Những ưu & nhược điểm trong công việc Freelance - Comic Media Academy

Những ưu & nhược điểm trong công việc Freelance

25/06/2020

Theo đuổi sự nghiệp freelance đôi khi có thể làm ta nản chí, do bản chất của công việc này hoàn toàn không có một khái niệm về một khối lượng công việc nhất định. Nhưng một số người lại cho rằng, freelance là một hình thức công việc mang lại cho họ sự tự do, khi họ có thể là sếp của chính bản thân mình.

Điều tốt nhất bạn có thể làm nếu bạn đang có suy nghĩ bỏ lại sau lưng công việc lương tháng của mình, hay thậm chí bạn đang muốn nhảy trực tiếp vào thị trường béo bở này ngay sau khi tố nghiệp hoặc thôi học, chính là bạn phải nhận thức được chính xác bạn đang dấn thân vào điều gì. Quyết định theo đuổi một sự nghiệp nào đó là một nước đi cực kì quan trọng trong cuộc đời của bạn, vì vậy am hiểu những rủi ro và những điểm tích cực là một điều vô cùng thiết yếu. Freelance có rất nhiều khía cạnh, bạn nên có trong đầu một số khái niệm về freelance trước, và sau đó bạn luôn có thể làm thử một thời gian trước khi đi vào quyết định rằng công việc freelance nào phù hợp với bạn, và liệu đó có phải là sự nghiệp mà bạn muốn theo đuổi hay không.

Một trong những cách tốt nhất giúp bạn hình dung được về công việc này,  đó chính là làm freelance theo hình thức part-time song song với công việc chính của bạn. Từ đó bạn có thể hình dung được khối lượng công việc, thời gian để hoàn thành công việc đó và những lợi ích mà bạn sẽ có được. Và không dài dòng hơn nữa, sau đây là những ưu và nhược điểm của ngành freelance mà bạn nên cân nhắc.

ƯU ĐIỂM CỦA NGÀNH FREELANCE

1/ SỰ “DẺO DAI” TRONG CÔNG VIỆC

Một trong những lợi ích lớn nhất có thể thấy được đó chính là bạn sự tự do trong công việc của bạn, khi bạn có thể thoải mái lựa chọn thời gian làm việc và khối lượng công việc mà bạn muốn làm. Nếu bạn đang gặp một số trở ngại, như việc đang phải nuôi con nhỏ chẳng hạn, freelance có thể đem lại cho bạn sự tự chủ trong việc cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc. Freelance còn phụ thuộc vào thị trường hay ngành công nghiệp mà bạn chọn, từ đó bạn mới có thể phân chia ra khối lượng công viêch và thời gian làm việc. Đây là một lợi thế rất lớn, khi bạn có thể dành thời gian cho gia đình và đồng thời duy trì được thu nhập. Nên nhớ rằng, sự sắp xếp hợp lí là mấu chốt, vì bạn vẫn sẽ phải bỏ ra một khối thời gian rất lớn để có thể duy trì và phát triển nghề này đấy.

2/ TIỀN LƯƠNG

Khi bạn vẫn còn là nhân viên cho một doanh nghiệp nào đó, có thể bạn sẽ được tăng lương theo một chu kì nhất định, hoặc mức lương đó sẽ cố định. Nhưng nếu theo nghiệp freelance, bạn hoàn toàn có quyền đòi hỏi thêm tiền. Nhưng tất nhiên, bạn sẽ gặp khá nhiều người cạnh tranh với bạn, và bạn phải chứng minh được cho khách hàng của mình rằng bạn là một chuyên nghiệp trong chính lĩnh vực sở trường của bạn. Nói ngắn gọn rằng, nếu bạn làm càng nhiều và dự án bạn tham gia có quy mô càng lớn, tiền lương của bạn sẽ hậu hĩnh hơn nhiều. Thêm nữa, nếu bạn đang điều hành doanh nghiệp của mình dưới hình thức công ty TNHH, khả năng cao bạn sẽ bị đánh thuế ít hơn nếu bạn là nhân viên.

