“Truyện tranh là một loại hình tác động rất lớn tới tâm lý"

Truyện tranh là một loại hình tác động rất lớn tới tâm lý

10/05/2015

Nhà văn Nguyễn Trí Công từng là trưởng ban biên tập truyện tranh và hiện tại đang là biên tập viên của nhà xuất bản Trẻ, một nhà xuất bản uy tín với những đầu sách chất lượng được đông đảo bạn đọc đón nhận.

Với kinh nghiệm viết kịch bản truyện tranh Việt từ những năm đầu thập kỷ 1980, và cũng ở góc nhìn của một người làm trong lĩnh vực xuất bản, xét duyệt và đưa những bộ truyện tranh nước ngoài vào thị trường truyện tranh trong nước, nhà văn Nguyễn Trí Công dành cho độc giả thân thiết một cuộc trò chuyện xoay quanh các vấn đề bất cập hiện nay về truyện tranh Việt.

TTV: Thưa nhà văn Nguyễn Trí Công, chú có thể chia sẻ với độc giả đôi điều về truyện tranh Việt trước đây, khi những người thuộc thế hệ chú còn đang là học trò?

NV. Nguyễn Trí Công: Thế hệ của tôi chủ yếu là đọc truyện tranh nước ngoài. Trước 1975, truyện tranh ngày ấy hầu như là của Pháp, Mỹ. Thời ấy truyện tranh Việt hầu như là chưa có. Tôi nhớ chỉ có một số truyện. Như bộ truyện “Con quỷ truyền kiếp” do nhà văn Thượng Hồng viết kịch bản. Bộ đó đặc biệt ở cái là nét vẽ truyện tranh xấu, nhưng rất ăn khách, bán rất chạy và lứa tuổi tôi ngày đó rất mê. Trước cổng trường thường có người trải chiếu bán truyện, còn học trò thì hay coi cọp mà chẳng mấy khi bị đuổi. Hồi đó có dạng truyện tranh là những cuốn cỡ bỏ túi nhỏ nhỏ, tôi rất mê. Còn nhớ cái truyện có nhân vật Ngôn và Luận. Là truyện tranh hài hước, được vẽ cách điệu rất dễ thương. Chuyện hài làm cho trẻ em nhớ lâu là vậy. Tình tiết buồn cười lắm, nhưng nội dung nó gây cho mình lòng yêu nước.

Lúc đó, các loại hình giải trí cho trẻ em mình cũng rất thiếu thốn. Nhờ có những truyện tranh nước ngoài nhập vào và được dịch rất thoát ý mà trẻ em có cái để đọc.

Cuoc dua tai thu vi

Từ cổ tích…(Ảnh: internet)

TTV: Có phải từ sự say mê truyện tranh như thế mà chú trở thành người viết kịch bản truyện tranh? Những bước đi của chú đến với việc viết kịch bản này như thế nào?

NV. Nguyễn Trí Công: Tôi mê truyện tranh lắm, từ nhỏ đến giờ. Đầu tiên là tôi viết văn, văn học thiếu nhi rồi mới chuyển sang kịch bản. Người viết kịch bản truyện tranh ngày đó ít lắm, có vài cái tên, như tôi, Nhật Ánh, Lý Lan,… cứ thế thay phiên.

Tôi viết kịch bản dựa theo cái sự hiểu biết của mình, cách phân cảnh này kia và cũng được các họa sĩ chỉ thêm. Vào thời đó không có những khóa đào tạo như bây giờ.

Su tich long nhim

…đến đồng thoại (Ảnh: internet)

TTV: Chú đánh giá như thế nào về vai trò của người viết kịch bản và người vẽ truyện tranh ạ?

NV. Nguyễn Trí Công: Cái kỳ lạ ở Việt Nam mình là người viết kịch bản đã moi óc, moi tim ra mà viết thì mức thang nhuận bút lại bị trả rẻ hơn người họa sĩ vẽ. Nhuận bút của người họa sĩ gấp đôi người viết. Bởi vậy mới có cuộc tranh luận rằng, nếu thế thì tại sao người họa sĩ không viết luôn đi? Thì những người vẽ lắc đầu không làm được.

Lực lượng cộng tác viên vẽ tranh rất là hùng hậu, còn người viết thì ít lắm, trong khi kịch bản là cái chính.

Cứ hỏi tại sao nước ta không có kịch bản hay, vì nhuận bút trả rẻ quá cho người viết. Ngày trẻ thì tôi viết phần nhiều bởi lòng yêu thích.

TTV: Tại sao truyện tranh Việt chưa được đón nhận, có phải vì người Việt chưa thực sự đánh giá tốt về chất lượng truyện tranh Việt?

