Họa sĩ vẽ truyện tranh - Từ thú vui đến thành nghề

Họa sĩ vẽ truyện tranh – Từ thú vui đến thành nghề

05/05/2015

20 tuổi, từ Hà Nội vào Sài Gòn với hành trang là những tập truyện tranh vẽ cho bạn bè đọc, niềm hy vọng về một vùng đất có thể phát triển và…không gì cả. Hành trình đến với nghề vẽ truyện tranh của họa sĩ Phạm Kiều Oanh bắt đầu, thoắt cái gần 10 năm gắn bó với Sài Gòn với nghề họa sĩ vẽ truyện tranh.

hoa si truyen tranh 1

Họa sĩ Hoàng Anh Tuấn (giữa) và Phạm Kiều Oanh (trái)
bên nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Họ tên: Phạm Kiều Oanh (1984)

Thành viên nhóm B.R.O, chính thức thành lập từ năm 2004.

Nhóm vẽ đã có một số tác phẩm truyện tranh ngắn đầu tay in trên các tạp chí M-heaven, Thần đồng đất Việt FC, Truyện tranh Việt 13+, Hoa Học trò…

Tác giả của: Bộ Truyện Tranh Danh Tác, Học Sinh Chân Kinh…

Mục tiêu trong tương lai của nhóm B.R.O: Bằng những hành động thiết thực sẽ chứng minh truyện tranh là công cụ truyền tải thông điệp hữu ích. Chứng minh rằng hoạ sĩ truyện tranh việt nam hoàn toàn sống được với nghề.

hoa si truyen tranh 2

2 trong 3 thành viên của nhóm B.R.O
Họa sĩ Hoàng Anh Tuấn và Phạm Kiều Oanh

Từ vẽ truyện tranh cho bạn bè đọc…

Ngày xưa, khi còn ở Hà Nội với gia đình thì vẽ truyện tranh Oanh có bị bố mẹ cấm không?

“Tất nhiên là bị cấm rồi. Nói chung phụ huynh muốn tốt cho mình thôi. Vì thời buổi đấy họa sĩ vẽ truyện tranh là một nghề không ổn định, thu nhập thì bấp bênh. Thời ấy có chú Hùng Lân với bộ Cô Tiên Xanh và Dũng Sĩ Hesman, nhưng cái thông điệp có kiếm được tiền hay không thì chưa từng được nghe thấy. Vậy nên thấy con cái cứ tập trung vẽ vời không chịu học hành thì bố mẹ rất lo lắng và cấm tiệt.”

Khi bị bố mẹ cấm như thế thì làm sao Oanh tiếp tục vẽ?

“Khi bị bố mẹ cấm thì mình sẽ vẽ vào những lúc có thể vẽ được. Ví dụ như là những tiết học chán, hay giờ ra chơi ở trong trường, lớp. Tối về lẽ ra là làm bài tập thì ngồi bàn vẽ. Vẽ thì để bài tập ở trên, ở dưới thì để trang truyện mình vẽ. Lúc bố lên kiểm tra xem thế nào thì thấy đang ngồi vẽ truyện tranh. Khi bố hỏi “Con đang làm gì đấy, đang học à?” lúc ấy sợ quá, không giấu được nên mới trả lời “Con đang vẽ bản đồ”. Bố mới bảo “Bố biết đây là gì. Bố không ngốc, nhé”. Xong rồi sau đó là ăn đòn.”

Lúc đó Oanh ngưng vẽ tạm thời hay làm thế nào?

“Thì giấu kiểu khác.”

Giấu như thế nào?

“Thì bớt vẽ ở nhà hơn thôi. Vẽ những khi ngồi học trên lớp (cười). Năm lớp 6 lớp 7 là thích nhất. Hồi ấy con gái cao mà, được ngồi bàn gần cuối, tha hồ vẽ. Hồi lớp 9, 10, con trai cao lên nên mình bị đẩy lên bàn đầu nên không vẽ được nữa.”

Lúc ấy quan điểm của Oanh về truyện tranh ra sao?

“Lúc đó khu vực Oanh sống chưa có dụng cụ học vẽ, học sinh chỉ dùng bút bi và bút máy thôi. Nên lúc đó mình không tưởng tượng được ra được nét mực trong truyện tranh là như thế nào. Lúc ấy mình nghĩ có một chương trình gì đấy bấm nút là chạy ra truyện vậy thôi (cười). Mình rất thích những quyển truyện tranh, mình cảm thấy mình được hóa thân vào nhân vật, được phiêu lưu trong thế giới truyện tranh, mang lại cảm xúc rất tuyệt. Lúc ấy, mình cũng muốn kiến tạo nên một thế giới như vậy, những nhân vật của mình cũng được phiêu lưu, được thể hiện cảm xúc khóc, cười, vui, giận. Đó là cái thú vị hồi đó khi mình nghĩ về truyện tranh, chứ không nghĩ như một nghề nghiệp sau này.”