3/ BẠN CHÍNH LÀ SẾP CỦA CHÍNH BẠN

Bạn chính là người đúng ra quản lý chính bản thân bạn, và nếu bạn cảm thấy không hợp với việc bị gò bó bởi cấp trên, freelance nghe có vẻ rất hấp dẫn đấy nhỉ? Bạn có quyền quyết định tất cả, từ thời gian bạn muốn bỏ ra để làm việc cho đến lựa chọn dự án mà bạn muốn tham gia. Đây chính là yếu tố tự do mà đã giúp rất nhiều tài năng có cơ hội “nở hoa”. Nhưng cần có một sự tự tin tuyệt đối vào kĩ năng của bản thân, nôn nóng để học hỏi những điều mới mẻ thì bạn mới có thể thành công trong sự nghiệp này.

4/ XÂY DỰNG KĨ NĂNG CÁ NHÂN

Việc trở nên “ông chủ” của chính bản thân mình, không có ai để điều hành và dẫn lối, sẽ thúc đẩy bạn phát triển thêm nhiều kĩ năng hơn. Điều này là rất tốt khi bạn có thể học được thêm nhiều điều mới và dần dần kĩ năng cá nhân của bạn cũng sẽ phát triển theo. Tập trung tuyệt đối vào lĩnh vực bạn giỏi nhất, và nếu làm tố thì một ngày nào đó bạn sẽ trở thành một chuyên nghiệp trong lĩnh vực đó đấy.

5/ KHÔNG PHẢI DI CHUYỂN ĐẾN NƠI LÀM VIỆC

Tuỳ thuộc vào doanh nghiệp hay khách hàng của bạn, nhưng khả năng cao bạn luôn có được quyền làm việc tại gia. Bạn đã có thể loại bỏ hoàn toàn việc dành nhiều thời gian để di chuyển tới văn phòng, và dành thời gian đó để làm những việc cần thiết khác. Nhiều công việc đòi hỏi bạn phải di chuyển rất rất xa, dễ gây nên sự chán nản và mệt mỏi cho bạn ngay trước khi bạn bắt đầu công việc của mình. Nhưng để xứng đáng với đặc ân làm việc tại gia, bạn cần phải đảm bảo chất lượng và sản lượng công việc của mình.

6/ FREELANCE CHÍNH LÀ KINH DOANH

Khi bạn quyết định trở thành một freelancer, tức là bạn đã bắt đầu một sự nghiệp kinh doanh của chính bạn. Bạn có thể thành lập một công ty freelance, hay thậm chí “rao bán” kĩ năng của bạn. Bạn có thể sẽ cân nhắc việc tuyển một kế toán quản lý tài chính và tạo cho mình một tài khoản ngân hàng chuyên để làm ăn đấy. Trở thành freelancer và quản lí chính công việc kinh doanh của mình có thể gặt hái được nhiều thành công, nhưng việc đó luôn đòi hỏi những trách nhiệm vô cùng cao cả. Nhưng nếu bạn có thể gồng gánh mọi trách nhiệm về từng mảng trong công cuộc làm ăn, thì cũng đồng nghĩa mọi khoản tiền của từng mảng cũng sẽ về tay của bạn đấy.

7/ TỰ DO LỰA CHỌN ĐỐI TƯỢNG LÀM VIỆC CHUNG

Khi bạn vẫn còn là một nhân viên, hầu như không có một sự lựa chọn người làm việc chung nào dành cho bạn cả. Cấp trên sẽ luôn chỉ tuyển dụng những người mà họ cho rằng là phù hợp với doanh nghiệp của họ, ít khi quan tâm đến tính cách. Nhưng một khi đã quyết định trở thành một freelancer, bạn sẽ không phải gượng ép bản thân làm việc với những khách hàng hay thậm chí đồng nghiệp tồi tệ và phiền phức. Giờ đây bạn chính là người viết ra luật, chính là người lựa chọn đối tượng làm ăn. Nhưng điều đó cũng không hoàn toàn đúng, vì bạn sẽ có được một số những hợp đồng có tiền lương vô cùng lớn và khó để từ chối, nhưng khách hàng lại là những người khó tính. Dù sao, bạn cũng có thể từ chối làm ăn với họ vào lần tiếp theo nếu bạn thấy không phù hợp mà nhỉ?

