10 HỌA SĨ MANGA TÀI NĂNG CỦA NGÀNH TRUYỆN TRANH NHẬT BẢN

10 HỌA SĨ MANGA TÀI NĂNG CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP TRUYỆN TRANH NHẬT BẢN

25/12/2021

Ở Nhật Bản, truyện tranh được gọi bằng một cái tên thân quen là “manga”. Hai từ kanji này mang hàm ý chỉ thoải mái (“man” trong tiếng Nhật) và vẽ vời (“ga” trong tiếng Nhật). Ở phương Tây, khái niệm này đều được dùng để chỉ chung comic và vẽ phong cách Nhật Bản.

Vào năm 1814, họa sĩ Katsushika Hokusai bắt đầu minh họa những câu truyện ngắn về những kiếm khách Samurai và chiến thắng họ đã trải qua ở Nhật Bản. Ông ấy gọi đó là “manga”. Và kể từ đó, nền nghệ thuật đồ họa Nhật Bản kết hợp cùng phong cách truyện tranh phương Tây bắt đầu lan rộng khắp cả nước.  Tuy nhiên, phải đến năm 1945, ngành nghệ thuật này mới được công nhận và trở thành một ngành công nghiệp giải trí hiện đại dưới bàn tay đại tài của Osamu Tezuka, người đã tạo nên bộ truyện The New Treasure Island và Astroboy. Ông là nhà làm phim hoạt hình và họa sĩ manga, được xem như Vị thần trong mắt các thế hệ sau này.

“Vũ trụ” manga có rất nhiều họa sĩ tài năng với đa dạng phong cách. Một số bộ manga và người sáng tạo ra chúng đã trở nên nổi tiếng nhờ vào các tác động từ chính tác giả đến ngành nghệ thuật này. Có nhiều tác phẩm thể hiện được sự chi tiết, thậm chí là hơn cả những anime/manga trong cùng thời kỳ. Dưới đây là danh sách tổng hợp 10 manga ấn tượng nhất và những nhân tài đã góp phần tạo nên nền công nghiệp truyện tranh Nhật Bản.

1/ Masashi Tanaka – “Gon”

Xuất thân là một sinh viên ngành Mỹ thuật, Masashi Tanaka đã vươn tới sự thành công với bộ manga về một con khủng long bạo chúa tên là Gon. Dù “Gon” có phong cách khá bạo lực, nhưng với sự mô tả tiểu tiết của các con vật một cách tinh tế, đặc biệt là những khung truyện không có hội thoại  đã  đem đến cho người đọc nhiều cảm xúc. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa tranh biếm họa và thiên nhiên đời thực cũng là một yếu tố giúp “Gon” thành công.

2/ Katsuhiro Otomo – “Akira”

Nhiều người chắc hẳn không còn xa lạ với manga “Akira” (xuất bản năm 1982), được coi là manga phong cách “cyberpunk”  hay nhất từng được tạo ra. “Akira” đã nhận được nhiều giải thưởng cho tác phẩm thể loại viễn tưởng hay nhất. Người tạo ra nó không ai khác chính là Katsuhiro Otomo, một fan cuồng nhiệt của điện ảnh Hoa kỳ. “Akira” nhận được vô số lời tán dương và trở thành tác phẩm kinh điển nhờ vào bối cảnh tuyệt đẹp và tầm nhìn của tác giả.

3/ Hiroya Oku – “Gantz”

Hiroya Oku đã tạo ra một câu chuyện khoa học – viễn tượng xen lẫn giữa các pha hành động bạo lực đầy lôi cuốn. “Gantz” sử dụng kết xuất 3D để tạo ra một diện mạo đồng nhất cho thế giới của mình mà không bỏ quên các chi tiết dù là nhỏ nhất. Một điều đáng ngưỡng mộ là không một hình vẽ nào bị trùng lặp trong suốt bộ truyện.

4/ Makoto Yukimura – “Vinland Saga”

Dù “Vinland Saga” chỉ là một tác phẩm truyện tranh nhưng lại ẩn chứa nhiều câu chuyện trong đó. Makoto Yukimura đã tạo nên một trong những manga đẫm máu nhất nhờ lột tả chân thực các trận chiến. Bộ truyện của anh thay vì được xuất bản hàng tuần thì phải chuyển thành hàng tháng vì Makoto Yukimura vẽ rất chi tiết. Và kết quả mang lại thật đáng kinh ngạc, anh đã giành được Giải thưởng danh giá tại Liên hoan Nghệ thuật Truyền thông Nhật Bản năm 2009.

