Đào tạo Họa sĩ truyện tranh tại Viện CMA - Comic Media Academy

Đào tạo chuyên sâu ngành Họa sĩ truyện tranh tại Viện CMA

10/06/2021

Truyện tranh Nhật Bản (Manga) có sự phát triển vượt bậc trong vài chục năm qua, là nét văn hóa đặc sắc của đất nước Mặt trời mọc. Nó đã trở thành niềm cảm hứng cho nhiều độc giả trên toàn thế giới nỗ lực học tập và rèn luyện để trở thành họa sĩ truyện tranh. Nắm bắt nhu cầu của các bạn trẻ Việt Nam, một cơ sở đào tạo chuyên sâu ngành Họa sĩ truyện tranh đã được sáng lập: Viện Truyện tranh và Hoạt hình Việt Nam (CMA).

Vào tháng 8/2014, Viện Truyện tranh và Hoạt hình Việt Nam – Comic Media Academy (CMA) đi vào hoạt động, trở thành cơ sở duy nhất đào tạo chuyên sâu Họa sĩ kể chuyện ngành Truyện tranh, Hoạt hình và Digital Painting tại Việt Nam. Với đội ngũ giảng viên vững lý luận, dày kinh nghiệm cùng việc áp dụng mô hình phòng học tương tác trực tiếp trên bảng vẽ điện tử công nghệ, đến nay, Viện CMA đã mở hơn 158 lớp học, đào tạo hơn 2.046 học viên.

Vừa qua, Kilala đã may mắn có cơ hội trao đổi với Viện trưởng của CMA – Thạc sĩ, họa sĩ Lê Thắng, lắng nghe những chia sẻ của anh về mô hình đào tạo, những hoạt động của Viện CMA cũng như về nghề họa sĩ truyện tranh.

Viện trưởng Lê Thắng (ở góc ngoài cùng bên trái) tại Lễ tốt nghiệp khóa 5-7 của Viện CMA vào ngày 12/11/2020

Q: Chào anh Lê Thắng! Được biết, Viện CMA là đơn vị tiên phong đào tạo chuyên sâu Họa sĩ kể chuyện chuyên ngành Truyện tranh, Hoạt hình và Digital Painting tại Việt Nam. Anh có thể chia sẻ việc thành lập CMA xuất phát từ đâu không?

A: Thời điểm đấy, hẳn ai cũng nhận ra hiện trạng quá thiếu nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp sáng tạo nước nhà trước sự phát triển của Manga và hoạt hình Nhật tại Việt Nam. Dù có những doanh nghiệp, cá nhân sản xuất ra tác phẩm chất lượng cao, nhưng nhìn chung vẫn thiếu giải pháp toàn diện từ nghiên cứu thị trường, đến hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và tổ chức cùng chung mục tiêu. Hơn nữa, chúng ta vẫn có rất ít nơi đào tạo bài bản và có hệ thống từ lý luận đến thực tiễn cho ngành công nghiệp sáng tạo – một ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển trong và ngoài nước. Đó là lý do thôi thúc chúng tôi thành lập Viện Truyện Tranh và Hoạt Hình Việt Nam.

Q: Là một mô hình mới tại Việt Nam, ở giai đoạn đầu thành lập, CMA có gặp nhiều khó khăn không? Đâu là thử thách cam go nhất và Viện đã làm gì để vượt qua?

A: Việc là đơn vị tiên phong trong các ngành học mới tại Việt Nam, CMA không thể tránh khỏi những khó khăn từ nhiều phía. Có thể nêu ra một số ví dụ như sự hoài nghi của dư luận về các ngành học mới; các định kiến và quan điểm mơ hồ của xã hội về truyện tranh, hoạt hình…; sự quan tâm, hỗ trợ của cơ chế, chính sách cho các nhóm ngành này còn hạn chế; sự thiếu thốn các nguồn cơ sở, tài liệu nghiên cứu, học tập phục vụ cho quá trình giảng dạy; nguồn giảng viên có chuyên môn chuyên ngành chưa nhiều… Riêng thử thách cam go mà CMA đã, đang và sẽ luôn phải đối đầu, đó là nỗ lực làm sáng tỏ bản chất thật sự của các ngành nghề này (từ góc độ sáng tạo, kinh doanh, tổ chức sản xuất…) để lồng ghép vào chương trình đào tạo.

