Được biết đến với những tác phẩm gây được ảnh hưởng và nhận được sự đón nhận nhiệt tình của cộng đồng yêu thích truyện tranh, họa sĩ Hoàng Anh Tuấn – thành viên nhóm B.R.O đã có những chia sẻ về hành trình gần 10 năm làm truyện tranh của mình.
Bắt đầu vẽ truyện tranh từ khá sớm nhưng có ý kiến cho rằng từ Truyện Tranh Danh Tác, Học Sinh Chân Kinh thì cái tên Hoàng Anh Tuấn cũng như nhóm B.R.O mới thật sự gây ấn tượng và được độc giả quan tâm chú ý. Ý kiến anh thế nào?
“Năm đó 19 tuổi, xác định theo con đường vẽ truyện tranh, mình quyết định vào Sài Gòn. Khi đó tham gia vào tạp chí Thần Đồng Đất Việt FanClub tại Phan Thị. Bắt tay vào làm một số truyện nhưng thất bại vì chưa có kinh nghiệm sáng tác gì cả. Khi đó toàn vẽ theo cảm hứng, không cần biết người ta có đọc hay không, mình thích thì mình vẽ, xem phim hành động Mỹ rồi làm những câu chuyện về ma cà rồng, chuyện về xã hội đen. Hồi ấy cũng không có khái niệm thế nào là sao chép, thế nào là học tập, thấy truyện người ta vẽ đẹp đẹp là bắt chước học vẽ theo. Nên không được đón nhận. Nói chung 19 tuổi mình làm những cái dở hơi lắm kìa. Thất bại nên rút ra những bài học cho bản thân. Mãi đến bây giờ khi vẽ Truyện Tranh Danh Tác, Học Sinh Chân Kinh thì mình nghĩ mới có thể gọi là tạm. Tạm nhìn ra được hướng đi đúng nên được độc giả đón nhận và ủng hộ nhiều hơn.”
Truyện tranh Danh Tác của nhóm B.R.O
Vậy điểm khác nhau giữa làm truyện tranh lúc 19 tuổi và 28 tuổi?
“Hồi 19 – 20 tuổi khoái những cái ngầu ngầu, đọc truyện tranh chiến đấu của Nhật rồi vẽ truyện về xã hội đen, nói chung không có gì của mình hết, không có trải nghiệm, hoàn toàn chỉ là sao chép từ phim ảnh, từ tiểu thuyết, từ truyện tranh của Nhật rồi ra thành tác phẩm của mình. Mang tiếng là tác phẩm của mình nhưng không truyền tải được tư tưởng.
Đến bây giờ thì mình thay đổi suy nghĩ. Tất cả những truyện mình làm đều phải nghiên cứu thị trường. Ở Việt Nam thiếu cái gì, mình cần cung cấp cái gì, đem cái gì mạnh của mình để phục vụ cho độc giả. Hồi trước vẽ không xấu nhưng chưa tư duy ra được hướng đi, cứ vẽ những cái lan man dang dở. Giờ thì khác nhiều rồi.”
Nói cụ thể trong bộ Học Sinh Chân Kinh nhé, điểm khác biệt so với cách làm những bộ trước kia là gì?
Là quá trình tìm hiểu tâm lý đối tượng độc giả. Với Học Sinh Chân Kinh thì đối tượng thụ hưởng từ 13 đến 17 tuổi. Đây là tuổi nổi loạn. Mình không nói tất cả nhưng là đa số. Phụ huynh nói gì không nghe, bạn bè là quan trọng nhất, thích thể hiện mình, cực kỳ hâm mộ thần tượng, rồi “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”, chưa biết làm gì với cuộc đời mình.v.v.
Anh Tuấn (áo trắng) tham gia talkshow về truyện tranh Việt Nam
Nhưng làm sao nắm được tâm lí đối tượng teen và thể hiện chính xác khi anh đã qua độ tuổi này rồi?
“Sau quá trình tìm hiểu tâm lý lứa tuổi của đối tượng độc giả thì đến phân tích tâm lý, phân tích những diễn biến phức tạp của lứa tuổi này. Sau đó mình phải đứng ở vị trí của nhân vật nhìn nhận lại để xây dựng cuộc sống xung quanh, xây dựng cốt truyện và tính cách của các nhân vật chính chứ không phải xây dựng trên quá khứ của mình. Mình đứng trên khía cạnh của tuổi đấy để xây dựng bộ truyện, xây dựng tính cách của các nhân vật chính sẽ tìm kiếm ra được những nét riêng trong tính cách nhân vật.”
