Sau 4 tháng học tập tại Viện Truyện tranh và Hoạt hình, chắc hẳn các bạn học viên Khóa 5 đã tích lũy cho mình một lượng kiến thức không nhỏ về nghề cũng như những kỷ niệm vui buồn cùng các bạn đồng môn. Nếu bạn tò mò muốn biết các bạn khóa 5 đã có hành trình đầu tiên như thế nào tại Viện thì hãy theo dõi những chia sẻ của các bạn ấy ngay dưới đây nhé.
Khóa 5 với những cá tính riêng đến từ 2 lớp 5H và 5T
Lựa chọn CMA là vì…
Mỗi người khi chọn một công việc, một ngành nghề để gắn bó thì luôn có những lý do khác nhau. Các bạn khóa 5 với những màu sắc riêng của bản thân, những xuất phát điểm khác nhau cũng có rất nhiều lý do khác biệt khi chọn học nghề họa sĩ vẽ truyện tranh và làm phim hoạt hình tại CMA.
Những ngày đầu còn xa lạ…
Theo bạn Minh Phương “Mình từng nghĩ nét vẽ manga thật sự ĐÃ , là đỉnh cao của thế giới. Khoảng thời gian dừng chân tại lớp cấp tốc, mình có qua Mỹ và tìm hiểu, nghiên cứu về nét vẽ của Mỹ và cũng gặp phải trường hợp như vậy. Từ đó mình nhận ra quan điểm của CMA về phát triển nét vẽ truyện tranh Việt Nam là đúng đắn. Chính vì vậy, mình đã quyết định đăng ký học tại CMA”.
Còn bạn Hồng Đức thì chia sẻ về sự thay đổi trong tính cách của bản thân khi học tập tại CMA “CMA là một môi trường năng động, sáng tạo, tự do. Ở trường Đại học, mình không “mạnh bạo” như bây giờ đâu. Thế nhưng khi học ở CMA, mình được thoải mái thể hiện chính kiến của mình cho nên mình cảm thấy rất thích khi được học trong môi trường như vậy”.
Sau 4 tháng đã gắn bó…
Riêng bạn Phát Tài thì lại có một tình yêu đặc biệt dành cho truyện tranh “Truyện tranh đã là một thứ tạo nên tuổi thơ của mình. Và mình muốn là một người có thể làm những lĩnh vực chuyên môn về vẽ. Nhưng càng lớn hơn, khi lĩnh hội được nhiều kiến thức về truyện tranh, mình nhận ra rằng truyện tranh có những cái mà người ta có thể giới thiệu cho rất nhiều người trên thế giới về văn hóa, phong tục của họ. Mình cảm thấy điều đó rất là hay. Từ đó, mình tâm niệm một điều là mình cũng muốn lưu truyền, giới thiệu văn hóa của chính nước mình ra thế giới. Chính vì thế mình đã chọn ngành truyện tranh”.
Những chia sẻ gửi “đồng bọn”
Hơn 40 con người có xuất phát điểm khác nhau nhưng lại có thể đoàn kết, gắn bó và chia sẻ cùng nhau chỉ sau 4 tháng ngắn ngủi. Bởi, họ có chung đam mê, chung mục tiêu phấn đấu và đang cố gắng luyện tập, giúp đỡ lẫn nhau với hy vọng tạo ra một câu chuyện của tuổi trẻ, câu chuyện về những con người đã sống vì chính đam mê của bản thân.
…thân thiết như một gia đình.
Khi chia sẻ về những người bạn của mình, bạn Thanh Triều cho rằng “Khi lựa chọn ngành này thì mỗi người đều có độ điên của bản thân. Ở lớp mình, mỗi người đều có một tính cách riêng nhưng các bạn có đủ chất điên, đủ sự đoàn kết, đủ tinh thần cho ngành truyện tranh và hoạt hình. Trong quá trình học chắc chắn có những mâu thuẫn. Những lúc như vậy, cách tốt nhất là mọi người trong lớp sẽ ngồi lại với nhau, nói ra những ưu khuyết điểm. Sau cuộc họp lớp đó thì tâm lý mọi người sẽ trở nên thoải mái hơn rất nhiều”.
Tuy nhiên, trên con đường thực hiện ước mơ, không phải lúc nào cũng có những niềm vui hay thành công. Con đường đó luôn có những thử thách bất ngờ buộc bản thân phải cố gắng vượt qua. Đặc biệt, với nghề truyện tranh và hoạt hình tại Việt Nam, các bạn phải cố gắng rất nhiều so với những ngành nghề khác. Sẽ có những thời điểm bạn cảm thấy nản chí, mơ hồ về lựa chọn của mình, bạn sẽ làm gì? “Các bạn phải bình tĩnh. Bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề của chính mình. Trước nhất, mình học ở đây mình cần cái gì, mình muốn gì, động cơ của mình là gì, những trở ngại nào mình sẽ gặp phải và cái cách mà mình khắc phục nó. Chung quy lại, các bạn cần phải tĩnh tâm và suy nghĩ thật kỹ về vấn đề của mình. Khi các bạn đã tìm ra được tư tưởng của mình thì nó sẽ thôi thúc các bạn hành động. Và mình nghĩ là thời điểm các bạn hành động với trạng thái thoải mái nhất là lúc các bạn làm việc với hiệu suất cao nhất”. Đó là những lời chia sẻ chân thành nhất mà bạn Phát Tài, lớp phó của 5H muốn gửi đến các bạn khóa 5, các bạn học viên CMA và những bạn đang nung nấu ước mơ trở thành những họa sĩ hoạt hình, họa sĩ truyện tranh.
