Webtoon: Loại hình truyện tranh hot nhất hiện nay – Phần 2 - Comic Media Academy

Webtoon: Loại hình truyện tranh hot nhất hiện nay – Phần 2

23/10/2019

Đây là bài viết tiếp theo của Phần 1 và cũng là bài viết cuối cùng của loạt bài “Webtoon: Loại hình truyện tranh hot nhất hiện nay.”

Về “Webtoon: Loại hình truyện tranh hot nhất hiện nay – Phần 1”, bạn có thể xem tại đây .

Đa phương tiện, đa nền tảng

Do webtoon dựa trên nền tảng mạng, nó trở thành nơi kết hợp nhiều phương tiện với nhau để tạo hiệu ứng và thể loại mới đặc sắc. Thuật ngữ “đa phương tiện, đa nền tảng” thường được dùng để miêu tả quy trình sản xuất webtoon tại Hàn Quốc và phương pháp kiến tạo thế giới hư cấu trong câu chuyện. Phần này đề cập hai khía cạnh của sáng tác đa phương tiện, đa nền tảng. Thứ nhất là tính khả thi của việc kết hợp nhiều phương tiện trong sáng tác truyện tranh và phát hành nó trên nhiều nền tảng khác nhau. Thứ hai là kể chuyện qua nhiều phương tiện, nhiều nền tảng khác nhau (transmedia storytelling).

Khác với truyện tranh giấy, webtoon là nền tảng cho sự kết hợp các phương tiện, chẳng hạn như nhạc nền (background music) để giúp truyền tải cảm xúc và nhấn mạnh bầu không khí trong câu chuyện. Ví dụ, webtoon Kurŭm ŭi norae (Bài hát của những đám mây) của Horang có đoạn miêu tả những thành viên trong ban nhạc, được lồng nhạc nền để giúp nhấn mạnh cốt truyện. Các ca khúc trong webtoon sau này được phát hành dưới dạng album riêng.

Hình 8: Webtoon Kurŭm ŭi norae của Horang (2009 – 2910).

Những video clip ngắn đôi khi được lồng ghép vào webtoon. Năm 2009, Yun T’ae-ho phát hành webtoon SETI, khai thác tối đa tiềm năng đa phương tiện của loại hình truyện tranh này để lồng ghép TV drama vào webtoon, và cho ra đời thể loại mới mang tên “Webtoon drama.” Yun thiết kế nhân vật dựa trên ảnh chụp diễn viên, thỉnh thoảng chuyển bản vẽ cho nhà sản xuất phim truyền hình để nhờ họ điều chỉnh cho giống nhân vật trong TV drama. Trong quá trình hợp tác sản xuất, hai bên cắt video clip từ TV series để chèn vào cuối mỗi tập webtoon.

Webtoon lồng ghép video clip này nằm trong chiến lược quảng cáo của hãng Canon nhằm chứng minh máy ảnh giá rẻ có những tính năng không thua kém gì máy ảnh chuyên dụng đắt tiền. Ngoài ra, webtoon trên nền tảng kỹ thuật số cũng cho phép khai thác công nghệ 3D để tạo nhân vật và background chân thực hơn, màu sắc tinh tế hơn, không gian và thời gian giống như trong phim. Webtoon dễ chuyển thể thành phim và TV drama nhờ có tính lồng ghép.

Ngay cả webtoon phiên bản giấy cũng tích hợp tính năng xem trên nhiều nền tảng. Webtoon phiên bản giấy đa phần được nhà xuất bản phát hành sau khi chúng được đăng thử nghiệm trên Cổng thông tin điện tử hoặc blog cá nhân. Tuy nhiên, nếu tác giả của loại hình truyện tranh mới nổi này là họa sĩ nổi tiếng, được đông đảo độc giả yêu thích, thì trong một số trường hợp, nhà xuất bản sẽ chủ động đề nghị tác giả hợp tác sản xuất và phát hành webtoon phiên bản giấy. Khi ấy, webtoon phiên bản giấy thường được phát hành song song với phiên bản web trên Cổng thông tin điện tử. Webtoon phiên bản giấy vẫn giữ nguyên bố cục như phiên bản web, ngoại trừ trang kỹ thuật số được định dạng thành trang in. Một số webtoon phiên bản giấy có phiên bản kỹ thuật số đi kèm, cho phép xem trên nền tảng khác thông qua truy cập mã QR Code (Quick Response Code – mã phản hồi nhanh). Chomyŏng kage của Kang P’ul là một ví dụ điển hình.

