Poster phim. Nguồn: online-freebee.ru The Lost Thing là một cuốn sách tranh được viết và minh hoạ bởi Shaun Tan. Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim hoạt hình ngắn cùng tên có độ dài 15 phút, được thực hiện bởi hai đạo diễn Shaun Tan và Andrew Ruhemann. The Lost Thing được sản xuất bởi nhà sản xuất Sophie Byrne hợp tác với Passion Pictures, ra mắt vào ngày 3 tháng 6 năm 2010 tại Australia. Bộ phim đã đoạt giải thưởng hạng mục Phim hoạt hình ngắn hay nhất (Best Animated Short Film) tại lễ trao giải danh giá Oscar năm 2011. The Lost Thing có bối cảnh diễn ra tại một thế giới mà mọi người luôn tất bật công việc, để rồi những con người đó vô tình đánh rơi những thứ quý giá mà bản thân không hay biết. Cho dù biết mình đánh rơi, con người sống trong thế giới ấy quá bận rộn để đi tìm lại những điều đó. Vô tình, những giá trị thực sự cứ mất dần đi. Tuy nhiên giữa dòng người vô cảm tấp nập, có một chàng thanh niên vẫn hăng say tìm lại những món đồ bị vứt bỏ và truy lùng nguồn gốc của chúng. Một ngày, anh chàng tìm thấy một sinh vật kỳ lạ trên bãi biển, sau đó anh ta quyết định tìm cho sinh vật tội nghiệp ấy một căn nhà trú thân. Đội ngũ làm phim ngoài hai đạo diễn Shaun Tan và Andrew Ruhemann, còn có Tom Bryant – thực hiện mảng CGI và phụ trách sản xuất cùng với biên tập Leo Baker. Tuy bộ phim đã được phát triển trong một vài năm, nhưng đã mất ba năm để hoàn thành trong khoảng thời gian 2007 – 2010. “Bộ phim của chúng tôi mất quá nhiều thời gian để hoàn thành.” – Đạo diễn Shaun Tan chia sẻ. Đạo diễn Shaun Tan Nguồn: education.burnsfilmcenter.org Anh cũng cho biết bản thân đã tham gia khá nhiều trong việc viết kịch bản, thiết kế đồ họa, thiết kế mọi vật trong phim và vẽ tay tất cả các họa tiết – những họa tiết này sẽ được Tom Bryant làm theo định dạng 3D. Shaun Tan cũng đã sản xuất các bản nhạc thô và làm việc với nhà làm phim Leo Baker để hoàn thiện bố cục cảnh và hình ảnh động cũng như giải quyết các vấn đề sẽ xảy ra trong quá trình thực hiện The Lost Thing. “Tôi không được huấn luyện về mặt kỹ thuật, nhưng tôi có thể nghiên cứu trước thông qua các phác thảo bút chì và phấn màu. Tôi thường chụp màn hình làm việc, in ra và vẽ lên trên nó để tìm hiểu xem bản vẽ còn có thể được cải thiện thêm như thế nào.” – Shaun Tan cho biết. Một số hình ảnh quá trình thực hiện tác phẩm cực kỳ hữu ích cho các bạn yêu thích học vẽ và làm phim hoạt hình. Nguồn: acmi.net.au / shauntan.net Bộ phim đã gây ấn tượng cho người xem với nét vẽ khác lạ, đôi lúc kì quái. Những nhân vật trong phim được thiết kế với khuôn mặt chảy dài, đôi mắt vô hồn lúc nào cũng nhìn xuống, miệng họ thì không bao giờ cười – những điều đó tạo ra một xã hội sống vô cảm và không yêu thương. Ngoài con người, những sinh vật khác sống tại đây được cấu tạo từ con vật với máy móc, một ý tưởng kỳ lạ từ nhà thiết kế, đã khiến khán gỉa không khỏi thích thú với sức sáng tạo đặc sắc từ đoàn làm phim. Có thể thấy đội ngũ làm phim đã tạo ra một thành phố trong The Lost Thing mang đầy màu sắc fantasy, có phần siêu thực. Comic Media Academy chia sẻ đến học viên và các bạn yêu thích học làm phim hoạt hình 2D & 3D hai đoạn clip phỏng vấn đạo diễn Shaun Tan về tác phẩm The Lost Thing. Shaun Tan draws The Lost Thing Shaun Tan: Tell us about ‘The Lost Thing’   Phạm Hoàng Ngọc (dịch và tổng hợp)