5/ Junji Ito – “Uzumaki”

Ngay từ khi còn bé, Junji Ito đã được truyền cảm hứng từ những bức vẽ của chị gái và truyện tranh của Kazuo Umezu, điều này vô tình thúc đẩy niềm đam mê với những tác phẩm kinh dị trong ông. “Uzumaki” cũng như các tác phẩm còn lại của Junji đều mang một màu sắc u ám, đáng sợ. Tuy kinh dị nhưng lại rất lôi cuốn, những câu chuyện được truyền tải qua từng khung truyện và khiến người đọc không ngừng cảm thấy căng thẳng.

6/ Yusuke Murata – “One Punch Man”

“One Puch Man” là  manga hành động với lối vẽ chi tiết, cốt truyện thông minh và nét vẽ vô cùng đặc trưng. Murata được xem là một trong những “trụ cột” lão làng của thế hệ họa sĩ Nhật Bản, nhờ vào màu sắc, nét vẽ và sự chi tiết trong từng khung truyện. Kỹ thuật, thiết kế nhân vật và dấu ấn đặc trưng câu chuyện  đã  giúp Murata có cơ hội  hợp tác với Capcom, Marvel và Pokemon.

7/ Asano Inio – “Oyasumi Punpun”

Asano Inio được đón nhận như một họa sĩ với những câu chuyện về thực tế cuộc sống mang đậm màu sắc tâm lý – kinh dị. Năm 2001,  Asano giành giải nhất trong cuộc thi GX dành cho các họa sĩ manga trẻ. Tờ báo Yomiuri Shimbun mô tả Asano là “một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất trong thế hệ của anh”. “Oyasumi Punpun” là câu chuyện về tuổi mới lớn và sự thật u ám trong quá trình chuyển đổi sang giai đoạn trưởng thành. Thẩm mỹ đa dạng của Asano đã mang đến bầu không khí nặng nề, mãnh liệt, chân thực và những cảm xúc thăng trầm khác nhau.

8/ Kentaro Miura – “Berserk”

“Berserk”  là một trong năm manga hay nhất lịch sử vì tính sáng tạo, lối kể chuyện hấp dẫn và kỹ thuật xuất sắc. Đây được xem là một tác phẩm nghệ thuật mang màu sắc của thế giới phương Tây cả về cốt truyện lẫn cách xây dựng hệ thống nhân vật. Người tạo ra nó – Kentaro Miura được đào tạo về các kỹ thuật vẽ mực khác nhau đã thể hiện sự thành thạo của mình khi vẽ các cảnh chiến đấu vô cùng mượt mà, chính xác và căng thẳng. Ông đã sử dụng kỹ thuật đổ bóng thô để tạo thêm cảm giác siêu thực cho tác phẩm của mình.

9/ Hiroaki Samura – “Blade of the Immortal”

Hiroaki Samura là một chuyên gia trong việc vẽ giải phẫu cơ thể, điều này giúp anh có thể dễ dàng vẽ các tư thế và biểu cảm độc đáo trên khuôn mặt. Hiroaki Samura  nổi tiếng vì sự chú trọng trong việc vẽ tay và chân các nhân vật, cũng như hình nền và cảnh quan bằng cách sử dụng bút chì và mực để tô bóng. “Blade of the Immortal” là một cột mốc đánh dấu cho phong cách của Hiroaki Samura, sự hành động, sự cân bằng hoàn hảo giữa các chi tiết và sự đơn giản của bầu không khí mà ông tạo ra.

10/ Takehiko Inoue – “Vagabond”

“Vagabond” được Takehiko Inoue sáng tạo với những khung hình tuyệt đẹp, sự pha trộn giữa vẻ đẹp mãnh liệt với chất thẩm mỹ thô. Takehiko Inoue  rất được kính trọng trong giới họa sĩ manga, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Slam Dunk”. Tuy nhiên, với “Vagabond”,  Takehiko Inoue vẫn được ngưỡng mộ nhờ  các thiết kế chi tiết và chân thực trong tác phẩm của mình.

  • Nguồn: domestika
  • Người dịch: Minh Thanh