Tiếp tục đếm ngược các bộ truyện tranh kinh dị hay nhất mọi thời đại.
10. Something is Killing the Children (2019 – Present)
Nội dung: Hãy tin lời nạn nhân. Điều này nghe có vẻ dễ dàng, nhưng thực tế hiếm khi đơn giản như vậy – ngay cả khi nạn nhân kể về những con quái vật thực sự. Trong series ăn khách Something is Killing the Children, một ngôi làng nhỏ tại thị trấn Archer’s Park là nơi săn mồi của lũ quái vật chuyên săn bắt trẻ em – và chỉ có trẻ em mới có thể nhìn thấy chúng. Khi thợ săn Erica Slaughter đến thị trấn này và tuyên bố mình có cách triệt hạ bọn quái vật, chính cô lại trở thành mục tiêu của những người dân thị trấn đang tìm kiếm câu trả lời cho hiện tượng kỳ quái trên.
Yếu tố kinh dị: Với Something is Killing the Children, James Tynion IV và Werther Dell’edera đã dung hòa được hai yếu tố tưởng chừng như trái ngược nhau. Câu chuyện bắt đầu bằng mô típ quái vật săn trẻ em quen thuộc, và rồi ý tưởng này bị đảo ngược thông qua việc trả thù của Erica Slaughter. Vòng xoáy luẩn quẩn giữa thợ săn và kẻ bị săn là một kịch bản được sắp đặt hoàn hảo cho sự căng thẳng, sợ hãi, sau đó câu chuyện đột ngột “phóng” người đọc về phía trước như một chuyến tàu lượn siêu tốc – dù biết điểm kết thúc, bạn vẫn ngồi vào và tận hưởng cảm giác hồi hộp mà nó đem lại.
9. Bitter Root (2018 – 2021)
Nội dung: Đến với Bitter Root, người đọc sẽ đặt chân đến thành phố New York vào những năm 1920, là lúc thời kỳ Phục hưng Harlem đang bùng nổ. Tại đây, ta sẽ gặp gỡ gia đình săn quái vật Sangerye, nơi mà tất cả mọi người đều có vai trò rõ ràng. Tuy nhiên, có một sự rạn nứt đang hình thành giữa các thành viên do mâu thuẫn đạo đức và chuỗi những bi kịch từng xảy ra trước đó, và điều này có thể gây hại cho toàn bộ nhân loại. Thật ra, gia đình Sangerye không phải chỉ đang đối mặt với bọn quái vật mà còn cả một hệ thống áp bức, phân biệt chủng tộc, và tội ác không thể tả xiết sẽ đẩy họ đến tột cùng giới hạn của mình.
Yếu tố kinh dị: Hai tác giả David F. Walker và Chuck Brown tạo ra sự căng thẳng đáng kinh ngạc ngay từ số đầu tiên của Bitter Root khi nhanh chóng đi thẳng vào nội dung chính của câu chuyện với nhịp độ dồn dập. Thêm vào đó, hoạ sĩ Sanford Greene còn đóng góp cho tác phẩm những nét vẽ cách điệu mạnh mẽ, làm nổi bật không chỉ những con quái vật đáng sợ mà còn cả sự hiểm ác của con người, đặc biệt là trong một tác phẩm siêu nhiên có bối cảnh lịch sử. Yếu tố kinh dị chỉ lên đến đỉnh điểm khi nó chạm đến cái ác thực sự, và Bitter Root không hề lảng tránh những gì đang ngấm ngầm diễn ra dưới bề mặt, hoặc lý do tại sao gia đình Sangerye phải chiến đấu hết mình.
8. The Plot (2019 – 2021)
Nội dung: “Để nhận lại, trước tiên bạn phải cho đi”. The Plot kể về Chase Blaine, người phải đứng ra làm giám hộ cho hai cháu MacKenzie và Zach sau khi anh trai và chị dâu của anh bị sát hại dã man. Chase và hai đứa trẻ quay trở lại ngôi nhà của gia đình ở Cape Augusta, nằm trên một bãi lầy đầy rẫy thế lực xấu xa luôn quấy rối nhà Blaine suốt nhiều thế hệ. Liệu Chase có thể làm gì khác ngoài việc che chở bọn trẻ và cố gắng thiêu rụi di sản của dòng họ nhà Blaine cùng những thứ đang ám ảnh nó?