Hoc sinh chan kinh tap 1

Bìa tập 1 của bộ truyện Học sinh chân kinh

Khởi điểm cho việc vẽ truyện tranh của bạn từ đâu?

“Thích thì vẽ thôi, không cần biết rồi nó sẽ ra sao, nó sẽ đến đâu và có ai đọc hay không. Mình vẽ và mang những truyện mình vẽ cho anh chị em họ hay các bạn trên lớp đọc, các bạn khen hay, kêu vẽ tiếp đi, thế là mình có động lực để vẽ tiếp.”

Bạn mải miết vẽ chỉ vì có động lực là những lời khen thôi sao?

“Đương nhiên là tuổi trẻ không có sự kiên nhẫn và sức bền. Trong thời điểm đó, truyện mình vẽ dài nhất là hơn 100 trang nói về một chuyến phiêu lưu. Nhưng vẽ tới đó thì chán rồi, không thích vẽ nhân vật đấy nữa. Thế là mình chuyển sang vẽ truyện khác. Bạn bè cũng có trách, nhưng mà khi mình đưa truyện mới thì hay hơn, thế là được đón nhận. Và đúng là ở thời điểm đó, được bạn bè khen ngợi, tự làm mới những tác phẩm, với mình như vậy là đủ.”

Truyện của Oanh ra mỗi tuần hay sao?

“Truyện mình ra bất tử lắm. Tùy thuộc vào thời gian mình vẽ. Nói thế thôi chứ học bạ của Oanh cũng khá giỏi. Chuyện học là chuyện cần thiết, đó là cái mình ý thức được. Và cũng không muốn làm bố mẹ buồn. Nên mình dùng thời gian để học, rảnh thì mình vẽ.”

Có giai đoạn nào Oanh tạm ngưng hoàn toàn vẽ truyện tranh theo sở thích?

“Đó là thời điểm lớp 11, lớp 12, thời điểm sắp thi đại học. Oanh tập trung vào ôn thi và bắt đầu cảm thấy hình như làm cái gì đó không đúng. Nên sở thích lúc ấy không chiến thắng được sự quan trọng của việc học. Lúc ấy mình bắt đầu hiểu ra kiểu gì mình cũng cần một cái nghề để sau này mình sống, báo hiếu bố mẹ nữa. Đó là giai đoạn mình ngừng vẽ theo sở thích.”

Ngưng việc vẽ truyện theo sở thích rồi. Vậy thời điểm đó tại sao bạn lại quyết định đi theo con đường truyện tranh?

“Cái khu vực mình ở thực sự rất….thị trấn, hơi heo hút nên mình khó có thể mua được các tác phẩm truyện tranh. Mình phải đạp xe ba bốn cây số liền để đi đến hiệu sách trung tâm. Hồi năm Nhất đại học Oanh hoàn toàn không vẽ truyện tranh. Khi mình đi nghiên cứu bài trong lớp thời trang thì có biết đến internet và sau đó biết đến câu lạc bộ truyện tranh. Giống như một cái duyên vậy, sau đó là biết đến khái niệm manga rồi những diễn đàn truyện tranh. Lúc ấy có quen biết một số bạn cũng yêu thích vẽ truyện tranh. Đó là thời điểm mình mới bắt đầu tập vẽ lại. Lúc đó vẽ truyện Âm Binh, sau đó được bên tạp chí liên hệ đăng tác phẩm.

Và rồi khi gặp Anh Tuấn, trưởng nhóm B.R.O thì được mời vào nhóm để làm việc. Lúc đó mình mới biết đến Thần Đồng Đất Việt fanclub. Sau khi biết đến Thần Đồng Đất Việt fanclub và gia nhập Team thì mình mở ra được rất nhiều khái niệm về truyện tranh. Mới biết truyện tranh Nhật gọi là Manga và con người hoàn toàn có thể vẽ được truyện tranh như thế. Và sau đó là khái niệm về nghề vẽ truyện tranh được hình thành. Rồi biết về công ước Bern, biết Công ty Phan Thị đang tuyển nhân tài và sau đó không nghĩ gì nữa, mình chỉ muốn vẽ truyện tranh thôi.”

hoa si truyen tranh 4

“Lúc ấy không nghĩ gì nữa, mình chỉ muốn vẽ truyện tranh thôi”.

Vào đến Sài Gòn, cuộc sống có như mong đợi không?

Haizzzzzzzz (im lặng dài dài dài)

Sao lại thở dài?

“Để nhớ.”