Truyện Học Sinh Chân Kinh của nhóm tác giả B.R.O
Trong quá trình xây dựng bộ truyện thì có khó khăn gì không?
“Khó khăn thì…Mình nghĩ cái khó khăn nhất của làm truyện tranh là mình phải tưởng tượng những khó khăn mình gặp phải. Vì thật sự nếu mình nghĩ khó khăn thì nó sẽ rất khó khăn. Mình nghĩ thuận lợi thì nó sẽ thuận lợi thôi. Quan trọng là dám bắt đầu. Không có khó khăn nào hết, chỉ có mình thôi.”
Vậy chúng ta nói về thuận lợi đi.
“Thuận lợi là mình là người Việt Nam, mình nắm được tinh thần của người Việt Nam. Nắm được tinh thần người Việt để kể câu chuyện cho người Việt nghe, sẽ khác với việc dùng truyện tranh Nhật để nói về những nhân vật không có điểm chung với người đọc. Cái thứ hai nữa là có những câu chuyện chỉ xảy ra ở Việt Nam. Cái thứ ba là nhìn ra được những điểm tích cực trong cái tiêu cực. Ví dụ như trong cảnh tắc đường thì ai cũng thấy khó chịu. Nhưng mà đối với những đôi yêu nhau thì họ ngồi trên xe và đang tắc đường thì họ cảm thấy rất hạnh phúc. Vì còn 5 mét nữa là về đến nhà rồi, làm sao ở bên cạnh nhau đây, gặp tắc đường thì mừng quá. Đó là chất liệu có sẵn, mọi thứ đều ở xung quanh, đều có thể khai thác được.”
Sau bao nhiêu năm vẽ truyện tranh, anh đã định hình phong cách vẽ của mình ra sao?
“Phong cách đi theo tư tưởng. Mình vẽ thế nào để thích nghi được với thị hiếu của đối tượng mình đang hướng tới. Ví dụ như trẻ con từ 7 đến 12 yêu cầu nhân vật dễ thương, màu sắc vui nhộn, những màu như đỏ, trắng, vàng, xanh, nói chung màu sắc phải lung linh, long lanh, nhìn phải hút mắt. Ở lứa tuổi 13 đến 17 thì màu sắc trầm xuống, nhân vật không cần quá dễ thương nhưng phải có tính cách riêng. Từ 17 trở lên thì người ta bắt đầu tập trung nhiều vào nội dung hơn, người ta yêu cầu sự khác biệt trong nét vẽ. Tùy từng đối tượng độc giả sẽ có những phong cách vẽ khác nhau.”
Theo anh muốn làm nghề họa sĩ vẽ truyện tranh thì cần điều gì?
“Để thành họa sĩ vẽ truyện tranh thì mình phải hiểu truyện tranh là gì đã. Làm truyện tranh phải biết truyện tranh là gì, không phải chỉ có quyển truyện và cái tranh là làm nên truyện tranh. Làm truyện tranh phải hiểu là chuyển tải nội dung bằng hình ảnh, bằng câu chuyện để đưa đến thông điệp cho người đọc. Từ cái hiểu này mình sẽ suy ra được cái quan trọng là gì. Một là thông điệp, hai là cách để kể thông điệp đó.”
Vậy chỉ cần hiểu và thỏa hai điều trên thì có thể làm truyện tranh?
“Hiểu về công việc là như vậy nhưng nó gồm nhiều phần khác nhau và một người không thể làm được. Nó đòi hỏi tinh thần tập thể. Phải tạo được một nhóm làm việc, mỗi người đảm nhận một khâu mà mình mạnh nhất. Ở Nhật các họa sĩ truyện tranh thì đều có nhóm nhưng vì tinh thần dân tộc nên họ chỉ đứng tên một người thôi. Còn ở Việt Nam mình nó hơi khác một chút, ai cũng muốn được đứng tên nên mọi người ngồi lại với nhau để tạo thành một cái nhóm. Khi tạo được một ekip để đi cùng nhau rồi thì mình sẽ đi được rất xa.”
Nhóm tác giả truyện tranh B.R.O trả lời phỏng vấn
Tâm lý nào anh nghĩ là cần thiết cho người làm truyện tranh?