Poster của phim. Nguồn: akatasia.com Trailer: Madagascar, a Journey Diary (có tựa tiếng Pháp là Madagascar, carnet de voyage) là tác phẩm của đạo diễn Bastien Dubois, anh cũng là người viết ra kịch bản cho đứa con của mình. Bộ phim có thời lượng 11 phút được sản xuất bởi Ron Dyens, Aurélia Prévieu và công ty Sacrebleu Productions. Phim hoạt hình Madagascar, a Journey Diary ra mắt ngày 11 tháng 2 năm 2011 tại Hoa Kỳ và được đánh giá cao bởi các chuyên gia trong ngành. Năm 2011 tại lễ trao giải Oscar lần thứ 83, Madagascar, a Journey Diary đã có tên trong danh sách năm ứng cử viên sáng giá cho hạng mục Phim hoạt hình ngắn hay nhất (Best Animated Short Film) nhưng chưa đủ may mắn để nhận được giải thưởng này. Nội dung của Madagascar, a Journey Diary nói về Famadihana – đây là phong tục tang lễ cổ xưa của người dân Malagasy, có ý ngĩa “Sự biến chuyển của người chết”. Một biểu tượng về tầm quan trọng của việc thờ cúng tổ tiên, cũng là cơ hội để di chuyển hài cốt của tổ tiên từ ngôi mộ đầu tiên đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Bộ phim được quay như chuyến du lịch của một du khách phương Tây với mong muốn tìm hiểu những phong tục tập quán tại Madagascar. Ý tưởng này được dựa theo những kỷ niệm mười tháng Bastien Dubois sinh sống tại Madagascar vào năm 2006, nhằm tìm kiếm nguồn tài liệu cũng như ý tưởng hình ảnh cho tác phẩm. Thiết kế nhân vật. Nguồn: cartoonbrew.com Hoạt hình ngắn Madagascar, a Journey Diary đã được đạo diễn Bastien Dubois hoàn thành cùng với sự trợ giúp của ba người khác trong vòng hai tháng. Bastien Dubois  cho biết, thay vì viết một kịch bản hoàn chỉnh hoặc vẽ một vài bảng phân cảnh, anh đã bắt đầu bằng việc vẽ ba bức tranh khác nhau và ghi chú cho những nhân vật đó một vài dòng tư liệu về thời gian, kèm theo một số đoạn nhạc được viết phía dưới. Điều đó đã trở thành nền tảng cho bộ phim của Bastien Dubois. “Mỗi khi đi qua Madagascar, tôi trở về căn nhà của tôi ở đây để thêm thắt một vài bức tranh thêm sinh động, dựa theo những kinh nghiệm mới của tôi và dùng nó để cập nhật chỉnh sửa cho bộ phim.Từ từ, tác phẩm được xây dựng dựa theo xung quanh ba bức tranh ban đầu.” – Đạo diễn Bastien Dubois chia sẻ. Lúc đầu, Bastien Dubois tính thực hiện dự án này bằng phong cách 2D nhưng sau một thời gian, anh nhận ra rằng không thể đạt được hiệu quả tốt hơn nếu không dùng CGI. Cuối cùng, Bastien Dubois  quyết định làm Madagascar, a Journey Diary theo kỹ thuật CGI tiên tiến. Ngoài ra, bộ phim này là một thử thách lớn đối với đạo diễn Bastien Dubois về việc chuyển đổi kỹ thuật sản xuất độc đáo và sắp xếp nguồn lao động trong đoàn làm phim hợp lý nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất nhanh hơn. Tất nhiên, trong quá trình làm phim cũng xảy ra một vài thử thách, nhất là về tiền bạc. “Tìm kiếm nguồn tài trợ để làm Madagascar là một quá trình dài đầy khó khăn. Nếu không có sự hỗ trợ của câu lạc bộ Rotary, khoản viện trợ 2000 euro cho bộ phim mà họ cho tôi sau vài tuần khi tôi gửi e-mail cho họ, có lẽ tôi đã từ bỏ dự án này. Một khoản trợ cấp nhỏ có thể tạo sự khác biệt đáng kinh ngạc cho một người sáng tạo trẻ tuổi.” – Đạo diễn Bastien Dubois cho biết. Một vài hình ảnh quá trình thực hiện mà các bạn yêu thích học vẽ và làm phim sẽ quan tâm. Nguồn: bastiendubois.com Thành công của phim hoạt hình Madagascar, a Journey Diary đã dẫn đến việc đạo diễn Bastien Dubois thực hiện thêm bộ phim ngắn thứ hai có tên Cargo Cult và một loạt phim truyền hình ngắn khác. Cuối cùng, Comic Media Academy chia sẻ đến học viên và các bạn yêu thích học làm phim hoạt hình 2D & 3D đoạn phim Making of “Madagascar, a Journey Diary”. Phạm Hoàng Ngọc (dịch và tổng hợp)

