Chính Phủ Sẽ Xem Xét Biện Pháp Bảo Vệ Họa Sĩ Truyện Tranh Khỏi AI

Tác Giả Của Love Hina: Chính Phủ Sẽ Xem Xét Biện Pháp Bảo Vệ Họa Sĩ Truyện Tranh Khỏi AI

23/04/2024

Tác giả của Love Hina, chính trị gia Ken Akamatsu trải lòng về cách chính phủ Nhật Bản xem xét lại các chính sách liên quan đến bản quyền và nghệ thuật AI.

Theo tác giả của Love Hina, chính trị gia Ken Akamatsu, chính phủ đang tranh luận về vấn đề tạo ảnh tự động bằng AI có vi phạm bản quyền của họa sĩ truyện tranh ở Nhật Bản hay không.

Tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra là một trong những vấn đề lớn mà họa sĩ truyện tranh hiện đại – người thường xuyên đứng trước nguy cơ bị AI đánh cắp và tái sử dụng tác phẩm của mình với mục đích khác – phải đối mặt. Kể từ khi AI ra đời, nhiều chính phủ trên thế giới đã bắt đầu đánh giá lại biện pháp xử lý những chương trình dựa vào tài liệu có bản quyền để tạo hình ảnh. Gần đây, Ken Akamatsu, thành viên Hạ Viện Nhật Bản, đề cập những vấn đề liên quan đến chương trình AI có tên là LoRA. Chương trình này bị cho là đã được sử dụng để tạo hình ảnh giống hệt tác phẩm của Kishin Higuchi, một họa sĩ truyện tranh nổi tiếng ở Nhật Bản.

 

 “Chúng tôi đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến chương trình LoRA của giáo sư Kishin Higuchi. Điều kỳ lạ ở đây là khu vực phân phối trên Civitai nói rằng, ‘Tất cả hình ảnh dùng cho việc huấn luyện đều do tôi tạo ra và không sử dụng bất kỳ tác phẩm có bản quyền nào của họa sĩ minh họa.’ Tuy nhiên, ngay cả khi không sử dụng tác phẩm có bản quyền của họa sĩ minh họa cho huấn luyện AI, nếu tạo và sử dụng tác phẩm “lệ thuộc và tương đồng” với tác phẩm có bản quyền hiện có, thì hành vi đó sẽ là hành vi xâm phạm quyền tác giả”, Akamatsu viết trên X (trước đây là Twitter).

Các nhà phát triển AI có thể phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm bản quyền truyện tranh

Nếu các nhà phát triển AI quyết tâm thực hiện, nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ cho người tạo ra tác phẩm nghệ thuật AI, mà còn cả người đứng sau công nghệ tạo ra nó. “Bên cạnh người dùng,” Akamatsu viết tiếp, “nhà phát triển (tức “cha đẻ” của LoRA) cũng đứng trước nguy cơ trở thành kẻ vi phạm… chính phủ cũng đang cân nhắc khả năng vi phạm quyền liên quan đến AI, chẳng hạn như quyền công khai.”

Tranh cãi nảy lửa xung quanh anime và manga liên quan đến sử dụng AI

Trong cộng đồng anime, AI thường bị chỉ trích vì đạo nhái phong cách của những họa sĩ nổi tiếng. Năm ngoái, nhà xuất bản Shinchosha (Nhật Bản) hứng chịu “cơn mưa” chỉ trích vì phát hành bộ truyện mang tên Cyberpunk: Peach John do AI vẽ, mô phỏng phong cách mang tính biểu tượng của Sui Ishida (Tokyo Ghoul). Tương tự, Studio OLM (Pokémon, Yo-kai Watch) cũng bị chỉ trích dữ dội vì sử dụng hình ảnh do AI tạo ra trong video ca nhạc cho loạt phim Beyblade X. Phần lớn sự phẫn nộ của công chúng bắt nguồn từ niềm tin rằng các công ty giải trí chỉ đơn giản thay thế họa sĩ con người bằng AI với mục đích tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất.

Rootport (Cyberpunk: Peach John) bảo vệ đứa con tinh thần của mình bằng cách chỉ ra rằng quá trình sáng tác không hoàn toàn phụ thuộc vào AI và rằng vẫn cần đến con người. Mặc dù điều này đúng trong nhiều trường hợp, song nhiều người vẫn lo ngại về việc AI ngày càng được ứng dụng rộng rãi, cũng như tác động của nó đối với họa sĩ ngoài đời thực. Năm ngoái, do chính phủ không hành động kịp thời, giới họa sĩ Nhật Bản bắt đầu kiến nghị biện pháp bảo vệ tác phẩm của họ khỏi các chương trình AI như MIMIC – chương trình có khả năng tạo tức thời hình ảnh từ tác phẩm có bản quyền hiện có.

Nguồn: CBR

Dịch: Toàn Vũ