Dave McCaig chia sẻ bí quyết tô màu truyện tranh - Comic Media Academy

Dave McCaig chia sẻ bí quyết tô màu truyện tranh

05/09/2019

 

Dave McCaig là họa sĩ tô màu với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc cho nhà xuất bản truyện tranh Mỹ. Ông cũng từng phụ trách tô màu series phim hoạt hình Batman.

Với tôi, trong sáng tác truyện tranh, tô màu là công đoạn thú vị nhất, bởi nó mang lại tính nghệ thuật cho câu chuyện kể. Trong bài viết dưới đây, tôi sẽ chia sẻ 12 bí quyết tô màu cho bản vẽ trắng đen để phong cảnh và nhân vật trở nên sinh động, bắt mắt hơn.

Màu sắc giúp mở rộng phạm vi truyện tranh, biến từng khung hình 2D thành cửa sổ mở ra thế giới đa sắc thái. Màu sắc trong khung hình hòa quyện vào nhau như giai điệu bài hát. Trước khi trình bày bí quyết tô màu, tôi xin giải đáp một số câu hỏi sau:

 

Tại sao nên sử dụng màu sắc trong truyện tranh?

Màu sắc giúp độc giả nắm bắt nhanh diễn biến câu chuyện mà không cần “nhét” lời thoại vào đầu họ, cũng như bắt buộc vẽ toàn bộ cảnh vật. Ví dụ, màu sắc đơn giản như bóng đổ màu xanh trên nền vàng tiết lộ cho độc giả biết đây là cảnh bình minh.

Màu sắc có những lợi ích đáng chú ý mà bản vẽ trắng đen không có được. Nó có khả năng truyền tải bầu không khí, thời điểm trong ngày, chuyển cảnh, mặt phẳng ảnh, và độ sâu trường ảnh.

Nên dùng phần mềm nào?

Photoshop CC là phần mềm tô màu truyện tranh thông dụng nhất từ trước đến nay, nhưng gần đây, điều này đã thay đổi bởi sự xuất hiện của Clip Studio Paint. Clip có tốc độ xử lý nhanh hơn rất nhiều ở một số tác vụ như tạo lớp màu phẳng (flat colour) nhờ xác lập cải tiến Paint Bucket tự động dò tìm và lấp đầy kẽ hở trong hình vẽ. Một cách tiết kiệm thời gian hiệu quả!

Nói vậy chứ tôi vẫn thích công cụ diễn họa sẵn có trong Photoshop. Ngoài làm việc trên PC ra, thỉnh thoảng tôi cũng “đổi gió” với Clip hoặc Procreate trên iPad Pro. Muốn biết phần mềm vẽ nào phù hợp với mình, bạn xem lại bài viết “Những phần mềm vẽ tốt nhất cho digital painting.

 

1.  Khởi đầu với màu phẳng

Tạo lớp màu phẳng là công đoạn không thể thiếu đối với họa sĩ tô màu trong ngành công nghiệp truyện tranh Mỹ. Ở công đoạn này, họa sĩ trình bày các hình vẽ phẳng, liền kề nhau trên lớp riêng, tách biệt với line art để dễ tạo vùng chọn trong quá trình diễn họa.

Để tiết kiệm thời gian, tôi thường giao công đoạn này cho họa sĩ tô màu phẳng chuyên nghiệp. Sau khi nhận lại bản vẽ màu phẳng, tôi sẽ tô màu chồng lên chúng thông qua công cụ Paint Bucket.

 

2. Không sử dụng quá nhiều lớp

Tôi nghĩ có họa điên mới tạo hàng chục lớp Photoshop trên trang truyện, bởi nó sẽ gây khó khăn cho theo dõi, quản lý lớp. Vì vậy, tôi thường chỉ giới hạn ở 3 – 4 lớp mà thôi, bao gồm lớp màu phẳng, lớp bản sao màu phẳng, lớp chứa đường nét, và đôi khi thêm 1 – 2 lớp chứa line art màu và/hoặc hiệu ứng ánh sáng. Gọn nhẹ và đơn giản!

 

3. Quyết định phong cách vẽ

Thông qua sử dụng công cụ Lasso hoặc Pencil, tôi có thể diễn họa theo phong cách anime cho dễ chỉnh sửa bằng Paint Bucket. Công cụ vẽ Airbrush tuy mang tính nghệ thuật cao hơn, nhưng mất nhiều thời gian chỉnh sửa. Lớp màu phẳng giúp chọn từng hình dễ dàng hơn để chỉnh sửa. Mỗi phong cách vẽ có những thế mạnh riêng, có thể kết hợp với nhau. Tôi thường vẽ background, và sử dụng màu phẳng cho nhân vật; hoặc giữ nguyên màu phẳng của mảng tối, và đi vào diễn họa mảng sáng.

 

4. Cân nhắc số lượng chi tiết cần đưa vào

Phong cách vẽ chi tiết, siêu thực tăng thêm sức nặng cho câu chuyện thông qua miêu tả kết cấu, râu ria,… Phong cách vẽ đơn giản không chú trọng quá nhiều vào chi tiết, để độc giả tự lấp đầy chỗ trống, và giúp đẩy nhanh tốc độ đọc.

Diễn họa càng đơn giản, màu sắc càng có sức biểu cảm cao. Ở đây, tôi không có ý đánh giá thấp chi tiết. Chi tiết giúp tăng thêm sức nặng và có giá trị quan trọng. Lược bỏ chi tiết có cả ưu điểm lẫn nhược điểm, và tôi luôn cân nhắc các tùy chọn diễn họa mỗi khi bắt đầu thực hiện tác phẩm mới.

 

5. Thêm cá tính riêng

Nhiều họa sĩ tô màu, cả kỳ cựu lẫn mới vào nghề, dựa vào màu background để làm nổi bật line art. Tôi thực sự không tán thành cách diễn họa này. Tác phẩm tuy phải được thực hiện dựa trên tinh thần hợp tác, nhưng thông qua lựa chọn màu sắc và hình thể, tôi hy vọng tác phẩm của mình mang đậm nét cá tính riêng, bất kể áp dụng cách diễn họa nào.

Nghệ thuật hợp tác giống như bạn ở trong một ban nhạc. Mọi thành viên cần chơi theo sở trường và thể hiện phong cách cá nhân của mình; nếu không, tác phẩm hợp tác sẽ trở nên tẻ nhạt.

 

6. Kể chuyện bằng màu sắc và hình vẽ

Màu sắc, đường viền bóng đổ, hoa văn,… là cách hiệu quả, tinh tế để hướng sự chú ý của độc giả vào nhân vật chính và action trong trang truyện. Trong trang truyện này, tôi sử dụng ba hình màu đỏ để hướng nhanh sự chú ý vào nhân vật chính mặc cho hình ảnh rối mắt xung quanh.

 

7. Xây dựng bầu không khí bằng màu sắc chọn lọc

Tôi cố gắng sử dụng màu sắc giúp củng cố câu chuyện. Những màu chuẩn như xanh lam hoặc tông màu không bão hòa ám chỉ bầu không khí tĩnh lặng hoặc ảm đạm; màu cam hoặc xanh lục ám chỉ chất độc hóa học tràn ngập trong không khí; màu đỏ bão hòa cảnh báo mối nguy hiểm sắp ập đến.

Màu sắc như thế này vừa giúp phân cảnh, vừa giúp độc giả hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra bên ngoài/giữa các khung hình. Nếu thực hiện dự án dài hơi, tạo bảng màu tùy biến (và gắn bó với nó) cũng là cách hay để xây dựng thế giới mang đậm nét riêng trong dự án đó.

 

8. Sử dụng giá trị màu để tạo mặt phẳng và hình bóng

Tôi thường dùng giá trị màu đậm, không bảo hòa cho mặt phẳng này, giá trị màu nhạt, bảo hòa cho mặt phẳng kia. Độ tương phản cao giúp làm nổi bật chủ thể trên mặt phẳng, và hướng mắt của độc giả vào nó. Giá trị màu không nhất thiết phải có tông màu khác nhau.

Tôi thấy khi nghĩ đến màu sắc, người ta thường chú trọng vào tông màu (hue) mà quên đi giá trị màu (value). Theo tôi, giá trị màu là thành phần tối quan trọng trong màu sắc, rồi mới đến tông màu và độ bão hòa (saturation).

 

9. Kiểm tra trang truyện ở thang độ xám

Photoshop tạo điều kiện dễ dàng cho kiểm tra giá trị màu. Nếu làm việc với nhiều mặt phẳng phức tạp, chồng lên nhau, tôi sẽ mở cửa sổ mới và đổi sang chế độ Grey proof. Điều này cho phép tôi làm việc trên file màu và nhận phản hồi thời gian thực về giá trị màu trên tab thứ hai. Đối với trang truyện ít phức tạp hơn, tôi thỉnh thoảng sử dụng phím nóng để chuyển sang chế độ Grey proof, kiểm tra, bảo đảm màu đỏ cùng những màu khác vẫn giữ nguyên giá trị màu.

 

10. Giới hạn bảng màu

Tôi cố gắng trung thành với những chọn lựa giá trị màu, giới hạn bảng màu ở những màu sắc cần thiết cho câu chuyện. Màu sắc cần có lý do để hiện hữu, và nếu không phải là màu chủ đạo, nó thường sử dụng giá trị màu trung tính để giúp chìm vào background. Màu sắc càng đơn giản, sự thay đổi màu sắc càng có sức tác động mạnh mẽ, giúp độc giả nắm bắt chuyện gì quan trọng đang diễn ra.

 

11. Mở rộng canvas thông qua màu sắc

Sử dụng màu sắc để ám chỉ thế giới bên ngoài khung hình (off-panel) là một trong những phần việc ưa thích của họa sĩ tô màu. Tôi thường lồng ý tưởng vào môi trường nơi diễn ra câu chuyện. Mọi thứ được làm bằng chất liệu gì? Mặt trời nằm ở đâu trên bầu trời? Bao nhiêu giây phút trôi qua kể từ khung hình cuối? Tôi tự đặt những câu hỏi như thế này suốt cả ngày. Tôi không đơn giản tô màu những gì mình nhìn thấy trên trang truyện.

 

12. Ghi chép trước khi khởi sự

Ghi chép trong kịch bản (thời điểm trong ngày, chuyển cảnh,…) trước khi khởi sự. Hãy làm điều này trước tiên nếu bạn chưa có nhiều artwork và cần bắt tay ngay vào việc.

Nếu thời gian cho phép, bạn nên xem xét tất cả màu phẳng, bảo đảm chúng hòa quyện vào nhau như giai điệu bài hát. Xây dựng chủ đề và lồng ghép chúng vào từng cảnh truyện. Sử dụng màu sắc để nhấn mạnh những thành phần quan trọng trong câu chuyện. Bạn đang dẫn dắt độc giả vào chuyến hành trình đầy màu sắc; vì vậy, hãy làm cho nó trở nên thú vị hơn!

 

* Nguồn: creativebloq

* Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy