100 năm hoạt hình Nhật Bản: Anime từ những buổi đầu - Comic Media Academy

100 năm hoạt hình Nhật Bản: Anime từ những buổi đầu

16/03/2017

100 năm đã trải qua. 100 năm trong một chặng đường dài hình thành và phát triển của hoạt hình Nhật Bản. 100 năm để đưa anime trở thành một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Nhật. Ngay từ khi xuất hiện vào năm 1917, anime đã mang đến một dự cảm về sự tác động mạnh mẽ trên bản đồ hoạt hình thế giới.

100 năm hoạt hình Nhật Bản khẳng định vị trí của anime trên bản đồ hoạt hình thế giới

100 năm hoạt hình Nhật Bản – Một sức hút riêng từ Anime

Anime là từ mượn của tiếng Anh từ chữ animation có nghĩa là phim hoạt hình. Anime được dùng để chỉ các bộ phim hoạt hình sản xuất theo vẽ tay hoặc vẽ máy và mang phong cách Nhật Bản.  

Vào những năm đầu thế kỷ XX, các nhà làm phim Nhật Bản tiến hành thử nghiệm các kỹ thuật hoạt hình đang được phát triển tiên phong tại Pháp, Đức, Mỹ, Nga, đánh dấu cho sự khởi đầu của hoạt hình Nhật Bản. Tiếp nối quá trình sản xuất đặc trưng của hoạt hình thế giới, quy trình làm phim hoạt hình anime bao gồm storyboard, lồng tiếng, thiết kế nhân vật,…

Giai đoạn khởi tạo

Một trích đoạn trong Namakura Gatana, được xem là bộ phim hoạt hình đầu tiên của anime 

Năm 1917 hẳn là một năm đáng ghi nhớ của hoạt hình Nhật Bản khi tác phẩm Namakura Gatana có thời lượng hai phút của họa sĩ Kouchi Junichi được trình chiếu công khai. Tác phẩm xoay quanh một samurai ngốc nghếc đã mua phải thanh kiếm có lưỡi cùn. Anh chàng phải vượt qua rất nhiều thử thách để đổi lại thanh kiếm tinh xảo khác. Tuy nhiên, nhiều ghi chép cho rằng bộ phim hoạt hình Nhật Bản xuất hiện sớm nhất là Katsudo Shashin, một tác phẩm không công khai do một tác giả vô danh thực hiện. Đó thực chất chỉ là một đoạn clip ngắn về hình ảnh một cậu bé mặc đồ thủy thủ đang viết lại tựa đề phim trên chiếc bảng.

Tấm ảnh chuyển động anime

Katsudo Shashin, tác phẩm chưa xác định được tác giả 

Trải qua thời gian dài hình thành và khẳng định vị trí trong nước, anime đã có thể vượt ra khỏi phạm vi xứ anh đào khi bộ phim hoạt hình Momotaro (Cậu Bé Quả Đào) phổ biến rộng rãi trên quốc tế. Tác phẩm dựa trên một câu chuyện cổ tích dân gian về hai ông bà lão đã nhặt được một quả đào ở suối. Khi đem về nhà bổ ra thì có một cậu bé chui từ trong đào ra, lớn nhanh như thổi và trở thành một vị tướng nổi danh tại Nhật. Momotaro do họa sĩ Kitayama Seitaro phát triển và Seo Mitsuyu làm đạo diễn.

Momotaro phổ biến rộng rãi trên quốc tế

Tuy vậy, hoạt hình Nhật Bản vẫn chưa thể tìm ra con đường để trở thành loại hình giải trí được yêu thích. Giữa lúc đó, Tezuka Osamu xuất hiện như một nhà tiên phong cho ngành hoạt hình Nhật Bản. Từ một họa sĩ manga với nhiều bộ truyện xuất sắc, Tezuka Osamu bước sang lĩnh vực hoạt họa để góp phần đưa anime trở thành một loại hình giải trí được yêu thích tại Nhật Bản và truyền cảm hứng cho các họa sĩ kế thừa. 

Giai đoạn phát triển bùng nổ 

Thành công của phim hoạt hình dài Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn do Walt Disney sản xuất đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều họa sĩ hoạt họa Nhật Bản, trong đó có Tezuka. Ở thời điểm đội ngũ hoạt họa chưa có nhiều kinh nghiệm, ông đã tìm cách mô phỏng lại và giản lược hóa nhiều kỹ thuật hoạt hình của Walt Disney nhằm giảm bớt chi phí và giới hạn số khung trong quá trình sản xuất. Thành quả đầu tiên mà Tezuka và ekip của ông thực hiện là bộ phim Three Tales phát sóng vào năm 1960, là anime đầu tiên được trình chiếu trên sóng truyền hình. Đồng thời đưa đến sự ra đời của loạt anime dài tập đầu tiên là Otogi Manga Calendar phát sóng từ 1961-1964 trên truyền hình.  

Một phần trong Three Tales, anime đầu tiên trình chiếu trên truyền hình

Từ những năm 1980, anime bắt đầu được đón nhận nhiều hơn tại Nhật Bản. Đi cùng với sự phát triển bùng nổ của anime là sự lớn mạnh và lan tỏa của manga trong và ngoài nước. Manga đạt đến đỉnh cao trong thập niên 80 và 90, trở thành tiền đề cho anime phát triển. Những bộ manga ăn khách khi được chuyển thể thành anime đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ và đưa anime đến gần hơn với công chúng. Sau một vài phiên bản anime chuyển thể từ manga, anime đã nhận được nhiều sự đón nhận tại thị trường nước ngoài.

Vươn ra thế giới 

Anime từ những năm 1990 đã thực sự lan rộng ra thế giới và nhận được nhiều sự chú ý khi bước sang thế kỷ 21. Sau Tezuka, Miyazaki Hayao chính là huyền thoại tiếp theo của hoạt hình Nhật Bản khi bộ phim Spirited Away của xưởng hoạt hình Ghibi do ông làm đạo diễn đã nhận được nhiều phản hồi tích cực cùng giải thưởng danh giá: Giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Berlin, giải Oscar cho Phim hoạt hình hay nhất tại Oscar 75 năm 2003.

Spirited Away, tác phẩm đưa anime Nhật vươn ra thế giới

Thành công của Spirited Away càng chứng minh cho hoạt hình thế giới thấy anime không phải là một đối thủ đơn giản. Bên cạnh đó, Miyazaki và Ghibli đã góp phần không nhỏ đưa anime Nhật Bản du nhập vào thị hiếu của công chúng thế giới, khẳng định anime là một loại hình giải trí ăn khách tại Nhật Bản, một thứ nghệ thuật cao quý đáng trân trọng.

100 năm hoạt hình Nhật Bản Ghibli đóng góp cho sự phát triển của anime

Xưởng phim hoạt hình Ghibli đóng góp không hề nhỏ cho sự lớn mạnh của anime

Anime xuất hiện như một lẽ tất yếu khi manga thời điểm đó khá phát triển và điện ảnh Nhật cần một hình thức thể hiện mới, thu hút người xem hơn. Từ buổi đầu gặp nhiều khó khăn cho đến giai đoạn cố gắng định hình phong cách riêng, ở thời điểm hiện tại anime đã trở thành một trong những loại hình giải trí không thể thiếu trong đời sống của người Nhật cũng như cộng đồng fan yêu thích anime trên thế giới – cộng đồng otaku. 

Hiền Đặng tổng hợp

>>> Tiếp theo: 100 năm hoạt hình Nhật Bản: Top 7 anime đỉnh cao của người Nhật