Những ai mê đọc truyện tranh từ nhỏ chắc hẳn cũng yêu thích những câu chuyện về đề tài chiến tranh. Không như những phương tiện truyền thông khác, truyện tranh phản ánh chiến tranh và xung đột qua góc nhìn của người dân – từ ủng hộ cho đến hoài nghi về mục đích và triển vọng của cuộc chiến.
——————————————————————————————————–
Trong tâm trí công chúng Mỹ, chiến tranh Việt Nam chứa đựng nhiều điều đáng suy ngẫm. Những điều này được phản ánh rõ trong phim như The Deer Hunter và Apocalypse Now, trong tiểu thuyết ăn khách, và trong hồi ký về hậu quả chiến tranh.
Chiến tranh Việt Nam chứa nhiều điều đáng suy ngẫm trong tâm trí người dân Mỹ.
Được công chiếu vào ngày 17/9/2017, phim tài liệu The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) của đạo diễn người Mỹ Ken Burns xoay quanh câu hỏi: Chiến tranh Việt Nam có hao người, tốn của hay không? Nó có triển vọng chiến thắng hay thất bại ngay từ trong trứng nước? Nó để lại bài học và di sản gì? Ai cũng biết chiến tranh Việt Nam được phát động trong nỗ lực ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản, nhưng nhiều người quên rằng nó là “vũng lầy” trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Truyện tranh là tiếng nói của người dân
Lịch sử chiến tranh thường được phản ánh qua những trận đánh lớn dưới góc nhìn của giới tướng lĩnh và chính trị gia cầm quyền. Trong khi đó, truyện tranh Mỹ thường phản ánh thời cuộc và những biến động chính trị qua góc nhìn của người dân.
Superman đấu tranh với cái xấu trong thời kỳ Đại suy thoái. Captain American đối đầu với gã phát-xít độc tài Red Skull trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ hai. Tony Stark hóa thân thành Iron Man trong thời kỳ chiến tranh lạnh. X-Men ra đời cùng với phong trào dân quyền. Do đối tượng đọc truyện tranh đa phần là người dân, nên không có gì lạ khi truyện tranh phản ánh tiếng nói của người dân.
Truyện tranh trong những năm sau này vẫn tiếp tục phản ánh những sự kiện chính trị qua góc nhìn của người dân, chẳng hạn như phong trào Tea Party (Đảng Trà), sứ mệnh hòa bình thất bại tại Iran,…
Theo lời của nhà sử học người Pháp Pierre Nora, “Truyện tranh buộc chúng ta phải đối diện với sự thật lịch sử phũ phàng… bị rơi vào quên lãng trong xã hội hiện đại do thời thế thay đổi.”
Nói cách khác, truyện tranh chuyên nghiệp là một hình thức ghi chép lịch sử. Chúng phản ánh chân thật những biến cố lịch sử qua góc nhìn của người dân.
Từ người hùng hiếu chiến trở thành thường dân yêu chuộng hòa bình
Truyện tranh chuyên nghiệp ra đời trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam cũng không khác gì so với trước kia.
Chiến tranh Việt Nam, người lính và cựu chiến binh trở về được đưa vào truyện tranh chính thống như The Amazing Spider Man, Iron Man, Punisher, Thor, The X-Men, Daredevil,… Tuy nhiên, hình ảnh người lính thay đổi rất nhiều theo diễn biến của chiến tranh.
Truyện tranh trước năm 1968 đi theo xu hướng ủng hộ chiến tranh. Các câu chuyện xoay quanh trận chiến giữa người hùng Mỹ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và bộ đội Bắc Việt. Chúng gợi nhớ đến truyện tranh thời Thế chiến thứ hai, nơi người tốt, kẻ xấu được phân định rõ ràng.
Có sự phân định rõ ràng giữ “Nam” và “Bắc” Việt Nam trong truyện tranh trước giai đoạn 1968- thể hiện thái độ ủng hộ chiến tranh của truyện tranh Mỹ.
Tuy nhiên, khi phong trào phản chiến bắt đầu bùng nổ và dư luận đổi chiều về chiến tranh Việt Nam, truyện tranh chuyển sang đề cập dư chấn chiến tranh. Các câu chuyện thường kể về những cựu chiến binh trở về từ chiến tranh Việt Nam, chật vật trở lại với cuộc sống đời thường, bị ám ảnh khủng khiếp bởi chiến tranh, xót thương cho người bị bỏ lại tại chiến trường.
Sự chuyển biến từ người hùng hiếu chiến thành thường dân yêu chuộng hòa bình đã tạo nên xu hướng trong phim Hollywood về đề tài chiến tranh.
Không có “siêu nhân” trong The ‘Nam
Được sáng tác bởi cựu chiến binh Mỹ Doug Murray và Larry Hama, bộ truyện The ‘Nam (1986 – 1993) của Marvel Comics phản ánh khả năng vừa kể chuyện quá khứ, vừa đề cập vấn chính trị hiện tại. Các câu chuyện dung hòa giữa chủ nghĩa yêu nước cực đoan với chủ nghĩa hoài nghi thời hậu chiến.
Mỗi tập truyện được kể theo trình tự thời gian từ 1966 đến 1972 qua góc nhìn của một người lính tên là Ed Marks.
Trong phần giới thiệu tập 1, Hama viết, “Cứ mỗi tháng trôi qua trong thế giới thật là một tháng trôi qua trong truyện tranh… Những con người bình thường bị bệnh tật hành hạ. Những con người thật, không phải người hùng hoặc siêu nhân.”
The ‘Nam dài 84 tập, đan xen những biến cố lịch sử như cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 với những câu chuyện liên quan đến chiến dịch “Tìm và Diệt,” những mâu thuẫn cá nhân với sĩ quan chỉ huy, và những chuyện tình cảm riêng tư.
Ra mắt vào tháng 12/1986, The ‘Nam được giới phê bình khen ngợi hết lời và gặt hái thành công về mặt thương mại, vượt xa bộ truyện X-Men được yêu thích vào thời đó.
William Broyles, chủ biên tờ Newsweek, khen bộ truyện nói lên sự thật nghiệt ngã về chiến tranh, khi Jan Scruggs, Chủ tịch Quỹ Tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, thắc mắc bộ truyện có nhằm vào chủ đề chiến tranh hay không.
The ‘Nam được hội cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam công nhận là tác phẩm khắc họa rõ nét nhất về chiến tranh Việt Nam, “ăn đứt” phim Platoon (Trung đội) của đạo diễn Oliver Stone.
Truyện tranh không đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật, nó còn là nơi hồi tưởng về chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh truyền cảm hứng cho các cựu chiến binh, nạn nhân, và nhà sử học tái hiện những câu chuyện có thật, gây nhiều tranh cãi, không lời kết, tiếp nối sau phim tài liệu của Burns.
Nhà văn đoạt giải thưởng văn học Pulitizer Nguyễn Thanh Việt từng viết, “Mọi cuộc chiến đều diễn ra hai lần. Lần thứ nhất là trên chiến trường, lần thứ hai là trong ký ức.”
CMAVN dịch và biên tập.