NHƯỢC ĐIỂM CỦA NGÀNH FREELANCE

1/ THU NHẬP KHÔNG ỔN ĐỊNH

Từ bỏ một công việc nhân viên cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ một mức lương cố định hàng tháng. Đây có thể nói là một trong những điểm trừ lớn nhất khi bạn theo đuổi sự nghiệp freelance. Một freelancer luôn lo lắng về những dự án sắp đến và thường họ phải tính trước rất nhiều. Nếu đã lựa chọn sự nghiệp này, bạn luôn luôn phải tìm cách để tiếp cận tới những khách hàng. Nhưng yên tâm, nếu bạn đã tìm được một số khách hàng ổn định thì việc tìm kiếm dự án để làm sẽ phần nào nhẹ nhàng hơn đấy.

2/ TỰ LÀM MỌI CÔNG ĐOẠN

Khi đã là một freelancer, bạn có thể nghĩ đơn giản rằng mình chỉ cần làm những công việc liên quan đến sở trường của mình. Lấy ví dụ là một thợ chụp ảnh, bạn sẽ mặc định nghĩ rằng công việc của bạn chỉ liên quan đến chụp và chụp thôi. Nhưng, như đã nêu trên, trở thành một freelancer đồng nghĩa với việc bạn đang tự mình điều hành một công việc kinh doanh, và mọi khâu trong công cuộc điều hành đều phải do chính tay bạn thực hiện. Điều này có thể bao gồm tự mình thương lượng với khách hàng, tự mình quản lí ngân sách, …

3/ SỰ CÔ ĐƠN

Một khi đã trở thành một freelancer, đôi lúc bạn sẽ cảm thấy đơn độc khi luôn phải làm việc một mình. Đồng ý rằng, công sở là một nơi khá ồn ào và có nhiều điều xao nhãng, ví dụ như đồng nghiệp, nhưng nếu bạn là người hướng ngoại thì sự cô đơn trong công việc này sẽ càng dễ cảm nhận hơn đấy. Đồng nghiệp có thể phiền toái, nhưng họ cũng góp phần giúp bạn hoàn thành những dự án mà bạn tham gia. Và, khi đã ngheo nghiệp freelance, mọi công đoạn đều phải do bạn làm ra, không có một sự trợ giúp nào dành cho bạn cả.

4/ THIẾU ĐI NHỮNG LỢI ÍCH CỦA MỘT NHÂN VIÊN

Đây cũng là một trở ngại lớn dành cho các freelancer. Nếu bạn muốn nghỉ phép để đi chơi ngày lễ lộc, hay thậm chí là bạn bị ốm và không thể làm việc được, thì bạn sẽ không nhận được lương. Điều này có nghĩa rằng, mọi freelancer thường phải dành ra một quĩ tiền dành cho những trường hợp khẩn cấp, dành cho những lúc họ không thể tiếp tục công việc hay  cho những lúc muốn nghỉ ngơi. Ngoài ra, các lợi ích lao động khác như lương hưu, bảo hiểm y tế cá nhân,… cũng là những lợi ích mà bạn sẽ phải đánh đổi đấy.

Hi vọng bài viết trên đã phần nào giúp bạn hình dung ra những mặt lợi và hại của ngành freelance. Chúng tôi có bỏ sót điều gì không? Nếu có đừng ngần ngại để lại bình luận của bạn ở bên dưới nhé!

 * Nguồn: FREELANCEUK

 * Biên dịch: Khôi Nguyên