Nhật bản là nước hàng đầu về truyện tranh. Ngày nay Manga Nhật bản được xuất bản khắp thế giới trên các báo và tạp chí, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người yêu thích truyện tranh. Vậy điều gì đã tạo nên sự khác biệt khiến truyện tranh Nhật phát triển lớn mạnh như vậy?
Tên gọi Manga
Đầu tiên phải kể đến tên gọi! Manga là một cụm từ trong tiếng Nhật để chỉ các loại truyện tranh và tranh biếm họa. Và Manga được xem là từ đặc biệt để chỉ riêng truyện tranh xuất phát từ Nhật Bản. Vậy nguồn gốc của từ Manga đã được “khai sinh” từ đâu?
Thật ra từ truyện tranh tiếng Nhật là “Komikku”, được sử dụng trong giới xuất bản nhưng lại không phổ thông trong công chúng. Manga theo kiểu chữ Katakana bao gồm 2 chữ “vui” và “hình”. Ban đầu có nghĩa là hình châm biếm và hài hước. Nhưng, vào thập kỷ 60 với sự phát triển của Manga hiện đại chủ đề đã mở rộng ra ngoài châm biếm và hài hước. Kể từ đó thuật ngữ “Manga” được sử dụng để bao gồm những chủ đề khác và tạo nên 1 tên gọi được chúng ta gọi đến ngày nay.
Bộ Manga nổi tiếng “Thám tử lừng danh Conan” (Ảnh: Internet)
Nền công nghiệp Manga
Ở Nhật nền công nghiệp Manga là một siêu cỗ máy khổng lồ. Điều này trở thành nét đặc trưng mà cũng là sự khác biệt của truyện tranh Nhật. Điều thú vị cho thấy vào hằng năm Manga mang về cho nước Nhật nhiều tỷ dollar (năm 2014: 282 tỷ Yên chuyển thành Dollar – thống kê của web Oricon tại Nhật Bản) và là một phần quan trọng trong nền văn hóa Nhật Bản đương đại! Một con số thống kê khác thể hiện tổng số xuất bản loại hình giải trí ở Nhật là Manga chiếm đến 20%.
Nhiều tập và thường rất dài
Rất hiếm có Manga nào ở Nhật Bản được sáng tác ra để xuất bản chỉ 1 cuốn. Thường thì được phát hành theo dạng nhiều tập, mỗi tập từ 20 đến 30 trang. Với các tác phẩm nổi tiếng có thể được tiếp tục hàng nhiều năm. Ví dụ như các bộ truyện tranh Bleach, Naruto hay One Piece vẫn luôn tạo nên cơn sốt đối với độc giả bởi độ dài lên đến 700 chapters (Naruto).
Siêu phẩm One Piece của Eiichiro Oda với hơn 700 chapter vẫn chưa dừng lại (Ảnh: Internet)
Đa dạng về đối tượng người đọc
Manga Nhật Bản có thể được chia ra tuỳ theo lứa tuổi của độc giả của các tạp chí. Bao gồm: tạp chí cho trẻ em (Yonenshi), tạp chí cho tuổi mới lớn (Shonenshi) – bao gồm tạp chí cho người lớn (Otonashi) và tạp chí cho “Trẻ” (Yangushi, Seinenshi). Manga dành cho phụ nữ thì được chia ra: Manga dành cho con gái (Shojoshi) và Manga cho quý cô (Redizu).
Lời thoại tinh tế
Trong Manga, bối cảnh và không khí của câu chuyện được thể hiện một cách rõ ràng bằng từ ngữ thể hiện hành động. Do đó độc giả có thể hóa thân vào câu chuyện và nắm bắt tâm lý với nhân vật. Với các khung truyện được sắp xếp tinh tế để câu chuyện được thể hiện mạch lạc Manga đã đạt đến trình độ tinh tế trong việc dẫn dắt câu chuyện và truyền đạt tình cảm đến độc giả không thua gì phim. Đây cũng là một trong các yếu tố khác biệt tạo nên Manga.
Những bài học kiến thức sinh động
Một trong những điểm đặc sắc của Manga là khối lượng kiến thức đa dạng và rất phong phú. Phần nội dung của Manga được đánh giá còn quan trọng hơn cả phần hình ảnh nên các họa sĩ phải đọc rất nhiều tư liệu để xây dựng cốt truyện hợp lý và hấp dẫn.
Mỗi một bộ Manga thường gắn liền với một chủ đề hoặc một nghề nghiệp cụ thể. Độc giả cảm thấy rất dễ hiểu khi tiếp nhận kiến thức chuyên môn thông qua Manga. Điển hình có thể thấy chủ đề tình yêu đất nước, lịch sử dân tộc Việt Nam được tái hiện rõ nét trong bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” của công ty Phan Thị. Hay truyện trinh thám Conan của Gosho Aoyama cung cấp rất nhiều kiến thức về khoa học và hình sự. Ngay cả các kiến thức về y học cũng được Osamu Tezuka miêu tả chi tiết trong bộ truyện tranh “Bác sĩ quái dị Black Jack”.
Rõ ràng, truyện tranh không thể thay thế sách giáo khoa nhưng truyện tranh giúp cho việc truyền tải những kiến thức chuyên môn vốn được cho là khô khan, khó hiểu trở nên chân thật hơn, giúp người đọc có hứng thú hơn rất nhiều.
Bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt tái hiện lịch sử dân tộc Việt (Ảnh: Internet)
Chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc
Manga không đơn giản để giải trí mà mang đến những thông điệp sâu sắc thông qua cách thể hiện bằng nét vẽ và lợi thoại tự nhiên, gần gũi. Với cách sáng tác truyện độc đáo và sự đầu tư của các họa sĩ vẽ truyện tranh đất nước mặt trời mọc mà độc giả cảm thấy đọc Manga không hề giáo điều hay cứng nhắc như những bài giảng đạo đức thông thường. Bằng chứng cho thấy Fujiko Fujio đã rất thành công khi sáng tác bộ truyện về chú mèo máy Doraemon cùng các nhân vật dễ thương qua từng câu chuyện rất đời thường. Nhưng ẩn sau những câu chuyện đời thường ấy lại chứa đựng thông điệp sâu sắc về tình yêu thương gia đình và những bài học đạo đức nhẹ nhàng trong cuộc sống.
Fujiko Fujio cùng Doremon (Ảnh: Internet)
CMA – Trường học vẽ truyện tranh tại TPHCM
Thảo Ngọc