Học vẽ thực tế hoạt động tại chợ Thị Nghè

Học vẽ thực tế hoạt động tại chợ Thị Nghè

11/05/2015

Trải nghiệm đáng nhớ

Một không khí vui tươi tràn ngập khu chợ khi các bạn học viên khóa học vẽ truyện tranh K1 thực hành vẽ ngay tại chợ Thị Nghè – một trong những khu chợ truyền thống lâu đời nhất miền Nam còn tồn tại. Hình ảnh những sạp rau, điểm bán trái cây, thịt, cá được các bạn vẽ lại rất tự nhiên. Đâu đó, trong những bức hình vẽ nhanh, hình ảnh giọt mồ hôi, giấc ngủ chưa tròn giấc của các tiểu thương tất bật mưu sinh đã được ghi lại.

Đôi dòng lịch sử

Địa danh Thị Nghè hay còn gọi là Bà Nghè, Mụ Nghè vốn là những danh xưng chỉ bà Nguyễn Thị Khánh, Trưởng nữ của quan Khâm sai Chánh thống Vân Trường Hầu Nguyễn Cửu Vân. Theo Trịnh Hoài Đức, bà Nguyễn Thị Khánh có chồng là thư ký mỗ nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ bà có tên ấy là do lúc đầu bà khai chiếm đất ở rồi bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại nên gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè. Ngày nay, địa danh Thị Nghè thường được hiểu là vùng hữu ngạn rạch Thị Nghè bao gồm các phường 17, 19, 21, 22 thuộc quận Bình Thạnh.

Thị Nghè là một vùng đất cao được bao quanh bằng sông Sài Gòn và nhiều con rạch chằng chịt, nằm trên đường thiên lý Bắc Nam. Đoạn đường thiên lý từ cầu sơn nối lỵ sở Gia Định với các tỉnh phía Bắc được Điều khiển Nguyễn Hữu Doãn tiến hành năm 1748. Vùng Thị Nghè xưa là nơi có khu ruộng Tịch Điền, đàn Xã Tắc, miếu thờ Thần Nông, đàn Tiên Nông (những cơ sở này nằm trước nhà thương dưỡng lão, nay là Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè), miếu Văn Thánh, miếu thờ Đức Khổng Tử, trường tỉnh học Gia Định.

Chợ Thị Nghè cũng do bà Nguyễn Thị Khánh xây dựng. Năm 1837, Sở Thuế Thị Nghè đã thu được số thuế cao nhất nhì Nam Kỳ thời bấy giờ với 13.000 quan. Chợ Thị Nghè nằm cạnh Giáo sứ Thị Nghè được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, đồng thời cũng nằm đối diện với Thảo Cầm Viên được thành lập vào tháng 3/1864.

Với nhịp sống còn lưu giữ nét truyền thống của những khu chợ xưa,  Thị Nghè là một trong những khu chợ truyền thống tồn tại lâu đời tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định (xưa) và Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.