Yếu tố kinh dị: Trong The Plot do Tim Daniel và Michael Moreci viết kịch bản, Josh Hixson vẽ, Jordan Boyd tô màu, và Jim Campbell sắp chữ, quái vật không chỉ là phép ẩn dụ cho bệnh tâm thần – chúng có thật, và chúng đeo bám từng người trong gia đình Blaine. Khi đọc truyện, độc giả sẽ khó tránh khỏi cảm giác rùng rợn như đang bị theo dõi trong từng trang truyện, cùng với bóng tối bao trùm khắp mọi ngõ ngách. Trong The Plot, câu chuyện đặc biệt đáng sợ vì có khả năng đánh động tâm lý người xem.
7. Cat Eyed Boy (1967 – 1976)
Nội dung: Họa sĩ Kazuo Umeza là cha đẻ của thể loại manga kinh dị, và với Cat Eyed Boy, ông mở rộng phạm vi khai thác nhiều khía cạnh kinh dị khác nhau – tất cả đều có sự góp mặt của cậu bé mắt mèo Cat Eyed Boy dễ thương nhưng nguy hiểm. Bị trục xuất khỏi xã hội quái vật vì quá giống con người, cậu bé quái vật sống lẩn khuất trong những căn gác tăm tối nơi thế giới loài người và cậu cần tìm một nơi để ở, từ đó những mối đe dọa siêu nhiên ập đến với mỗi gia đình mà cậu tìm cách tá túc.
Yếu tố kinh dị: Cat Eye Boy thu hút sự chú ý của độc giả như một phiên bản ma quái của chú mèo Cheshire trong Alice in Wonderland. Umezu sử dụng từng câu chuyện ngắn để đi sâu vào các thế lực siêu nhiên đáng sợ khác nhau luôn rình rập những vị chủ nhà nơi Cat Eyed Boy tá túc, và sức hấp dẫn của cậu bé quái vật ranh mãnh này cũng khiến cho tất cả mọi thứ trở nên đáng nhớ hơn.
6. The Drifting Classroom (1972 – 1974)
Nội dung: The Drifting Classroom của Kazuo Umezu có thể được ví như một sự kết hợp giữa hai tác phẩm Lord of the Flies của William Golding và Inferno của Dante Alighieri. Lược bỏ hoàn toàn yếu tố hài hước đen tối trong loạt truyện Cat Eyed Boy vừa kể trên, The Drifting Classroom theo chân các học sinh và giáo viên một trường tiểu học tại Nhật Bản. Sau một trận động đất làm nứt toang khuôn viên trường, tất cả giáo viên và học sinh bị đưa đến một vùng đất hoang tàn, nơi được tiết lộ chính là thế giới trong tương lai của họ. Người lớn và trẻ em chống lại nhau và thành lập liên minh, đồng thời phát triển những khả năng đặc biệt của riêng mình để có thể tồn tại trong một môi trường khắc nghiệt và điêu tàn.
Yếu tố kinh dị: Một lần nữa minh chứng rằng con người chính là động vật nguy hiểm nhất trên thế giới, The Drifting Classroom cho chúng ta thấy rõ, con người khi bị đẩy đến tận cùng giới hạn sẽ làm bất cứ điều gì để sinh tồn – bất kể họ là những giáo viên đầy trách nhiệm hay những cô cậu học sinh “ngây thơ”.
5. Victor Lavalle’s Destroyer (2017)
Nội dung: Victor Lavalle’s Destroyer xoay quanh một nhà khoa học là hậu duệ của gia đình Frankenstein. Cô sử dụng y thuật bí truyền của tổ tiên để hồi sinh người con trai duy nhất của cô – một thiếu niên da màu đã bị cảnh sát giết hại.
Yếu tố kinh dị: Victor Lavalle’s Destroyer đáng sợ vì đằng sau tất cả những yếu tố khoa học viễn tưởng, về bản chất, nó tượng trưng cho hệ thống giá trị méo mó của loài người, khi hệ thống này đặt nặng giá trị vào những bộ phận cơ thể biến thành quái vật của Frankenstein hơn là một cậu bé 12 tuổi bằng xương bằng thịt bị giết vì màu da của mình.
4. Black Hole (1995 – 2005)
Nội dung: Black Hole là bộ truyện hay về tâm lý bất ổn của lứa tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt khi đọc đến đoạn căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STD) khiến cơ thể nạn nhân bị biến dạng. Lấy bối cảnh Seattle vào giữa thập niên 70, Black Hole kết hợp ý tưởng về sự cô lập của tuổi teen trong đời thực với yếu tố khoa học viễn tưởng và nỗi kinh hoàng về loại virus đột biến ảnh hưởng đến cơ thể con người, và đến lượt các mối quan hệ của nhân vật với những thanh thiếu niên khác cũng trải qua sự khủng hoảng tương tự.