Viện CMA nỗ lực để mang đến mô hình học hiện đại với bảng vẽ điện tử để sáng tác truyện tranh

Q: Trong chương trình “Giá trị thật” do kênh HTV7 thực hiện vào tháng 10/2014, truyện tranh Việt Nam chỉ chiếm 1% thị trường truyện tranh trong nước. Điều này đồng nghĩa trẻ em Việt Nam tiếp xúc 99% truyện tranh nước ngoài, trong đó, Manga chiếm ưu thế hơn cả. Là đơn vị đào tạo họa sĩ truyện tranh, CMA nhận định đâu là những khó khăn trong việc sản xuất truyện tranh mà Việt Nam đang gặp phải?

A: Trong nhiều khó khăn cản trở sự đi lên của truyện tranh Việt Nam hiện nay, theo góc nhìn của CMA, khó khăn lớn nhất đó là yếu tố con người, cụ thể hơn là cách nhìn nhận về nghề hay thái độ nghề nghiệp của đội ngũ làm nghề. Cần phải khẳng định Việt Nam không thiếu những tài năng về chuyên môn, nhưng việc thiếu đi những tìm hiểu căn cơ về bản chất của nghề nghiệp ở giai đoạn xuất phát điểm dẫn đến những hệ quả phía sau, có thể là nóng vội, thiếu nhẫn nại, mất phương hướng, thiếu khả năng tương tác nhóm… Để truyện tranh Việt Nam có thể đi đường dài, đường xa, CMA cho rằng nên tham khảo bài học từ câu chuyện “nếu anh có 8 tiếng để chặt một cái cây, hãy dành 7 tiếng cho việc mài rìu”.

Q: Để trở thành họa sĩ truyện tranh, có lẽ năng khiếu nghệ thuật là điều không thể thiếu. Nhưng trong điều kiện tuyển sinh của CMA, học viên không cần thi tuyển đầu vào. Vì sao CMA lại đưa ra tiêu chí tuyển sinh này?

A: Trong phạm vi của ngành truyện tranh, ý niệm “tài năng” hay “năng khiếu nghệ thuật” rất dễ bị hiểu theo nghĩa hẹp là “vẽ đẹp”. Trên thực tế, đúng là một bộ truyện tranh không thể thiếu những nhân sự có liên quan đến việc tạo hình nói chung (phân cảnh, phác hình, lọc nét, lên hiệu ứng, tô màu, thiết kế, dàn trang…). Tuy nhiên, một tác phẩm truyện tranh thực thụ cần nhiều hơn thế, với các vai trò không kém phần quan trọng từ những vị trí khác, thậm chí là “không biết vẽ, vẽ không đẹp” như: quản lý nhóm, ý tưởng kịch bản, nghiên cứu tài liệu…

Để sáng tác truyện tranh, không chỉ cần nhân lực vẽ đẹp mà cũng cần người biết lên ý tưởng kịch bản, quản lý nhóm

Với góc nhìn đó, CMA cho rằng bất cứ một sinh viên nào cũng có trong mình những năng lực riêng để bước vào ngành truyện tranh, không nhất thiết phải có sẵn “năng khiếu nghệ thuật”. Thực tế tại CMA, có rất nhiều các bạn đến với truyện tranh từ đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề không liên quan nhiều đến “vẽ”. Hầu hết nhóm sinh viên này đều có thể áp dụng kiến thức chuyên môn từ các lĩnh vực trước đó của mình vào sáng tác truyện tranh.

Đề án tốt nghiệp của Võ Thị Ngọc Giàu – học viên Họa sĩ truyện tranh Khóa 7

Đặc biệt, để có thể đi đường dài và trở thành họa sĩ truyện tranh, các bạn trẻ nên dành nhiều thời gian tìm hiểu, đánh giá nghề, xác định hướng đi và nuôi dưỡng, gìn giữ “lửa yêu nghề”… nhằm tránh bị “ngợp”, “choáng” khi dấn thân vào những dự án truyện tranh, thường là dài hơi, dẫn đến kết thúc là bỏ cuộc.

Q: Tại CMA, chương trình họa sĩ truyện tranh hệ chuyên nghiệp kéo dài 2,5 năm, hệ ngắn hạn là 1 năm và hệ cấp tốc (truyện tranh và webtoon) là 5 tháng. Với thời gian đào tạo không quá dài, Viện CMA làm gì để đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực họa sĩ truyện tranh chất lượng cao cho thị trường truyện tranh Việt Nam?

