Hoàng Gia trong buổi đánh giá đồ án kết thúc môn

Câu chuyện về kiểm duyệt truyện tranh và xuất bản ở Việt Nam luôn là vấn đề gây ra tranh cãi và bức xúc cho những người hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Mới đây nhất, sự kiện tập 3 truyện tranh Mèo Mốc của Đặng Quang Dũng và Truyện Cực Ngắn của Đào Quang Huy bị cấm xuất bản vì không qua được “cửa” kiểm duyệt, phần nào làm dấy lên những phản đối trong cộng đồng họa sĩ truyện tranh Việt. Viện Truyện tranh và Hoạt hình (Comic Media Academy – CMA) với vai trò là cơ sở chuyên nghiệp duy nhất ở Việt Nam đào tạo về Họa sĩ vẽ truyện tranh cũng không thể nằm ngoài sự kiện này. Là một người trẻ đam mê và mong muốn theo đuổi nghề họa sĩ truyện tranh, bạn Hoàng Gia, học viên Khóa 2 của CMA đã có những chia sẻ về vấn đề kiểm duyệt ở Việt Nam. Lê Hoàng Gia – Học viên khóa 2 – Ngành Truyện tranh Theo lịch sử truyện tranh thế giới, đạo luật truyện tranh đã có từ năm 1954, đến năm 1971, đạo luật này mới dần nới lỏng và sau đó đã hết hiệu lực vào năm 2011. Thế nhưng, quay trở lại với truyện tranh Việt, sau 2 bộ truyện tranh bị cấm xuất bản gần đây là Mèo Mốc và Truyện Cực Ngắn, các họa sĩ truyện tranh Việt đã lên tiếng đề xuất cần có một Bảng giới hạn độ tuổi cho truyện tranh. Suy nghĩ của bạn như thế nào về vấn đề này?  Việc đề xuất thiết lập một bảng giới hạn độ tuổi cho truyện tranh Việt hiện nay là một bước lùi của nền truyện tranh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập với thế giới hiện nay. Có thể sẽ dẫn đến sự phân hóa rõ rệt giữa truyện dành cho tuổi thiếu nhi, thiếu niên và cho người trưởng thành. Nếu có bảng phân loại ấy, các tác phẩm dành cho lứa tuổi trưởng thành có thể tự do vung vẩy về mặt nội dung, hình ảnh nhưng đồng thời sẽ khiến tác phẩm cho lứa tuổi thiếu nhi, thiếu niên vốn cần sự sáng tạo và đột phá bị kiềm kẹp gắt gao hơn, điều này có thật sự gọi là mang công bằng cho tác giả và người đọc không trong khi đối tượng thụ hưởng phần lớn là thiếu nhi và thiếu niên? Hoàng Gia trong giờ học môn Animal Posing Sketch Khi tư duy của người biên tập, cấp phép xuất bản và họa sĩ ở nước ta vẫn chưa tìm được sự thống nhất, thì những họa sĩ trẻ như bạn nên thay đổi như thế nào trong sáng tác để tác phẩm của mình có thể đến với độc giả mà không vấp phải sự kiểm duyệt trong xuất bản?  Theo mình khi tư duy xây dựng tác phẩm, tác giả cần hướng đến nhóm đối tượng thụ hưởng của truyện và có những tinh chỉnh sao cho phù hợp với lứa tuổi ấy, có thể nói tác giả đã đóng đồng thời 2 vai trò: họa sĩ/kịch bản và biên tập viên. Tuy nhiên theo góc nhìn cá nhân, một số tác giả truyện tranh Việt Nam khi làm tác phẩm không có cách làm ấy. Mình nghĩ thay vì chúng ta trách cứ và khi sự đương đầu không có khả thi thì cũng không nên để điều đó tác động đến đam mê của mình, đến công việc sáng tác của mình. Cách tốt nhất là biết làm thế nào để đưa câu chuyện, thông điệp mình muốn truyền tải đến với độc giả sao cho thật phù hợp. Hoàng Gia trong giờ học môn Digital Painting  Quan niệm Truyện tranh chỉ dành cho con nít đọc, bạn nghĩ sao về điều này?  Quan niệm truyện tranh chỉ dành cho con nít đọc là một quan niệm lỗi thời vì hiện nay truyện tranh không chỉ là phương tiện giải trí mà nó còn đóng vai trò giáo dục, truyền thông,… Vì thế truyện tranh hiện nay dành cho mọi lứa tuổi! Hoàng Gia đặt câu hỏi trong Hội thảo Hoạt hình 3D Bạn có thể chia sẻ một chút về định hướng của mình sau khi hoàn thành khóa học sáng tác truyện tranh tại CMA không? Định hướng của mình sau khi hoàn thành khóa học sáng tác truyện tranh tại Viện đó là vận dụng các kiến thức có sẵn kết hợp với nghiên cứu thị trường để tìm hướng đi đúng đắn nhất cho tác phẩm tâm huyết của mình đến gần với độc giả và hạn chế những thiếu sót trong khâu hình ảnh và nội dung nhiều nhất có thể. Hiền Đặng