NV. Nguyễn Trí Công: Truyện tranh là một loại hình tác động rất lớn tới tâm lý. Nhưng người Việt mình cứ nghĩ nó là loại hình dành cho con nít nên chưa được quan tâm đúng mực.

Truyện tranh đem về cho Nhật Bản mấy trăm triệu đô la mỗi năm. Chưa kể về phim anime. Không chỉ tác động trong nước, các nước lân cận mà truyện tranh Nhật Bản còn tác động các quốc gia lớn khác.

Họa sĩ Việt Nam mình thực ra vẽ không có thua ai. Có điều họa sĩ trẻ giờ ảnh hưởng manga do chúng ta chưa được đầu tư bài bản. Đâu có ai muốn vẽ giống người khác đâu, ai cũng muốn có nét riêng của mình.

Mới năm ngoái, Thiên Vương Comic cũng đầu tư vào truyện tranh Việt, nhưng rồi lỗ nặng. Lý do thứ nhất thì có thể là trẻ con không mua, không đọc vì mức giá cao quá (20 ngàn đồng/ 1 cuốn). Thứ hai nữa là hình như các em không mặn mà với truyện tranh của mình.

Kịch bản truyện tranh của mình đơn giản quá, không thu hút, không hấp dẫn. Cốt truyện của mình không có yếu tố ly kỳ, không sáng tạo, không có cái mới. Truyện tranh mình không bắt kịp được thị hiếu của giới trẻ. Ví dụ như cái truyện tranh Bạch Đằng Giang đang được truyền nhau qua trang web youtube, như lứa tuổi tôi thì thích chứ trẻ em thì chắc là không. Trẻ em bây giờ đòi hỏi những truyện tranh phải có tính mới mẻ và hợp logic.

Dung Sai Gon

Rồi là những thể loại mới mẻ, hiện đại nhưng đầy tính nhân văn, giàu triết lý (Ảnh: internet)

TTV: Để thực sự có một nền truyện tranh Việt, theo chú, chúng ta cần hướng đi như thế nào?

NV. Nguyễn Trí Công: Những truyện tranh Việt đã có thực ra là tự phát, manh mún chứ chưa thể nói là nền truyện tranh Việt được.

Tính không chuyên nghiệp của Việt Nam mình thể hiện rất là rõ. Phải tạo được dấu ấn để khẳng định được truyện tranh Việt. Vấn đề là cần tìm hướng đi? Để thực sự có một nền truyện tranh Việt, chúng ta cần có sự đầu tư và chuyên nghiệp. Cần phải có một đội ngũ viết kịch bản và một đội ngũ họa sĩ vẽ truyện tranh. Tôi dùng từ “đội ngũ”, chứ không phải chỉ một vài, một số cá nhân như hiện nay.

Thêm nữa, về PR truyện tranh của mình còn quá dở, chưa tạo được làn sóng thu hút độc giả. Phải làm cho độc giả quen mắt với hình ảnh và chờ đợi tác phẩm mới thực sự là PR bài bản. Việc PR tốt rất quan trọng.

TTV: Chúng ta than phiền chưa có đội ngũ vẽ truyện tranh chuyên nghiệp. Trường Đại Học Mỹ Thuật đã có lứa sinh viên lớp vẽ truyện tranh đầu tiên tốt nghiệp (sau 4 năm đào tạo). Nhưng những họa sĩ vẽ truyện tranh trẻ này lại chưa bám được với nghề được đào tạo mà chủ yếu là làm những nghề hơi hơi liên quan như vẽ các thể loại khác như concept art, vẽ minh họa,… Tại sao nhà xuất bản không tạo điều kiện cho các em?

NV. Nguyễn Trí Công: Xã hội phát triển thì nhu cầu phát triển và việc đào tạo ra những họa sĩ vẽ truyện tranh là tất yếu. Biết rằng cũng có những em nhỏ, có lớp trẻ tâm huyết với truyện tranh nước nhà lắm chứ. Nhưng nếu nhận các em thì phải nói là không dám. Khi đứng ở góc độ của một nhà xuất bản, thì phải nghĩ đến vấn đề truyện tranh có bán được hay không? Vì phải lo cho thu nhập tất cả các anh em trong nhà xuất bản nữa. Truyện tranh Nhật hiện nay còn bán không hết nữa mà.

Có nhiều vấn đề trong chuyện thị trường truyện tranh lắm, chứ không chỉ riêng gì vấn đề thuộc về người viết kịch bản và người họa sĩ.

Mình phải hiểu vào thời điểm bây giờ, kinh tế đang suy thoái. Nó sẽ kéo theo đủ thứ. Thậm chí sách cho người lớn, sách cho sinh viên, chúng tôi còn bán chưa được chứ nói gì…

Nên việc không dám nhận các em thì không thể trách được.

TTV: Cảm ơn những chia sẻ của chú với độc giả ạ.

Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM