Để có cái nhìn tổng quan về vai trò và nhiệm vụ của người “họa sĩ kể chuyện – story artist”, có lẽ cần điểm qua quy trình làm phim hoạt hình từ giai đoạn ý tưởng đến khi lên màn ảnh.
Về cơ bản, quy trình sản xuất được chia làm 3 giai đoạn chính : tiền kỳ, trung kỳ và hậu kỳ. Mỗi giai đoạn có những yêu cầu và mục đích riêng, nhưng hầu hết “dân làm nghề” đều hiểu rằng, bước tiền kỳ là cơ sở để quyết định “thành bại” cho tác phẩm. Với những bộ phim lớn, đầu tư khủng thì bước tiền kỳ là giai đoạn quyết định dự án có được triển khai hay không. Bài toán đặt ra ở bước này là làm thế nào các nhà đầu tư, nhà sản xuất, đạo diễn … có thể biết sớm được dung mạo của toàn bộ tác phẩm hay khả năng thành công của dự án. Càng sớm càng tốt, và dĩ nhiên, với chi phí tối thiểu.
Ở Disney hay Pixar, bước tiền kỳ thật sự là một câu chuyện rất dài, mà ở đó, những nhân sự quan trọng ở nhiều vị trí trong đường dây sản xuất có thể ngồi lại được với nhau, thảo luận, đánh giá, trao đổi…thông qua một loại ngôn ngữ đặc biệt: ngôn ngữ của hình ảnh.
Khác với ngôn ngữ nói và viết, hình ảnh có những khả năng đặc biệt, có sức tác động mạnh mẽ đến người tiếp nhận.
Theo một số nghiên cứu, khoảng 90% lượng thông tin mà não chúng ta tiếp nhận được là từ hình ảnh.Một câu chuyện với hình ảnh sẽ làm cho người xem dễ theo dõi, dễ ghi nhớ, và trên hết, nó truyền được cảm xúc đi rất nhanh. Một trong những nhiệm vụ tối quan trọng mà một họa sĩ kể chuyện cần phải làm được, đó là tìm đường chạm vào trái tim của khán giả. Không quá lời khi nói rằng việc thưởng thức một bộ phim hay cũng là hành trình đi vào thế giới của những cung bậc tình cảm. Ở chiều thời gian, dư âm đọng lại lâu nhất trong tâm trí của chúng ta về một tác phẩm hoạt hình hay, đôi khi không phải là cốt chuyện hay nhân vật, mà chính là cảm xúc.
Cảm xúc là linh hồn của bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, nên với sức mạnh truyền cảm xúc của hình ảnh, cảm xúc sẽ là thứ sẽ được các họa sĩ kể chuyện- story artist tính đến đầu tiên khi bắt đầu một dự án. Bộ phim sẽ có màu sắc chủ đạo gì? Dư âm đủ mạnh không? Tâm trạng thế nào? Tác động đến khán giả ra sao? Những câu hỏi dạng này sẽ luôn được đặt ra ở giai đoạn đầu tiên trong quá trình tìm ý tưởng, và có vẻ thực tiễn công việc đã nảy ra một cách làm vừa đơn giản, vừa hiệu quả, vừa kinh tế, để giải quyết cho các câu hỏi này. Đó là beatboard.
Beatboard
Beatboard là một thuật ngữ mô tả công việc tìm ý tưởng cho câu chuyện bằng các hình vẽ phác thảo. Beatboard là một thuật ngữ ghép bởi 2 thành tố beat – board. Beat trong ngôn ngữ kể chuyện là những nhịp trong câu chuyện, là những điểm mấu chốt có tính bước ngoặt. Một câu chuyện hay kịch bản phim mẫu mực theo kiểu “Hollywood” sẽ gồm 8 nhịp lớn (major beat). Các nhịp này còn có thể được chia thành các nhịp nhỏ (minor beat). Các hình phác trong kỹ thuật beatboard phải là những hình vẽ mô tả được tình huống của các “beat” lớn nhỏ trong toàn bộ câu chuyện.
Board là tấm bảng, là một không gian mà người ta sẽ “ghim” các hình vẽ phác của đường dây câu chuyện lên trên đấy. Như vậy, beatboard theo cách hiểu đơn giản là một tập hợp các hình vẽ xâu chuỗi thành một mạch truyện, theo nghĩa quy ước của các nhà làm phim có thể được hiểu là một công cụ “tư duy bằng hình ảnh” khi tìm ý tưởng.
Beatboard là cách mà họa sĩ kể chuyện dùng để truyền cảm hứng cho các nhân sự tham gia và tiết kiệm chi phí cho đoàn làm phim
Đọc tiếp Bí ẩn nghề hoạt hình: Beatboard và Họa sĩ kể chuyện để hiểu hơn “quyền năng” của Beatboard và các họa sĩ kể chuyện trong ngành họa hình trên thế giới.