Hình 9: Webtoon phiên bản giấy Chomyŏng kage của Kang P’ul (Seoul: Ungjin Ssingk’ŭbik, 2011).

Nếu chụp ảnh/quét mã QR Code trên webtoon phiên bản giấy bằng điện thoại di động, độc giả có thể xem truyện (thường dưới dạng video clip không lồng tiếng, dài khoảng 20 – 40 giây) thoải mái trên nền tảng di động.

Những webtoon đa phương tiện, được nhiều độc giả yêu thích thường được chuyển thể thành phim, TV drama, và nhạc kịch. Ví dụ, những webtoon ăn khách như Sunjŏng manhwa (Truyện tranh lãng mạn), Iut saram (Người hàng xóm), Pabo (Chàng ngốc), và Ap’at’ŭ (Căn hộ) của Kang P’ul, Ikki (Rêu) của Yn T’ae-ho đều được chuyển thể thành phim.

Hình 10: Webtoon phiên bản phim Ikki của Yun T’ae-ho (2008 – 2009).

Các nhà sản xuất phim thường tìm kiếm nguồn kịch bản mới qua webtoon, và nhanh tay ký hợp đồng với tác giả ngay cả khi webtoon chưa đăng hết trên mạng. Khi thấy webtoon được đăng tải liên tục trên mạng, độc giả thường kỳ vọng trong nay mai nó cũng sẽ có mặt trên nền tảng khác. Ví dụ, sau khi thấy webtoon P’ain của Yun T’aeho được đăng tải liên tục từ ngày 29/6/2014 đến 14/8/2015 trên Cổng thông tin Daum, độc giả bắt đầu đoán già đoán non rằng nó sớm muộn gì cũng được chuyển thể thành phim. Một số độc giả thậm chí còn hào hứng lập hẳn danh sách phân vai và chia sẻ nó qua mục bình luận ở cuối mỗi tập webtoon.

Misaeng (Cuộc sống không trọn vẹn) của Yun T’aeho – một trong những webtoon được yêu thích nhất tại xứ sở kim chi – là minh chứng tiêu biểu cho sáng tác và phát hành đa phương tiện, đa nền tảng, đa thể loại.

Hình 11: Webtoon Misaeng của Yun T’aeho (2012 – 2013).

Được phát hành định kỳ trên Cổng thông tin Daum từ tháng 1/2012 đến 7/2013, Misaeng miêu tả cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn của chàng trai trẻ Chang Kŭrae. Anh là tuyển thủ cờ vây chuyên nghiệp, nhưng do còn trẻ người non dạ, nên cuối cùng anh đành đi làm công nhân thời vụ cho công ty thương mại tổng hợp. Webtoon cho thấy nỗ lực tìm hiểu con người, cuộc sống, và xã hội của anh; thâm nhập thế giới của người làm công ăn lương, tệ nạn tham nhũng, đấu đá tranh giành quyền lực trong công ty. Nhiều người làm việc cho công ty Hàn Quốc đồng tình với nội dung webtoon. Bên cạnh đó, webtoon cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả tuổi trung niên, thậm chí cả độc giả tuổi teen. Trong và sau thời gian đăng tải trên mạng, webtoon ra thêm phần tiền truyện và hậu truyện, được chuyển thể thành TV drama và webtoon tập đặc biệt. Do webtoon dành cho mọi đối tượng độc giả, không riêng gì trẻ em, nên những sản phẩm ăn theo như văn phòng phẩm, nước giải khát, ly giấy, tất, vớ… cũng gặt hái thành công ngoài dự đoán.

