Cô nàng trường Kinh tế đam mê vẽ truyện tranh

Cô nàng trường Kinh tế đam mê vẽ truyện tranh

15/06/2015

Với niềm đam mê dành cho vẽ truyện tranh, Dương Hương Ly đã quyết định kết thúc việc học tập tại trường ĐH Kinh tế TPHCM. Đây là một quyết định khó khăn khi cô nàng gặp phải sự phản đối từ gia đình và bạn bè. Cùng xem những chia sẻ của cô nàng về quá trình rẽ hướng và theo đuổi ước mơ của mình ở một môi trường mới như thế nào nhé.

Điều gì đã khiến bạn có một quyết định táo bạo khi kết thúc học tập tại trường ĐH Kinh tế TPHCM?

Trong thời gian mình đang chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp thì có một công ty về game mời mình tham gia thực tập và làm việc. Lúc đó mình phân vân giữa việc tiếp tục làm luận văn và tham gia khóa đào tạo của công ty game. Khi tham khảo ý kiến của gia đình và bạn bè, họ đã phản đối và cho rằng mình phải tiếp tục đi tiếp giai đoạn cuối ở trường Đại học.

Vì đam mê vẽ và mong muốn học được những bước cơ bản trong kỹ thuật vẽ nên mình đã quyết định chọn dừng việc học ở trường và tham gia đào tạo tại công ty game. Tuy nhiên, sau một thời gian đào tạo, mình cảm thấy không phù hợp với lĩnh vực game. Chính vì vậy, mình đã không ký hợp đồng lao động với công ty game và đăng ký lớp học kịch bản truyện tranh ở Công ty Phan Thị.

Cô nàng trường Kinh tế đam mê vẽ truyện tranh - Ảnh 2 - edit

Dương Hương Ly tại Viện truyện tranh và hoạt hình  (Comic Media Academy – CMA)

Vậy bạn đã chọn nơi nào để theo đuổi và phát triển ước mơ của mình?

Thực tế thì ở Việt Nam chưa có một trường hay cơ sở dạy vẽ truyện tranh chuyên nghiệp nào cả. Vì vậy, khi theo dõi các thông tin từ Phan Thị và tham gia các buổi hội thảo của CMA – Viện truyện tranh và hoạt hình, mình đã chọn CMA là nơi để tiếp tục đam mê vẽ truyện tranh của bản thân. Đặc biệt, CMA có khóa học vẽ trên máy – Wacom Cintiq, chính điều này đã hấp dẫn và thúc đẩy mình tham gia học tập tại CMA.

Ấn tượng đầu tiên của bạn trong ngày đi học đầu tiên tại CMA?

Có quá nhiều bạn vẽ đẹp. Còn các giảng viên thì trẻ. Cách giao tiếp của họ với học viên rất thân thiện, chứ không giống ngày xưa mình đi học. Giáo viên ngồi trên, học sinh ngồi dưới, cảm thấy việc đó chỉ là giao tiếp một chiều. Còn ở đây có thể là 2 chiều. Đối với mình, giảng viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là những người bạn nữa. Như vậy việc học tập sẽ thoải mái hơn.

Bạn thích nhất hoạt động nào trong quá trình học tập tại CMA?

Mình thích nhất môn diễn xuất. Vì học môn này mình có thể biết được biểu cảm, chuyển biến nội tâm của nhân vật phải như thế nào. Bên cạnh đó còn được trực tiếp diễn kịch, tập luyện và được thầy tận tình chỉ dẫn.

Khi mình sáng tác, mình phải hiểu được nội tâm của nhân vật sẽ chuyển biến như thế nào trước tình huống mà truyện đưa ra, hay đứng trước một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, nhân vật sẽ có phản ứng ra sao, một cách hợp lý nhất. Nếu như không hiểu thì mình chỉ sáng tác dựa trên cảm quan chung của mình thôi, không thể hiểu được tâm lý của con người thay đổi ra sao. Bên cạnh đó, những kiến thức về diễn xuất sẽ giúp mình bổ trợ rất nhiều khi viết kịch bản truyện tranh.

Cô nàng trường Kinh tế đam mê vẽ truyện tranh - Ảnh 3

Dương Hương Ly trong giờ học Điêu khắc tại Viện truyện tranh và hoạt hình

Vậy, những kiến thức ở CMA có làm thay đổi hoặc phát triển tư duy sáng tác của bạn hay không?

Có chứ. Hồi trước mình cứ nghĩ vẽ truyện tranh là chỉ cần bắt chước nét vẽ của một tác giả truyện tranh yêu thích và vẽ theo. Nhưng khi vào đây, mình phải học cách để vẽ môt cái hình như vậy thì phải đi từ bên trong ra bên ngoài, từ xương ra khối ra cơ, rồi mới đắp quần áo lên. Còn trước đây thì chỉ vẽ theo cảm tính thôi, cho nên nhiều khi đẹp không biết tại sao đẹp, xấu không biết tại sao xấu. Bây giờ nét vẽ của mình thay đổi nhiều lắm.