A: Với cách đặt vấn đề về “bảo đảm nguồn cung các họa sĩ” và “có chất lượng”, ít nhiều cũng phản ánh sự khác biệt về các nhóm ngành đào tạo ngắn và dài hạn tại CMA. Với chương trình dài hạn, CMA mong muốn các học viên tiếp cận với truyện tranh ở góc nhìn đa chiều, đi từ các kiến thức tối cơ bản đến nâng cao, tự mình trải nghiệm hầu hết các khâu, các bước của nghề làm truyện tranh. Chúng tôi không kỳ vọng các sinh viên “giỏi đều” ở tất cả các công đoạn, nhưng việc có cái nhìn rộng và bao quát sẽ giúp các bạn chọn ra chuyên môn hẹp của mình khi dấn thân vào làm nghề sau này, cũng như có ý thức và hiểu biết để hỗ trợ các đội nhóm khác trong guồng máy lớn. Ở chương trình dài hạn này, CMA muốn một đầu ra “chất lượng” và “có tham vọng”.

Chương trình dài hạn Họa sỹ truyện tranh giúp học viên tiếp cận ở góc nhìn đa chiều, từ cơ bản đến nâng cao

Ở các chương trình ngắn hạn, CMA sẽ tập trung huấn luyện các học viên ở những nhóm kỹ năng hẹp, dựa trên nhu cầu của nhà tuyển dụng. Trong cách vận hành của nhiều công ty hay studio sản xuất, nhu cầu cho nhóm lao động có kỹ năng “chuyên biệt trong phạm vi hẹp” hiện rất lớn, đồng thời cũng là nhu cầu tìm việc của nhiều bạn trẻ muốn tìm kiếm công việc nhanh trong điều kiện không có nhiều thời gian cho việc đi học.

Về đại thể, sản xuất truyện tranh cũng tương tự như sản xuất một dự án hay phương tiện giải trí bất kỳ, là bao gồm Tiền kỳ, Trong kỳ và Hậu kỳ. Mỗi giai đoạn có những vai trò khác nhau, không thể thay thế hay lược bỏ. Tuy nhiên, tại chương trình học của CMA, khâu Tiền kỳ luôn được nhấn mạnh vì nó là tiền đề quyết định hai bước về sau.

Q: Vào 11/2016, kênh truyền hình hàng đầu Nhật Bản NHK World đã từng đến CMA để ghi hình về hoạt động đào tạo họa sĩ truyện tranh. Bên cạnh NHK, CMA đã từng hợp tác với bất kỳ studio Manga hay họa sĩ truyện tranh nào của Nhật Bản chưa? Viện nghĩ thế nào về việc hợp tác với studio, họa sĩ Manga Nhật Bản?

A: Ngoài đài NHK, CMA cũng đã có nhiều chương trình hoạt động, giao lưu, trao đổi chuyên môn với các đối tác, trường đào tạo, công ty có liên quan đến lĩnh vực truyện tranh, hầu hết đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Nổi bật như vào ngày 14/10/2017, Viện CMA và trường Nhật ngữ Saigon Language School tổ chức Hội thảo Anime & Con đường tiến ra thế giới với khách mời đặc biệt là Mr. Kagetoshi Yasuhiro, Trưởng phòng CG-Animation tại học viện TOHO GAKUEN, Nhật Bản với hơn 20 năm kinh nghiệm đào tạo Anime-CG. Mr. Yasuhiro mang đến nhiều thông tin chuyên môn từ thực tế đào tạo, quy trình sản xuất đến cơ hội du học và làm việc tại các xưởng hoạt hình, truyện tranh Nhật Bản, đặc biệt là du học ngành Anime – CG Animation tại Học viên TOHO – nơi ông đang giảng dạy.

Mr. Kagetoshi Yasuhiro giao lưu với sinh viên Việt Nam tại Hội thảo Anime & Con đường tiến ra thế giới

Gần đây nhất, vào sáng ngày 17/03/2021, Ban tổ chức Vietnam-Japan Comic Fes (VJCE)* gồm Mr. Hiroto Ito (CEO), Ms. Miho Sakuragi (Giám đốc chiến lược kinh doanh) và Ms. Mariko Matsumoto (Trưởng phòng Account) đã có buổi gặp gỡ với Viện CMA để trao đổi về định hướng hợp tác trong Lễ hội VJCE năm 2021. Về quan điểm chung, CMA luôn mong muốn mở rộng mạng lưới đối ngoại của mình đến nhiều cá nhân, đơn vị chuyên về mảng truyện tranh, trong đó có mảng Manga của Nhật Bản.

