: Tôi đã đọc qua nhiều thể loại truyện tranh, cả manga và comic. Mỗi tác phẩm có một cái hay riêng nên tôi thích cũng lung tung chứ không chỉ đặc biệt thích một tác phẩm nào. Về nét vẽ, tôi thích bộ truyện tranh 6 quyển Peter Pan của họa sĩ Pháp Régis Loisel. Bộ truyện đó quá hay. Riêng bản thân tôi, tôi ảnh hưởng truyện tranh Spirou của châu Âu khá nhiều.
“Bi Bo và Kim Quy” – Tác phẩm truyện tranh do họa sĩ Quang Toàn thực hiện (Ảnh: Internet)
Anh nghĩ gì về việc sáng tác truyện tranh của những cây bút trẻ hiện nay?
Quang Toàn: Nhiều bạn trẻ bây giờ vẽ theo lối manga mà bản thân thì chưa hiểu rõ về nó. Ngày xưa, truyện tranh ít chú ý đến việc biểu lộ cảm xúc của nhân vật. Sau này, manga của Nhật đã đưa ngôn ngữ điện ảnh vào ngôn ngữ truyện tranh, nên truyện tranh có cả tổng thể của ngôn ngữ điện ảnh. Manga đòi hỏi truyện tranh phải thể hiện luôn được điều đấy. Khi hiểu được nền tảng cơ bản như thế, chúng ta mới đi sâu và vận dụng chi tiết vào sáng tác của mình được. Bạn trẻ lại vẽ phá cách nhiều quá. Tôi vẫn ủng hộ phá cách nhưng muốn phá cách bạn phải có nền tảng trước đã.
Anh vẽ và cũng đã từng viết kịch bản truyện tranh, theo anh, bước đầu tiên để xây dựng một kịch bản truyện tranh là gì?
Quang Toàn: Muốn viết một kịch bản truyện tranh, bạn phải hình thành ý trước cho kịch bản, nội dung kịch bản muốn nói gì, kịch bản thuộc thể loại nào. Có những ý đó rồi ta mới triển khai chi tiết. Một kịch bản truyện tranh nếu lồng yếu tố giáo dục vào cũng chỉ nên chiếm 10 – 20%, 80% còn lại mang tính giải trí.
Với những bạn trẻ yêu thích truyện tranh và tập tành sáng tác, anh có lời khuyên gì dành cho các bạn ấy hay không?
Quang Toàn: Tôi thì đi ngược lại với quan điểm của nhiều người. Theo tôi, ai đã đam mê truyện tranh rồi thì cứ thỏa thích khám phá chứ đừng nên vội theo học trường lớp. Cứ vẽ một thời gian, cứ để cho lòng đam mê, sở thích chín muồi rồi hãy học. Có những trường hợp, từ đam mê bắt tay vào học liền thường hay dẫn đến tình trạng bỏ cuộc nửa chừng. Đôi khi chính trường lớp phá hỏng sự sáng tạo của bạn vì lúc ấy bạn bị những khái niệm ràng buộc, bạn nhát tay đi. Vì thế sự sáng tạo ko được phát triển. Sau một thời gian để đam mê được nuôi dưỡng, bản thân đã sáng tác thỏa thích, khi đấy thấy mình thiếu và cần bổ sung gì thì hãy học.
Người vừa có khả năng viết kịch bản vừa vẽ được hiếm vô cùng, nên muốn có một tác phẩm tốt, giữa họa sĩ và người viết kịch bản cần có sự ăn ý với nhau. Được vậy là tốt nhất vì mỗi người sẽ có sự đầu tư tốt hơn cho phần việc của mình. Có nhiều người vừa tham vẽ vừa tham viết, như thế rất khó thành công. Nếu chuyên một lĩnh vực và tập trung đầu tư cho lĩnh vực đó, bạn dễ dàng thành công hơn.
Không chỉ vẽ truyện tranh, khi bước chân vào nghề nào cũng cần có nhiệt huyết và đam mê. Phải giữ được ngọn lửa say mê trong mình – đó là điều quan trọng nhất. Chúng ta “đẻ” ra nhân vật thì dễ, nhưng nuôi nhân vật đó cho lâu dài mới thật sự khó. Tự mỗi người cần tìm ra cho mình một con đường riêng và biết giữ lửa đến cùng.
Thế bí quyết anh giữ lửa cho mình đến tận bây giờ?
Quang Toàn: Thật ra cũng rất khó giữ lửa (cười). Cũng có thời gian tôi chán nản, muốn bỏ luôn. Nhưng nếu không vẽ thì không biết mình sẽ làm gì, nên tôi vẫn phải tiếp tục. Đó cũng chính là lý do bắt buộc tôi nuôi dưỡng ngọn lửa trong mình. Với tôi, nghề cũng chính là nghiệp nên đi theo nghề đến chết mà thôi.
Tuy nhiên, để giữ lửa trong khoảng thời gian 10 năm là điều cực khó trong môi trường sáng tác truyện tranh chưa được đầu tư và có dấu hiệu phát triển nào. Bản thân tôi gắn bó với nghề đó cũng như là một duyên nợ.
Anh có đang ấp ủ sáng tác một bộ truyện tranh mới nào không?
Quang Toàn: Tôi đang cộng tác làm bộ truyện tranh Việt mang tính giáo dục dành cho lứa tuổi nhi đồng. Dự định cuối năm nay ra mắt.
Cám ơn những sẻ chia chân thành của anh và chúc anh luôn khỏe mạnh để giữ được ngọn lửa trong mình.
Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh chất lượng tại TPHCM