“Lúc theo team B.R.O vào Sài Gòn lập nghiệp thì ấn tượng đầu tiên của mình về Sài Gòn đó là một nơi đầy nắng. Khi đó tháng 2, ở Hà Nội trời rất lạnh, vào Sài Gòn thấy nắng thì thích lắm. Khi đến công ty Phan Thị, khắp nơi mọi nguời làm truyện tranh, rất hăng say làm mình hứng khởi lắm, như kiểu cá gặp nước. Sau đó được chị biên tập dẫn đi ăn bò bít tết. Và từ đấy mình quyết định không bao giờ rời Sài Gòn nữa.”

…Đến thành nghề!”

Nghề vẽ truyện chuyên nghiệp khác thế nào với việc vẽ cho người ta xem?

“Khi vào công ty Phan Thị, Oanh thấy mọi người làm việc rất hăng say. Họ chia ra nhiều công việc, nhiều phòng ban. Chứ không phải là mình nghĩ ra một câu chuyện rồi mình vẽ. Có một hệ thống với rất nhiều quy trình. Họ làm việc từ kế hoạch ra sao rồi nghiên cứu thị trường như thế nào, sau đó họ mới sáng tác kịch bản phục vụ cho nhu cầu thị trường. Rồi sau đó họa sĩ mới vẽ ra. Và còn khâu hậu kì, phát hành, truyền thông. Có rất nhiều thứ trước đó Oanh không hình dung được về nghề nghiệp với sự chuyên nghiệp đến như vậy.”

Truyện tranh đầu tiên khi Oanh tham gia vào công ty Phan Thị có thành công không?

“Cuốn truyện đầu tiên nhóm B.R.O tham gia với công ty Phan Thị thật ra không phải là truyện Đoạn kết trên Thần Đồng Fanclub mà là dự án đang làm dang dở về thời chống Nguyên Mông – Sát Thát. Bộ ấy thật sự là một thất bại mà mình không muốn nhắc tới. Chắc đó là bộ truyện “Chết trên đường đi cấp cứu”. Sau này, nhóm mình đã nghiên cứu kĩ hơn và rút ra được những bài học để có thể làm những dự án khác tốt hơn.”

Lúc nãy Oanh nói Oanh có được khái niệm về nghề truyện tranh, nhận thức khác về truyện tranh. Vậy nhận thức đó là gì?

“Trước thì không có khái niệm gì về manga hay xã hội Nhật Bản họ như thế nào. Giờ thì biết khái niệm về Manga, truyện tranh Nhật, rồi có Thần Đồng Đất Việt fanclub do công ty Phan Thị phát hành và ở đó có họa sĩ vẽ truyện tranh. Sau đó vỡ ra được nhiều thứ rất hay. Bây giờ các bạn trẻ đi tìm hiểu trên internet có thể nắm được từ rất sớm. Nhưng hồi đó Oanh không biết. Trước đó mình vẽ bản năng lắm. Còn hiện tại mình vẽ và ý thức được đó là một cái nghề. Mình có thể làm truyên tranh được chứ không phải như một đứa trẻ đang chơi game. Chúng ta có thể kiếm được tiền. Chúng ta có thể kiến tạo thế giới trong truyện tranh. Chúng ta có thể tạo ra những nhân vật có thể phát hành được. Nó không phải chỉ là vẽ cho bạn bè đọc , vẽ vì mình thích, vẽ để chứng tỏ là mình vẽ đẹp. Đó là một vùng đất hoàn toàn mới.Chúng ta có thể kiếm được tiền. Chúng ta có thể kiến tạo thế giới trong truyện tranh.”

hoa si truyen tranh 5

“Chúng ta có thể kiếm được tiền. Chúng ta có thể kiến tạo thế giới trong truyện tranh”

So với những họa sĩ truyện tranh khác, Oanh nghĩ sự khác biệt của Oanh là gì?

“Thật sự khi làm truyện tranh, thời gian dài mình có được sự kiên trì, mình có thể vẽ đi vẽ lại một nhân vật hàng ngàn lần, liên tục vẽ. Lúc này mình nhìn được con đường trước mặt, mục tiêu lâu dài hơn. Khi ý thức đó là công việc, là ngành nghề của mình thì sẽ không nản giữa chừng. Luôn luôn tạo cho mình một động lực, một mục tiêu để hướng tới.”

Trong tương lai, mục tiêu của Oanh là gì?

“Hiện tại cũng chưa thể nói là thành công, trong tương lai Oanh mong muốn bản thân mình và nhóm có thể để lại thật nhiều “di sản” , thông qua truyện tranh có thể làm được điều gì đó tốt đẹp hơn cho xã hội.”

Xin cám ơn Oanh, chúc bạn và nhóm sẽ thực hiện được những mục tiêu của mình và tương lai sẽ cho ra đời những tác phẩm truyện tranh thật hay và ý nghĩa!

Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh duy nhất Việt Nam