Thomas Edison có câu nói nổi tiếng, “Thiên tài 1% là cảm hứng và 99% là mồ hôi.” Nhà làm phim đưa câu nói đi xa hơn, “Bộ phim xuất sắc 1% là ý tưởng và 99% là chuẩn bị.” Thực tế cho thấy đạo diễn tài giỏi đến mấy cũng không thể cho ra đời bộ phim xuất sắc nếu bỏ qua bước chuẩn bị cần thiết cho quá trình làm phim. Đạo diễn thường vì quá say sưa với ý tưởng tâm đắc, nên vội lao ngay vào sản xuất càng nhanh càng tốt. Đây là cái bẫy mà nhiều người mắc phải, từ sinh viên trường điện ảnh cho đến nhà làm phim Hollywood. Say sưa với ý tưởng tâm đắc đến mức chỉ muốn cả thế giới biết ngay đến nó cũng giống như ngồi sau tay lái trong tình trạng say rượu. Nó thật không phải là ý hay chút nào. Làm phim là một chuyến hành trình phức tạp, và nhiệm vụ của bạn là lèo lái con thuyền ý tưởng đến đích thành công. Nào bạn hãy uống tách cà phê cho đầu óc tỉnh táo, rồi thực hiện bước chuẩn bị cho chuyến hành trình ngay thôi. Giai đoạn tiền sản xuất (pre-production) là quá trình chuẩn bị mọi thứ cần thiết trước khi bấm máy hầu bảo đảm giai đoạn sản xuất diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Giai đoạn tiền sản xuất kéo dài từ vài tuần đến cả mấy tháng, bao gồm các bước lập kế hoạch, tuyển người, đầu tư trang thiết bị,… Tất cả phải được thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng. Giai đoạn tiền sản xuất thường bắt đầu sau khi bạn biến ý tưởng tâm đắc thành kịch bản phim hoàn chỉnh. Sau đây là danh sách liệt kê 13 việc bạn cần làm trong giai đoạn tiền sản xuất. Những việc cần làm không phải lúc nào cũng mang tính bắt buộc, và bạn không nhất thiết làm theo đúng trình tự trong danh sách. Nhà làm phim có thể dựa vào danh sách này để chuẩn bị mọi thứ cần thiết trước khi bắt tay vào sản xuất video, phim quảng cáo, phim truyện,…   1. Thành lập ê-kíp (Phần 1) Tìm người tận tâm, mẫn cán, và đáng tin cậy để đưa vào ê-kíp sản xuất. Nếu thành lập ê-kíp theo cách này, bạn sẽ ưu tiên bạn bè và người thân rồi mới đến đồng nghiệp. Ngoài ra, bạn cũng cần đến nhà sản xuất, vì anh ta sẽ chia sẻ công việc chuẩn bị mọi thứ cần thiết trước khi bấm máy. Giai đoạn tuyển người vào những vị trí quan trọng trong ê-kíp sẽ tiếp thêm cho bạn nghị lực để tiến lên phía trước. Mỗi cá nhân thường có thể đảm nhận nhiều vai trò và công việc khác nhau; ví dụ, diễn viên hoặc giám đốc hình ảnh có thể kiêm luôn công việc của nhà sản xuất. Bạn sẽ như hổ mọc thêm cánh khi quy tụ được dưới trướng những cộng sự cùng chung chí hướng, mục tiêu thực hiện dự án.   2. Chuyển kịch bản phim thành storyboard Bước kế tiếp là chuyển kịch bản phim thành storyboard. Storyboard là kịch bản phim được minh họa bằng hình ảnh sinh động, dễ hiểu giống như truyện tranh. Chúng cho thấy diện mạo từng cảnh quay, từng cảnh phim sau khi biên tập. Đứng dưới góc độ ấn tượng ban đầu, storyboard cho bạn thấy kịch bản phim sẽ trông ra sao khi được chuyển thành hình ảnh. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ thực tiễn, storyboard cho bạn khả năng truyền đạt bằng hình ảnh ý tưởng trong đầu đến diễn viên và ê-kíp. Storyboard không đơn thuần là công cụ trực quan, nó còn có khả năng làm thay đổi lộ trình. Nếu kịch bản phim là sách hướng dẫn, storyboard là bản đồ chỉ đường.   3. Lập danh sách cảnh quay Trước khi bấm máy, bạn cần xác định mỗi cảnh quay sẽ được dàn dựng ra sao, camera sẽ chuyển động như thế nào cho từng cảnh cắt, cùng nhiều chi tiết quan trọng khác. Lập danh sách cảnh quay (shot list) là cách giúp dự toán kinh phí sản xuất, lên lịch quay phim, đầu tư trang thiết bị cần thiết,… trong giai đoạn tiền sản xuất. Bên cạnh đó, nó còn giúp tổ chức sản xuất và bảo đảm quay đủ số cảnh cần thiết cho dự án.   4. Phân tích kịch bản Bạn phân tích kịch bản (script breakdown) để biết mình cần gì trong quá trình sản xuất. Kiểm kê tất cả mọi thứ cần thiết như đạo cụ, phục trang, camera, ống kính, thiết bị âm thanh, nguồn cấp điện, địa điểm quay phim, diễn viên, thành viên trong ê-kíp,… Quá trình kiểm kê cần chi tiết và tỉ mỉ, tốt nhất không nên làm một mình để tránh bỏ sót. Mời các trưởng bộ phận cùng tham gia sẽ giúp kiểm kê hiệu quả hơn và mở ra những cơ hội không ngờ đến. Hãy dành nhiều thời gian cho bước chuẩn bị này, vì nó thật sự cần thiết trong giai đoạn tiền sản xuất.   5. Lên lịch quay phim Lịch quay phim ảnh hưởng sâu sắc tới kinh phí sản xuất và sự phân bổ nguồn lực. Nếu địa điểm quay phim xuất hiện ở nhiều phần khác nhau trong bộ phim, lên lịch quay tất cả các cảnh cùng một lượt sẽ giúp kiểm kê dễ dàng hơn, quay phim ít tốn kém hơn, và cắt giảm chi phí sản xuất. Đây chỉ là một trong số nhiều lợi ích của lịch quay phim. Bạn có thể xếp lịch quay cảnh ban ngày và ban đêm. Thời điểm quay những cảnh này phụ thuộc vào thời điểm hiện diện của diễn viên hoặc địa điểm quay phim.