Cố gắng vì đam mê
Ngoài ra, bạn Khương Thảo cũng cho rằng “Dù đang vẽ tốt cỡ mấy thì vẫn chưa phải tốt thực sự. Cứ cố gắng vẽ tiếp thì khả năng sẽ lên cao. Cho nên nhàm chán là do bản thân mình tự cảm nhận thôi”.
Trình bày về bài Sáng tác đầu tiên
Cùng học tập và rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp với những người có cùng đam mê, mục tiêu sẽ giúp bạn tiến bộ từng ngày. Bạn Hoàng Tú với nhóm học tập của mình đang chứng tỏ khả năng qua những kết quả ở các môn học và bài Sáng tác đầu tiên. Tú chia sẻ “Ban đầu mình không nghĩ mình có thể vẽ ra một câu chuyện hoàn chỉnh như vậy. Mặc dù trước đó mình chưa bao giờ vẽ truyện như vậy hết. Hiện mình đang học ngành hoạt hình nhưng mình dự định sẽ tự sáng tác một câu chuyện, không phải cho bài thi, bài tập của Viện mà cho bản thân. Vì mình vẫn chưa hài lòng với bài Sáng tác 1 nên muốn rèn luyện để nâng cao kỹ năng hơn”.
Và thành quả sau 4 tháng học
Và những kỷ niệm đầu tiên
Học ở CMA, các bạn không chỉ học về cách làm nghề. Học ở CMA, các bạn còn học cách sống cùng tập thể, cách làm việc theo nhóm, cách trở thành một con người với cái nhìn sâu sắc và cái tâm chân thành. Và các bạn Khóa 5 đã phần nào được chiêm nghiệm những điều đó tại CMA, nơi những con người có chung một đam mê đang cố gắng rèn luyện từng ngày.
Kỷ niệm với những bạn nhỏ ở Mái ấm Hạnh Phúc
Với khóa 5, chuyến thực tế đầu tiên ở Nghĩa trang Hạnh Phúc và Trường Khuyết tật Nhân Ái cho môn Kỹ năng Nhiếp ảnh chắc chắn là một kỷ niệm khó quên của các bạn. Bởi, nó không chỉ là chuyến thực tế đầu tiên khi học tập tại Viện mà còn là điểm đến đầu tiên đưa các bạn tìm hiểu về một cuộc sống khác. Nơi các bạn tiếp xúc, gặp gỡ với những con người tuy có khiếm khuyết về cơ thể nhưng luôn tràn ngập tiếng cười và nghị lực sống. Bạn Tú Trâm chia sẻ “Những đứa trẻ khuyết tật đã dạy tôi một điều rằng: Cuộc sống vốn dĩ bất công nên tại sao ta không tự đứng lên thay đổi cuộc sống của mình”. Và tại nơi đây, bạn Thanh Triều đã từng có những suy tư rất riêng “Chúng hỏi về tôi một cách say sưa như muốn bù đắp những mất mát thế giới bị khiếm khuyết của mình, giây phút đó tôi đã tự hỏi ‘Không thể nghe tức không thể nói ư?’ ‘Ngay lập tức tôi đã có câu trả lời: Sai rồi, trái tim có thể vẽ nên những gì chúng tôi muốn nói. Tôi hy vọng, một ngày nào đó tôi sẽ đến đó lần nữa và giúp chúng nghe và nói theo những cách ấm áp và chân tình nhất”.
Và những kỷ niệm cùng cả lớp trong chuyến thực tế đầu tiên
Một chia sẻ rất chân thành từ bạn Nguyễn Viết Nhân về kỷ niệm trong chuyến thực tế đầu tiên “Đó là một đêm tuyệt vời, trong đời sẽ không nghĩ rằng có 1 lần được ngủ ở Nghĩa trang, ban đầu có hơi hồi hộp vì chung quanh là hơn 6000 nấm mộ. Nhưng khi đêm xuống phong cảnh xung quanh từ tối đen dần dần hiện ra mờ ảo nhờ ánh trăng , mọi người quây quần bên nhau cùng chơi cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi trăn trở trong học vẽ… Khi nằm trên tháp đài ,ngửa mặt lên , trên đầu là ánh trăng sáng tròn mười sáu, gió thoang thoảng cảm xúc dâng trào trong yên bình, tay đưa cao tưởng chừng như có thể chạm đến được ánh trăng…Đến bây giờ tôi vẫn không quên cái khoảnh khắc kỳ diệu đó…”
Và khi dùng một từ để nói về CMA, Minh Phương đã chọn từ “ĐẶC BIỆT” với lý giải “Tại đây mình được là chính mình, bước chân vào đây mình không thấy sợ hãi, lạc lõng. Xung quanh mình là những người có cùng đam mê với mình”. Cùng suy nghĩ đó, bạn Hồng Đức cho rằng “CMA thật CHẤT và ĐỘC, không giống ai hết, năng động, sáng tạo và cởi mở”.
Cùng cố gắng cho ước mơ
Mỗi nghề nghiệp đều có những đặc trưng và sự bí ẩn riêng. Và nhiệm vụ của người mới vào nghề chính là tìm ra sự bí ẩn ấy, từ từ tìm ra chìa khóa của riêng mình và mở cánh cửa nghề nghiệp đang chờ phía trước. Viện Truyện tranh và Hoạt hình hy vọng các bạn khóa 5 sẽ mạnh mẽ tiến về “cánh cửa” nghề nghiệp và khai phá mảnh đất riêng của chính mình với tất cả đam mê và kỹ năng trau dồi từng ngày.
Hiền Đặng
[owl]