Lối kể chuyện đa phương tiện, đa nền tảng, đa thể loại là yếu tố giúp biến Misaeng thành trào lưu hot trên mạng. Mấy tháng trước khi tập cuối Misaeng được đăng trên mạng, Daum Communication, cơ quan chủ quản của Kênh thông tin Daum, cho chuyển thể webtoon Misaeng thành phim ngắn Misaeng: p’ŭriqwŏl (Cuộc sống không trọn vẹn tiền truyện). Tháng 5/2013, phim tiền truyện (prequel) này được phát hành qua ứng dụng trên điện thoại di động, trong khi webtoon vẫn được đăng tải đều đặn trên mạng. Phim tiền truyện xoay quanh câu chuyện chưa kể về cuộc sống của nhân vật chính trong webtoon trước khi đi làm công nhân thời vụ cho công ty thương mại. Phim tiền truyện chẳng những làm phong phú thêm câu chuyện, mà còn cung cấp cho khán giả/độc giả mảnh ghép còn thiếu trong webtoon Misaeng.

Không lâu sau khi đăng trọn bộ webtoon trên mạng, từ ngày 23/7 đến 13/8/2013, Yun T’aeho làm thêm bốn tập hậu truyện (epilogue). Một trong bốn tập hậu truyện bật mí hậu trường sáng tác webtoon, từ nghiên cứu những địa danh có thật để lấy làm bối cảnh cho câu chuyện đến phỏng vấn những người làm trong Hiệp hội Cờ vây Hàn Quốc (Korean Go Association) và công ty thương mại. Tuy nhiên, ba tập còn lại kể về chuyến du lịch của Yun đến đất nước Jordan – địa danh xuất hiện trong những tập đầu của webtoon, và được lấy làm bối cảnh chính trong Misaeng II mà Yun hứa sẽ cho ra mắt trong thời gian tới. Misaeng II hiện đang được phát hành định kỳ. Khác với truyện tranh siêu anh hùng Mỹ, hầu hết truyện tranh Hàn Quốc không có phần hậu truyện. Webtoon và truyện tranh Hàn Quốc ngày càng mang dáng dấp của tiểu thuyết hình ảnh (graphic novel), thường dài từ 2 – 10 tập với mỗi tập dày khoảng 200 – 300 trang, và không ra phần tiếp theo. Do đó, Misaeng II được xem là trường hợp “vô tiền khoáng hậu” trong văn hóa truyện tranh Hàn Quốc. Phần kết của TV drama được viết dựa theo ghi chép của Yun về chuyến du lịch đến Jordan. Phần hậu truyện không chỉ kết nối thế giới thực với thế giới hư cấu mà còn góp phần mở rộng thế giới hư cấu trong Misaeng.

Năm 2014, tức một năm sau khi webtoon được đăng tải trên mạng, Misaeng phiên bản TV drama được lên sóng truyền hình và tiếp tục “hâm nóng” trào lưu Misaeng. Mặc dù TV drama được viết bởi người khác, nhưng cốt truyện và lời thoại vẫn trung thành với phiên bản webtoon, ngoại trừ tập cuối. Như đã đề cập ở trên, nội dung tập cuối TV drama được viết dựa theo tập hậu truyện của Yun – tập giới thiệu về đất nước Jordan, nơi được lấy làm bối cảnh chính trong Misaeng II. Misaeng II kể tiếp câu chuyện về những ngày đầu đi làm của nhân vật chính cho công ty thương mại Jordan. TV drama đóng vai trò là bản preview của webtoon Misaeng II.

Một ngày trước khi tập đầu tiên của TV drama được phát sóng, Yun ra mắt thêm 5 tập đặc biệt của webtoon Misaeng để làm cho câu chuyện trở nên phong phú hơn nữa. Năm tập truyện này hé lộ quá khứ của O Sangsik, ông chủ của nhân vật chính tại công ty thương mại, giải đáp thắc mắc của độc giả/khán giả về lý do tại sao đôi mắt của O có màu đỏ, và mắt đỏ tượng trưng cho điều gì. Sở dĩ webtoon tập đặc biệt được phát hành trước một ngày là nhằm mục đích quảng cáo cho TV drama. Misaeng là minh chứng cho thấy webtoon đã trở thành loại hình truyện tranh mới hiện nay, nhưng điều quan trọng hơn cả là chúng ta có thể làm lại webtoon cho phù hợp với nhiều phương tiện, nền tảng khác nhau.

*Nguồn: tcj

*Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy