Triển lãm BEYOND THE SCREEN – nơi tôn vinh sáng tạo nghệ thuật số

Triển lãm BEYOND THE SCREEN – nơi tôn vinh sáng tạo nghệ thuật số

22/05/2023

Phòng trưng bày HOFA tại London tổ chức buổi triển lãm mới tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật số, thu hẹp khoảng cách giữa thế giới nghệ thuật và tiền điện tử.

Một ngày trước lễ khai mạc triển lãm BEYOND THE SCREEN tại phòng trưng bày HOFA (London), một trong các màn hình chẳng may gặp trục trặc.

Giám đốc truyền thông của HOFA, Emma-Louise O’Neill cho biết, “Đúng như dự liệu, chúng tôi luôn phải đối mặt với vấn đề kỹ thuật. Bất kể chúng tôi lên kế hoạch kỹ lưỡng đến đâu đi chăng nữa, chúng tôi vẫn không thể lường trước được sự cố kỹ thuật vào cuối ngày.”

Đây là một trong những rủi ro khi tổ chức triển lãm nghệ thuật số. Không giống như nghệ thuật vật lý, thường yên vị sau khi setup xong, nghệ thuật số dựa vào màn hình, máy chiếu, điện, và đôi khi cả Wifi để hoạt động. (May mắn cuối cùng, màn hình máy chiếu được sửa xong.)

Ê-kíp tại HOFA đã dành ra một tuần để sắp đặt triển lãm mới nhất, trưng bày chín tác phẩm trị giá 5 triệu USD (4,5 triệu euro) của các nghệ sĩ kỹ thuật số có tên tuổi và mới nổi.

Các tác phẩm – từ do AI tạo ra đến tranh kỹ thuật số – được trưng bày trên màn hình và chiếu lên tường tại phòng trưng bày rộng 500 m2 của HOFA ở Mayfair, London.

Tác phẩm trưng bày của nghệ sĩ người Azerbaijan ORKHAN tại triển lãm BEYOND THE SCREEN ở London.

HOFA là nhà vô địch trong lĩnh vực nghệ thuật số, nhiều năm qua đóng vai trò người đại diện cho giới nghệ sĩ kỹ thuật số. Vào năm 2018, HOFA thậm chí trở thành phòng trưng bày đầu tiên trên thế giới chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử cho bộ sưu tập của mình.

Elio D’Anna, nhà sáng lập HOFA, nói với Euronews Culture, “Việc bắt đầu chấp nhận tiền điện tử là bước đầu tiên thâm nhập vào toàn bộ vũ trụ Web3. Nó cho phép chúng tôi bắt tay vào phát triển công nghệ, cho phép chúng tôi khuyến khích giới nghệ sĩ làm việc trên lớp này.”

Thế giới tiền điện tử và thế giới nghệ thuật có mối quan hệ yêu-ghét, và HOFA có chân trong cả hai. Vào năm 2022, D’Anna ra mắt Artem Coin (ARTEM), đồng tiền điện tử đầu tiên được tạo ra cho thế giới nghệ thuật và thị trường hàng xa xỉ.

Tuy nhiên, ông cho rằng  cần phải giữ khoảng cách nhất định để tránh dính dáng đến mặt tiêu cực của tiền điện tử – đặc biệt khi nói đến NFT.

NFT bị mang tiếng xấu như thế nào trong thế giới nghệ thuật

“Cụm từ NFT bị mang tiếng xấu, đây là vấn đề lớn. Nó bị lạm dụng đến mức gây ác cảm với nhiều người.” D’Anna cho biết.

D’Anna giải thích, “HOFA tránh lạm dụng cụm từ này cho mục đích quảng cáo triển lãm.”

NFT – nổi lên như là giải pháp xác thực tác phẩm nghệ thuật số bằng cách ghi lại thông tin quyền sở hữu trên blockchain – hứng chỉ trích vì khuyến khích đầu cơ và biến tác phẩm nghệ thuật thành món đồ sưu tầm đơn thuần.

