Manga được yêu thích nhờ cốt truyện hấp dẫn, hình ảnh mãn nhãn người xem. Bạn biết nhờ đâu mà manga được vậy không? Bài viết dưới đây sẽ tiết lộ những điều bạn muốn biết về hậu trường sản xuất manga, cũng như công việc của ban biên tập và họa sĩ manga. Hãy tưởng tượng bạn là họa sĩ manga giàu nhiệt huyết, muốn hẹn gặp biên tập viên nhà xuất bản để nhờ anh ta xem qua tác phẩm của bạn, rồi cho ý kiến đánh giá chất lượng có đạt yêu cầu hay không. Họa sĩ manga thường làm việc dưới sự hỗ trợ của ê-kíp trợ lý. Nếu trước đây bạn từng làm trợ lý họa sĩ, việc nhờ biên tập viên xem qua tác phẩm sẽ dễ dàng hơn nhiều, vì bạn đã có mối quan hệ và kinh nghiệm làm việc. Tòa nhà Shueisha, tạp chí Weekly Shounen Jump.   Giả sử bạn tham gia cuộc thi sáng tác truyện tranh ngắn do tạp chí manga tổ chức và giành chiến thắng. Tác phẩm đoạt giải thưởng của bạn được đăng trên tạp chí và nhận phản hồi từ phía độc giả. Nếu phản hồi mang tính tích cực, thì xin chúc mừng, bạn đã trở thành họa sĩ manga rồi đó. Nghề họa sĩ manga đòi hỏi bạn dành nhiều thời gian, kể cả ngày nghỉ, cho công việc. Ở nhà, bạn vẫn phải ngồi vẽ truyện cho kịp thời hạn.   Hỏi: Ồ! Dễ vậy, tôi cũng có thể trở thành họa sĩ manga! Đáp: Chưa chắc! Thử nghĩ xem… tại Nhật Bản có bao nhiêu bạn trẻ khao khát trở thành họa sĩ manga? Theo bạn, cơ hội đạt được ước nguyện của họ là bao nhiêu? Nếu bạn không phải là người Nhật, các công ty truyện tranh Nhật thậm chí còn không thèm nhòm ngó đến bạn. Cảnh biên tập viên duyệt bản thảo được miêu tả trong Bakuman.   Họa sĩ manga nào cũng cần có biên tập viên. Về cơ bản, biên tập viên là người duyệt bản thảo của bạn, chỉ ra lỗi sai và đề xuất giải pháp khắc phục, quản lý và đôn đốc bạn hoàn thành công việc trước thời hạn. Bạn mệt mỏi vì biên tập viên nhai đi nhai lại điệp khúc, “Nhanh tay lên! Sắp hết thời hạn rồi!” nhưng đó là trách nhiệm của biên tập viên. Biên tập viên có trách nhiệm nhận tác phẩm của bạn, rồi gởi cho nhà in. Ngoài ra, anh ta còn chịu trách nhiệm đàm phán với nhà in trong trường hợp bạn không hoàn thành công việc kịp thời hạn. Hỏi: Tại sao chương truyện tiếp theo sẽ không được phát hành nếu tôi không thành công lớn? Đáp: Độ “hot” của chương truyện sẽ giảm sút nghiêm trọng nếu bạn không đảm bảo số lượng fan hâm mộ. Lúc này, mục tiêu của bạn là lấy lại độ “hot”! Bạn ra sức sáng tác manga cho hay hơn, hấp dẫn hơn. Bạn nhờ trợ lý hỗ trợ trong những khâu như dán screentone, lọc nét, vẽ background… Họa sĩ manga không bao giờ làm việc một mình. Bạn có thể hợp tác với người khác để sáng tác hoặc vẽ minh họa câu chuyện. Sau khi 8 – 10 chương truyện được đăng trên tạp chí hàng tuần, chúng sẽ hợp thành một tập truyện, hay còn gọi là tankobon. Thông thường, bạn có thể lồng thêm truyện tranh ngắn vào tankobon. Khi manga của bạn bất ngờ trở nên nổi tiếng nhờ nhận được nhiều sự quan tâm và phản hồi tích cực từ phía khán giả, một số công ty sẽ lập tức để mắt đến nó và có thể chuyển thể nó thành anime, drama, live-action. Thông thường, bạn có thể dựa vào tiếng tăm để tham gia tuyển chọn diễn viên lồng tiếng cho anime hoặc nhường quyền quyết định cho biên tập viên.   Ban biên tập Ban biên tập thường bao gồm tổng biên tập và các biên tập viên. Công việc của họ là nhận bản thảo và giúp họa sĩ manga quản lý công việc. Đối với tạp chí hàng tuần, áp lực công việc thường nặng nề do deadline quá ngắn. Họa sĩ manga và biên tập viên thường phải chạy đua với thời gian mới mong hoàn thành công việc kịp thời hạn. Phòng biên tập như biến thành “địa ngục” trong giai đoạn “chạy đua nước rút”. Ban biên tập của Shueisha.   Hỏi: Làm anime có tốn kém hay không? Đáp: Có. Chi phí cho phát sóng anime trên truyền hình là rất lớn. Nếu manga được chuyển thể thành anime, bạn nên xem mình đã gặp may, bất kể nó được phát sóng vào khung giờ nào trên TV. Như bạn biết đấy, họa sĩ hoạt hình được trả lương khá bèo. Cảnh ban biên tập mệt mỏi rã rời được miêu tả trong Sekaiichi Hatsukoi.   Thông tin ngoài lề Hầu hết công ty truyện tranh Nhật đều nghỉ một tuần từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Sau một năm dài lao động miệt mài, họa sĩ manga và biên tập viên dành nguyên tuần lễ vàng cho những hoạt động vui chơi giải trí. Điều này giúp lý giải tại sao trong mấy ngày này, bạn không thấy manga ưa thích được cập nhật. Nhân dịp năm mới, nhiều công ty cũng mở tiệc chiêu đãi họa sĩ manga, biên tập viên, và những người khác.   * Nguồn: medium.com * Biên dịch: Comic Media Academy