Với những bạn bắt đầu bước chân vào con đường hội hoạ, thì không chỉ gặp phải khó khăn ở khâu học thuật, mà ngay cả chọn hoạ cụ như thế nào để tiết kiệm cũng là một vấn đề nan giải. Nhiều bạn lầm tưởng rằng chọn hoạ cụ tiết kiệm là mua được hoạ cụ rẻ, song sự thật không phải thế. Họa cụ tiết kiệm là hoạ cụ được chọn đúng với nhu cầu hội hoạ của từng người, có như thế bạn mới dùng hết được công năng của chúng và tiết kiệm được chi phí.
Comic Media Academy giới thiệu đến bạn tips chọn hoạ cụ cho người mới bắt đầu.
1. Bút chì
Cho dù bạn là họa sĩ truyện tranh hay minh hoạ thì bút chì luôn là thành phần không thể thiếu trong túi hoạ cụ của bạn. Bút chì có nhiều loại, từ HB, 2B,…6B,… Cách phân loại bút chì dựa trên độ cứng của ngòi, trong đó 6B là mềm nhất. Thông thường với hoạ sĩ mới bắt đầu, bạn nên chọn bút chì cơ bản 2B, 3B để phác hoạ.
Một số hãng bút chì mà bạn có thể tham khảo là: Tombow, Staedtler, Mont Marte, Uni Mitsubishi, Columbia, Pentel,…
2. Gôm
Vấn đề của việc chọn gôm đó là đôi lúc nếu chọn không đúng thì gôm có thể tác động đến giấy làm tổn thương đến vân giấy hoặc thậm chí gây rách giấy. Không những thế, việc chọn gôm không đúng còn có thể làm giấy bị đen, bị bóng, ảnh hưởng đến các công đoạn đi nét hoặc tô màu sau này. Vì vậy, tiêu chí của việc chọn gôm đó là: gôm mềm, gôm được sạch chì và không làm tổn thương mặt giấy. Ngoài ra, bạn còn có thể chọn loại gôm dẻo trong trường hợp không thích vụn bút chì rơi vãi khắp nơi.
Các hãng gôm tốt mà bạn có thể tham khảo như: Pentel, Tombow Dust Catch Mono, Stabilo, Hypolimer,…
3. Bút đi nét
Bút đi nét được hoạ sĩ vẽ truyện tranh truyền thống rất ưa chuộng. Nếu bạn muốn vẽ truyện tranh thì việc sắm một bộ bút đi nét với đầy đủ kích cỡ ngòi là một nhu cầu không thể thiếu. Song nếu không chọn được bút đi nét chất lượng, bạn dễ rơi vào trường hợp “tiền mất – tật mang” khi mực đi nét bị lem khi đi màu, hoặc thậm chí là lem trên giấy thông thường.
Tiêu chuẩn để chọn bút đi nét hiệu quả đó là: mực không lem, kích thước ngòi chuẩn, lâu bị khô mực. Các hãng bút đi nét mà bạn có thể tham khảo đó là: Sakura, Mitsubishi, Marvy, Deli,…
4. Giấy
Giấy dùng cho hội hoạ có rất nhiều loại, từ giấy in A4 thông thường cho đến các chất liệu khác như canson, kraft, giấy màu,… Hơn nữa, tuỳ theo nhu cầu sử dụng, giấy còn được chia làm 2 dòng, đó là dòng artist và dòng student. Giấy có chất lượng artist còn được biết đến là dòng giấy có tuổi thọ lưu trữ tranh, acid-free (giấy được khử hết chất acid) và được làm ra với độ bền cao. Giấy không acid-free (non acid-free) sẽ bị vàng và giòn dần theo thời gian, tuổi thọ cũng vì thế mà thấp hơn nhiều. Nếu bạn chỉ mới bắt đầu hoặc chỉ tập luyện thì giấy chất lượng student là lựa chọn khá ổn tuy nhiên lớp màu trên giấy sẽ không được bền lâu theo thời gian như các dòng cao cấp hơn.
Một lưu ý khi chọn giấy đó là, độ dày của giấy không phải là thước đo cho chất lượng vì ngay cả những dòng giấy tốt nhất cũng chia ra làm hai dòng giấy nặng (dày) và nhẹ (mỏng). Trọng lượng giấy được các hãng sản xuất ghi trên bao bì kí hiệu 90 Ib/190 gsm, 140 Ib/300 gsm, 300-400 Ib/600-850 gsm.
Giấy định lượng cao có giá thành cao hơn so với loại mỏng nhưng lại vô cùng thích hợp với nhiều nhu cầu của các họa sĩ chuyên nghiệp vì không cần bồi giấy và có thể chịu được nhiều lớp màu. Người mới bắt đầu có thể lựa chọn giấy định lượng từ 180g đến 300 gsm, tiết kiệm chi phí nhất mà vẫn thực hiện được nhiều kĩ thuật khi vẽ.
5. Màu
Màu quá rẻ thường không mang lại hiệu ứng tốt khi vẽ và đôi khi sẽ làm hỏng công sức mà bạn đã bỏ ra trong những phần trước đó. Vì vậy, một trong những tiêu chí quan trọng khi chọn màu đó là hiệu quả sử dụng. Tương tự như giấy, màu cũng có 2 dòng cho artist và student. Nếu bạn là người mới vào nghề, thì màu của các hãng như: Pentel, Sakura, Leningrad, Macro,… là những lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn.
(Lạc An)