Ý tưởng khởi nguồn của câu chuyện 2

Bạn có đang ấp ủ giấc mơ sáng tác một câu chuyện không? Sẽ là không ngoa nếu tôi nói những câu chuyện chính là huyết mạch, là xương sống của nền văn minh. Sống trong một thế giới đầy sự bất ổn và lo âu, thì những câu chuyện chính là nguồn an ủi, động viên, dẫn dắt chúng ta hiểu hơn về cuộc sống xung quanh. Trong khi những câu chuyện sáng thế trong các tôn giáo đem lại cho ta nhận dạng cũng như mục đích tồn tại của bản thân, thì các chính trị gia lại lợi dụng các câu chuyện để đạt được mục tiêu chính trị. Dù vậy, về mặt hiệu quả, cả hai đều tác động và gây ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về Lịch sử. Về bản chất, mục đích của câu chuyện là giúp chúng ta học hỏi, trưởng thành và biết cảm thông hơn. Chúng đưa chúng ta đến những thế giới mà ta chưa từng biết, tạo cơ hội cho chúng ta trò chuyện với những nhân vật mà ta chưa từng nghĩ có thể tồn tại trên đời. Những câu chuyện tuyệt vời nhất có thể đập tan thành trì của các đế chế, trong khi những câu chuyện nhẹ nhàng nhất lại có khả năng chạm vào trong sâu thẳm tâm hồn con người. Tất cả các câu chuyện (kể cả những truyện của bạn!) đều mang trong mình sức mạnh có thể thay đổi cả thế giới! Để làm được điều đó, những gì bạn cần làm chỉ là kể câu chuyện đó ra! Nghe có vẻ tuyệt vời quá phải không? Tuy vậy, việc viết nên câu chuyện lại không hề dễ tí nào. Kể thì ai cũng kể được, nhưng kể sao cho hay thật là hay, thì lại là một vấn đề khác. Bạn cứ thử hỏi bất kỳ tác giả cuốn truyện nào thử xem, tôi chắc chắn họ sẽ vò đầu bứt tai kể bạn nghe về biết bao mồ hôi nước mắt họ phải bỏ ra để những phôi thai ý tưởng ban đầu có thể nảy mầm thành câu chuyện hoàn chỉnh. Những chuyện như họ đã đau khổ thế nào khi phải cắt bỏ cảnh mà mình yêu thích, hay khủng hoảng bất lực ra sao khi bị bí ý tưởng, đâm đầu vào ngõ cụt, không biết phải viết gì tiếp theo. Hoặc thậm chí cả nỗi sợ sau khi câu chuyện hoàn thành nhưng chẳng ai đón nhận nó. Những tâm trạng bất an, lo lắng như thế có khi kể hoài không hết. Sao nào? Nghe xong bạn có sợ không? Còn tiếp tục chấp nhận thử thách không? Tôi hi vọng là bạn vẫn còn giữ vững quyết tâm, vì bạn biết đấy, chỉ khi vượt qua được tất cả nỗi đau khổ, sợ hãi đó, chúng ta mới trưởng thành, chín chắn hơn. Không những vậy, tất cả trải nghiệm cá nhân đó có khi còn là gia vị cực kỳ tốt giúp thổi bùng câu chuyện của bạn từ những ý tưởng đơn giản thành một trường thiên tiểu thuyết tuyệt vời hoặc hơn thế nữa! Bạn vẫn còn đọc tiếp chứ? Vậy thì tốt lắm. Giờ chúng ta bắt đầu với câu hỏi: “Tôi phải bắt đầu câu chuyện của mình thế nào đây?”. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng đó lại là câu hỏi quan trọng nhất mà bạn phải tìm ra lời giải đáp, bởi vì từ đây, câu chuyện của bạn sẽ hình thành. Từ đây, những hạt mầm ý tưởng sẽ đâm chồi nảy lộc, theo thời gian, qua bàn tay vun trồng, xây đắp của bạn mà lớn dần thành một cây truyện xanh tươi vững chắc, đầy đủ nhánh cành, hoa trái ngọt ngào, hấp dẫn. Thôi, ví von thế đủ rồi, giờ ta đi vào chi tiết nhé. Khi bắt đầu phát thảo câu chuyện, dù ngắn dù dài, 2 yếu tố mà bạn luôn luôn cần đó là: nhân vật và sự xung đột. Từ 2 yếu tố đó, bạn tha hồ mặc sức bay bổng! Tuy nhiên để có được nhân vật và xung đột, để bắt đầu ráp nối các câu chữ, tình tiết lại với nhau thì trước tiên, bạn phải có Ý TƯỞNG! Đầu tiên, bạn phải tìm ra nguồn cảm hứng, lý tưởng dẫn dắt bạn đi suốt chặng đường viết truyện. Chỉ khi bạn có cảm hứng, có ý tưởng, thì bạn mới tiếp tục quyết định ai sẽ làm gì với ai được. Thoạt đầu, nghĩ đến chuyện phải tìm ý tưởng thôi cũng là cả một cực hình, dễ làm nhụt ý chí của rất nhiều người. Những chữ “ý tưởng” hay “cảm hứng” vốn dĩ là những khái niệm trừu tượng mơ hồ, cho nên bạn hoang mang cũng phải thôi. Nhưng mọi chuyện không quá u ám tồi tệ như bạn nghĩ đâu! Thực chất, việc tìm kiếm cảm hứng là một cuộc hành trình tự do không giới hạn. Cái bạn cần là lấy một tờ giấy rồi nghĩ gì viết nấy, nháp bừa, vẽ bừa lung tung tùy thích. Chẳng có cái gì là đúng hay sai cả, bạn cứ để cho tâm hồn rộng mở, treo ngược cành cây hết cỡ! Nhiều tác giả trong giai đoạn tìm kiếm ý tưởng thường đem theo bên mình một cuốn sổ và một cây viết, mỗi khi nghĩ vẩn vơ được gì hay là hý hoáy ghi lại. Cá nhân tôi thì hay đi lòng vòng thành phố, nghe hết người này nói rồi người kia nói, rồi ghi chép lại những đoạn có vẻ thú vị. Trong tương lai, biết đâu những điều đó lại trở thành phần hội thoại trong đoạn cãi vã giữa các nhân vật, hay khiến cho khúc độc thoại trầm ngâm đầy triết lý trong câu chuyện trở nên thi vị hơn thì sao.