Poster phim. Nguồn: geefwee.com Trailer   Let’s Pollute là hoạt hình ngắn được tạo ra bởi đạo diễn Geefwee Boedoe và nhà sản xuất Joel Bloom. Ngoài ra, bộ phim có kịch bản được viết bởi ba người, gồm: Geefwee Boedoe, Teddy Newton và Tim Crawfurd. Let’s Pollute với thời lượng gần 7 phút được phát hành vào ngày 11 tháng 2 năm 2011 tại Hoa Kỳ. Sau đó, tác phẩm được đề cử cho hạng mục Phim hoạt hình ngắn hay nhất (Best Animated Short Film) tại lễ trao giải Oscar năm 2011. Let’s Pollute là tác phẩm hoạt hình mà các bạn yêu thích học vẽ truyện tranh hay học làm phim hoạt hình nên tìm hiểu. Tác phẩm theo phong cách giáo dục năm 1950, mang màu sắc châm biếm về thế giới hiện nay, khi mà nơi đâu cũng bị ô nhiễm, người dân thì lãng phí trong tiêu dùng. Mặc dù nền kinh tế thì phát triển mạnh mẽ nhưng con người ngày càng bỏ mặc vấn đề thiên nhiên. Let’s Pollute sẽ hướng dẫn bạn trở thành những người gây ô nhiễm tốt hơn cho một ngày mai tươi sáng. Đạo diễn Geefwee Boedoe Nguồn: polpix.sueddeutsche.com Bộ phim hoạt hình Let’s Pollute đã mất hơn ba năm để đoàn làm phim hoàn thành, nơi thực hiện chủ yếu tại nhà riêng của nhà làm phim Geefwee Boedoe. Anh cho biết rất khó khăn để có được sự ủng hộ từ các hãng studio cho một tác phẩm như Let’s Pollute, bởi vì nội dung của nó thể hiện một khía cạnh chính trị nhạy cảm. Vì thế, Geefwee Boedoe đã tự viết kịch bản, trực tiếp đạo diễn, làm các khâu hoạt hình cũng như sản xuất bộ phim với sự giúp đỡ từ Tim Crawfurd. Ngoài ra, anh đã nhận được sự hợp tác với một nhóm nhỏ các tình nguyện viên, bao gồm biên tập viên Torbin Bullock, nhà thiết kế âm thanh Chris Barnett của Skywalker Sound và đồng sản xuất Joel Bloom để hoàn thành dự án. Nguồn: geefwee.com Để tác phẩm phù hợp với phong cách năm 1950, đoàn làm phim đã làm đồ họa hoạt hình linh động và rõ ràng, các họa tiết màu sẫm được sử dụng trong phim để làm nhấn mạnh chủ đề ô nhiễm. Mặc dù đạo diễn Geefwee Boedoe đã cho ra mắt những bộ phim CGI của mình trong suốt bảy năm tại Pixar Animation Studios, nhưng đến khi thực hiện Let’s Pollute, anh đã chọn một chiếc bút chì đen cổ điển cho phần lớn công việc thiết kế tại đây. Geefwee Boedoe đã vẽ các ý tưởng ra giấy và sử dụng chủ yếu mực Ấn Độ để tạo ra các kết cấu trên tấm nhựa – những hiệu ứng trong phim là từ đây mà ra, không phải là các hiệu ứng tổng hợp trên máy tính. Sau khi phác thảo lên giấy, Geefwee Boedoe quét chúng và các tác phẩm nghệ thuật vào máy tính để chỉnh sửa. Ngoài ra, anh đã sử dụng màu nước và các mẫu vải, tô điểm thêm các hình vẽ bằng tay để tạo ra bối cảnh trong Let’s Pollute. Qua cuộc phỏng vấn điện thoại với trang Wired.com, Geefwee Boedoe đã chia sẻ rằng: “Nếu bạn lạm dụng vào các thủ thuật máy tính quá nhiều, bạn sẽ cảm thấy như ‘Ôi, tôi đã từng xem bộ phim này trước đó thì phải?’ ” Cuối cùng, Comic Media Academy đến học viên và các bạn yêu thích học làm phim hoạt hình 2D & 3D đoạn phỏng vấn đạo diễn Geefwee Boedoe về bộ phim Let’s Pollute. Let’s Pollute animation director Geefwee Boedoe!   Phạm Hoàng Ngọc (dich và tổng hợp)