“Là kiên trì, không được sợ thất bại, không được sợ dư luận. Theo mình làm truyện tranh không có khái niệm thất bại, chỉ có sản phẩm thừa mà thôi. Mình ra sản phẩm, mình bị dư luận ném đá và mình bị tẩy chay. Mình tiếp tục làm lại để họ thấy ổn hơn, dễ chấp nhận hơn. Lúc đó thì mình có những tiến bộ nhất định. Đến lúc mình ra tác phẩm được nhiều người chấp nhận thì lúc ấy mình gặt hái được thành quả. Theo kinh nghiệm của mình thì 10 tập truyện đầu tiên bao giờ cũng không thành công, bất kể là ai đi chăng nữa. Vì khái niệm thành công trong truyện tranh là gì? Mỗi tập truyện phát hành 7000 cuốn là không đủ sống. Phải làm sao để ra liên tục, phải làm sao để mỗi cuốn truyện của mình phải ra tối thiểu trên 7000 thì mình mới có thể sống được bằng nghề vẽ truyện tranh. Quan trọng nhất là mình phải kiên trì. Và đều đặn như thế thì sẽ tạo cho người đọc được cái thói quen cứ đến ngày đó là mua truyện của mình.”
Nhưng thất bại nhiều quá sẽ dễ nản lắm chứ, nhất là khi phải đối mặt với những vấn đề chi phí, công sức và nhiều thứ khác nữa?
“Cái quan trọng nhất là nhìn ra cách làm và bản thân mình nhìn ra được mục đích của việc làm đó, mình làm vì cái gì. Nếu làm truyện trước thất bại và truyện sau lại làm y như truyện trước thì hẳn là thất bại rồi. Người ta gọi là thằng điên. Nếu muốn có kết quả khác thì mình phải làm khác đi. Và quan trọng là mình phải nhìn ra được mục đích cuối cùng. Nếu mình chỉ nhìn thấy tiền thôi thì đúng là sẽ rất nản. Mình muốn nói mục tiêu cuối cùng của người làm truyện tranh là gì. Nếu chỉ mong muốn vẽ một bức tranh hay kiếm được một ít tiền thì không cần làm truyện tranh, vì đó là những mục tiêu rất gần. Còn truyện tranh là một mục tiêu xa. Đưa cuốn truyện tranh đến đọc giả không đơn thuần chỉ là một cuốn truyện tranh mà là nhờ cuốn truyện tranh này đưa một thông điệp.”
Vậy theo anh, muốn truyện tranh thành công thì cần có yếu tố nào?
“Mình chỉ nói đến một bộ truyện tranh thành công, mình không nói đến một nền truyện tranh, thì nó phải hội tụ đủ ba yếu tố. Một là tạo ra thói quen cho độc giả, Hai là người làm truyện tranh hiểu mình đang làm gì. Thứ Ba là có ekip làm việc cùng nhau hoàn chỉnh để cùng nhau tiến xa hơn. Có một câu mà mình rất thích đó là “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Mình phải có một nhóm, mà nhóm đó cũng phải tương đương nhau. Những người đó phải có những điểm nổi trội và có được sự bền bỉ để đi cùng nhau. Khi mình xây dựng một nhóm như vậy thì tối đa không quá 6 người. Mỗi người có một công việc riêng và phát huy thế mạnh của họ như người lo xây dựng ý tưởng, người tìm hiểu thị hiếu độc giả, người thì vẽ, người tô màu, người lo về đối ngoại…”
Nhóm tác giả truyện tranh B.R.O ký tặng tại Hội sách Thành Phố 2014
Anh có lời khuyên nào cho những bạn trẻ muốn đi theo con đường vẽ truyện tranh?
“Mình chẳng có lời khuyên nào cả. Mình đưa lời khuyên chỉ có ích khi họ cần lời khuyên mà thôi.”
Ví dụ trong trường hợp các bạn chưa có định hướng rõ ràng nhưng thích nghề nghiệp này thì sao?
“Thích thì không đủ, vì mình nghĩ thế này, có một quy luật trả giá, khi mình muốn có một cái gì, mình phải đổi một cái tương đương. Cái mình muốn nói là nếu đam mê thôi, không đủ. Ước mơ thôi, không đủ. Mình phải xác định phải bỏ cái gì để đạt được cái mình mong muốn. Ví dụ như mình chấp nhận xa gia đình. Vào Sài Gòn để thực hiện mục tiêu làm truyện tranh. Giây phút đó xem như mình xác định không thành công là không về. Nói chung giá trị quy đổi, mình phải xác định hy sinh một cái gì tương đương để đạt một cái khác.”
Xin cám ơn anh rất nhiều vì những chia sẻ thiết thực về nghề họa sĩ truyện tranh!
Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh duy nhất Việt Nam