Tuy nhiên, NFT cũng tạo ra cơ hội cho nhiều nghệ sĩ, cho phép họ sở hữu và kiếm tiền từ tác phẩm của mình, bởi bất cứ ai cũng có thể đúc NFT.

Nhiều nghệ sĩ góp mặt tại triển lãm BEYOND THE SCREEN đã trở nên nổi tiếng trong giới NFT, trong số đó có nghệ sĩ NFT kiêm đồng giám tuyển triển lãm, Ovie Faruq.

Faruq, có nghệ danh là OSF, là thương nhân, nhà sưu tầm NFT trước khi quyết định đúc NFT của riêng mình, làm sống lại niềm đam mê nghệ thuật thời thơ ấu.

Faruq trải lòng với Euronews Culture, “Tôi không coi mình là nghệ sĩ giỏi, hoặc nghĩ mình sẽ thành công hay đại loại như thế, tôi chỉ làm vì đam mê.”

Tác phẩm nghệ thuật “Superfan” của OSF tại phòng trưng bày HOFA, London.

Phong cách của Faruq đã gây được thiện cảm với cộng đồng NFT, và anh thấy giá trị các tác phẩm của mình tăng vọt. Gần đây, tác phẩm “Carnaby Street” (Đường phố Carnaby) của anh được trả giá cao nhất tại buổi đấu giá của Sotheby’s.

Trên cương vị là đồng giám tuyển triển lãm BEYOND THE SCREEN, anh cho biết mục tiêu là đưa thế giới tiền điện tử và thế giới nghệ thuật xích lại gần nhau.

“Theo tôi nghĩ, giữa thế giới NFT và thế giới nghệ thuật truyền thống không có sự kết nối với nhau. Sở dĩ tôi muốn thâm nhập vào hai thế giới này là vì thấy có một số người cố tình bôi nhọ ngành công nghiệp thực sự được xem là rất thú vị và sáng tạo.”

Con người làm việc cùng với máy móc

Trong khi một số nghệ sĩ kỹ thuật số như Faruq sử dụng công nghệ làm công cụ sáng tạo tác phẩm nghệ thuật mới, thì những nghệ sĩ khác như Ivona Tau lấy nó để diễn giải tác phẩm sẵn có, và tạo ra tác phẩm mới trong quá trình này.

Tau là nghệ sĩ AI người Litva làm việc với mạng thần kinh tạo sinh (generative neural network) để tạo ra những bức tranh chuyển động dựa trên hàng ngàn ảnh gốc. Cô có bằng tiến sĩ ngành trí tuệ nhân tạo (AI), và luôn tâm niệm rằng khoa học và thực hành nghệ thuật là hai mặt của một đồng xu.

Tau trải lòng với Euronews Culture, “Tôi khám phá thế giới thông qua nhiếp ảnh bằng cách chụp ảnh môi trường nơi tôi đang sống. Tuy nhiên, tôi cũng khám phá thế giới thông qua toán học, bằng cách nghiên cứu khoa học máy tính, tìm hiểu nguyên lý hoạt động của máy tính, và học cách tạo ra chương trình nắm bắt bản chất phức tạp của vạn vật xung quanh chúng ta.”

Tác phẩm trưng bày của cô tại triển lãm BEYOND THE SCREEN là bức tranh chuyển động trừu tượng mang tên “Red Lighs in Hongdae” (Đèn đỏ ở Hongdae), khắc họa hình ảnh đường phố Seoul mà Tau đã ghi lại trong các chuyến du lịch của mình.

Cô cho biết đã sử dụng nhiều mô hình AI khác nhau để làm nổi bật đặc điểm của các bức ảnh – một mô hình AI được huấn luyện để nhận diện mẫu chữ đèn neon, một mô hình AI khác được huấn luyện với ảnh chụp thiên nhiên để làm nổi bật màu sắc trong ảnh.

