Cách tạo một kịch bản truyện tranh hấp dẫn - Comic Media Academy

Cách tạo một kịch bản truyện tranh hấp dẫn

17/07/2015

kịch bản truyện tranh

Thành công của bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt đánh dấu sự trở lại của truyện tranh trên thị trường văn hóa Việt. Cùng với những thành công này, thị trường truyện tranh Việt ngày càng khởi sắc và mở rộng.

Sự khởi sắc của truyện tranh Việt phải kể đến bộ truyện Long Thần Tướng. Long Thần Tướng là bộ truyện được đánh giá khá gần gũi và thành công khi kể về những câu chuyện lịch sử nhưng gắn liền với cuộc sống thời bấy giờ. Những tác giả của Long Thần Tướng hướng tới mục tiêu đưa truyện tranh thoát khỏi khái niệm Truyện tranh là hình thức giải trí chỉ dành cho thiếu nhi.

Vậy, giải pháp nào có thể đập tan khái niệm gò bó trên và đưa truyện tranh Việt phát triển? Đó chính là kịch bản truyện tranh.

>>> Bạn có quan tâm đến Khóa học viết kịch bản truyện tranh ?

Hình 1Thần Đồng Đất Việt – Bộ truyện đánh dấu sự trở lại của truyện tranh Việt 

Tầm quan trọng của kịch bản

Kịch bản được xem là phân đoạn khá quan trọng và cốt lõi trong quá trình sáng tác, vẽ truyện tranh. Trước khi sáng tác một bộ truyện tranh, tác giả cần phải có một kịch bản hoàn chỉnh. Theo đó, người kể chuyện là người khơi mào và dẫn dắt câu chuyện. Với thủ pháp xây dựng nhân vật và chọn lọc, gắn kết chuỗi sự kiện, người kể dẫn dắt độc giả tin vào câu chuyện và cảm thấy mình là một nhân vật trong truyện. Bên cạnh đó, người kể chuyện khéo léo đặt độc giả vào từng tình huống và buộc họ tò mò khám phá, tìm ra kết quả của câu chuyện.

Tuy nhiên, trong truyện tranh, để tạo ra một câu chuyện có kịch bản chi tiết không phải là một việc dễ dàng. Bởi câu chuyện được kể trong truyện tranh hoặc phim có thể diễn ra trong một khoảnh khắc hoặc vài giờ, vài ngày, vài thập kỷ. Nhưng bạn chỉ có số khung, trang nhất định cho từng bộ truyện hoặc thời lượng nhất định cho từng bộ phim để kể câu chuyện đó. Vì thế bạn phải biết cách chọn lựa những chi tiết sao cho duy trì được hình ảnh và tính kết nối, gắn kết của toàn bộ câu chuyện.

Phần cốt lõi trong kịch bản là cốt truyện và thông điệp

Mỗi bộ truyện tranh đều truyền tải một thông điệp nhất định. Thông điệp được ví như bộ não của câu chuyện. Nhân vật là trái tim, là hệ tuần hoàn của câu chuyện. Cấu trúc kể của câu chuyện đóng vai trò là khung xương, còn bối cảnh truyện và tiết tấu là lớp da bao bọc bên ngoài. Để thu hút độc giả, bạn phải biết cách bỏ qua và sắp xếp các tình tiết để tạo kịch tính cho câu chuyện.

Long Than Tuong-2Một trang trong truyện Long Thần Tướng – Ảnh: Thu Hiền

Trước khi bước vào làm kịch bản, bạn cần phải có một cốt truyện hoàn chỉnh. Cốt truyện là những tình huống, tình tiết được tác giả chọn lọc để phác thảo một chuyến hành trình tịến đến mục tiêu của nhân vật. Những động cơ thúc đẩy nhân vật, diễn tiến của hành vi nhân vật làm tác nhân thúc đẩy diễn tiến câu chuyện. Cần phải vạch ra những áp lực ấn tượng để tính cách và bản chất của nhân vật được bộc lộ. Cốt truyện và nhân vật là 2 mặt của một vấn đề, luôn song hành cùng nhau để tạo nên câu chuyện hấp dẫn và lôi cuốn, tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện. Từ cốt truyện, bạn có thể tạo ra một kịch bản chi tiết và chặt chẽ.

Bên cạnh đó, phần mở đầu và kết chuyện rất quan trọng. Bạn phải có phần mở đầu vững chắc và lôi cuốn độc giả. Bạn phải đánh trúng cảm xúc của người xem. Điểm cao trào cần mạnh mẽ, lay động lòng người và tạo cảm giác mong chờ. Tình huống trong truyện phải hợp logic, có cao trào và gỡ được nút thắt khi kết thúc truyện

Đoạn kết phải khiến người xem cười hoặc khóc vì câu chuyện. Bạn có thể chọn hình thức kết thúc cho phù hợp với cốt truyện. Phần đông độc giả thích đoạn kết bất ngờ, nhưng đừng vì vậy mà cố “nhào nặn” cho ra đoạn kết như thế. Tuy nhiên, đoạn kết rập khuôn, dễ đoán trước đôi khi đem lại kết quả ngoài mong đợi.

Một kịch bản hay và chi tiết sẽ tạo ra một bộ truyện hấp dẫn và ghi dấu ấn trong lòng độc giả. Chính vì vậy, quá trình tạo ra một bộ truyện tranh không thể thiếu công đoạn chuẩn bị kịch bản với những tình huống, tình tiết chắc chắn. Có như vậy, bộ truyện mới thu hút và tạo ra được hiệu ứng trong cộng đồng những người yêu truyện tranh.

Thu Hiền

(Bài viết có sử dụng một số dữ liệu từ Facebook Fanpage Kịch Bản Truyện Tranh)