Yếu tố kinh dị: Rõ ràng, các dị nhân trong Black Hole không phải là X-Men – họ không sở hữu sức mạnh mà chỉ có những nỗi phiền não. Qua nét vẽ cứng cáp và sắc nét của Charles Burns, những sự biến dạng đầy kịch tính được khắc họa một cách trần trụi dưới dạng trắng đen mà không theo phong cách tranh fantasy màu như trong truyện tranh siêu anh hùng. Thêm vào đó là phép ẩn dụ hết sức chân thực về quái vật và tuổi dậy thì, khiến Black Hole đem lại một trải nghiệm rùng rợn cho người đọc.
3. The Autumnal (2020 – 2021)
Nội dung: The Autumnal theo chân bà mẹ đơn thân Kat Somerville và con gái Sybil từ Chicago trở về quê nhà ở Comfort Notch, New Hampshire. Mẹ của Kat vừa qua đời, và cô chỉ nhớ mang máng về cuộc sống của mình ở nơi nhỏ bé, kỳ lạ này, nhưng như thế có thể sẽ tốt hơn… Mùa thu đẹp nhất nước Mỹ có lẽ đang che giấu những bí mật kinh hoàng nhất dưới lớp lá thu rơi.
Yếu tố kinh dị: Daniel Kraus, Chris Shehan, Jason Wordie, và Jim Campbell đã biến nỗi nhớ nhà thành điều mà hết thảy chúng ta đều muốn loại bỏ càng sớm càng tốt. The Autumnal có thể khiến người đọc sững sờ khi nó đào sâu vào những nỗi kinh hoàng lẩn quất sau thị trấn Comfort Notch tươi đẹp – câu chuyện phóng đại những thế lực đen tối cổ xưa dường như chỉ ẩn náu ở những nơi lâu đời nhất trong thế giới của chúng ta.
2. Gideon Falls (2018 – 2020)
Nội dung: Gideon Falls xoay quanh một thị trấn vừa mất đi linh mục Công giáo, và vị linh mục thay thế yếu lòng tin nhưng lại được mong đợi sẽ mang đến nhiều đức tin cho nơi này. Cơn khủng hoảng đức tin ập xuống trên vai ông khi một kho thóc đen đổ nát không biết từ đâu xuất hiện, và sự xuất hiện của nó khơi dậy huyền thoại bí ẩn về những kho thóc đen tương tự – chúng chính là điềm báo cho thời kỳ tồi tệ phía trước. Và thật bất ngờ những tin đồn đó đã trở thành sự thật.
Yếu tố kinh dị: Gideon Falls giống như một câu chuyện kinh dị được lan truyền trên mạng (creepypasta).Trong truyện, kho thóc đen đóng vai trò như điềm báo cho điều chẳng lành. Nó làm nổi bật sự tò mò khi chứng kiến nỗi kinh hoàng và kéo chúng ta vào bên trong cánh cửa kho thóc cũ nát, nơi tạo nên bức màn bí ẩn của câu chuyện.
1. Uzumaki (1998 – 1999)
Nội dung: Nhiều năm trước khi thể loại phim kinh dị Nhật như The Ring lôi cuốn chúng ta vào màn ảnh hoặc khi bạn vẽ nguệch ngoạc một chữ ‘S’ vào lề quyển vở, tác phẩm Uzumaki của Junji Ito đã biến hình ảnh xoắn ốc quen thuộc thành biểu tượng của sự sợ hãi. Khi cư dân tại một thị trấn nhỏ trở nên mê mẩn với những hình xoắn ốc, hai thiếu niên chỉ có thể kinh hoàng chứng kiến sự say mê đó biến thành một nỗi ám ảnh khi bạn bè, hàng xóm, và gia đình của họ ngày càng sa đà vào hình xoắn ốc kì quái – họ cuộn xoắn đồ đạc, động vật, và thậm chí là cơ thể của chính mình thành những hình thù vô cùng ghê rợn.
Yếu tố kinh dị: Hình xoắn ốc là một cấu trúc đơn giản đến vô hại đặc biệt là khi hình xoắn ốc là thứ bất kì ai trong chúng ta cũng có thể vẽ nguệch ngoạc lên giấy. Tuy nhiên, sau khi đọc xong Uzumaki của Junji Ito, bạn sẽ không thể vẽ hình xoắn ốc mà không có cảm giác lo sợ – và có thể đó là nỗi sợ đánh mất sự tỉnh táo của chính mình.
- Nguồn: GamesRadar+
- Dịch: Xuân Chiêu