Tác phẩm “Red Lights in Hongdae” của nghệ sĩ AI người Litva Ivona Tau.

Cô nói, “Ảnh động rất khác so với ảnh gốc. Đó là quá trình tìm hiểu và nhận biết các thành phần, nhưng tôi thích sử dụng mô hình AI như là cọ vẽ tinh vi theo một cách nào đó, và kết hợp chúng theo cách khó ngờ để khám phá xem điều gì sẽ xảy ra.”

Tau nói cô không lo AI sẽ thay thế các nghệ sĩ trong một sớm một chiều, bởi người ta vẫn luôn quan tâm đến khía cạnh con người trong nghệ thuật.

Cô nói tiếp, “Không có tác phẩm nghệ thuật AI nào mà không có con người đứng đằng sau nó. Bản thân AI không thể nói ra cái nó muốn tạo, nó cần người có khả năng xác định cái đó. Và tôi tin đây thực chất là thứ tạo nên nghệ thuật.”

Đẩy mạnh đầu tư vào thị trường nghệ thuật số

Thị trường nghệ thuật số toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 8,5 tỷ USD (7,7 tỷ euro) trong năm nay, riêng thị trường nghệ thuật AI được cho là đến năm 2026 sẽ đạt 1,8 tỷ USD (1,6 tỷ euro).

HOFA chứng kiến số lượng nhà sưu tầm nghệ thuật số và AI tăng 200% kể từ năm 2021. Một số nhà sưu tầm là người mới bước chân vào thế giới nghệ thuật, nhà đầu tư đến từ giới NFT.

D’Anna cho biết, “Chúng tôi đã chào đón nhiều nhà sưu tầm kỹ thuật số từ thuở đầu của kỷ nguyên NFT. Họ lớn lên cùng với sở thích của mình, và chúng tôi có thể giúp họ hiểu thêm về nghệ thuật đương đại.”

Số khác đến từ giới nghệ thuật truyền thống, mong muốn bổ sung tác phẩm kỹ thuật số vào bộ sưu tập của mình.

Nghệ thuật số có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với các nhà sưu tầm: dễ mua bán, cho phép sưu tầm tác phẩm với số lượng không hạn chế (nhà sưu tầm nghệ thuật vật lý thường gặp phải vấn đề về cất giữ), và có thể trưng bày ở bất cứ đâu – từ màn hình TV, laptop đến đồng hồ thông minh.

Maximilian Stahl, CEO của VHV Reasürans, là nhà sưu tầm nghệ thuật thế hệ thứ ba, bắt đầu bổ sung tác phẩm nghệ thuật số vào bộ sưu tập của mình cách đây mấy năm.

Tác phẩm “MESCO TETRO” của nghệ sĩ XCOPY tại triển lãm BEYOND THE SCREEN.

Ông chia sẻ với Euronews Culture, “Cái hay của nghệ thuật số là bạn không cần tăng không gian để trưng bày thêm tác phẩm nghệ thuật, vì tùy theo tác phẩm bạn mua, bạn có thể dùng chung màn hình.”

Stahl cho biết, “Giống như bao loại hình nghệ thuật khác, khoảnh khắc đầu tiên cần phải đặc biệt, nó cần thu hút sự chú ý của tôi, tôi cần đứng trước nó và thốt lên, “Chà, tôi chưa từng thấy thứ gì như thế này trước đây. Nếu tác phẩm chiếm trọn trái tim tôi, tôi sẽ mong muốn tìm hiểu thêm về nó, chẳng hạn như nó được tạo ra như thế nào? Dữ liệu nào được đưa vào? Quá trình sáng tác diễn ra ra sao?”

Triển lãm BEYOND THE SCREEN mở cửa cho công chúng tham quan từ ngày 5/5 đến ngày 26/5 tại phòng trưng bày HOFA, London.