*VJCE là lễ hội truyện tranh và hoạt hình Việt Nam – Nhật Bản lớn nhất tại Việt Nam, được tổ chức lần đầu vào năm 2020 và hứa hẹn sẽ quay trở lại hoành tráng và đặc sắc hơn vào năm nay.

BTC Vietnam-Japan Comic Fes (3 người ngoài cùng, bên phải) đã có buổi gặp gỡ với Viện CMA

Q: Được biết, từ tháng 3/2021, Viện CMA đã chính thức hợp tác cùng MPOS để triển khai chương trình trả góp học phí 0%. Ngoài chính sách hỗ trợ về học phí, Viện CMA còn có những chương trình gì khác để giúp học viên có cơ hội cọ xát thực tế trước khi tốt nghiệp? Cũng như, Viện CMA hỗ trợ gì cho học viên sau tốt nghiệp?

A: CMA luôn nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng chương trình học, trong đó bao gồm các hoạt động trải nghiệm thực tế, giao lưu với các trường đại học chuyên nghiệp trên thế giới, học hỏi từ các họa sĩ, chuyên gia làm nghề thực tế…

Một số hoạt động mà CMA đã tổ chức thành công là hoạt động Trại sáng tác giao lưu với sinh viên Đại học Chosun (Hàn Quốc) tại CMA, tham gia Workshop sáng tác truyện tranh với họa sĩ Bỉ Dany tại Đại học Mỹ thuật Tp.HCM, hay môn thực tập sáng tác truyện tranh Webtoon chuyên nghiệp với họa sĩ Hong Duck Hwa đến từ Hàn Quốc… Với các sinh viên đã tốt nghiệp, các bạn có thể được giới thiệu về thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp là đối tác của CMA, hoặc có hồ sơ cá nhân trên website của nhà trường để các đối tác dễ dàng tìm kiếm…

Q: Hiện nay, một số MV ca nhạc theo xu hướng truyện tranh đã ra đời và trở thành một mảnh đất màu mỡ để các họa sĩ truyện tranh Việt Nam trổ tài. Được biết, nhóm họa sĩ Lạc An của CMA đã từng tham gia sản xuất MV “Tôi đã quên thật rồi” của ca sĩ Isaac theo phong cách truyện tranh. Bên cạnh nhóm họa sĩ Lạc An, Viện có thể giới thiệu thêm một số dấu ấn khác của học viên CMA sau khi tốt nghiệp?

A: Viện luôn có chủ trương khuyến khích các sinh viên dùng tác phẩm sáng tác tại Viện phát triển thành các dự án cá nhân, hay hợp tác với đối tác bên ngoài.

Nhóm họa sỹ Lạc An tại Viện CMA tham gia sáng tác truyện tranh cho MV Tôi đã quên thật rồi của ca sỹ Issac

Chẳng hạn, tác phẩm truyện tranh của nhóm Ngọc Trâm – Minh Quang đạt giải cao ở cuộc thi sáng tác truyện tranh của Tổ chức Phi chính phủ UN WOMEN VIETNAM được phát triển từ một đồ án môn học. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, các sinh viên CMA cũng đã đặt dấu ấn của mình ở nhiều dự án khác nhau, tiêu biểu như: Dự án truyện tranh đề tài khủng long Dawn of the Titans của An Khang với công ty Image Comic (Mỹ); dự án webtoon cá nhân đầu tay của Cường – Huy hợp tác cùng HongToon studio (Hàn Quốc); dự án truyền thông chống bão của NMAV (Norwegian Mission Alliance Vietnam); dự án quảng cáo Ogawaworld; dự án quảng cáo Hipp; dự án truyện tranh cho Jollibee (Philippines); dự án truyện tranh quảng cáo cho công ty Koikeya Việt Nam; dự án truyện tranh cho Momo; họa sĩ vẽ bìa, minh họa cho tạp chí Thế Giới Số; họa sĩ cho sách của Francis Levy; thiết kế nhân vật cho dự án của Dr Toto; họa sĩ biếm họa cho báo Tuổi trẻ cười; họa sĩ minh họa cho NXB Giáo dục; dự án truyện tranh của công ty Phan Thị; dự án webtoon cá nhân đăng tải trên Pops Comic…

>> Chiêm ngưỡng thêm các tác phẩm truyện tranh của học viên tại Viện CMA tại đây

Q: Trong tương lai, CMA có hướng phát triển nào mới nào để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực họa sĩ truyện tranh cho thị trường truyện tranh Việt Nam?

