Sáng 20/8, Talkshow Truyện Tranh Nhật Bản và Những điều chưa kể do Viện Truyện tranh và Hoạt hình tổ chức đã diễn ra ở cơ sở 98 Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh, TPHCM. Buổi talkshow có sự tham gia của Th.s Nguyễn Hồng Phúc, Cử nhân ngành Nhật Bản học, Thạc sĩ Nghệ thuật chuyên ngành “Nghiên cứu lý luận truyện tranh”, ĐH Kyoto Seika, Nhật Bản.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, Th.s Nguyễn Hồng Phúc đã mang đến những kiến thức, thông tin thú vị về lịch sử hình thành và phát triển của truyện tranh Nhật Bản. Từ đó, giúp các bạn có thêm những tư liệu, góc nhìn quý giá để ứng dụng vào việc học vẽ và sáng tác sau này.
Th.s Nguyễn Hồng Phúc chia sẻ manga gồm có tranh, khung tranh, nhân vật, lời thoại, khung thoại, cách kể chuyện. Đây là khái niệm đã được đúc kết sau những định nghĩa của những nhà nghiên cứu, các tác giả truyện tranh nổi tiếng trên thế giới. Theo Scott McCloud “Manga là những hình ảnh mang tính hội họa hoặc tranh vẽ được sắp xếp có trật tự ý nghĩa và liên kết với nhau”. Còn Kure Tomofusa cho rằng “Manga là những tranh vẽ có cốt truyện được chia nhỏ theo đơn vị là khung tranh”.
Không chỉ là một thể loại có tính giải trí, manga còn mang đến những tác động mạnh mẽ cho kinh tế, lịch sử, giáo dục, chính trị, xã hội, văn hóa & du lịch… Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, manga ngày càng phát triển và ảnh hưởng khá lớn đối với truyện tranh thế giới.
Th.S Nguyễn Hồng Phúc chia sẻ thông tin về Truyện Tranh Nhật Bản
Sau phần chia sẻ về những nghiên cứu thời kỳ lịch sử phát triển của manga, những tác động đối với sự phát triển của Nhật Bản, các bạn tham gia đã đặt ra khá nhiều câu hỏi hay cho khách mời.
Trả lời cho câu hỏi “Mỗi người họa sĩ đều theo đuổi một phong cách khác nhau. Có người theo đuổi phong cách manga. Cũng có người phát triển theo hướng comic. Vậy nếu như em muốn kết hợp giữa phong cách manga và comic thì như thế nào ạ?”, Th.s Nguyễn Hồng Phúc cho rằng “Sáng tạo nghệ thuật là không giới hạn. Tuy nhiên để sáng tạo đạt hiệu quả, người họa sĩ cần phải tìm tòi, nghiên cứu thật kỹ lưỡng. Độc giả không quan tâm bạn bắt chước ai, có phong cách gì. Độc giả chỉ quan tâm đến nội dung mà bạn truyền tải trong truyện. Một lưu ý là khi sử dụng văn hóa – lịch sử của Việt Nam vào trong tác phẩm sẽ làm cho bộ truyện dễ đi vào lòng độc giả, ăn sâu vào độc giả hơn”.
Một câu hỏi khá thú vị khác đã được gửi đến khách mời “Em muốn tạo ra một bộ truyện diễn ra ở thế giới ảo, một thế giới ảo tưởng. Như vậy có khó khăn trong việc đưa bộ truyện đến gần với độc giả hay không?” Theo Th.s Nguyễn Hồng Phúc, nội dung của truyện chính là yếu tố quan trọng giúp bộ truyện được độc giả đón nhận dù đó là thế giới thật hay thế giới ảo.
Bên cạnh những giải đáp của Th.s Nguyễn Hồng Phúc, chị Nguyệt Anh, một người bạn của Th.s Nguyễn Hồng Phúc đồng thời cũng là người từng nghiên cứu về nội dung truyện tranh Nhật Bản, chia sẻ “Nếu Nhật Bản có thể sử dụng media truyện tranh để tái hiện lại lịch sử thì những họa sĩ Việt cũng có thể sử dụng chính những tư liệu lịch sử của Việt Nam làm ý tưởng cho bộ truyện của chính mình. Lịch sử Việt Nam chính là kho tàng tư liệu quý báu và dồi dào cho các họa sĩ truyện tranh. Nhận thức của tác giả về thời kỳ lịch sử sẽ được truyền tải trong tác phẩm truyện, là những đau đáu của tác giả về thời kỳ lịch sử được tái hiện bằng truyện tranh. Tuy nhiên, các họa sĩ truyện tranh cần lưu ý, sáng tạo xoay quanh cuộc đời nhân vật nhưng vẫn đảm bảo sự kiện lịch sử”.
[spacer]
[spacer]
Ngoài ra, phần trò chơi “Đoán tên truyện tranh” đã mang đến cho các bạn khoảng thời gian cùng nhau nhớ lại những bộ truyện nổi tiếng gắn bó với năm tháng tuổi thơ của mỗi người.
Talkshow khép lại nhưng mở ra cái nhìn rõ nét, kiến thức bổ ích cho người tham gia. Đồng thời những chia sẻ của khách mời chính là tư liệu bổ ích cho những bạn trẻ đam mê trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh tương lai.
>>> Slide tham khảo:
Hiền Đặng