CMA bật mí bí ẩn nghề hoạt hình: Beatboard

CMA bật mí Bí ẩn nghề hoạt hình: BEATBOARD

08/03/2019

Beatboard

Beatboard là gì?

Beatboard là một thuật ngữ mô tả công việc tìm ý tưởng cho câu chuyện bằng các hình vẽ phác thảo. Beatboard là một thuật ngữ ghép bởi 2 thành tố beat – board. Beat trong ngôn ngữ kể chuyện là những nhịp trong câu chuyện, là những điểm mấu chốt có tính bước ngoặt. Một câu chuyện hay kịch bản phim mẫu mực theo kiểu “Hollywood” sẽ gồm 8 nhịp lớn (major beat). Các nhịp này còn có thể được chia thành các nhịp nhỏ (minor beat). Các hình phác trong kỹ thuật beatboard phải là những hình vẽ mô tả được tình huống  của các “beat” lớn nhỏ trong toàn bộ câu chuyện.

Board là tấm bảng, là một không gian mà người ta sẽ “ghim” các hình vẽ phác của đường dây câu chuyện lên trên đấy. Như vậy, beatboard theo cách hiểu đơn giản là một tập hợp các hình vẽ xâu chuỗi thành một mạch truyện, theo nghĩa quy ước của các nhà làm phim có thể được hiểu là một công cụ “tư duy bằng hình ảnh” khi tìm ý tưởng..

beatboard CMA

Beatboard là cách mà nhà sản xuất dùng để truyền cảm hứng cho các nhân sự tham gia và tiết kiệm chi phí cho đoàn làm phim

Làm thế nào để tạo ra “beatboard”?

Nếu làm rõ được ý nghĩa và tầm quan trọng của beatboard, chúng ta sẽ dễ dàng hình dung được vai trò của người họa sĩ kể chuyện trong đường dây sản xuất. Với hãng Pixar, nơi mà ý  tưởng hay nội dung câu chuyện là yếu tố sống còn, thì những người có trách nhiệm ở khâu tiền kỳ phải gánh vác một trách nhiệm rất nặng nề. Họ phải thuyết phục chính mình và những người khác rằng các ý tưởng được đưa ra là độc đáo, khả thi và hứa hẹn khả năng sinh lời. Tất cả câu chuyện được tạo ra ở Pixar đều phải tuân theo nguyên tắc nói vui là “làm đi làm lại, sửa tới sửa lui”. Họ không chỉ viết (write story) mà là viết đi viết lại (rewrite story). Họ không chỉ vẽ (draw story) mà chính xác là vẽ tới vẽ lui (redraw story). Nguyên tắc này hiểu một cách đơn giản: không tồn tại một câu chuyện hay mà chỉ qua một vài lần kể. Tinh thần đó vẹn nguyên trong cách làm beatboard. Một căn phòng đủ rộng với vô số tranh vẽ được gắn lên tường, nâng lên hạ xuống, dời qua xếp lại với bất tận các buổi pitching, thảo luận  là một “đặc sản” ở Pixar.

beatboard bí ẩn nghề hoạt hình

Hình vẽ có thể gợi ý cho người tiếp nhận, giúp tăng chất lượng của những góp ý phản hồi.

         Cần phải nói rõ là không cần phải là những hình ảnh hay hình vẽ quá “kỹ”, quá  “sâu”, những tranh ở mức độ sơ phác là đủ để các họa sĩ kể chuyện truyền đi ý đồ của mình cho những người phản biện. Ký họa  nhanh – thoát ý – đủ hiểu – rõ tiêu điểm của nhịp truyện  là những tiêu chí quan trọng của kỹ năng vẽ beatboard. Bên cạnh đó, việc xác lập các bảng màu sắc – yếu tố mỹ thuật gắn liền với cảm xúc – cũng được tính đến từ sớm. Cũng chưa cần đến những tranh màu vẽ cầu kỳ, mà chỉ là những “kịch bản  màu” (color script) đơn giản được kết nối thành các dải màu được sắp xếp theo trật tự. Toàn bộ công tác chuẩn bị phản ánh sự khoa học trong khâu quản lý của những người làm nghề. Việc vẽ quá tỉ mỉ, chi tiết ở bước này – với rất nhiều tranh sẽ kéo theo sự lãng phí về công sức, thời gian thực hiện của họa sĩ, và tiền bạc của nhà sản xuất. Tuy chỉ là những hình vẽ đơn giản, beatboard vẫn thực sự phát huy tối đa sức mạnh trao truyền thông tin và cảm xúc của hình ảnh. Nó làm cho người tiếp nhận có cái nhìn gần như đầy đủ về các ý tưởng được nêu ra, từ đó làm tăng chất lượng của buổi thảo luận.

beatboard trong hoạt hình

Các nhà làm phim hoạt hình là những bậc thầy về “quản lý cảm xúc” thông qua các kịch bản màu ở bước tiền kỳ

Có nhiều cách để tổ chức một buổi pitching beatboard ( tạm dịch: buổi kể chuyện bằng hình). Người ta có thể sắp xếp các hình vẽ lên tường để có cái nhìn khái quát về toàn bộ hình ảnh và cảm xúc của câu chuyện. Một cách khác, đó là xâu chuỗi các hình vẽ  theo trật tự thời gian và trình chiếu qua màn hình kết hợp với lời kể của họa sĩ kể chuyện. Cách làm này để tạo ra các story reel (phim nháp) để các đồng nghiệp có thể “xem trước”. Việc sử dụng triệt để ngôn ngữ của hình ảnh trong công việc như thế sẽ giúp hạn chế tối đa những “điểm mù” của ngôn ngữ nói, giúp các thành viên có cái nhìn đồng điệu và từ đó nâng cao chất lượng của các buổi họp thảo luận, đồng thời  tăng hiệu quả của công việc chung.

Beatboard trong hoạt hình

Với một số phần mềm dựng đơn giản, khán giả đã có thể “xem trước” những đoạn phim ở dạng thô.

Từ những kinh nghiệm của Didney và Pixar, Viện Truyện tranh và Hoạt hình – Comic Media Academy đã hiểu được tầm quan trọng của Beatboard và đưa vào giảng dạy trong hệ chuyên nghiệp của các ngành học: 

Th.s Lê Thắng