A: Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ như hiện nay, các nhà sản xuất đã ứng dụng rất nhiều các giải pháp công nghệ, các phần mềm đồ họa 2D, 3D… để tăng hiệu quả sản xuất. Không nằm ngoài xu hướng tất yếu đó, các học viên CMA cũng sẽ được cập nhật những phần mềm khác nhau để hỗ trợ tốt hơn cho quá trình sáng tác tác phẩm. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là máy móc hay phần mềm dù phát triển tới đâu cũng khó có thể thay thế cho những phần công việc đòi hỏi yếu tố con người, nên CMA vẫn phải luôn nhấn mạnh đến tiêu chí đào tạo con người vì sự phát triển của con người.

Viện CMA định hướng cập nhật những phần mềm khác nhau phục vụ quá trình sáng tác truyện tranh của học viên

Hiện tại, Viện CMA cũng đang áp dụng mô hình học trên bảng vẽ điện tử để sáng tác truyện tranh. Với truyện tranh, thực hiện công việc trên máy chắc chắn sẽ là một xu hướng tất yếu, vì nó loại bỏ hết tất cả bộ công cụ hành nghề kiểu cổ điển, vốn tương đối cồng kềnh (giấy, bút các loại, mực, màu, bàn sáng, thước các loại, máy scan, bảng vẽ…). Họa sĩ cần duy nhất một bảng vẽ điện tử và một phần mềm chuyên dụng (Clip paint, Photoshop…) là đủ để chạy công việc từ đầu đến cuối.

Q: Loại hình Webtoon (thể loại truyện đăng tải trên website hoặc thiết bị di động) kết hợp giữa truyện tranh và hoạt hình đang trở thành xu hướng mới, có sức cạnh tranh không thua kém gì các hình thức truyện tranh truyền thống. CMA cũng đang có chương trình đào tạo về Webtoon nhưng với thời gian ngắn 5 tháng. Trong thời gian sắp tới, CMA nghĩ sao về việc mở hệ chuyên nghiệp cho loại hình mới và đầy tiềm năng này?

A: Như đã trình bày ở trên, CMA đã có những kết nối với các đối tác đến từ Hàn Quốc. Chính sách “hướng Nam mới” của chính phủ Hàn Quốc đã mở ra một làn sóng di cư của công dân Hàn đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đem theo những cơ hội giao lưu phát triển những lĩnh vực mà người Hàn là chuyên gia hàng đầu, bao gồm cả loại hình truyện tranh trên điện thoại: Webtoon. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Hàn Quốc, CMA sẽ là bệ phóng để các bạn trẻ có thể tìm đến và phát triển sự nghiệp sáng tác truyện tranh của mình như một Cartoonist hay Webtoonist chuyên nghiệp. Và, dĩ nhiên là chúng ta cởi mở để học hỏi cách làm Webtoon, nhưng sẽ là Webtoon theo dấu ấn của người Việt Nam, theo cách sáng tạo riêng của Việt Nam. Việc mở mã ngành đào tạo chuyên ngành riêng về Webtoon đã được CMA tính đến và có thể sẽ sớm triển khai trong tương lai gần.

Q: Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất nhiều đến giáo dục. Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19 từ tháng 3/2020 đến nay, CMA đã có những giải pháp gì để ứng phó với dịch, cũng như chương trình giảng dạy có thay đổi như thế nào?

A: Cũng như tình hình chung, thầy và trò tại CMA đều đang phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, các buổi học được chuyển đổi sang hình thức dạy trực tuyến. Với truyện tranh hay nghệ thuật nói chung, các thầy cô cũng đã làm công tác tư tưởng với sinh viên về việc chúng ta luôn lắng nghe các bài học sống động từ cuộc sống. Và “thời dịch bệnh” ít nhiều cũng đã là chất liệu sáng tác cho sinh viên của ngành sáng tạo này. Trận dịch này cũng khiến chúng tôi nhận ra, có những môn học ngỡ như chỉ có thể dạy trực tiếp nhưng ở tình thế bắt buộc thì việc chuyển đổi dạy và học trực tuyến cũng không phải là không thể.

Chân thành cảm ơn anh Lê Thắng đã dành thời gian chia sẻ cùng Kilala!

Nguồn bài viết: kilala.vn