Trong quá trình học, giảng viên có nói khi làm nghề thì phải có ý thức mình đang làm truyện tranh cho Việt Nam. Cho nên khi làm phải có chút bản sắc chứ không phải chỉ đơn giản là bắt chước và học theo như vậy. Có thể bây giờ kỹ thuật vẽ của mình chưa cao nhưng trong tư tưởng của mình luôn suy nghĩ làm sao để tác phẩm mang bản chất Việt Nam nhất.

Cô nàng trường Kinh tế đam mê vẽ truyện tranh - Ảnh 4

Tác phẩm dần hình thành của Dương Hương Ly

Sau một thời gian tham gia khóa học tại CMA, bạn đã tự sáng tác ra một kịch bản truyện tranh nào chưa? Định hướng nghề nghiệp của bạn sau khi kết thúc khóa học là gì?

Mình tham gia khóa học vẽ tại CMA từ tháng 12-2014. Trong khoảng thời gian đó, mình đã tham gia vào quá trình xuất bản bộ truyện tranh dành cho thiếu nhi KUN – Những trận bóng siêu phàm. Mình tham gia khâu vẽ tranh cho bộ truyện. Ở lần xuất bản tập 1, bộ truyện tranh này được in 100.000 cuốn. Đó là một điều đáng mừng cho nỗ lực của cả nhóm sản xuất. Đặc biệt, thành quả này là nguồn động viên to lớn cho mình trên con đường theo đuổi ước mơ.

Và hiện tại, mình đang trong quá trình sáng tác một kịch bản truyện tranh với chủ đề Ngược dòng lịch sử để tham gia cuộc thi Thế giới ước mơ 7.

Trước mắt mình hướng tới trở thành họa sĩ truyện tranh của Công ty Phan Thị. Còn xa hơn nữa là đạo diễn phim hoạt hình. Nhưng mà từ đây đến thời điểm đó còn rất xa nên mình cần phải cố gắng thêm.

Princess of Au Lac Dynasty
Princess of Au Lac Dynasty
The Real Self
The Real Self
Falling Leaf
Falling Leaf

Một số tác phẩm của Dương Hương Ly chuẩn bị cho các dự án truyện tranh

Suy nghĩ của bạn về sự phát triển của truyện tranh và hoạt hình ở Việt Nam so với thế giới?

Cái này không phải là suy nghĩ của riêng mình nữa mà là của rất nhiều người. Thị trường truyện tranh Việt Nam đang bắt đầu cất cánh lên. Mọi người nhìn truyện tranh không còn là sở thích hay thú vui tiêu khiển của trẻ em nữa. Mà đó là cả một nền công nghiệp. Truyện tranh Việt Nam đã có hơn 20 năm kinh nghiệm. Tuy nhiên vẫn chưa thực sự phát triển thành một nền công nghiệp. Hoạ sĩ và biên kịch truyện tranh hiện giờ vẫn chưa thể trụ lâu dài với nghề. Còn hoạt hình ở Việt Nam chỉ mới khởi động ở vị trí gia công sản phẩm. Vẫn còn một chặng đường khá dài nữa cho nền hoạt hình Việt Nam.  

Theo bạn cần có những yếu tố gì để ngành truyện tranh có thể phát triển nhanh chóng và vững chắc tại Việt Nam?

Theo mình cần có rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là yếu tố kỹ thuật. Ở Việt Nam không thiếu những hoạ sĩ tài giỏi, những biên kịch xuất sắc, và trong số đó có rất nhiều người đam mê truyện tranh. Tuy nhiên việc tạo một tác phẩm truyện tranh lại nằm ngoài khả năng của chúng ta. Đó là do thiếu hiểu biết về kỹ thuật đặc thù để làm truyện tranh.

Nếu muốn gửi một thông điệp khi nói về CMA – Viện truyện tranh và hoạt hình, bạn sẽ nói gì?

“CMA có thể không cho bạn một đôi cánh để đến ước mơ, nhưng cho bạn một con đường để bạn tự đi bằng đôi chân của mình”.

Để có thể nâng cao khả năng cũng như phát huy đam mê của bản thân, các bạn hãy đăng ký các khóa học của Viện truyện tranh và hoạt hình (CMA).

Hiện CMA đang có các khóa học về vẽ truyện tranh chuyên nghiệp, làm phim hoạt hình 2D, 3D,… cùng nhiều hoạt động thú vị khác.

Nhấn vào link http://cmavn.org/cac-khoa-hoc để tìm hiểu thêm

Thu Hiền thực hiện